Những năm 60 thế kỷ trước, khi tiến hành các cuộc thí nghiệm hiệu ứng nổ hạt nhân dưới lòng đất, các nhà khoa học Liên Xô đã phát hiện ra một hiệu ứng đặc biệt. Đây được coi là cội nguồn của vũ khí địa chấn…
Sau khi chiến tranh lạnh xảy ra, 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô đã vào cuộc chạy đua vũ trang vô cùng quyết liệt. Với mong muốn vượt mặt người Mỹ trong lĩnh vực quân sự, Liên Xô đã không tiếc tiền của đầu tư vào việc nghiên cứu những loại vũ khí tối tân nhất, thậm chí còn bí mật nghiên cứu cả vũ khí địa chấn…
Từ phát hiện của các nhà khoa học Liên Xô…
Trước khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, các nhà khoa học Liên Xô đã từng kiến nghị lên Bộ Thống soái tối cao Liên Xô tiến hành ném bom với sức công phá cực lớn vào các khe trên núi Phú Sỹ của Nhật, nhằm tạo ra một trận động đất lớn trên toàn bộ lãnh thổ nước này, để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Rất may kế hoạch này đã không được Bộ Thống soái tối cao Liên Xô phê chuẩn, nếu không thế giới sẽ phải gánh chịu một thảm kịch còn khủng khiếp hơn thảm kịch diễn ra tại Nagasaki và Hiroshima sau đó.
Đến những năm 60 thế kỷ trước, khi tiến hành các cuộc thí nghiệm hiệu ứng nổ hạt nhân dưới lòng đất, các nhà khoa học Liên Xô đã phát hiện ra rằng, một vài ngày sau vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất, sẽ xảy ra một cuộc động đất dữ dội tại những nơi cách vị trí xảy ra vụ nổ hàng trăm kilômét thậm chí là hàng ngàn kilômét.
Thông qua phân tích dữ liệu của hầu hết các cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những cơn địa chấn này có liên quan đến những vụ nổ hạt nhân.
Phát hiện này khi đó đã làm chấn động giới chính trị và quân sự của Liên Xô. Phía quân đội Liên Xô nhanh chóng ý thức được rằng, nếu tận dụng được ưu điểm này thì sóng xung kích hạt nhân dưới lòng đất sẽ có thể phát triển thành một loại vũ khí cực kỳ lợi hại.
Nếu bí mật tiến hành một vụ nổ hạt nhân tại vị trí thích hợp nằm trên lãnh thổ Liên Xô hay tại khu vực do Liên Xô kiểm soát, có thể tạo ra được một trận địa chấn có sức phá hoại ghê gớm cho nước đối phương hay khu vực mà nước đối phương đang kiểm soát cách xa hàng trăm, thậm chí đến hàng ngàn kilômét, trong khi đó đối phương sẽ hoàn toàn bị bất ngờ và không thể phát hiện được sự việc.
Rõ ràng đây là một loại vũ khí chiến lược có sức hủy diệt vô cùng lớn và có thể làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế của nước đối phương. Điều đáng nói của loại vũ khí này là sau khi sự việc xảy ra, phía đối phương sẽ vẫn nhầm tưởng do thiên tai gây ra.
…Đến cuộc chiến hạt nhân dưới đáy Thái Bình Dương
Năm 1961, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên với sức công phá tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT tại khu vực Bắc Cực. Không lâu sau vụ thử nghiệm này, các đặc vụ của Liên Xô đã thu được một tập tài liệu thông tin công nghệ quân sự của Mỹ, sau đó trình lên Khruchev.
Trong tập tài liệu này, có một bản báo cáo về việc một tàu ngầm của Mỹ đã gặp phải sóng xung kích cực lớn từ vụ thử hạt nhân của Liên Xô. Trong báo cáo đó, người Mỹ cho biết vụ nổ lớn đã khiến cho chiếc tàu ngầm của Mỹ gặp phải một sự tấn công mang tính hủy diệt.
