Tóm tắt: Đổi mới sáng tạo mở đề cập đến việc cải thiện hiệu suất của doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các nguồn lực đổi mới bên trong và bên ngoài. Trong thực tiễn, đổi mới sáng tạo mở phát triển thành một hệ sinh thái đổi mới hợp tác đa phương, năng động, được kết nối mạng hóa. Tiền đề cơ bản của việc thiết lập một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở là quá trình đổi mới cho tất cả các chủ thể, thúc đẩy chuyển đổi các ý tưởng đổi mới thành sản phẩm và dịch vụ, cuối cùng là tạo ra thị trường mới. Xây dựng hệ sinh thái sáng tạo mở không chỉ cần thúc đẩy dòng chảy, luân chuyển các ý tưởng và kiến thức sáng tạo từ phía cung, mà còn cần phải đảm bảo khoa học, nghiên cứu phát triển và đổi mới phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Từ đó giúp thúc đẩy việc chuyển đổi kết quả nghiên cứu và khám phá khoa học thành nguồn tài nguyên có sẵn cho xã hội, đạt được giá trị kinh tế. Để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở rộng, EU đã thiết lập các nguyên tắc đổi mới ở cấp hỗ trợ chính sách nhằm đảm bảo rằng luật pháp liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển đổi mới. Ở cấp độ tài chính, nó tối ưu hóa môi trường pháp lý, cải thiện đổi mới hệ thống tài trợ và cơ chế đầu tư vốn mạo hiểm. Về tích hợp các dịch vụ hỗ trợ, hình thành hệ thống hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở rộng được phân loại với các danh mục cụ thể. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở đã đạt được hiệu quả rõ rệt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm của EU. Nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp châu Âu, khai thác tiềm năng sáng tạo và nghiên cứu phát triển của EU, đóng vai trò quan trọng phục vụ mục tiêu kép chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của EU.
Khái niệm Đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) ban đầu được các học giả Mỹ đề xuất, nhưng Liên minh châu Âu đã thúc đẩy sự phát triển của đổi mới sáng tạo mở thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở hợp tác đa phương từ cả khía cạnh lý thuyết và thực tiễn. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở nhấn mạnh vai trò đồng sáng tạo của đổi mới do người dùng định hướng trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số. Người dân và người dùng cuối thúc đẩy sản xuất và thị trường hóa các ý tưởng đổi mới từ phía cầu từ dưới lên trên. Đồng thời, sự hợp tác chặt chẽ liên ngành giữa khu vực công, giới học thuật, khu vực công nghiệp và khu vực tài chính sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi các hoạt động đổi mới sáng tạo thành giá trị kinh tế xã hội. EU đã xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở thông qua các biện pháp chính sách như cải thiện giám sát, thúc đẩy tài chính, tối đa hóa tác động kinh tế – xã hội, thực thi các biện pháp chính sách liên quan và đạt được kết quả tốt. Thực tiễn chính sách của EU về xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở có ý nghĩa tham khảo nhất định.
Đổi mới sáng tạo mở và hệ sinh thái của nó: sự phát triển từ khái niệm đến cơ chế
Từ góc độ nghiên cứu lý thuyết và khám phá thực tiễn, việc xây dựng đổi mới sáng tạo mở và hệ sinh thái của nó là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong lĩnh vực đổi mới trong 20 năm qua. Như chúng ta đã biết, quá trình hoạt động đổi mới từ việc tạo ra các ý tưởng đến hình thành sản phẩm và tung ra thị trường là một quá trình chia sẻ kiến thức. Trong khi dòng chảy tự do và phổ biến kiến thức cũng có lợi cho việc chuyển đổi thành sản phẩm và dịch vụ. Cuối cùng tạo ra thị trường mới, hình thành tinh thần khởi nghiệp và văn hóa khởi nghiệp phù hợp với nó. Tiền đề cơ bản của đổi mới sáng tạo mở là quá trình đổi mới sáng tạo mở cho tất cả những người tham gia, trong đó tất cả những người tham gia hoạt động đổi mới có thể tự do chia sẻ kiến thức. Trong môi trường đổi mới sáng tạo mở, dù ở cấp độ khoa học, cấp doanh nghiệp hay cấp độ trao đổi nhân tài đổi mới sáng tạo, ranh giới giữa các khu vực, ngành và lĩnh vực công nghiệp sẽ bị phá vỡ, các hoạt động đổi mới hợp tác sẽ được thúc đẩy.
Ý nghĩa của đổi mới sáng tạo mở
Ban đầu, khái niệm đổi mới sáng tạo mở phần lớn được xác định dựa trên việc chuyển giao kiến thức, bí quyết và nguồn lực từ doanh nghiệp hoặc tổ chức nghiên cứu này sang doanh nghiệp hoặc tổ chức nghiên cứu khác. Định nghĩa này giả định rằng các doanh nghiệp đang tìm cách cải thiện hiệu suất có thể và nên nắm bắt sử dụng các ý tưởng, kiến thức đổi mới cũng như các nguồn lực dựa trên thị trường dù từ bên trong hay bên ngoài doanh nghiệp. Henry Chesbrough, Trường Kinh doanh Hans, Đại học California, Berkeley, Mỹ định nghĩa đổi mới sáng tạo mở là “quá trình thúc đẩy hành vi đổi mới trong một tổ chức, dòng chảy tri thức bên trong và bên ngoài tổ chức.”
