Trên một trái đất đang sôi sục, làm thế nào để không phải đối đầu nhau về những gì chúng ta cùng chia sẻ?
Tạp chí Le Grand Continent và UNESCO cùng hợp tác mời nhà sử học Dipesh Chakrabarty trình bày bài giảng khai mạc Hội nghị toàn thể của UNESCO. Chúng tôi là nơi đầu tiên công bố bài giảng của ông, cùng liên kết với tạp chí le Courrier de l’UNESCO.
Dipesh Chakrabarty
Với tư cách một giảng viên đại học, tôi hiểu tầm quan trọng khi trình bày trước quý vị trong khuôn khổ của một diễn đàn thế giới như UNESCO[**], một tổ chức được thiết lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai trên cơ sở thừa nhận rằng những thỏa thuận chính trị và kinh tế giữa các quốc gia không đủ để tạo lập một nền hòa bình bền vững giữa người với người. Rằng nền hòa bình này cần một công trình văn hóa và giáo dục để tăng cường “sự đoàn kết trí tuệ và tinh thần của nhân loại qua sự hiểu biết lẫn nhau và đối thoại giữa các nền văn hóa”. Bài trình bày của tôi sẽ dựa vào những thành tựu của tổ chức UNESCO trong khuôn khổ của chương trình “Con người và sinh quyển” của UNESCO, được phát động cách đây chừng 50 năm, năm 1971. Tôi xin nói lên những nhận xét của tôi trong tinh thần của UNESCO, vốn cố gắng tìm kiếm những sự thật khách quan có khả năng tập hợp được nhân loại, mặc dù có những khác biệt về tôn giáo và chính trị. Tất cả những thời khắc khủng hoảng đều được đánh dấu bởi câu hỏi sau đây: “Chúng ta còn chia sẻ với nhau điều gì trong một thế giới không phải của chúng ta? Chúng ta còn có điểm gì chung trong một thế giới đôi khi dường như bị phân mảnh?”
Sự trớ trêu của câu hỏi này tất nhiên nằm ở chỗ là các nhóm dân cư thường đối đầu nhau vì những điều mà họ đã chia sẻ: quá khứ chung, đất đai, nước, lãnh thổ, thú vật, cây cỏ, nguồn lực, v.v.. Hai cuộc chiến tranh mà dưới ảnh hưởng của chúng chúng ta gặp nhau nhắc chúng ta nhớ đến những cuộc xung đột như thế. Tôi muốn tập trung vào một số điều mà chúng ta cùng chia sẻ trong thế giới này, toàn cầu hóa với cường độ cao – nhưng không như là những vật sở hữu mà chúng ta có thể chia sẻ. Tôi đặc biệt nghĩ đến bầu không khí, các đại dương, bầu trời, các mùa, mặt trời và mặt trăng, những thứ tạo nên một dạng tài sản chung, nhưng chúng không thể bị phân chia như chúng ta đang làm với Trái Đất chẳng hạn.
Chúng vẫn được đồng thời chia sẻ như là những vấn đề lợi ích và quan tâm chung. Ví dụ chúng ta phải chia sẻ không khí vì đó là một điều kiện căn bản của cuộc sống chúng ta, nhưng cũng chính là cái không khí này đang đem ô nhiễm từ một nước hay một vùng qua nước khác. Ví dụ, một phần lớn châu Á đang bị mây màu nâu che phủ, một màng sương mù gồm những phần tử nhỏ li ti gây ô nhiễm mà ngay cả Ấn Độ và Pakistan, vốn chia rẽ trên nhiều vấn đề, cũng đành phải chia sẻ. Ta cũng có thể nghĩ đến trường hợp mới hơn là những đám cháy ở Canada đã làm cho không khí ở thành phố nơi tôi ở là Chicago trở nên ô nhiễm nhất thế giới vào ngày 27 tháng sáu 2023.
