Tiến trình chuyển đổi số phải bắt đầu bằng sự quyết tâm thực sự của lãnh đạo thành phố, các địa phương, ban, ngành, các tổ chức kinh tế-xã hội. Không chỉ là sự ủng hộ, sự quyết tâm, mà các lãnh đạo cần phải thực sự dành thời gian nghiêm túc cho việc biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu về chuyển đổi số để có hành động đúng cho các chương trình, hoạt động, tổ chức và chiến lược thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tổ chức mình.
Chuyển đổi số, cho đến hiện giờ, không phải là một phong trào, không phải là một việc làm song song với các công việc hiện tại, nó có một ý nghĩa và vai trò hoàn toàn khác, có tính quyết định và có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển của một quốc gia trong kỷ nguyên mới về bốn mặt:
+ Tổ chức xã hội và quản trị xã hội;
+ Tài chính và các phương thức phát triển mới;
+ Thúc đẩy khoa học – công nghệ – kỹ thuật và giáo dục;
+ Đảm bảo duy trì sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi số là một tiến trình lồng ghép vào tất cả các hoạt động chính trị-kinh tế-xã hội hiện tại của thành phố, và lãnh đạo nào thực sự “nắm” được chuyển đổi số như một tiến trình mang tính phương tiện, tất yếu, sẽ đạt được những đột phá, sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý tổ chức của mình.
Biết rõ
Chúng ta cần biết rõ: Chuyển đổi số là tiến trình giúp chuyển đổi tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Do vậy tiến trình chuyển đổi số không phải bắt đầu từ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mà phải bắt đầu bằng câu hỏi, chuyển đổi tăng trưởng kinh tế như thế nào để tạo ra sự đột phá giá trị từ chiều sâu, và rồi sau đó, mới tiếp đến bằng việc sử dụng các công nghệ ICT như thế nào để đáp ứng cho các đòi hỏi đó. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện ngược lại.
Chuyển đổi số không phải là một lĩnh vực (field), cũng không phải là một ngành (industry), nó là một tiến trình mang tính bao trùm (inclusiveness). Có thể hình dung các hoạt động của nền kinh tế hiện tại là các trục đứng (trục tung) trong một hệ tọa độ, thì chuyển đổi số là một trục ngang (trục hoành) xuyên suốt các hoạt động hiện tại của nền kinh tế. Tính chất bao trùm và đặc thù này của chuyển đổi số đặt ra cho chúng ta một thách thức mới về cách chúng ta tư duy về chuyển đổi số và cách chúng ta tổ chức các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số. Đa phần hiện trạng, chúng ta đang tư duy về các hoạt động theo mặt đứng, chuyển đổi số đòi hỏi một cách tiếp cận theo mặt cắt, chuyển đổi cách thức tổ chức truyền thống từ các hệ thống thứ bậc (hierarchy) sang các hệ thống ngang hàng (heterarchy).
Chuyển đổi số không phải là công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), cũng không phải là sự nối dài của các hoạt động công nghệ thông tin và truyền thông. Chuyển đổi số là sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt (breaking-point) do tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số (digital revolution) đã đạt đến một mức độ mà nó tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và đòi hỏi phải có một sự chuyển đổi (transformation) toàn diện về bản chất và hình thái hoạt động của tổ chức xã hội để thích ứng với một bối cảnh (context) và môi trường (environment) mới. Do vậy, đặt định các hoạt động chuyển đổi số vào vai trò của các bộ phận CNTT hay lấy bộ phận CNTT làm nền tảng là một cách tiếp cận chưa hợp lý.
Nắm chắc
Chúng ta cần nắm chắc: Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy để thay đổi hình thái tổ chức thích ứng với những hệ quả mà cuộc cách mạng kỹ thuật số đã tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy (thinking revolution) dẫn đến từ cuộc cách mạng kỹ thuật số, mà theo đó đồng thời xảy ra ba cuộc cách mạng:
+ Cách mạng phân giải (resolution revolution);
+ Cách mạng phức hợp (complex revolution);
+ Cách mạng hội tụ (convergence revolution).
Ba cuộc cách mạng này thông qua tiến trình chuyển đổi số, hình thành nên một xã hội số (digital society) đặc trưng bởi một xã hội mạng lưới (network society) trong đó, số được đưa vào cốt lõi (digital to the core) của mọi mặt, mọi vật thể, mọi hình thái của đời sống xã hội, cho phép tạo ra cái gọi là Số (Digital) tức là làm cho mọi thứ đều có thể:
+ Đo được (measurable);
+ Đếm được (numerical);
+ Tính toán được (computable).