Chesbrough so sánh Đổi mới sáng tạo khép kín với Đổi mới sáng tạo mở (xem Bảng 1)
Bảng 1: Đổi mới sáng tạo khép kín và Đổi mới sáng tạo mở
Đổi mới sáng tạo khép kín | Đổi mới sáng tạo mở |
Chỉ những người trong lĩnh vực này mới tham gia vào công việc đổi mới. | Doanh nghiệp (hoặc tổ chức) cần hợp tác với những nhân tài sáng tạo trong và ngoài doanh nghiệp |
Chỉ khi doanh nghiệp dựa vào nội lực khám phá, phát triển thực hiện nghiên cứu và phát triển thì doanh nghiệp mới được hưởng thành quả | Nghiên cứu và phát triển từ bên ngoài tạo ra giá trị rất lớn cho doanh nghiệp. Do đó hoạt động nghiên cứu và phát triển cần kết hợp bên trong với bên ngoài |
Nếu là doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển độc lập thì doanh nghiệp cần tiếp thị kết quả đổi mới càng sớm càng tốt, phấn đấu trở thành công ty đầu tiên tung ra sản phẩm đổi mới để chiếm lĩnh thị trường | Các công ty không cần tham gia vào nghiên cứu ban đầu để tận hưởng thành quả nghiên cứu và phát triển |
Các công ty mang lại sự đổi mới cho thị trường trước tiên sẽ giành được lợi thế | Xây dựng mô hình kinh doanh tốt hơn quan trọng hơn là việc chiếm lĩnh thị trường đầu tiên |
Nếu một công ty có số lượng ý tưởng đổi mới nhiều nhất trong lĩnh vực, ngành của mình thì công ty đó sẽ có lợi thế. | Nếu một công ty có thể tận dụng toàn diện ý tưởng đổi mới cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp thì công ty đó sẽ có lợi thế |
Doanh nghiệp phải giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ, nếu không sẽ bị đối thủ cạnh tranh đạo nhái, bắt trước | Miễn là mô hình kinh doanh có thể cải thiện, các doanh nghiệp có thể kiếm lợi nhuận bằng cách chia sẻ tài sản trí tuệ hoặc mua tài sản trí tuệ với doanh nghiệp khác |
Trong hoạt động thực tiễn, khái niệm đổi mới sáng tạo mở không ngừng phát triển. Năm 2012, Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới của Ủy ban châu Âu đã thành lập một nhóm chuyên gia độc lập về chuyển giao tri thức và đổi mới sáng tạo mở. Theo nghiên cứu của Hội đồng chuyên gia độc lập, đổi mới sáng tạo mở đang phát triển từ các giao dịch và hợp tác song phương tuyến tính, chẳng hạn như cách các doanh nghiệp kết hợp nghiên cứu và phát triển nội bộ với bên ngoài bằng cách giới thiệu các nguồn lực bên ngoài hoặc các nguồn lực bên trong. Từ đó đạt được kết quả nghiên cứu phát triển, hướng tới một hệ sinh thái đổi mới hợp tác đa phương năng động, được nối mạng như hình thành các liên minh chiến lược (xem Hình 1). Điều này có nghĩa là một sự đổi mới cụ thể không còn là kết quả của một hoạt động đổi mới riêng biệt được xác định trước mà liên quan đến dòng chảy tri thức, là kết quả của một quá trình đồng sáng tạo phức tạp hơn trong toàn bộ môi trường kinh tế xã hội. Hiện tượng đồng sáng tạo này xảy ra ở các phần khác nhau của hệ sinh thái đổi mới và đòi hỏi tất cả các đối tượng tham gia vào các hoạt động đổi mới, cho dù đó là cộng đồng doanh nghiệp, học viện, tổ chức tài chính, khu vực công hay người dân nói chung, phải có khả năng trao đổi và tiếp thu kiến thức.
Đổi mới sáng tạo mở 2.0: Đổi mới người dùng và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở
Kể từ năm 2014, các học giả nghiên cứu đổi mới sáng tạo mở và chuyển giao kiến thức đã liên tục đưa ra các xu hướng mới trong quá trình phát triển của đổi mới sáng tạo mở, được gọi là “đổi mới sáng tạo mở 2.0” (xem Hình 2). Sáng tạo mở phiên bản 2.0 có hai yếu tố cốt lõi: yếu tố cốt lõi đầu tiên là người dùng, chỉ vai trò quyết định quan trọng của người dùng trong hoạt động sáng tạo. Một phát minh trở thành một sự đổi mới đòi hỏi người dùng phải tham gia vào quá trình tạo ra giá trị và trở thành một phần của nó. Năm 2005, Eric Von Hippel, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, đã đưa ra khái niệm đổi mới người dùng trong cuốn sách của ông. Đổi mới dân chủ hóa, nhấn mạnh sự tham gia của công chúng trong quá trình đổi mới. Trong quá trình đổi mới, công chúng nói chung và người dùng là nguồn truyền bá kiến thức thực tế, sự cởi mở thực sự đồng nghĩa với việc lấy người dùng làm trung tâm (user-centric). Yếu tố cốt lõi thứ hai là xây dựng hệ sinh thái sáng tạo mở hoạt động tốt, chỉ phương thức thực hiện quan trọng của sáng tạo mở là cùng sáng tạo. Theo logic này, những người tham gia sáng tạo có liên quan từ các ngành công nghiệp khác nhau và các chuỗi giá trị trong các lĩnh vực khác nhau phối kết hợp để chuyển đổi kiến thức thành giá trị kinh tế xã hội, cùng nhau đối mặt và giải quyết các thách thức kinh tế xã hội và doanh nghiệp. Từ những cuộc thảo luận trên, có thể thấy rằng đổi mới sáng tạo mở chưa hình thành một khái niệm chính xác, nó đang miêu tả một điểm nào đó trong quá trình tiến hóa liên tục. Nói cách khác, đổi mới sáng tạo mở là một chuỗi các hoạt động đổi mới được kết nối với nhau trong các giai đoạn khác nhau từ hoạt động nghiên cứu phát triển đến thương mại hóa. Trong đó một số hoạt động đổi mới nhất định có thể mở rộng hơn các hoạt động khác.
Cùng với sự phổ biến của công nghệ số và sự tham gia hợp tác của công chúng trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo mở đang có xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Quá trình số hóa tăng tốc và mở rộng quy mô, thay đổi phương pháp và dịch vụ thiết kế, phát triển và sản xuất sản phẩm, dẫn đến các quy trình và cách thức kinh doanh sáng tạo mới, cũng như các chuỗi giá trị và cơ sở hạ tầng liên ngành mới. Nhiều quốc gia và khu vực, bao gồm cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu, đã dự đoán xu hướng này. Để khuyến khích chuyển đổi từ chuyển giao kiến thức tuyến tính sang chu trình kiến thức năng động hơn để đổi mới có thể được chuyển đổi thành giá trị kinh tế xã hội một cách hiệu quả hơn, nhiều quốc gia đã thực hiện đề xuất đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Thực tiễn cho thấy rằng những thành phần tham gia chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở bao gồm khu vực công, khu vực tài chính, doanh nghiệp đổi mới, học viện và các đối tượng như công chúng (xem Bảng 2). Trong đó, khu vực công xây dựng chính sách quy định và tạo môi trường quản lý đóng vai trò trung tâm trong quá trình đổi mới sáng tạo mở cửa. Ngành tài chính cung cấp các công cụ tài chính và sắp xếp thể chế để hỗ trợ và giải quyết tài chính đổi mới sáng tạo mở. Doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để đưa sự đổi mới ra thị trường. Các cộng đồng học thuật như các tổ chức giáo dục đại học và các tổ chức nghiên cứu công cộng không chỉ là những nhà sản xuất tri thức mà còn là những người nuôi dưỡng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Công dân và người dùng cũng rất quan trọng đối với đổi mới sáng tạo mở, họ vừa là nguồn gốc của tư tưởng đổi mới, vừa là nguồn gốc của nhu cầu sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.
