Đế quốc Trung Hoa thường được coi là kém hơn về mặt kinh tế so với các cường quốc châu Âu. Tuy nhiên, trong lịch sử, Trung Hoa giàu có hơn rất nhiều và từng thống trị nền kinh tế thế giới.
Được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ trong thập kỷ tới, Trung Quốc ngày nay là một siêu cường kinh tế với công nghệ cao và tiên tiến hoàn toàn trái ngược với những hình ảnh về Đế quốc Trung Hoa xưa cũ. Trong khi những kỳ quan vĩ đại của nền văn minh Trung Hoa – như Vạn Lý Trường Thành và Tử Cấm Thành – được đánh giá cao, thì Đế quốc Trung Hoa chủ yếu được coi là một thực thể đang suy tàn và sắp tắt thở sau khi chạm trán với phương Tây. Cho dù trước đó, trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc là quốc gia giàu có nhất thế giới và từng giữ vị trí dẫn đầu trong mạng lưới thương mại toàn cầu.
Nhu cầu của châu Âu đối với hàng hóa Trung Hoa
Trước khi thiết lập mối quan hệ thương mại quy mô lớn với phương Tây vào thế kỷ XVII và XVIII, Trung Quốc đã liên tục được xếp hạng là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới suốt hàng nghìn năm, so kè với Ấn Độ. Xu hướng này tiếp tục diễn ra sau Thời đại Khám phá (Age of Exploration), trong đó các cường quốc châu Âu hướng về phía đông. Châu Âu mở rộng lãnh thổ hải ngoại nhằm kiếm tìm lợi ích to lớn cho bản thân, nhưng lại nảy sinh tác dụng ngoài mong muốn là mối liên hệ thương mại với phương Tây đã giúp tăng cường sự thống trị của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu trong hai trăm năm tới.
Sự quan tâm của phương Tây đối với sự giàu có mới được phát hiện ở phương Đông đã nâng tầm cho Đế quốc Trung Hoa. Người châu Âu bắt đầu ưa thích hàng hóa Trung Quốc như lụa và đồ sứ. Về sau, chè cũng trở thành mặt hàng có giá trị, đặc biệt phổ biến ở Vương quốc Anh, với quán trà đầu tiên ở London được thành lập vào năm 1657. Ban đầu hàng hóa Trung Quốc rất đắt tiền và chỉ dành cho giới thượng lưu. Tuy nhiên, từ thế kỷ 18, giá của nhiều mặt hàng này đã giảm xuống. Ví dụ, đồ sứ đã trở nên dễ tiếp cận đối với tầng lớp thương gia mới nổi ở Anh và trà trở thành đồ uống cho tất cả mọi người, dù giàu có hay bình dân.
Cơn sốt phong cách Trung Hoa (Chinoiserie) quét khắp lục địa châu Âu, ảnh hưởng đến kiến trúc, thiết kế nội thất và thậm chí cả nghề làm vườn. Đế quốc Trung Hoa được nhìn nhận là một xã hội phức tạp và trí tuệ, giống như Hy Lạp hay La Mã cổ đại. Trang trí nhà bằng đồ nội thất hoặc giấy dán tường nhập khẩu của Trung Hoa (hoặc hàng nhái sản xuất trong nước) là một cách để tầng lớp thương gia mới nổi khẳng định sự thành đạt và giàu có của mình.
Đế quốc Trung Hoa và việc buôn bán bạc
Để trả tiền cho những hàng hóa này, các cường quốc châu Âu phải cậy đến các thuộc địa của họ ở Tân Thế giới. Sự khởi đầu thương mại với Trung Hoa vào những năm 1600 trùng hợp với cuộc chinh phục châu Mỹ của Tây Ban Nha. Châu Âu giờ đây đã có quyền tiếp cận nguồn dự trữ bạc khổng lồ của vùng đất Aztec ngày trước.
