Tôi chỉ diện đôi giầy vào mùa đông và chỉ trong những sự kiện của các vĩ nhân tỉnh lẻ. Thời gian sử dụng chưa được bao lâu, đế chưa kịp mòn gai, bỗng một ngày lạnh trời, mang giầy ra để diện thì hỡi ôi đế cao su bở ra từng mảng. Mặt da còn rất tốt, nhưng đế thì không thể cứu vãn được. Tôi đành phải bỏ đôi giầy trong tiếc nuối và luôn luôn tự hỏi “sao giầy chưa mòn mà đế đã hỏng?”
Của bền tại người nào?
Câu hỏi này theo tôi mãi cho tới khi tôi chợt nhận ra chân lý “của bền tại người”. Nhưng “người nào” – người sản xuất hay người sử dụng? Vận dụng phép loại trừ – người sử dụng đã nâng niu hết mức – thì việc kém bền chắc là do người sản xuất. Dường như người sản xuất đã ấn định ngày, giờ mà đôi giầy buộc phải chia tay người sử dụng khi mà chúng chỉ hỏng một phần chứ không phải tất cả. Sự lập trình đó còn được giới nghiên cứu gọi là kỹ thuật “Đào thải non sản phẩm”.
Sản phẩm được hình thành bởi sự tích hợp của nhiều cấu phần. Vòng đời của sản phẩm phụ thuộc vào tuổi thọ thấp nhất của một trong các thành phần cấu tạo. Khi thành phần có tuổi thọ thấp nhất bị hư hỏng – trong khi các cấu phần khác vẫn còn sử dụng được – thì sản phẩm cũng cũng kết thúc vòng đời (lý thuyết) của nó. Đó là một trong các nguyên lý được sử dụng để “đào thải non sản phẩm”.
Đến đây tôi tin rằng độc giả sẽ tìm được vô vàn ví dụ về “đào thải non sản phẩm” hay hình tượng một cách nôm na là hiện tượng “chưa mòn đã hỏng”. Cái máy in của tôi đang dùng bình thường, nhưng bỗng một hôm không thể in được nữa. Mang ra tiệm sửa chữa, anh thợ nói với tôi “máy in giờ rẻ lắm, tiền công sửa gần đủ tiền mua máy mới, bỏ đi, mua mới dùng cho sướng”.
Chiếc điện thoại của bạn dùng với đầy đủ chức năng cơ bản nhưng nhà sản xuất không hỗ trợ cài đặt các ứng dụng mới, bạn lại có động lực để thay điện thoại. Cái máy nghe nhạc vẫn đang phát nhạc um sùm nhưng dây nguồn bị hư không tìm được phụ kiện tương thích, thế là nó đành phải im tiếng và kết thúc cuộc đời một cách lặng lẽ.
Căn nhà của bạn có công năng sử dụng bình thường cho đến khi người ta nâng cốt mặt đường. Sau khi cải tạo mặt đường, nhà bạn tự nhiên có thêm tầng hầm. Công năng thiết kế ban đầu đã bị “đào thải non”. Bạn chấp nhận sự suy giảm công năng thì thoả dụng của bạn bị giảm đi, đó là một chi phí gián tiếp. Nếu không chấp nhận sự suy giảm công năng, bạn phải đầu tư để sửa chữa khôi phục công năng ban đầu. Những chi phí như vậy là hậu quả của hiện tượng “đào thải non”.
Nhưng đến đây, một câu hỏi cần thiết phải thảo luận là: tại sao lại có hiện tượng đào thải non sản phẩm?
Ai kéo, ai đẩy “đào thải non”?
Xét từ phía cung, nhà sản xuất luôn muốn tăng lợi nhuận. Trong ngắn hạn, các yếu tố sản xuất gần như giữ giá không đổi, tăng doanh thu cũng đồng nghĩa với tăng lợi nhuận. Nên lúc này động cơ của nhà sản xuất là tăng doanh thu.
Trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, người sản xuất phải chấp nhận giá. Như vậy họ không thể tăng doanh thu nhờ tăng giá mà phải trông chờ vào tăng sản lượng. Nhưng nhu cầu thị trường đã bão hoà, số lượng người mua đã ở trạng thái cân bằng động. Muốn đẩy sản lượng lên họ đã nghĩ tới cách giảm vòng đời của sản phẩm. Đây là một động lực chính của chiến lược đào thải non sản phẩm
Mặt khác, với sự hỗ trợ của tiến bộ công nghệ, hàng hoá giờ đây nhiều hơn do có thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn và chi phí thấp hơn. Cùng với sự gia tăng giá thành nhân công lao động thủ công, việc sửa chữa một sản phẩm trở nên kém cạnh tranh về giá so với mua sản phẩm mới. Lúc này việc đào thải non sản phẩm là kết quả của việc phân tích lợi ích – chi phí của người tiêu dùng.