Trong lý thuyết cấu trúc đổi mới, khu vực công, khu vực công nghiệp đại diện bởi các doanh nghiệp sáng tạo, cộng đồng học thuật đại diện bởi các trường đại học và viện nghiên cứu tương tác trong quá trình chuyển đổi kiến thức và chuyển đổi thành năng lực sản xuất, tạo thành một cơ chế thúc đẩy vòng xoáy đổi mới. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở vượt xa lý thuyết về cấu trúc đổi mới và có thể huy động nhiều nguồn lực hơn. Ngoài khu vực công, khu vực công nghiệp và học thuật, lĩnh vực tài chính đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho đổi mới. Hơn nữa, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở nhấn mạnh rằng trong thời đại kinh tế kỹ thuật số, công dân và người dùng cuối đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới. Nói chung, công chúng và người sử dụng cuối hiếm khi tham gia vào quá trình nghiên cứu và đổi mới, và kết quả cuối cùng của sự đổi mới sáng tạo được công bố cho họ thông qua các kênh khác nhau. Chuyển đổi kỹ thuật số có tác động lớn đến cách thức đổi mới khoa học kỹ thuật. Công nghệ kỹ thuật số thay đổi cách nghiên cứu và đổi mới, đồng thời cũng thay đổi cách sản xuất, bán sản phẩm và dịch vụ. Khoa học công nghệ không còn là những hoạt động học thuật diễn ra trong các phòng thí nghiệm và thư viện, mà là những hoạt động gắn liền với đời sống đại chúng của người dân. Đổi mới công nghệ không còn là bằng sáng chế của các công ty đa quốc gia lớn hoặc các phòng thí nghiệm khoa học, cơ sở hạ tầng và ứng dụng Internet cung cấp khả năng cho người dùng cuối tham gia vào phát triển sản phẩm, thử nghiệm và phản hồi các ý tưởng sáng tạo. Do đó, công chúng nói chung (tức là người dùng cuối) trở thành động lực thúc đẩy sự đổi mới. Trong mô hình đổi mới của người dùng, người tiêu dùng trở thành chủ thể đổi mới, không chỉ đẩy nhanh tốc độ phát triển sản phẩm, mà còn thay đổi vị thế của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như con đường tạo ra và chuyển giao giá trị, hình thành mô hình kinh tế-công nghệ mới. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và nền kinh tế kỹ thuật số tạo điều kiện cho các tổ chức nhỏ, yếu tham gia vào lĩnh vực đổi mới nhanh chóng chiếm ưu thế trong các thị trường hiện có hoặc tạo ra các thị trường hoàn toàn mới, cuối cùng là thúc đẩy lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế.
Bảng 2: Thành phần chính của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở
Khu vực công | Khu vực công có vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở. Thứ nhất, khu vực công là cơ quan xây dựng các chính sách pháp lý và tạo ra môi trường pháp lý. Tất cả những người tham gia đều phải tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo. Khu vực công phát triển các quy tắc và công cụ nhằm kích thích dòng chảy tri thức tự do, các giải pháp đổi mới dựa trên thị trường và tạo điều kiện cho sự hợp tác với các chủ thể khác. Thứ hai, để nâng cao năng suất và giá trị, khu vực công cung cấp các mô hình hợp tác tốt hơn cho các thực thể kinh tế khác nhau. Thứ ba, khu vực công thông qua quy định và quản lý cũng như mua lại các giải pháp đổi mới bên ngoài tạo ra nhu cầu đổi mới sáng tạo. |
Khu vực tài chính | Khu vực tài chính cung cấp vốn và giải quyết các vấn đề tài chính cho đổi mới sáng tạo mở. Do tính chất rủi ro của đổi mới sáng tạo, không dễ để những người có ý tưởng đổi mới có được nguồn tài trợ hoặc tài chính. Do đó, việc thiết lập các công cụ tài chính hoặc sắp xếp thể chế có lợi hơn cho đổi mới và tích hợp các cơ chế, công cụ hiện có có ý nghĩa to lớn để hỗ trợ đổi mới sáng tạo mở. |
Doanh nghiệp | Doanh nghiệp là yếu tố then chốt của hoạt động đổi mới sáng tạo. Để mang lại sự đổi mới cho thị trường, các doanh nghiệp phải tối đa hóa lợi nhuận từ nguồn lực đầu tư vào hoạt động đổi mới sáng tạo, phá vỡ và giảm bớt sự phân khúc và phân chia của thị trường trong nội bộ các quốc gia hoặc khu vực. Đồng thời phát triển các kênh để đẩy nhanh việc giới thiệu sản phẩm ra thị trường. |
Học viện | Vai trò của các cơ sở giáo dục Đại học, cơ sở nghiên cứu công và cơ sở phát triển khoa học công nghệ trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Không chỉ tạo ra kiến thức mà còn đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp. |
Công chúng | Công dân, người dùng và các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng đối với việc thị trường hóa đổi mới sáng tạo. Người dân tạo ra nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo. Đồng thời họ có thể tài trợ và đầu tư vào các dự án đổi mới có liên quan. Người dân có thể là khởi nguồn của những ý tưởng đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy hoặc nhân rộng. |
Ngoài việc nhấn mạnh vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dùng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở còn nhấn mạnh đổi mới định hướng thị trường. Tức là, dựa trên nghiên cứu cơ bản, hướng dẫn các hoạt động đổi mới nghiên cứu và phát triển để hình thành sản phẩm và cuối cùng hướng tới thị trường hóa, nhanh chóng đưa ý tưởng đổi mới vào sản xuất, thị trường hóa mới có thể đạt được giá trị kinh tế. Ngoài ra, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở đòi hỏi tăng cường hợp tác, nhấn mạnh sự hợp tác liên ngành trong hệ thống đổi mới. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở khuyến khích các tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học cơ bản và sáng tạo, khuyến khích phá vỡ ranh giới, thúc đẩy các nghiên cứu hợp tác đa ngành. Khuyến khích tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, tài trợ đầu tư, trong tất cả các giai đoạn của chu kỳ đổi mới. Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nhân và công dân tham gia vào quá trình đổi mới, thúc đẩy dòng chảy tri thức tự do thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn để chuyển đổi các hoạt động đổi mới thành giá trị kinh tế và giải quyết các thách thức xã hội quan trọng.
Các biện pháp chính của EU nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở
EU rất coi trọng vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và việc làm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kết quả nghiên cứu của châu Âu chưa được chuyển hóa hiệu quả thành các sản phẩm, dịch vụ đổi mới. Thay vào đó, các công nghệ mới phát triển ở châu Âu đã được thương mại hóa ở các quốc gia và khu vực khác. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban Châu Âu của Jean-Claude Juncker, EU đã thành lập một nhóm chuyên trách để tiến hành nghiên cứu và trên cơ sở đó đề xuất rằng các hoạt động đổi mới của EU phải là đổi mới và phát triển mở. Đồng thời EU nên xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở thích hợp. Sau đó, Ủy ban Châu Âu đã ưu tiên xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và nói rõ rằng “đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới là đầu tư vào tương lai của Châu Âu”.
