3 nhà khoa học Mỹ là Jeffrey Hall, Michael Rosbash và Michael Young vừa được tặng giải Nobel y học 2017 với những khám phá thú vị về ‘cơ chế điều khiển nhịp sinh học hàng ngày’.
Điều lạ lùng nhất của giải Nobel y học này có lẽ là những khám phá chuyên sâu của 3 nhà khoa học khi được phổ cập sẽ trở nên gần gũi và dễ hiểu đối với đại chúng, nhưng sẽ sổ toẹt một loạt những tri thức hàn lâm, đặc biệt là về sinh học, y dược, dinh dưỡng và giáo dục.
Tiếp cận những khám phá của 3 ông, chúng ta sẽ giật mình nhận ra rằng những tri thức khoa học đang được thừa nhận về cơ thể con người lâu nay chỉ là tri thức về một cơ thể chết. Do đó, người ta cũng sẽ nhận ra nhiều (nhiều – chứ không phải là tất cả) giải pháp khoa học đồng loạt đang được ứng dụng để tác động vào cơ thể con người nhằm chữa bệnh hay cung cấp dinh dưỡng, cũng dựa vào những tri thức về cơ thể chết đó.
Trong khi với những khám phá này, ta sẽ biết cơ thể con người thay đổi theo nhịp thời gian, biến đổi theo từng sát-na trong 24 giờ của một ngày, ngày hôm nay không giống ngày hôm qua, ngày này của năm này không giống ngày này của năm trước, người Việt không giống người Mỹ, người Việt ở Cà Mau không giống người Việt ở Lạng Sơn, người Việt đang ngồi trên máy bay không giống người Việt đang ngồi ngắm biển.
Vì lẽ đó mà một con virus thâm nhập vào cơ thể con người trong buổi sáng tác hại sẽ rất khác nếu nó thâm nhập vào buổi chiều. Tất nhiên y học ngày nay, với sự cạnh tranh về hiệu quả điều trị giữa các bệnh viện, đã có nhiều nỗ lực cá thể hóa các phác đồ điều trị, nhưng vẫn còn va phải các bức tường “học phiệt” hàn lâm và sức mạnh của các tập đoàn công nghiệp dược phẩm, nên những nỗ lực này còn lâu mới đi đến triệt để.
Điều thú vị nữa là những khám phá này như vén một bức màn, quét một lớp bụi giúp ta nhìn thấy trí tuệ dân gian và tinh hoa của nền y học cổ truyền của các dân tộc, trong đó có dân tộc ta. Tôi vẫn nhớ bà nội tôi bảo rằng rau được hái vào sáng sớm trước khi mặt trời lên ăn sẽ thơm ngon hơn là rau hái vào buổi trưa hay buổi chiều. Và ai cũng biết, nằm dưới tán cây vào ban ngày thì tốt còn vào ban đêm thì xấu nhưng nằm dưới lùm tre thì ban đêm cũng tốt như ban ngày. Người Việt chúng ta ngày xưa mỗi khi bị kiệt sức do đói lã phải dùng thứ lúa để lâu năm, gọi là trùm mễ, rang cháy lên nấu lấy nước uống sẽ hồi sức. Ấy là do cái gen di truyền của người Việt ta được “cài đặt” thích nghi với lúa gạo, là món ăn chính của tổ tiến ta từ thời lập quốc. Còn sữa động vật là món ăn thường xuyên của các chủng tộc xứ lạnh, không thích hợp với cấu trúc sinh học của người Việt mà tổ tiên vốn không ăn sữa, nên nếu ăn quá nhiều món ăn từ sữa như bơ hay phô mai sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, dễ thấy nhất là nhiều người bị bệnh đái gắt.
Tổ tiên ta ngày xưa đi hái thuốc bao giờ cũng hái theo mùa và hái theo giờ. Có những thứ lá nếu hái vào buổi sáng hay hái vào mùa xuân thì chữa được bệnh, còn hái vào buổi chiều hay hái vào mùa hè thì vô dụng. Không có một thang thuốc nào được bốc đồng loạt cho mọi người có cùng một bệnh. Các vị thần y ngày xưa bắt mạch và bốc thuốc, không dùng từ “chẩn đoán”, vì “chẩn đoán” là chấp nhận sai số, là không trọng tánh mạng con người. Những tri thức về y dược cổ truyền chủ yếu không để lại bằng sách vở mà được “di truyền” trong dân gian. Đó chính là nền y dược phòng bệnh được cá thể hóa một cách triệt để.
Những khám phá của 3 nhà khoa học nói trên tuy là một bước tiến kỳ vĩ của trí tuệ con người, nhưng lại gián tiếp tái xác nhận sự bất lực của khoa học trong tham vọng “biết tuốt” những bí ẩn của thiên nhiên và cuộc sống. Tôi muốn nhắc lại một làn gió khiêm nhường thổi vào giới khoa học từ cuối thế kỷ 19 sau khi nhà toán học lừng danh Henri Poincaré giải bài toán ba vật thể của Newton. Từ một sai số vô cùng bé mắt thường không nhìn thấy của dữ liệu ban đầu, có thể cho ra sự khác biệt khổng lồ trong kết quả dự đoán, rằng muốn đạt được sự chính xác của dự đoán thì các dữ liệu ban đầu phải chính xác tuyệt đối, mà để có những dữ liệu chính xác tuyệt đối là điều bất khả, dù trong tương lai máy móc đo đạc có tinh xảo tới đâu. Poincaré đã đặt nền móng cho một lý thuyết mới, đó là thuyết hỗn độn (Chaos theory) gây chấn động một thời trong giới khoa học, chỉ ra sự giới hạn của việc dùng toán học và vật lý học để dự đoán sự chuyển động của các vật thể trong vũ trụ. Sau này nhà khí tượng học người Mỹ Edward Lorenz, khi lập mô hình dự báo thời tiết trên máy tính, đã làm tròn một con số mà ông nghĩ nó chỉ có một chút khác biệt bé tí tẹo không đáng kể, đã nhận được một kết quả khác biệt vô cùng lớn so với mô hình ông đã làm trước đó với cùng một thông số. Từ đó xuất hiện thuật ngữ “hiệu ứng cánh bướm”, một con bướm vỗ cánh trên cây bưởi vườn nhà tôi ở một vùng quê Nam bộ của Việt Nam, sau hai năm biết đâu sẽ biến thành một cơn bão cấp 8 xuất hiện ở một nơi nào đó trên nước Mỹ.
Không có chuyện nhỏ hay lớn trong khoa học, càng không có chuyện nhỏ hay lớn trong khoa học liên quan đến sức khỏe con người. Trong khoa học, luôn luôn tồn tại những hiệu ứng cánh bướm mang tính hủy diệt. Khó có thể dự đoán được ngành y dược thế giới sẽ thay đổi như thế nào với sự khám phá của 3 nhà khoa học nói trên được giới hàn lâm công nhận, nhưng vẫn có thể nhìn thấy một tia hy vọng, rằng mỗi một con người cần được đối xử như một cá thể, với tất cả những đặc tính riêng biệt của nó, rằng cần tránh xa sự can thiệp đồng loạt đối với con người, không chỉ đối với vấn đề sức khỏe.
Theo Hoàng Hải Vân
Nguồn: https://thanhnien.vn/giai-nobel-y-hoc-2017-so-toet-mot-loat-tri-thuc-ve-con-nguoi-185701766.htm