Nhìn từ khía cạnh phía cầu, người tiêu dùng bị dẫn dắt bởi quảng cáo, truyền thông… Họ bị tuyên truyền rằng ý nghĩa của cuộc sống là tiêu dùng, chỉ tiêu dùng mới mang lại thoả mãn, tiêu dùng đồng nghĩa với tồn tại… Người tiêu dùng mong ước được sử dụng những sản phẩm mới hơn, độc hơn, lạ hơn mà không tính đến những hệ luỵ về sự lãng phí hay tính hiệu quả sử dụng.
Thông qua những vận động hành lang, những tài trợ nghiên cứu, những góc khuất khác được “đạo diễn” bởi giới tài phiệt cũng là một khía cạnh thúc đẩy “đào thải non sản phẩm” diễn ra mạnh mẽ hơn.
Vòng đời của sản phẩm phụ thuộc vào tuổi thọ thấp nhất của một trong các thành phần cấu tạo. Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: bnnbreaking.com
Kinh tế không tuần hoàn
Xét trên quy mô toàn cầu, việc sản xuất quá nhiều kéo theo nhiều hệ luỵ. Mặc dù được sự hỗ trợ từ phát triển công nghệ nhưng việc sản xuất trên quy mô lớn hiện nay vẫn phải khai thác các tài nguyên không tái tạo như một yếu tố đầu vào của việc sản xuất.
Trong khi đó việc lãng phí do đào thải non khiến cho việc sử dụng những tài nguyên này không hiệu quả. Những sản phẩm bị đào thải non vẫn mang trong mình những thành phần còn tuổi thọ, nhưng để tách chúng ra và tái sử dụng sẽ đòi hỏi nguồn lực rất lớn nên không ai có động cơ hành động. Điều này dẫn tới việc khai thác quá mức và dẫn đến cạn kiệt tài nguyên một cách nhanh chóng. Trong dài hạn sẽ gây nên suy thoái cả môi trường và kinh tế.
Đi kèm với tiêu dùng sẽ là xả thải, chúng có mối quan hệ đồng biến – tiêu dùng nhiều sẽ xả thải ở mức cao tới mức vượt quá khả năng chịu đựng của môi trường. Chúng ta không quá lạ lẫm khi nhìn thấy hoặc nghe được về những chuyến tàu chở phế thải tới các nước kém phát triển. Cho dù đã có những điều luật cấm vận chuyển phế thải tới các nước thế giới thứ ba nhưng người ta vẫn né luật với danh nghĩa là hàng đã qua sử dụng chứ không phải là phế thải. Điều này thật là bất công bằng, người dân ở các nước nghèo không khai thác tài nguyên, không được sử dụng những sản phẩm của thế giới văn minh nhưng lại phải hứng chịu sự ô nhiễm môi trường. Hố cách giàu nghèo ngày càng mở rộng.
Ở khu vực ra chính sách, nếu những chính sách không đúng thời điểm, không đúng đối tượng khiến sản phẩm bị thải non một cách miễn cưỡng cũng có những hệ luỵ về trực tiếp và gián tiếp tới việc phát triển kinh tế, xã hội.
Thay đổi từ đâu?
Người tiêu dùng trong các trường hợp phân tích ở trên vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm của chiến lược “đào thải non sản phẩm”. Nếu không có những nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ thì phía cung cũng không có động lực để sản xuất ra quá nhiều và phải đào thải non.
Nên chăng có những giải pháp truyền thông đến người tiêu dùng về hành vi tiêu dùng thông minh. Như những dòng tu khổ hạnh cố gắng giảm phụ thuộc vào vật chất, người tiêu dùng cũng nên được cảnh báo về những hệ luỵ của việc tiêu dùng quá nhiều. Triết lý tiêu dùng cần có những thay đổi, thoả mãn không chỉ đến từ tiêu thụ hàng hoá mà còn đến từ những sự tiết chế nhu cầu. Điều này chỉ làm được khi chuẩn xã hội thay đổi. Cũng như việc người tiêu dùng bị định hướng bởi truyền thông về chủ nghĩa tiêu dùng thì cũng có thể dùng truyền thông như một giải pháp để thay đổi chuẩn xã hội hướng tới một nền “kinh tế tuần hoàn” (bắt chước quá trình của tự nhiên) hay một trong những triết lý “kinh tế tích cực”.
Ở một khía cạnh khác, việc minh bạch thông tin cũng là một yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi. Dưới sự minh bạch của thông tin, những góc khuất của những vận động chính sách được bộc lộ sẽ giúp cho người tiêu dùng nhìn nhận được vị thế của họ và tránh bị lợi dụng.