Sự kiện này khiến cho người Mỹ vô cùng hoảng hốt, họ lo sợ rằng Liên Xô sẽ tiến hành một vụ nổ hạt nhân tại khu vực biển gần bờ của Mỹ, từ đó sẽ gây ra một trận sóng thần tại khu vực duyên hải của nước này, và tiến đến sẽ nhấn chìm tất cả các khu vực lục địa Bắc Mỹ.
Dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ Viện Khoa học Công nghệ Liên Xô – Andry Sakhalov, rất nhiều nhà khoa học hàng đầu Liên Xô đã được huy động vào kế hoạch nghiên cứu mang tên “Vũ khí cấu tạo mặt đất” (tức vũ khí địa chấn).
Chủ trương của Sakhalov là, nếu như giữa Liên Xô và Mỹ xảy ra chiến tranh, Liên Xô cần phải thực hiện một vụ nổ bom nhiệt hạch dưới đáy biển tại khu vực gần bờ của Mỹ ngay trong giai đoạn đầu.
Thế nhưng sau khi tính toán kỹ lưỡng, Liên Xô thất vọng nhận ra rằng, vùng thềm lục địa của Mỹ quá dài và độ sâu không đủ, nên khả năng tấn công dưới đáy biển tại khu vực này rất khó trở thành hiện thực. Do đó, kế hoạch trên đã bị tạm ngừng một thời gian.
Thế nhưng, những kế hoạch nghiên cứu liên quan đến vũ khí địa chấn của Liên Xô vẫn được tiếp tục triển khai, địa điểm thực hiện của họ được chuyển xuống đáy đại dương.
Đến những năm 70, các cơ quan tình báo Liên Xô nhận được một thông tin cho biết, Mỹ đang tiến hành thăm dò địa tầng dưới đáy Thái Bình Dương, có khả năng họ sẽ mượn cớ để phát động một cuộc chiến vật lý toàn cầu.
Để ngăn chặn khả năng Mỹ ra tay trước, các nhà lãnh đạo Liên Xô lệnh cho KGB tiến hành bố trí 2 quả bom hạt nhân dưới đáy Thái Bình Dương, nếu thấy Mỹ có bất kỳ động thái gây chiến tranh trước sẽ cho nổ 2 quả bom này nhằm tạo ra một trận sóng thần tại vùng duyên hải bang California.
Những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là đặc vụ của Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Liên Xô. Đầu tiên họ tiến hành thăm dò các vết nứt địa tầng dưới đáy biển bằng tàu ngầm mini, qua đó thu được những số liệu vô cùng quý giá. Cũng chính vì vậy mà sau này họ đã nhận được Huân chương Sao vàng “Anh hùng Liên Xô”, nhưng đến nay tên tuổi của họ vẫn là một bí mật quốc gia.
Kế hoạch “Melbourne Kumaris-18”
Năm 1979, nhà khoa học Liên Xô Iqra Kerimov dẫn đầu một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Azerbaijan bắt đầu kế hoạch nghiên cứu vũ khí vật lý địa cầu có tên “Công trình Melbourne Kumaris-18”.
Căn cứ theo một tài liệu của Bộ Quốc phòng Liên Xô cho biết, tổng cộng đã có 22 đơn vị nghiên cứu tham gia kế hoạch quân sự mang tên “Melbourne Kumaris-18” này.
Nhóm nghiên cứu của Kerimov đã lấy Baku làm trung tâm nghiên cứu, sau đó thành lập nên ở đây một cơ quan nghiên cứu chuyên trách, nhiệm vụ chính là nghiên cứu những biến đổi của lòng đất do các vụ nổ hạt nhân gây ra và họ đã thu được những thành công nhất định.