Ủy ban Châu Âu tóm tắt khái niệm đổi mới sáng tạo mở là tập hợp các ý tưởng và kiến thức sáng tạo từ các lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả khu vực công và tư nhân) để cùng phát triển các sản phẩm mới nhằm giải quyết nhu cầu xã hội (tức là đồng sáng tạo). Trong quá trình này, áp dụng cách tiếp cận lấy người dùng làm trung tâm tạo ra giá trị kinh tế và xã hội chung, thúc đẩy phát triển kỹ thuật số cũng như các quy trình tài trợ cho sự tham gia và hợp tác của công chúng. Công việc cụ thể của Ủy ban Châu Âu nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Châu Âu bao gồm các khía cạnh: hỗ trợ chính sách, cải cách và tối ưu hóa môi trường. Về tài chính, thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới. Trong dịch vụ hỗ trợ, tối đa hóa tác động của đổi mới sáng tạo mở đối với nền kinh tế xã hội.
Chính sách: Cải cách và tối ưu hóa môi trường pháp lý.
Các biện pháp pháp lý phải là công cụ hỗ trợ đổi mới và không nên là rào cản ảnh hưởng đến đổi mới. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường pháp lý phù hợp cho các nhà đổi mới và doanh nhân. Đồng thời, việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cũng phải theo kịp thời đại. Càng ít rào cản pháp lý thì càng khuyến khích nhiều hơn vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Cải cách và tối ưu hóa môi trường pháp lý là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự đổi mới sáng tạo mở của Ủy ban Châu Âu. Ủy ban Châu Âu chủ yếu thực hiện các biện pháp sau.
Xây dựng cơ chế tư vấn khoa học
Xây dựng chính sách đổi mới khoa học công nghệ phải dựa trên phân tích thực tiễn khoa học và đánh giá tác động có thể có của các quyết định liên quan. Do đó, việc cung cấp kịp thời các khuyến nghị khoa học độc lập và chất lượng cao trong quá trình xây dựng chính sách có thể cải thiện đáng kể chất lượng chính sách và pháp luật, đẩy nhanh quá trình tối ưu hóa quy định. Động lực này đã thúc đẩy Ủy ban Châu Âu thành lập Cơ chế Tư vấn Khoa học (Sci-entific Advice Mechanism) trong nhiệm kỳ của Juncker. Cơ chế tư vấn khoa học của EU được thành lập bởi Nhóm cố vấn khoa học chính của Ủy ban châu Âu (European Com-mission’s Group of Chief Scientific Advisors) và Liên minh tư vấn khoa học chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu (Scientific Advice for Policy by European Academies Consortium), thành lập Ban thư ký tại Tổng cục Nghiên cứu khoa học và đổi mới.
EU coi trọng vai trò của tư vấn khoa học trong quá trình ra quyết định, cho rằng cần nâng cao hiệu quả tương tác giữa nhu cầu chính sách và cung cấp tư vấn khoa học. Đảm bảo tư vấn khoa học được cung cấp có tính độc lập, cởi mở, minh bạch và khoa học. Khi bắt đầu xây dựng cơ chế tư vấn khoa học, Ủy ban châu Âu đã quyết định thành lập Nhóm cố vấn khoa học cấp cao (High Level Group of Scientific Advisers), chuyên cung cấp hỗ trợ tư vấn khoa học chuyên nghiệp cho việc ra quyết định. Ba năm sau khi thành lập nhóm cố vấn khoa học cấp cao, để làm nổi bật hơn nữa vai trò của các chuyên gia trong tư vấn khoa học, Ủy ban Châu Âu đã đổi tên nhóm này thành nhóm Cố vấn Khoa học chính vì nhóm này đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế tham vấn và tăng cường ảnh hưởng của mình trong hoạt động tư vấn đổi mới khoa học công nghệ của EU và các quốc gia thành viên.
Sau khi thành lập nhóm Cố vấn khoa học chính, Ủy ban châu Âu đã thành lập Liên minh Cố vấn khoa học về chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học Châu Âu vào tháng 12 năm 2016. Với sự hỗ trợ tài chính từ chương trình khung nghiên cứu và đổi mới “Horizon 2020” của Liên minh châu Âu, dựa trên mạng lưới Liên minh 5 Viện Hàn lâm Khoa học lớn nhất châu Âu. Là một phần quan trọng của cơ chế tư vấn khoa học của Liên minh châu Âu, vai trò của Liên minh tư vấn khoa học chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu là cung cấp tư vấn độc lập, dựa trên thực tiễn khoa học tiên tiến cho các quyết định của Liên minh châu Âu. Đội cố vấn khoa học chính cũng phải hình thành tư vấn quyết định dựa trên thực tiễn khoa học do Liên minh tư vấn khoa học chính sách Viện Hàn lâm Khoa học Châu Âu cung cấp.
Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chính sách cho nghiên cứu và ra quyết định sáng tạo ở các nước thành viên từ cấp EU.
Tháng 3/2015, EU đề xuất thành lập dịch vụ hỗ trợ chính sách xoay quanh chương trình Khung nghiên cứu và đổi mới. Cung cấp hướng dẫn chính sách đổi mới và hỗ trợ thực tiễn từ cấp EU cho các quốc gia thành viên và các quốc gia tham gia Chương trình Khung. Việc này nhằm cải thiện và nâng cao mức độ ra quyết định đổi mới ở các quốc gia thành viên EU nói chung, cũng như hiệu suất của Hệ thống Đổi mới. Dịch vụ hỗ trợ chính sách nghiên cứu đổi mới của EU là dịch vụ định hướng nhu cầu. Định kỳ hàng năm công bố thông báo khởi động, các nước liên quan đề xuất theo mong muốn cụ thể của mình trong việc hoàn thiện thiết kế chính sách đổi mới, thực hiện chính sách cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống đổi mới. Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới của Ủy ban châu Âu đã thành lập một nhóm chuyên gia, cung cấp hỗ trợ chính sách thực hiện ba loại dịch vụ.
Loại đầu tiên là cung cấp đánh giá ngang hàng và hỗ trợ đặc biệt. Đánh giá ngang hàng bao gồm tiến hành phân tích tổng thể và đánh giá chuyên sâu về điểm mạnh, điểm yếu trong nghiên cứu đổi mới sáng tạo của quốc gia đăng ký. Đưa ra các kiến nghị chính sách khả thi về cải cách cần thiết để tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (ví dụ như cải cách các trường đại học, xây dựng cơ chế chuyển giao tri thức…). Hỗ trợ đặc biệt là cung cấp hỗ trợ chuyên môn có mục tiêu về các vấn đề cụ thể mà quốc gia nộp đơn nêu ra về chiến lược đổi mới và lập kế hoạch đổi mới.
Loại dịch vụ hỗ trợ chính sách thứ hai là cung cấp nền tảng học tập và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau cho các nước nộp đơn trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện. Với mục đích tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và chắt lọc các yếu tố thành công. Các nước tham gia hoàn thiện các công cụ chính sách của mình thông qua học tập và chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nước khác.
