Trích đoạn từ cuốn sách “Công cụ cộng sinh” của Ivan Illich
Trong Công cụ cộng sinh, Illich lập luận rằng các xã hội hiện đại đã trở nên quá phụ thuộc vào các hệ thống thể chế và công nghệ hạn chế tự do cá nhân và cản trở sự phát triển thực sự của con người. Ông đặt ra thuật ngữ “cộng sinh” để mô tả một xã hội mà trong đó, các cá nhân có khả năng tương tác tự do và sáng tạo với nhau, cũng như với các công cụ và công nghệ của họ, để theo đuổi mục tiêu của riêng họ và phát huy hết tiềm năng của họ.
Illich chỉ trích “sự độc quyền triệt để” của các tổ chức chuyên nghiệp và hệ thống chuyên gia đã tước quyền của các cá nhân và tạo ra một nền văn hóa phụ thuộc. Ông lập luận rằng các tổ chức như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông vận tải nên được thiết kế lại để thúc đẩy sự vui vẻ, nơi mọi người có thể tham gia tích cực vào việc định hình cuộc sống và cộng đồng của chính họ.
Trên hết, cuộc thảo luận chính trị bị lấn át bởi một ảo tưởng về khoa học. Thuật ngữ này giờ đã mang nghĩa là một doanh nghiệp mang tính thể chế chứ không còn là một hoạt động cá nhân, nó trở thành việc giải đố hơn là hoạt động sáng tạo khó đoán biết của các cá nhân. Khoa học giờ đang được sử dụng để dán nhãn cho một cơ quan vô hình sản xuất ra thứ kiến thức tốt hơn giống như việc y học tạo ra sức khỏe tốt hơn vậy. Thiệt hại gây ra do sự hiểu lầm này về bản chất của kiến thức thậm chí còn cơ bản hơn so với thiệt hại gây ra cho các quan niệm về sức khỏe, giáo dục hay khả năng dịch chuyển do việc đồng nhất chúng với đầu ra của thể chế. Những kỳ vọng sai lầm về sức khỏe tốt hơn làm cho xã hội hủ bại, nhưng chúng chỉ làm như vậy theo một nghĩa cụ thể. Chúng tạo điều kiện cho sự giảm quan tâm tới sức khỏe môi trường, lối sống lành mạnh, và năng lực tự chăm sóc những người xung quanh của mỗi người. Nhận thức sai về sức khỏe là do hoàn cảnh. Còn sự thể chế hóa kiến thức thì dẫn đến một nhận thức sai tổng quát và gây suy đồi hơn. Nó khiến người ta phụ thuộc vào việc nhờ người khác tạo ra kiến thức cho mình. Điều này dẫn đến sự tê liệt của trí tưởng tượng chính trị và đạo đức.
Chứng rối loạn nhận thức này là dựa trên ảo tưởng rằng kiến thức của từng công dân có giá trị thấp hơn “kiến thức” của khoa học. Thứ kiến thức thứ nhất là ý kiến của các cá nhân. Nó chỉ mang tính chủ quan và bị loại khỏi các chính sách. Còn thứ kiến thức sau thì là “mang tính khách quan” – được xác định bởi khoa học và được ban hành bởi những phát ngôn viên chuyên gia. Thứ kiến thức khách quan này được xem như một loại hàng hóa có thể được tinh chế, cải tiến liên tục, tích lũy và cung cấp cho một quy trình, giờ được gọi là “việc ra quyết định”. Huyền thoại quản trị mới này, bằng cách thao túng kho kiến thức, đã không tránh khỏi việc làm xói mòn sự tín nhiệm của người dân vào chính phủ.
Thế giới không chứa đựng bất cứ thông tin nào. Mọi thứ là như nó vốn thế. Thông tin về thế giới bên ngoài được tạo ra trong sinh vật thông qua việc tương tác với thế giới. Nói về việc lưu trữ thông tin bên ngoài cơ thể con người là đang rơi vào một cái bẫy ngữ nghĩa. Sách vở hay máy tính là một phần của thế giới. Chúng có thể cung cấp thông tin khi được mở ra xem. Chúng ta chuyển vấn đề học tập và nhận thức vào ngay điểm mù của tầm nhìn trí tuệ nếu nhầm lẫn giữa thông tin và các phương tiện để có được nó. Cũng là vậy nếu ta nhầm lẫn giữa dữ liệu để đưa ra quyết định và bản thân quyết định.
Sự quá tự tin vào “kiến thức tốt hơn” trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Đầu tiên, mọi người sẽ không còn tin vào óc phán xét của chính mình nữa, để rồi sau đó họ muốn được nói cho hay về những gì mình biết. Quá tự tin vào việc “ra quyết định tốt hơn” đầu tiên sẽ làm trở ngại khả năng tự quyết định của con người, rồi sau đó làm suy yếu niềm tin của họ rằng mình có thể tự quyết định.