Người châu Âu đã có thể tham gia vào một hình thức kinh doanh chênh lệch giá một cách hiệu quả. Bạc Thế giới Mới có trữ lượng rất dồi dào và giá thành sản xuất tương đối rẻ vì phần lớn công việc khai thác được thực hiện bởi nô lệ. Tuy nhiên, ở Trung Hoa, bạc có giá trị cao gấp đôi so với ở thị trường châu Âu. Nhu cầu bạc ở Trung Quốc rất to lớn là do chính sách tiền tệ của nhà Minh. Đế quốc Trung Hoa đã thử nghiệm tiền giấy từ thế kỷ 11 (là nền văn minh đầu tiên dùng tiền giấy) nhưng kế hoạch này đã thất bại do siêu lạm phát vào thế kỷ 15. Kết quả là, nhà Minh đã chuyển sang sử dụng đồng tiền dựa trên bạc (ngân bản vị) vào năm 1425, điều này giải thích cho nhu cầu lớn về bạc và giá trị tăng cao của bạc ở Đế quốc Trung Hoa.
Chỉ riêng sản lượng bạc từ thuộc địa của Tây Ban Nha đã rất lớn, chiếm tới 85% sản lượng bạc của thế giới trong khoảng thời gian từ 1500 đến 1800. Một lượng lớn bạc này đã chảy đến Trung Quốc để đổi lấy hàng hóa Trung Quốc đưa sang châu Âu. Đồng peso bạc của Tây Ban Nha được đúc ở Mexico, đồng Real de a Ocho trở nên phổ biến ở Trung Quốc vì đó là đồng tiền duy nhất mà người Trung Quốc chấp nhận từ các thương nhân nước ngoài. Ở Đế quốc Trung Hoa, những đồng tiền này được đặt biệt danh là “Phật tệ” (Buddhas) do hình ảnh vua Tây Ban Nha Charles dập nổi trên đồng tiền được coi là giống với Phật (!).
Dòng bạc khổng lồ này đã duy trì và thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Từ thế kỷ 16 cho đến giữa thế kỷ 19, Trung Quốc chiếm từ 25 đến 35% nền kinh tế toàn cầu, luôn được xếp hạng là nền kinh tế lớn nhất hoặc nhì thế giới.
Nhờ sự tăng trưởng kinh tế và một thời gian dài ổn định chính trị, Đế quốc Trung Hoa đã có thể tăng trưởng và phát triển nhanh chóng về nhiều mặt, đi theo quỹ đạo tương tự các cường quốc châu Âu. Trong giai đoạn từ 1683 – 1839, được gọi là Thời đại Cao Thanh, dân số đã tăng hơn gấp đôi từ 180 triệu năm 1749 lên 432 triệu vào năm 1851, nhờ duy trì được nền hòa bình lâu dài và nhờ việc du nhập các loại cây lương thực như khoai tây, ngô, lạc… Giáo dục được mở rộng và tỷ lệ biết đọc biết viết tăng ở cả nam và nữ. Thương mại nội địa cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong khoảng thời gian này, với các trung tâm buôn bán mọc lên ở các thành phố đang phát triển nhanh chóng.
Căng thẳng giữa người châu Âu và đế quốc Trung Quốc
Sự suy thoái kinh tế của Đế quốc Trung Hoa bắt đầu vào đầu những năm 1800. Các cường quốc châu Âu ngày càng không hài lòng với mức thâm hụt thương mại khổng lồ trong giao thương với Trung Quốc thể hiện qua lượng bạc mà họ đang chi tiêu. Do đó, người châu Âu bắt đầu nỗ lực thay đổi thương mại với Trung Quốc. Họ tìm kiếm một mối quan hệ thương mại dựa trên các nguyên tắc thương mại tự do, vốn đang có chỗ đứng ở các đế quốc châu Âu. Theo chế độ như vậy, họ sẽ có thể xuất khẩu nhiều hàng hóa của mình hơn sang Trung Quốc, giảm nhu cầu thanh toán bằng số lượng lớn bạc. Thế nhưng người Trung Quốc nhất định không chấp nhận khái niệm thương mại tự do. Những thương nhân châu Âu ở Trung Quốc không được phép vào nước này mà chỉ cư ngụ tạm thời ở cảng Canton (nay là Quảng Châu). Tại đây, hàng hóa được dỡ xuống các nhà kho được gọi là Mười Ba Nhà máy (Thirteen Factories) trước khi được chuyển cho các trung gian Trung Quốc.