Loại dịch vụ hỗ trợ chính sách thứ ba là hỗ trợ tiếp theo cho các quốc gia đã nhận được dịch vụ hỗ trợ chính sách.
Thiết lập các nguyên tắc đổi mới sáng tạo trong việc ra quyết định và thiết lập cơ chế phản hồi về hiệu quả của việc thực hiện các quy định.
Nguyên tắc Đổi mới trong việc ra quyết định của EU (Innovation Prin-ciple) có nghĩa là khi Ủy ban chuẩn bị triển khai các sáng kiến hoặc kế hoạch mới và xây dựng các chính sách, quy định pháp luật có liên quan. Luôn phải dựa trên việc liệu nó có hỗ trợ và có lợi cho đổi mới hay không. Phải đảm bảo rằng luật pháp liên quan tạo điều kiện tốt nhất có thể cho phát triển đổi mới. Từ thiết lập chương trình nghị sự lập pháp ban đầu đến xây dựng pháp luật quy định, rồi đến việc thực hiện cuối cùng, nguyên tắc sáng tạo của EU xuyên suốt toàn bộ quá trình ra quyết định. Thời điểm là một yếu tố quan trọng trong việc xác định liệu một sự đổi mới có thành công hay không, nhưng vì các luật và quy định liên quan hiện hành thường không thể theo kịp với những thay đổi phát triển công nghệ nhanh chóng và tụt hậu so với thời điểm áp dụng. Khi một số sản phẩm hoặc giải pháp mới đầy hứa hẹn được đưa ra thị trường, chúng sẽ bị hạn chế bởi các luật và quy định hiện có và những đổi mới có giá trị hoặc tiềm năng kinh tế xã hội cao có thể buộc phải trì hoãn việc đưa ra thị trường hoặc tạm dừng. Để tránh kết quả của việc thực hiện pháp luật và quy định đi ngược lại mục đích ban đầu, Ủy ban châu Âu đã quyết định thiết lập cơ chế phản hồi về luật và quy định để cho phép các doanh nghiệp và tổ chức đổi mới hợp tác với các cơ quan thực thi luật và quy định. Một mặt hướng dẫn các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiểu mục đích của các luật và quy định liên quan, hai bên đạt được sự đồng thuận về cách thực hiện một đổi mới cụ thể trong khuôn khổ đã có; Mặt khác, kiểm tra xem các luật và quy định có cản trở sự đổi mới và đưa ra các khuyến nghị sửa đổi hay không, sau đó Ủy ban châu Âu xem xét bắt đầu các thủ tục sửa đổi đối với các luật và quy định có liên quan.
Cải thiện quy định về đầu tư đổi mới sáng tạo
EU cho rằng mức độ đầu tư nghiên cứu phát triển của khu vực tư nhân châu Âu tụt hậu xa so với các quốc gia và khu vực như Mỹ. Ủy viên nghiên cứu và đổi mới gần đây nhất của Ủy ban châu Âu đã chỉ ra rằng “(năm 2015) đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào nghiên cứu và phát triển cao hơn 150 tỷ euro so với các doanh nghiệp EU”. Sự không chắc chắn do quy định không phù hợp đã hạn chế đầu tư đổi mới. Cần điều chỉnh sửa đổi các điều kiện quy định cho đầu tư đổi mới, các điều kiện quy định phù hợp hơn không chỉ có thể tối đa hóa tác động của đầu tư công mà còn khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào đổi mới, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm và dịch vụ sáng tạo ra thị trường. Tháng 2 năm 2016, Ủy ban châu Âu đã chính thức ban hành tài liệu “Quy định tốt hơn về đầu tư đổi mới ở cấp EU”. Ủy ban đã soạn thảo tài liệu này với các ý kiến và khuyến nghị từ các quốc gia thành viên EU, các tổ chức đổi mới và ngành công nghiệp, cũng như tiến hành các nghiên cứu trường hợp về các lĩnh vực khác nhau. Liệt kê các rào cản pháp lý đối với đầu tư đổi mới và đề xuất cải tiến và sửa đổi liên quan.
Tài chính: Thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các hoạt động nghiên cứu phát triển đổi mới
EU tin rằng hệ sinh thái đổi mới của họ thiếu các công cụ tài chính tư nhân đầy đủ. Từ góc độ vốn đầu tư mạo hiểm, đầu tư mạo hiểm vào nghiên cứu và phát triển của EU năm 2016 là 6,5 tỷ euro. Cùng năm đó, đầu tư mạo hiểm vào nghiên cứu và phát triển ở Hoa Kỳ là 39,4 tỷ euro, gấp 6 lần so với EU. Hơn nữa, Đầu tư vốn mạo hiểm của EU còn xa mới thúc đẩy được các doanh nghiệp đổi mới. Do đó, EU đề xuất cung cấp sự đảm bảo cho việc hiện thực hóa các ý tưởng đổi mới, thu hút các nhà đầu tư từ khắp châu Âu và tận dụng tốt hơn tiềm năng của thị trường chung để tạo điều kiện cho nguồn tài chính đổi mới và đầu tư của khu vực tư nhân vào các hoạt động đổi mới.
Phát huy vai trò thúc đẩy đầu tư sáng tạo đổi mới của Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu.
Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu (European Fund for Strate-gic Investments) được thành lập vào tháng 7 năm 2015 bởi Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Ban đầu bao gồm hai phần: Cơ sở hạ tầng và đổi mới do EIB chịu trách nhiệm, với mục tiêu huy động 240 tỷ Euro đầu tư. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc một phần của Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu với mục tiêu huy động 75 tỷ Euro đầu tư. Nghiên cứu và phát triển đổi mới là mục tiêu ưu tiên của Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu. Phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc loại hình này đổi mới sáng tạo về công nghệ và công nghiệp. Theo báo cáo đánh giá Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu do Ngân hàng Đầu tư châu Âu công bố vào tháng 06/2021, từ khi thành lập năm 2015 đến cuối năm 2020, Quỹ đã có 732 dự án đầu tư dự định vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và đổi mới, 816 dự án dự kiến đầu tư trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó các dự án đã được ký hợp đồng chính thức dự kiến đầu tư tổng cộng 479,5 tỷ Euro, nghiên cứu và phát triển đổi mới chiếm 25,6% (xem bảng 3). Theo số liệu của EIB, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng vốn đầu tư của Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu vẫn đạt 524,9 tỷ Euro vào cuối tháng 12 năm 2022, vượt xa mục tiêu dự kiến.