Sự bất lực ngày càng tăng của con người trong việc tự quyết định ảnh hưởng đến cấu trúc những kỳ vọng của họ. Con người bị biến đổi từ những đối thủ cạnh tranh về nguồn lực khan hiếm thành những đối thủ cạnh tranh cho những hứa hẹn dồi dào. Sự xét xử bằng thử thách được thay thế bằng sự trông cậy vào các nghi lễ thế tục. Những nghi lễ này được tổ chức thành một sự tiêu thụ điên cuồng các dịch vụ có trong thực đơn nào đó: một chương trình giảng dạy, một liệu pháp, hay một vụ xử án. Lời hứa hẹn rằng khoa học sẽ mang đến sự sung túc cho tất cả mọi người theo tài năng được kiểm chứng khách quan của mỗi người đã tước đi của sự xung đột cá nhân tính chính đáng sáng tạo của nó. Những người đã học lại cách quyết định về các quyền của bản thân dựa trên bằng chứng của chính mình thì trở thành những con tốt trong trò chơi toàn cầu do các siêu máy điều khiển. Mỗi cá nhân không còn có thể tham gia đóng góp phần mình vào sự đổi mới liên tục của xã hội. Sự trông cậy vào kiến thức tốt hơn do khoa học tạo ra không chỉ làm mất sức mạnh của các quyết định cá nhân trong việc đóng góp vào một quá trình lịch sử và xã hội đang diễn ra, mà nó còn phá hủy các quy tắc bằng chứng mà thông qua đó kinh nghiệm vẫn thường được chia sẻ theo cách truyền thống. Người tiêu dùng kiến thức phụ thuộc vào việc nhận được các chương trình đã đóng gói sẵn được nhồi nhét vào mình. Anh ta tìm thấy sự an toàn trong kỳ vọng rằng hàng xóm và ông chủ của mình cũng đã nhìn thấy các chương trình giống thế và đọc các dòng chữ giống thế. Các quy cách trao đổi trung thực về sự quyết đoán cá nhân bị xói mòn bởi việc trông cậy ngày càng nhiều vào thứ kiến thức được đủ tiêu chuẩn đặc biệt được sản xuất bởi một ngành khoa học, một nghề nghiệp, hay một đảng phái chính trị. Các bà mẹ đầu độc con cái mình theo lời khuyên của người quảng cáo hay của bác sĩ đa khoa. Ngay cả phòng xử án và trong quốc hội, những lời đồn khoa học – được giấu kín dưới bức màn che là sự điều trần của các chuyên gia – gây ra sự thiên vị trong các quyết định pháp lý và chính trị. Thẩm phán, chính phủ và cử tri từ bỏ bằng chứng của bản thân về việc cần phải giải quyết các xung đột trong tình trạng khan hiếm được định sẵn và lâu dài, mà chọn lấy sự tăng trưởng hơn nữa trên cơ sở những dữ liệu mà họ thừa nhận là không thực sự hiểu.
Khi các cộng đồng đã trở nên quá tin tưởng vào khoa học, họ giao phó cho các chuyên gia việc thiết lập các giới hạn tối đa của tăng trưởng. Sự ủy thác dựa trên một ý tưởng sai lầm. Các chuyên gia có thể xác định các tiêu chuẩn ở các cấp độ thấp hơn một chút so với mức than phiền gay gắt quá của người dân. Họ có thể khiến cho công chúng tiếp tục rầu rĩ mà vẫn ngăn chặn được sự nổi loạn. Nhưng các nhóm đồng đẳng kín không thể được tin tưởng về khả năng tự kiềm chế trong việc phát triển hơn nữa kiến thức chuyên môn của họ. Chúng ta cũng không thể mong đợi họ đại diện cho những người dân thường được. Chuyên môn khoa học không thể xác định được mọi người sẽ chịu đựng được điều gì. Không ai có thể từ bỏ quyền quyết định điều này cho chính mình. Tất nhiên, có thể làm thí nghiệm trên người. Các bác sĩ Đức Quốc xã đã từng thăm dò xem cơ thể có thể chịu đựng được những gì. Họ đã phát hiện ra một người trung bình có thể sống sót bao lâu trước sự tra tấn, nhưng điều này không cho họ biết bất cứ điều gì về việc một ai đó có thể chịu đựng được những gì. Các bác sĩ này đã bị kết án dưới luật định được ký ở Nuremberg hai ngày sau vụ Hiroshima và một ngày trước khi bom được thả xuống Nagasaki.
Những gì mà một nhóm dân có thể chịu được thì không thể được tìm ra qua thí nghiệm. Chúng ta có thể biết điều gì sẽ xảy ra với những nhóm người cụ thể trong những hoàn cảnh khắc nghiệt – trong tù, trong một chuyến thám hiểm, hoặc trong một cuộc thí nghiệm. Những tiền lệ như vậy không thể được coi là thước đo cho sự thiếu thốn mà một xã hội sẽ chấp nhận như hệ quả của các công cụ hoặc quy tắc được dùng vì lợi ích của mình. Các đo đạc khoa học có thể cho thấy một hành động nào đó có thể đe dọa một sự cân bằng quan trọng của cuộc sống. Chỉ có sự đánh giá có cơ sở của một số đông những người thận trọng, hành động trên cơ sở những bằng chứng thường ngày phức tạp hơn nhiều, mới có thể xác định được là làm thế nào để giới hạn các mục đích cá nhân và xã hội. Khoa học có thể làm rõ kích thước không gian của con người trong vũ trụ. Nhưng chỉ một cộng đồng mang tính chính trị mới có thể lựa chọn một cách biện chứng các kích thước của mái nhà cho các thành viên trong đó sinh sống.