Trong nỗ lực thiết lập hệ thống thương mại tự do này, chính quyền nước Anh đã cử George Macartney làm đặc phái viên tới Đại Thanh tháng 9 năm 1792 để xin phép cho các thương nhân Anh hoạt động tự do hơn ở toàn cõi Trung Hoa, bên ngoài hệ thống Thirteen Factories Canton.
Thật không may cho người Anh, Macartney và Hoàng đế Càn Long của Đại Thanh đã không thể đạt được thỏa thuận. Càn Long thẳng thừng bác bỏ ý tưởng thương mại tự do với người Anh. Trong một bức thư gửi cho Vua George III, được gửi qua tay Macartney, Càn Long ngạo mạn tuyên bố rằng Trung Quốc “sở hữu mọi thứ một cách dồi dào và không thiếu sản phẩm nào trong biên giới của mình” và rằng ông không cần phải “nhập khẩu hàng sản xuất của những kẻ man rợ bên ngoài”.
Thuốc phiện và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc
Do không thể thiết lập quan hệ thương mại tự do, các thương nhân châu Âu đã tìm kiếm một vật thay thế cho bạc trong thương mại với Trung Quốc – đó chính là thuốc phiện. Công ty Đông Ấn (EIC), một công ty cực kỳ hùng mạnh thống trị thương mại ở Đế quốc Anh, duy trì quân đội và hải quân của riêng mình, đồng thời kiểm soát Ấn Độ thuộc Anh từ 1757 – 1858, đã bắt đầu bán thuốc phiện sản xuất tại Ấn Độ vào Đế quốc Đại Thanh vào những năm 1730. Ban đầu, thuốc phiện được sử dụng làm thuốc và phục vụ giải trí, nhưng do đặc tính gây nghiện tệ hại nên đã bị hình sự hóa vào năm 1799. Dù vậy, bất chấp lệnh cấm, EIC tiếp tục bán thuốc phiện cho các thương gia bản địa Trung Quốc để phân phối trên khắp đất nước.
Việc buôn bán thuốc phiện sinh lợi đến mức vào năm 1804, tình trạng thâm hụt thương mại từng khiến người Anh lo lắng đã chuyển thành thặng dư. Bây giờ, dòng chảy của bạc đã bị đảo ngược. Số đô la bạc nhận được để trả tiền thuốc phiện đã chảy từ Trung Quốc sang Anh qua ngả Ấn Độ. Người Anh không phải là cường quốc phương Tây duy nhất tham gia buôn bán thuốc phiện. Hoa Kỳ vận chuyển thuốc phiện từ Thổ Nhĩ Kỳ và kiểm soát 10% thị phần vào năm 1810.
Đến những năm 1830, thuốc phiện đã đi vào văn hóa chính thống của Trung Quốc. Hút thuốc phiện là một hoạt động giải trí phổ biến của các tầng lớp và lan truyền nhanh chóng khắp các thành phố. Giới trung lưu Trung Quốc cũng lấy thuốc phiện làm biểu tượng của sự giàu có, địa vị và cuộc sống nhàn hạ. Nông dân, thợ thuyền, bộ máy công quyền… làm việc kém hiệu quả hơn do hút thuốc phiện và tình trạng bạc chảy ra ngoài là điều vô cùng đáng lo ngại. Các vị hoàng đế kế vị đã cố gắng hạn chế tình trạng nghiện ngập của quốc gia nhưng vô ích. Năm 1839, hoàng đế Đạo Quang ban hành sắc lệnh cấm nhập khẩu thuốc phiện từ nước ngoài; trong năm đó, tai Quảng Châu, Tổng đốc Lưỡng Quảng Lâm Tắc Từ đã tịch thu và tiêu hủy 20.000 rương thuốc phiện từ các tàu buôn của Anh (trị giá khoảng hai triệu bảng Anh).