Do vậy, tiến trình chuyển đổi số chỉ có thể bắt đầu thực sự và đưa đến những hiệu quả thiết thực bằng sự bắt đầu từ cải cách thể chế, cải cách hành chính, bằng việc tổ chức lại toàn bộ hệ thống các cơ quan chính quyền, các tổ chức kinh tế-xã hội, các đơn vị liên quan thích ứng hiệu quả với những yêu cầu mà cuộc cách mạng kỹ thuật số đặt ra và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu như đã nêu trên.
Hiểu rõ
Chúng ta cần hiểu rõ: Chuyển đổi số chỉ có thể chuyển đổi thực sự khi đồng thành cùng lúc với ba có: có chiến lược, có dữ liệu, có nhân lực đáp ứng với các đòi hỏi của thời đại mới.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số và hệ quả của nó đưa đến sự hình thành nên một phương thức mới cho các tiến trình giá trị (value processing), thay đổi cách thức chúng ta tạo nên giá trị căn bản trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số (digital age). Trong đó dữ liệu (data) trở thành một nguồn vốn mới – vốn dữ liệu (data-capital) cho phép hình thành nên một tiến trình vốn hóa (capitalize) mới gọi là vốn hóa dữ liệu (data-capitalize). Chính tiến trình vốn hóa dữ liệu này đã tạo nên sự đột phá sáng tạo (disruption) mà cho nó phép tạo ra sự bứt phá mang tính cách mạng về cách hình thành nên giá trị và từ đó là tạo ra sự đột phá năng suất từ việc đột phá giá trị.
Do vậy, chuyển đổi số là một tiến trình mang tính cách mạng không thể tránh được, không thể đảo ngược và không thể làm cho có, làm theo kiểu phong trào, làm khi mà không thực sự hiểu nó là gì và thực sự cần phải làm gì.
Việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia là một bước đi mang tính tiên phong, một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhưng chính vì thế, phải nhận thức được rất rõ vai trò và ý nghĩa của nó thông qua việc phải thực sự hiểu được bản chất của chuyển đổi số.
Những cách thức tổ chức các đơn vị phụ trách chuyển đổi số theo cách tiếp cận ICT cần phải được xem xét lại ngay lập tức và cần phải nhìn nhận rằng đơn vị phụ trách chuyển đổi số này phải là một đơn vị đóng vai trò chiến lược, mang tính định hình sự phát triển tương lai của địa phương/ngành/lĩnh vực. Phải nhận thức được những con người lãnh đạo và tham gia vào đó phải là liên ngành, có trình độ cao, có khả năng hoạch định chiến lược. Do vậy, nó cũng không thể đặt định vào lĩnh vực ICT, cũng như chịu sự quản lý ngành dọc chỉ của ngành Thông tin & Truyền thông.
Hành động đúng
Và chúng ta cần hành động đúng: Chuyển đổi số là một tiến trình đòi hỏi tính chỉnh thể, toàn thể của cả một hệ thống, do vậy, phải quy hoạch tổng thể, kiến trúc hệ thống, triển khai từng bước thích ứng, quản lý mạng lưới hiệu quả.
Cần xây dựng một một Kiến trúc dữ liệu nền tảng (data platform architecture) để chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu của tất cả các bên liên quan trong tiến trình chuyển đổi số của thành phố.
Trên cơ sở đó hoạch định một Bản Quy hoạch tổng thể (tổng đồ) (DX master plan) để gắn kết tất cả các dự án, các hoạt động thành phần, các cấu phần,… chuyển đổi số của thành phố thành một hệ thống.
Thông qua đó hình thành nên những Khung khổ kiến trúc tổng thể (Platform architecture framework) tiến trình chuyển đổi số của thành phố để tạo ra một sự đồng bộ cho toàn thể các dự án, các hoạt động thành phần, các cấu phần,… chuyển đổi số của thành phố.
Cuối cùng, cần nhận thức rõ nhiệm vụ đặt ra cho tiến trình chuyển đồi số sẽ trở thành một Phương thức phát triển mới cho thành phố như thế nào để xác lập phương thức cộng hưởng hiệu quả các các dự án, các hoạt động thành phần, các cấu phần,… chuyển đổi số của thành phố.