Bảng 3. Các biện pháp chính của châu Âu xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở
Cải cách và tối ưu hóa môi trường pháp lý | Thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào hoạt động nghiên cứu và phát triển đổi mới | Tối đa hóa tác động của đổi mới đối với kinh tế xã hội |
1. Thiết lập cơ chế tham vấn khoa học
2. Cung cấp dịch vụ hỗ trợ chính sách đổi mới ở cấp độ EU. 3. Thiết lập các nguyên tắc đổi mới trong việc ra quyết định và thiết lập cơ chế phản hồi về hiệu quả của việc thực hiện quy định 4. Hoàn thiện quy định về đầu tư đổi mới |
1. Phát huy đầy đủ vai trò của Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu trong việc thúc đẩy đầu tư đổi mới.
2. Phát triển các công cụ tài chính mới. 3. Thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm toàn châu Âu và mở rộng quy mô của các quỹ đầu tư mạo hiểm này |
1. Thành lập Hội đồng đổi mới ở Châu Âu.
2. Thành lập quỹ dự trữ kế hoạch nghiên cứu “Chứng chỉ xuất sắc” 3. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của xã hội, thị trường, ngành công nghiệp của EU và các quốc gia thành viên thông qua chương trình “ Đối tác đổi mới Châu Âu” |
Phát triển các công cụ tài chính mới
“Sáng kiến Tài chính Đổi mới – Chương trình EU Tài trợ cho các nhà đổi mới” (InnovFin: EU Finance for Innovators) là một công cụ tài chính mới được phát triển bởi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) phối hợp với Ủy ban châu Âu trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu và đổi mới “Horizon 2020”. Mục đích của công cụ tài chính mới là tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty và tổ chức đổi mới châu Âu tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp có rủi ro cao hơn và khó huy động tài trợ hơn. Kế hoạch cung cấp tài chính trực tiếp thông qua các khoản vay, bảo lãnh và vốn cổ phần hoặc thông qua các kênh trung gian tài chính như ngân hàng và quỹ, tùy theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến năm 2021, kế hoạch này đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho 149 dự án đổi mới với tổng số 30.000 doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp với số tiền tài trợ là 31 tỷ euro. Từ năm 2022, chương trình “Tài trợ đổi mới” phân loại chặt chẽ và chi tiết hơn các đối tượng được tài trợ theo các tiêu chí như danh mục, quy mô và các dự án tương ứng. Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cũng đã triển khai các dịch vụ tư vấn tài chính đổi mới (InnovFin Advisory) để cung cấp hướng dẫn và giúp các doanh nghiệp huy động vốn từ các kế hoạch chiến lược đổi mới nghiên cứu và phát triển, mô hình kinh doanh, cơ cấu vốn, nợ và phân bổ rủi ro, các kênh tài chính, v.v.
Thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm toàn châu Âu
Vốn mạo hiểm rất quan trọng đối với sự đổi mới và các công ty thường thích đầu tư vốn mạo hiểm trong giai đoạn khởi nghiệp và tăng trưởng. Các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm có nhiều khả năng thị trường hóa sự đổi mới, tạo ra bằng sáng chế và các hình thức sở hữu trí tuệ khác. Đồng thời chứng tỏ năng suất cao hơn so với các công ty cùng ngành không được hỗ trợ vốn mạo hiểm. Đặc biệt là trong khoa học đời sống, công nghệ sạch và trong các lĩnh vực như thông tin và công nghệ truyền thông, nơi đầu tư vốn mạo hiểm đặc biệt quan trọng đối với các công ty đổi mới. Trong số các quỹ đầu tư mạo hiểm ở châu Âu, tỷ lệ vốn từ các nguồn lực công là quá lớn, các quỹ đầu tư mạo hiểm ở châu Âu thường có quy mô nhỏ, trung bình chỉ 56 triệu euro, gần bằng 1/3 của Mỹ. Nếu quy mô quá nhỏ sẽ không thể nhận các khoản đầu tư lớn, lợi tức đầu tư không đủ khiến các nhà đầu tư tổ chức lớn không sẵn lòng đầu tư thêm vốn vào vốn mạo hiểm. Quy mô nhỏ và khối lượng đầu tư thấp của vốn đầu tư mạo hiểm châu Âu buộc các công ty khởi nghiệp đổi mới phải chuyển đến các hệ sinh thái nơi họ có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Để tăng quy mô của các quỹ đầu tư mạo hiểm châu Âu, thu hút thêm đầu tư khu vực tư nhân và tạo cơ hội cho các công ty đổi mới châu Âu phát triển nhanh chóng thành các công ty hàng đầu thế giới, Liên minh châu Âu đã đề xuất vào năm 2015 thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm toàn châu Âu (Pan-European Venture Capital Funds-of-Funds – VentureEU). Quỹ chủ yếu cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật số, khoa học đời sống, công nghệ, y tế, tài nguyên và các lĩnh vực khác.
Dịch vụ hỗ trợ: Tối đa hóa tác động của đổi mới sáng tạo mở đối với nền kinh tế xã hội
Để tối đa hóa tác động của đổi mới sáng tạo mở đối với nền kinh tế và xã hội, EU đã thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo mở.
Thành lập Hội đồng Đổi mới Châu Âu
EU cho rằng châu Âu là nơi ra đời nền khoa học xuất sắc của thế giới. Nhưng châu Âu thiếu động lực để biến những ý tưởng đổi mới thành sản phẩm để thực hiện công nghiệp hóa. Châu Âu tụt hậu so với các nước như Trung Quốc, Mỹ trong việc chuyển đổi lợi thế kỹ thuật và công nghệ thành các thương hiệu đẳng cấp thế giới. Trong những năm gần đây, EU đã tích hợp các yếu tố đổi mới vào các chương trình và chính sách của mình. Trong đó sáng kiến nổi bật nhất là khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp chất lượng cao trong chương trình “Horizon 2020” và “Horizon Europe”. Đồng thời, EU thừa nhận rằng các cơ chế hỗ trợ đổi mới hiện có thiếu phản ứng kịp thời đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vòng đời đổi mới ngày càng rút ngắn. Ủy ban châu Âu đã đề xuất thành lập Hội đồng đổi mới châu Âu (European Innovation Council) với mục tiêu biến các ý tưởng khoa học sáng tạo thành các sản phẩm và dịch vụ có thể tạo ra giá trị thị trường. Đồng thời nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và văn hóa doanh nhân để giúp các công ty khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô. Trong giai đoạn 2018-2020, Hội đồng Đổi mới châu Âu đã tài trợ cho hơn 5.500 công ty khởi nghiệp để phát triển các công nghệ và đổi mới đột phá, thu hút 9,6 tỷ euro đầu tư tiếp theo. Trong số các công ty khởi nghiệp được tài trợ, có 2 công ty đã phát triển thành các công ty lớn sừng sỏ với vốn hóa thị trường trên 1 tỷ Euro và 91 công ty đã phát triển thành công ty có giá trị thị trường hơn 100 triệu euro.
Thiết lập quỹ dự trữ cho các kế hoạch nghiên cứu “được chứng nhận xuất sắc” .
