Các nhà lập pháp ở cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đều bày tỏ những mối lo ngại sâu sắc về cách tiếp cận [theo lối] ‘điều khiển và chi phối’ ngày càng bành trướng của WHO.
Ai mới thực sự là người đang thống trị thế giới đây?
Trong một thế giới đang đương đầu với những thách thức y tế chưa từng có, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ôm trong mình tham vọng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng và nguồn tài chính của mình. Trọng tâm của sáng kiến này là những sửa đổi quan trọng đối với Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) và đưa ra một Hiệp ước Đại dịch mới.
Nhằm mục đích tăng cường an ninh y tế toàn cầu, những cải tổ này đã kích khởi một cuộc tranh luận về sự cân bằng giữa hợp tác quốc tế và chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực y tế công cộng.
Các kế hoạch này của WHO, dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2023, đã gặp phải nhiều lần trì hoãn dẫn đến việc Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus phải đưa ra một yêu cầu chính thức vào cuối tháng Một.
Ông đã kêu gọi các quốc gia thành viên thỏa hiệp, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hoàn tất quá trình đàm phán này.
Ông Tedros đã cố gắng phản bác chỉ trích bằng cách cho rằng thái độ phản đối này bắt nguồn từ sự hiểu lầm hoặc cố ý xuyên tạc ý định của WHO. Tuy nhiên, dường như ông Tedros và nhóm của ông đang phải đối mặt với một nhận thức ngày càng trở nên rõ ràng, đó là: sức ảnh hưởng của họ đối với chính sách y tế toàn cầu đang suy yếu.
Sự phản kháng này không chỉ giới hạn ở các quốc gia nhỏ hơn, ít ảnh hưởng hơn mà còn mở rộng sang các cường quốc vốn tài trợ đáng kể cho WHO.
Các nhà lập pháp ở cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đều bày tỏ những mối lo ngại sâu sắc về cách tiếp cận [theo lối] “điều khiển và chi phối” ngày càng bành trướng của WHO trong việc ứng phó với các vấn đề y tế cộng đồng.
Tại Úc, đảng thiểu số One Nation (Một Quốc Gia) đã bày tỏ những lo ngại này, cùng với một vài thượng nghị sĩ khác như ông Alex Antic và ông Gerard Rennick của khối Liên đảng Úc và ông Ralph Babet của Đảng Thống nhất Úc (UAP). Họ lo ngại rằng những sửa đổi được đề xướng này có thể dẫn đến một sự tập quyền chưa từng có, đồng thời gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia.
Thành viên Nghị viện Âu châu Rob Roos đã nhấn mạnh những mối nguy hiểm tiềm tàng này trong tham vọng của WHO trong một bài thuyết trình vào cuối tháng Hai ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ông cho rằng các đề nghị sửa đổi đối với IHR và các cuộc đàm phán đang diễn ra về một hiệp ước đại dịch là một con dốc trơn trượt hướng thẳng tới sự suy giảm quyền tự chủ của quốc gia trong các vấn đề y tế.
Bối cảnh dẫn đến những biện pháp này có thể được theo dõi từ ngày 01/12/2021, khi 194 quốc gia thành viên WHO đồng ý đẩy nhanh những nỗ lực hướng tới một hiệp ước hoặc khuôn khổ toàn cầu tương tự nhằm tăng cường quyền lực của WHO, đặc biệt là quyền lực của tổng giám đốc, trong việc quản lý và ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Bất chấp sự ủng hộ của Nghị viện Âu Châu đối với một hiệp ước đại dịch có tính ràng buộc, thì cuộc đối thoại [về đề xướng này] vẫn ẩn chứa nhiều tranh cãi.
Theo ông Roos, chính phủ Tổng thống Biden ban đầu đề xướng hơn 300 sửa đổi.
Những sửa đổi này hiện đang được cân nhắc và dự kiến sẽ được chốt lại trong một cuộc bỏ phiếu tại đại hội đồng của WHO vào cuối tháng Năm. Những sửa đổi này, nếu được thông qua, sẽ không cần phải được quốc hội các quốc gia phê chuẩn, và có khả năng cho phép WHO bỏ qua các quy trình dân chủ của quốc gia.