Theo kết luận nghiên cứu thì, năng lượng dưới lòng đất được sinh ra từ vụ nổ bom hạt nhân có thể được tích tụ lại tại một vị trí cách xa địa điểm xảy ra vụ nổ và nguồn năng lượng này là vô cùng lớn. Nếu như sau đó lại tiếp tục một vụ nổ định hướng thì có thể giải phóng toàn bộ nguồn năng lượng khổng lồ này. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu đó, nhóm nghiên cứu của Kerimov đã nắm bắt thành công về kỹ thuật dự báo động đất.
Theo những số liệu được đưa ra sau khi Liên Xô tiến hành những thí nghiệm liên quan cho thấy, một quả bom hạt nhân với sức công phá lên đến 10.000 tấn thuốc nổ TNT đã được tiến hành nổ thử nghiệm tại một khu vực dưới đáy biển bí mật, và gây ra một cơn địa chấn với sức phá hoại lên đến 5,3 độ richter; một quả bom khác với sức công phá lên đến 100.000 tấn thuốc nổ TNT cũng đã được tiến hành nổ thử, nhưng nó chỉ gây ra một trận địa chấn với sức phá hoại là 6,1 độ richter.
Thậm chí nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Nicolas thuộc Phòng Nghiên cứu địa chất Kerimov còn quả quyết rằng, nguyên nhân gây ra hai vụ động đất lớn tại Armenia, miền Trung Kavkaze năm 1988 là do một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất diễn ra hai ngày trước và cách đó hơn 3.200 km gây ra.
Kế hoạch Sao Thủy
Ngày 30/11/1987, Trung ương Đảng Cộng sản và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra quyết định, đẩy nhanh việc nghiên cứu vũ khí cấu tạo mặt đất, một kế hoạch mang tên “Kế hoạch Sao Thủy” đã được đưa ra.
Mục đích của kế hoạch này là đẩy nhanh việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí địa chấn có thể phá hủy các mục tiêu chiến lược của đối phương. Nội dung của kế hoạch bao gồm: xác định tham số chủ yếu trong các dự báo ngắn và lâu dài; nghiên cứu chiến thuật và tài liệu công nghệ lắp đặt các trang thiết bị dự báo trên các phương tiện hàng không; nghiên cứu các phương pháp tận dụng tác dụng của những trận động đất nhỏ đối với việc kích hoạt những cơn địa chấn khác; nghiên cứu khả năng lợi dụng nguồn năng lượng địa chấn được tạo ra sau vụ nổ hạt nhân…
Để đảm bảo cho công việc của nhóm nghiên cứu Kerimov được tiến hành thuận lợi, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã thành lập ra một nhóm trợ giúp, đứng đầu là nhà khoa học địa chấn Bokhalov. Sau đó, nhà khoa học này đã đề nghị với nhóm của Kerimov, trước hết phải nghiên cứu được “bom cấu tạo”.
Năm 1988, nhóm của Kerimov đã tiến hành lần thử nghiệm đầu tiên tại khu vực cách thành phố Batkin, nước Cộng hòa Kyrgyz 50km về phía đông. Việc nghiên cứu chế tạo vũ khí địa chấn của Liên Xô đã thu được những thành công đáng kinh ngạc, Kerimov từng tự tin nói: “Nếu muốn, nhóm của chúng tôi có thể tạo ra được một trận động đất tại những nơi có khả năng xảy ra những cơn địa chấn nhỏ, thậm chí chúng tôi còn có thể tạo ra được những trận động đất bất ngờ tại bất kỳ nơi nào không có khả năng xảy ra động đất”.
Thế nhưng, do không lâu sau đó, Liên Xô bị giải thể, nguồn kinh phí khổng lồ mà nhóm nghiên cứu của Kerimov yêu cầu đã không được đáp ứng, nên cuối cùng, tất cả chương trình nghiên cứu liên quan đến kế hoạch chế tạo loại vũ khí này đều bị ngừng lại.
Nguồn: Thời báo Hoàn Cầu