Nhiều chương trình nghiên cứu đáp ứng các yêu cầu đánh giá chương trình khung và các điều kiện sàng lọc không thể được tài trợ dưới sự ràng buộc của ngân sách EU. Liên minh châu Âu quyết định bảo lưu các chương trình nghiên cứu không được tài trợ này và đề xuất những kế hoạch đang được tiến hành để theo đuổi nguồn tài trợ khả thi khác. Đồng thời, các cơ quan tài trợ nghiên cứu và đổi mới khác cũng có thể được hưởng lợi từ hệ thống đánh giá cấp cao và xem xét kết quả của Chương trình khung EU, cũng như những đề xuất nghiên cứu và hệ sinh thái đổi mới địa phương.
Việc thiết lập quỹ dự trữ cho các kế hoạch nghiên cứu “được chứng nhận xuất sắc” không chỉ giúp nghiên cứu và đổi mới có được nhiều kênh đầu tư mà còn huy động tất cả các yếu tố trong hệ sinh thái đổi mới tham gia tương tác, nâng cao nhận thức về dòng chảy của các nguồn tài trợ và tạo cơ hội đầu tư mới cho chúng. Từ đó tối đa hóa tác động của đầu tư đổi mới. Mặt khác, thông qua “Chứng nhận Xuất sắc”, các quốc gia thành viên EU có thể lựa chọn chính xác và hiệu quả hơn các dự án nghiên cứu chất lượng cao dự kiến sẽ được tài trợ bởi các quỹ đầu tư hoặc các nguồn lực khu vực, đồng thời hưởng lợi từ các kết quả đổi mới trong tương lai. Trong khuôn khổ chương trình tài trợ nghiên cứu và đổi mới “Horizon Europe” cho giai đoạn 2021-2027, EU tiếp tục cải thiện chất lượng và tác động của nhóm chương trình nghiên cứu “Chứng nhận xuất sắc” và tăng cường đáng kể vai trò của mình trong các chương trình quỹ đầu tư và cơ cấu.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của EU thông qua chương trình “Đối tác đổi mới châu Âu”.
Chương trình “Đối tác đổi mới châu Âu” là sự hợp tác giữa EU, các quốc gia thành viên, các tổ chức nghiên cứu và phát triển đổi mới khu vực ở châu Âu, sẽ tạo điều kiện cho việc tích hợp các dự án, nguồn lực nghiên cứu phát triển và đổi mới nhằm thúc đẩy hiện đại hóa, xanh hóa và chuyển đổi kỹ thuật số trong các ngành công nghiệp và thị trường, hỗ trợ các mục tiêu chính sách chung của EU. Có thể thấy từ các chủ đề dự án và nội dung của chương trình “Đối tác đổi mới châu Âu” khoa học, nghiên cứu và đổi mới của EU tận dụng tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số, như sử dụng phân tích dữ liệu lớn để có được các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức kinh tế xã hội trong đô thị hóa, năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm, tài nguyên nước, sức khỏe v.v..
Hiệu quả và nguồn cảm hứng của việc EU xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở
Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của EU, những chủ thể tham gia chính vào các hoạt động đổi mới bao gồm khu vực công, khu vực đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng các chính sách pháp lý và tạo ra môi trường pháp lý như cung cấp hỗ trợ tài chính. Lĩnh vực tài chính giải quyết các vấn đề tài chính cũng bao gồm các thực thể như doanh nghiệp đổi mới, học viện và người dùng nói chung. Người dùng đóng vai trò quan trọng trong đổi mới sáng tạo mở vì trong thời đại kỹ thuật số, các ý tưởng đổi mới thường xuất phát từ nhu cầu cá nhân hóa của người dùng. Trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, EU không chỉ thúc đẩy dòng chảy và luân chuyển các ý tưởng và kiến thức đổi mới từ phía cung, như khả năng nghiên cứu, hệ thống tài trợ, quản lý sở hữu trí tuệ, v.v., mà còn đảm bảo rằng khoa học, nghiên cứu phát triển và đổi mới đáp ứng nhu cầu của người dùng từ phía cầu. Từ đó giúp thúc đẩy chuyển đổi kết quả nghiên cứu và khám phá khoa học thành nguồn lực sẵn có cho xã hội, hiện thực hóa giá trị kinh tế và giúp các doanh nghiệp đổi mới phát triển.
Thúc đẩy sản xuất và thị trường hóa đổi mới và tạo ra nhiều giá trị kinh tế và xã hội hơn
Liệu một sự đổi mới có thể thành công hay không và thành công như thế nào phần lớn bị ảnh hưởng bởi các chính sách pháp lý, công cụ tài chính, khả năng tiếp cận thị trường và các yếu tố khác. EU đã cải cách khung pháp lý hiện hành nhằm giảm hạn chế tiềm năng đổi mới, giảm bớt các rào cản pháp lý đối với các sản phẩm đổi mới nhằm tạo ra thị trường mới và hình thành các mô hình kinh doanh bền vững cho các sản phẩm sáng tạo, tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện với đổi mới. Khuyến khích, hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới đổi mới đột phá và công nghệ đột phá. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới công nghệ và doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về tài chính, EU đã đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, đồng thời thực hiện các biện pháp lồng ghép các chính sách thuế khác nhau của các quốc gia thành viên đối với chi phí đầu tư nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến 2019, trong số các dự án được tài trợ theo kế hoạch khung “ Horizon 2020 “, có 563 doanh nghiệp đưa ra thị trường các kết quả sáng tạo, 56% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đổi mới công nghệ có vai trò thúc đẩy nội lực cho tăng trưởng kinh tế và các hoạt động nghiên cứu phát triển thúc đẩy kinh tế là nguồn lực cơ bản của tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các chính sách liên quan của EU nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở thúc đẩy các hoạt động đổi mới nhằm tạo ra giá trị kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế EU. Theo kế hoạch khung ” Horizon 2020″ của EU, mỗi euro tài trợ cho sự đổi mới tạo ra 6-8,5 euro GDP. EU có kế hoạch tăng mức đóng góp của mỗi euro đầu tư đổi mới vào GDP lên 11 euro vào năm 2040 và tạo ra 320.000 việc làm mới có tay nghề cao. So với các ngành công nghiệp khác, giá trị kinh tế do các ngành công nghệ mới tạo ra quan trọng hơn đối với Châu Âu. Nhìn vào ngành công nghiệp kỹ thuật số, giá trị gia tăng của nền kinh tế kỹ thuật số của EU vào năm 2020 là khoảng 800 tỷ USD, chiếm 6,3% tổng giá trị gia tăng của EU (GVA), tương đương với giá trị gia tăng của ngành tài chính và bảo hiểm châu Âu cộng lại. Ngành công nghệ mới có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng việc làm lâu dài ở châu Âu, nơi ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiện sử dụng hơn 9 triệu kỹ thuật viên chuyên nghiệp, chiếm 4,5% tổng lực lượng lao động châu Âu. Trong giai đoạn 2012-2022, việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Châu Âu tăng 50%, gấp 8 lần tốc độ tăng trưởng việc làm của châu Âu (6,3%).