Chiến tranh nha phiến và sự suy tàn của đế quốc Đại Thanh
Lấy cớ Lâm Tắc Từ tiêu hủy thuốc phiện, người Anh bắt đầu tiến hành cái gọi là Chiến tranh nha phiến. Trận hải chiến giữa các tàu chiến của Anh và Trung Quốc bắt đầu vào tháng 11 năm 1839. Trong khi sơ tán người Anh khỏi Quảng Châu, hai tàu chiến Volage và Hyacinth đã đánh bại 29 chiến thuyền Trung Quốc. Một lực lượng hải quân lớn được phái từ Anh đến vào tháng 6 năm 1840. Hải quân Hoàng gia và Quân đội Anh vượt xa các đối thủ Trung Quốc về mặt công nghệ và huấn luyện. Lực lượng Anh chiếm các pháo đài bảo vệ cửa sông Châu Giang và tiến dọc theo đường thủy, chiếm Quảng Châu vào tháng 5 năm 1841. Xa hơn về phía bắc, thành Hạ Môn và cảng Bình Hồ đã bị chiếm. Trận chiến cuối cùng mang tính quyết định diễn ra vào tháng 6 năm 1842 khi người Anh chiếm được thành phố Trấn Giang.
Với chiến thắng trong Chiến tranh nha phiến, người Anh đã có thể áp đặt thương mại tự do – bao gồm cả thuốc phiện – đối với Đại Thanh. Ngày 17/8/1842, Hiệp ước Nam Kinh được ký kết. Hồng Kông được nhượng lại cho Anh và 5 cảng Hiệp ước được mở cho thương mại tự do: Quảng Châu, Hạ môn, Phúc châu, Thượng Hải và Ninh Phố. Người Trung Quốc cũng cam kết trả khoản bồi thường chiến phí 21 triệu USD. Chiến thắng của Anh chứng tỏ sự yếu kém của dế chế Đại Thanh so với lực lượng chiến đấu hiện đại của phương Tây. Trong những năm tới, người Pháp và người Mỹ cũng sẽ áp đặt các hiệp ước tương tự đối với người Trung Quốc.
Hiệp ước Nam Kinh bắt đầu cái mà ở Trung Quốc gọi là “Thế kỷ nhục nhã ”, mở đầu cho nhiều “Hiệp ước bất bình đẳng” được ký kết với các cường quốc châu Âu, Đế quốc Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Năm 1856, Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai nổ ra, kết thúc bốn năm sau đó với chiến thắng quyết định của Anh và Pháp, cướp bóc thủ đô Bắc Kinh và mở thêm 10 cảng Hiệp ước.
Tác động của các sự kiện này đối với nền kinh tế Trung Quốc là rất lớn, và sự tương phản rõ ràng với các nền kinh tế Tây Âu, đặc biệt là Vương quốc Anh. Năm 1820, trước Chiến tranh nha phiến, Trung Quốc chiếm hơn 30% nền kinh tế thế giới. Đến năm 1870, chỉ số này giảm xuống chỉ còn hơn 10% (và khi Thế chiến II bùng nổ), con số này chỉ là 7%. Khi tỷ trọng GDP của Trung Quốc sụt giảm thì tỷ trọng của Tây Âu lại tăng lên, đạt 35%. Đế quốc Anh, đối tượng hưởng lợi chính từ đế chế Trung Hoa, đã trở thành thực thể giàu có nhất thế giới, chiếm 50% GDP toàn cầu vào năm 1870.
Phạm Bá Thủy