Các nhà phê bình, trong đó có luật sư người Thụy Sỹ Phillip Kruse, cho rằng các cuộc đàm phán này phần lớn đã bỏ qua một lượng lớn dữ liệu và bằng chứng khoa học nêu bật những tác động bất lợi của các chiến lược quản lý đại dịch của WHO bao gồm phong tỏa, các quy định đeo khẩu trang bắt buộc, và chích ngừa thử nghiệm.
Thỏa thuận đại dịch được đề xướng và các sửa đổi đối với Điều lệ Y tế Quốc tế đang gây tranh cãi vì hướng đến việc tập trung quyền lực y tế toàn cầu.
Các nhà phê bình cho rằng điều này có thể chính thức hóa các biện pháp y tế công cộng đơn phương, gây tranh cãi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 dưới chiêu bài chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai. Những thay đổi này có thể trao quyền cho WHO áp đặt rộng rãi các yêu cầu đối với các quốc gia thành viên trong bất kỳ tình huống khẩn cấp y tế công cộng nào, từ dịch cúm đến biến đổi khí hậu mà không có tiêu chuẩn hoặc trách nhiệm giải trình rõ ràng nào.
Quá trình đàm phán này đã bị hủy hoại do thiếu minh bạch và không đồng nhất về thủ tục. Ban đầu, WHO đã trù tính rằng sẽ công bố bản dự thảo sửa đổi cuối cùng của Điều lệ Y tế Quốc tế trước Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 05/2024, để có thời gian cho các cuộc tranh luận cấp quốc gia và phê chuẩn chính thức.
Tuy nhiên, mốc thời gian này đã được Nhóm Làm việc của WHO đơn phương thay đổi vào tháng 10/2023, đồng thời thay thế bản dự thảo cuối cùng đã được hứa hẹn nói trên bằng một bộ các sửa đổi sơ bộ và một bản dự thảo tạm thời. Sự thay đổi đột ngột này đã làm dấy lên những câu hỏi về tính hợp pháp và tính tương thích của hành động này đối với các thủ tục trong Điều lệ Y tế Quốc tế IHR hiện hành.
Tình hình này còn phức tạp hơn bởi sự biến mất của các dự thảo tạm thời và sự im lặng đáng chú ý từ các quan chức Anh quốc đã tham gia vào cuộc đàm phán này. Ông Roos cũng đã viết thư cho tổng giám đốc WHO yêu cầu những bản dự thảo này nhưng không nhận được hồi âm.
Việc chính phủ Anh từ chối tiết lộ danh tính của các nhà đàm phán hoặc không muốn công khai minh bạch quá trình trao đổi với các nghị sĩ là một ví dụ điển hình cho sự phớt lờ rõ ràng đối với các quy trình dân chủ và trách nhiệm giải trình. Cách tiếp cận kín kẽ này, cùng với những lo ngại về vấn đề tài chính và gây ảnh hưởng, cho thấy rằng nguồn tài trợ và định hướng chính sách của WHO ngày càng bị ảnh hưởng bởi những người tài trợ cho tổ chức này, bao gồm các công ty dược phẩm, Trung Quốc, và “các nhà từ thiện.”
Sự chỉ trích từ các cơ quan giám sát như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, vốn cáo buộc rằng những ưu tiên của các doanh nghiệp và quốc gia giàu có đã gây ảnh hưởng quá mức đến dự thảo hiệp ước này, nêu bật sự căng thẳng giữa lợi ích công cộng và lợi ích tư nhân.
Khi thời hạn áp dụng những thay đổi sâu rộng này ngày càng đến gần, sự thiếu minh bạch và sự tham gia của WHO cũng như các quốc gia liên quan như Úc cho thấy một khuynh hướng đáng lo ngại đó là muốn né tránh sự giám sát dân chủ.
Những nỗ lực nhằm cải tổ quản trị y tế toàn cầu của WHO đặt ra những câu hỏi cấp bách về tương lai của sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế công cộng.
Trong bối cảnh có nhiều nhà phê bình đang cảnh báo về khuynh hướng tiến tới sự tập quyền và xa rời chủ quyền quốc gia, thì thế giới cũng đang theo dõi sát sao xem WHO có thể vượt qua cơn phong ba bão táp này không.
Kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ không chỉ định hình vai trò của WHO trong các đại dịch tương lai mà còn thử thách các giới hạn của quản trị toàn cầu trong thời đại mà chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa hoài nghi đối với các thể chế đa phương ngày càng tăng cao.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times