Phát triển các công cụ tài chính mới và mở rộng quy mô các quỹ đầu tư mạo hiểm châu Âu
Đổi mới đột phá có khả năng tạo ra các mô hình kinh doanh và thị trường mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm và nâng cao mức sống. Nhưng không phải kết quả của tất cả các hoạt động đổi mới đều thành công. Phải mất thời gian dài để một công nghệ đổi mới đi từ phát triển đến quy mô rồi đến lợi nhuận và tăng trưởng, đồng thời không thể thấy được lợi ích nào trong ngắn hạn. Do đó, sự đổi mới mang tính đột phá có tính rủi ro rất cao. Tài trợ cho đổi mới mang tính đột phá thường đòi hỏi đầu tư vốn mạo hiểm. Các chương trình tài trợ ở cấp EU thường chỉ ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản, rủi ro thấp hơn. Các ngân hàng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh truyền thống nhìn chung không muốn tham gia vì rủi ro đổi mới mang tính đột phá quá cao. Ngoài ra, nhiều ngân hàng châu Âu gặp khó khăn về thanh khoản do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công. Mức độ đầu tư công ở các nước thành viên EU nhìn chung sụt giảm nghiêm trọng. Nguồn cung vốn đầu tư mạo hiểm trong EU thấp hơn nhiều so với nhu cầu và rất cần các công cụ tài chính phát triển ở cấp EU. Bằng cách phát triển các chương trình tài chính đổi mới và thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. EU đã cải thiện những bất lợi của vốn mạo hiểm nhỏ, phân tán và theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn. Vốn đầu tư mạo hiểm ở châu Âu sẽ tăng từ 5,2 tỷ euro năm 2014 lên 18 tỷ euro vào năm 2022. Các công ty nhận được tài trợ đã phát triển nhanh chóng. Số lượng công ty cá mập công nghệ châu Âu đã tăng khoảng 10 lần từ năm 2014 đến năm 2022. Năm 2021, châu Âu có 98 công ty cá mập mới, nâng tổng số lên 321, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ (487). Mặc dù số lượng bổ sung mới sẽ chậm lại vào năm 2022 nhưng tổng số công ty cá mập ở châu Âu vẫn lên tới 352. Tổng giá trị của các công ty cá mập ở châu Âu đã tăng từ 89 tỷ USD năm 2014 lên 1,15 nghìn tỷ USD vào năm 2023, nghĩa là tổng giá trị của các công ty cá mập châu Âu đã tăng 12,9 lần từ năm 2014 đến năm 2023.
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở ở EU, Thúc đẩy tiềm năng nghiên cứu và tối đa hóa tác động của các dự án đổi mới
Xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân, ngành công nghiệp và giới học thuật. Nhiều dự án do EU tài trợ thông qua Chương trình Khung đổi mới nghiên cứu và phát triển được thực hiện bởi sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và nhà đổi mới từ các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, cứ 5 kết quả được công bố công khai ở EU thì có một kết quả là sự hợp tác giữa giới học thuật và khu vực tư nhân.
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới có sự hợp tác đổi mới khoa học công nghệ chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU và thúc đẩy hợp tác quốc tế của Liên minh châu Âu. Lấy kế hoạch khung “Horizon 2020” của EU làm ví dụ, trong khuôn khổ này, 12 cơ chế tài trợ chung mới đã được thiết lập, trong đó khoảng 75% ngân sách tài trợ được sử dụng để hỗ trợ hợp tác nghiên cứu và đổi mới. EU cũng thiết lập cơ chế tài trợ chung cho các lĩnh vực nghiên cứu đổi mới với các nước ngoài EU, đồng tài trợ cho các dự án đổi mới nghiên cứu và phát triển. Từ năm 2014 đến 2019, EU đã ký 12 thỏa thuận hợp tác với các nước như Trung Quốc, Canada, Ấn Độ, Mexico, Nga và nhiều nước khác. Các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp đến từ EU và các nước ngoài EU có thể cùng nhau triển khai nghiên cứu và phát triển sáng tạo theo các cơ chế hợp tác này.
Việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở sẽ tối đa hóa tiềm năng nghiên cứu của EU và tác động các kết quả từ các dự án do EU tài trợ. Các dự án sáng tạo được xem xét, giám sát và đánh giá bởi các bên thứ ba độc lập thông qua chính sách tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu. Trong giai đoạn 2014-2019, Liên minh châu Âu đã tài trợ tổng cộng 5.000 dự án nghiên cứu và phát triển với tổng trị giá 9 tỷ euro. Đây là khoản đầu tư đổi mới nghiên cứu và phát triển cao nhất trong lịch sử EU. Tính đến đầu năm 2019, đã có tổng cộng 867 đơn xin cấp bằng sáng chế, nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chất lượng cao được nộp cho các dự án đổi mới nghiên cứu phát triển do EU tài trợ. Trong đó 298 bằng sáng chế đã được phê duyệt. Các dự án do EU tài trợ đã thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới. Từ năm 2010 đến cuối năm 2023, các dự án do EU tài trợ đã giành được tổng cộng 14 giải Nobel, 6 giải Fields, 6 giải Kavli Prize và 11 giải Wolf Prize , và được mệnh danh là ngọn gió của giải Nobel.
Tóm lại, từ việc tối ưu hóa môi trường pháp lý đến cải thiện hệ thống tài trợ và cơ chế đầu tư mạo hiểm, tích hợp các nguồn lực đổi mới, nâng cao các dịch vụ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo mở. Việc EU tìm kiếm con đường khả thi để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở là đáng học hỏi. EU thiết lập các nguyên tắc đổi mới khiến việc hỗ trợ đổi mới trở thành một yếu tố phải được xem xét trong tất cả các quyết định của EU, đảm bảo ưu tiên đổi mới từ góc độ xây dựng các quy tắc và biện pháp quản lý. Việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm toàn châu Âu và thành lập Hội đồng Đổi mới Châu Âu làm cho phát triển công nghệ sâu sắc và đổi mới mang tính đột phá của Châu Âu trở nên khả thi. Cung cấp tài chính toàn diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới. Nâng cao nhận thức về dòng nguồn tài trợ và động lực đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tài chính khu vực, bao gồm các nhà đầu tư, tổ chức và quỹ đầu tư mạo hiểm, tham gia vào xây dựng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Phối hợp với các chương trình “Chứng nhận xuất sắc” và “Đối tác đổi mới châu Âu” để tối đa hóa tác động xã hội và kinh tế của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, thúc đẩy chuyển đổi các hoạt động đổi mới thành giá trị xã hội và kinh tế, phục vụ mục tiêu kép chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của EU.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Sun Yan