Gần đây hơn, với nhận thức về biến đổi khí hậu do con người gây ra, một đối tượng rất lớn đã trở thành một chủ đề quan tâm chung: chính là Trái Đất, hành tinh mà chúng ta chia sẻ như là đất đai trên đó chúng ta sống đồng thời là điều kiện của chính sự tồn tại của chúng ta. Tôi không nói về Trái Đất như là một vật thể hành tinh và thiên văn trừu tượng, mà là Trái Đất như là điều kiện của cuộc sống và của sự tồn tại của chúng ta, mà không phải chỉ của sự sống của con người, mà là điều kiện khả thi của tất cả mọi hình thái của sự sống vốn vẫn kết nối với nhau. Ngày trước mối bận tâm này được chia sẻ bởi một số chuyên gia khoa học, còn bây giờ mối bận tâm này đã trở nên phổ biến hơn nhiều từ khi những thông tin về suy thoái môi trường của toàn hành tinh đã đi vào các chu trình thông tin hàng ngày của chúng ta từ khoảng 15 năm nay – chất thải nhựa trong đại dương, những lỗ thủng tầng ô-zôn, quá tải khí gây hiệu ứng nhà kính trong không khí, sự nóng lên, acid hóa và thay đổi mực nước biển, nạn phá rừng gia tăng, mất đa dạng sinh học ở mức độ lớn, chưa kể đến khí hậu nóng lên. Càng ngày chúng ta càng ý thức rằng những hoạt động của chính chúng ta đe dọa các tiến trình địa sinh học vốn kết nối và hỗ trợ mọi hình thái của sự sống, bao gồm sự sống của chúng ta, tất nhiên.
Mới cách đây vài thập kỷ, quý vị và tôi, cũng như phần lớn những người khác, đã đơn giản xem hệ thống duy trì sự sống của hành tinh như là đương nhiên. Có bao nhiêu người trong chúng ta thường dừng lại để suy nghĩ về nguồn gốc của oxy trong bầu không khí? Mặc dù không có oxy thì chúng ta sẽ chết ngộp. Chúng ta đơn giản xem khí oxy này hay những đặc tính khác của hành tinh vốn góp phần vào việc duy trì sự sống như là một phần của cách mà thế giới được ban tặng cho chúng ta. Và chúng ta cũng cho rằng, dù chúng ta có làm gì đi nữa, thì Trái Đất, “mẹ của tất cả những người mẹ”, như Tagore đã có lần tôn vinh, vẫn sẽ không thay đổi với tất cả tình thương bao dung của một người mẹ, giúp cho chúng ta tiếp tục làm những gì con người làm. Chúng ta đã nghĩ rằng hành tinh là một thực thể quá lớn khiến con người không thể thay đổi nó. Chính vì vậy mà phần lớn trong chúng ta chưa bao giờ tự hỏi núi non, sông ngòi hay oxy trong không khí từ đâu mà có. Như triết gia Wittgenstein đã nêu ra, chúng ta hỏi tuổi của một tòa nhà khi chúng ta thấy nó, nhưng tại sao chúng ta không hỏi như vậy đối với một ngọn núi? Câu trả lời có lẽ là đối với chúng ta, những con người, núi non cho đến nay là một phần của vũ trụ được tạo ra, thế giới như chúng ta thấy nó, với cây cối, côn trùng và loài vật, nước và đất đai, sẵn sàng đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của chúng ta. Thế giới có vẻ to lớn, rất to lớn so với những con người yếu ớt. Không có gì thúc đẩy chúng ta suy nghĩ lại về mối quan hệ này — cho đến khi những tin tức liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra hay là hành tinh nóng lên ập vào đời sống hàng ngày của chúng ta và các nhà khoa học bắt đầu nói về con người và nền văn minh công nghệ cao của con người đã tiêu thụ năng lượng, như một dạng sức mạnh địa chất hay của toàn hành tinh đang thay đổi lịch sử của sự sống trên hành tinh này, thường là gây thiệt hại cho chúng ta.
Ta có thể cho rằng đã có một thời gian hành tinh không phải là một vấn đề lo lắng hay bận tâm chung và nhiều nhóm người trên toàn thế giới tôn thờ hành tinh này. Thời kỳ này là lúc loài người ít đông hơn, sở hữu ít của cải hơn, tiêu thụ ít hơn và các năng lực công nghệ ít phát triển hơn, đó là trường hợp trong thời gian dài nhất của lịch sử xưa trên 300.000 năm của loài người. Nhưng tất cả đều đã thay đổi, và thay đổi rất nhanh, trong vòng 70 năm trở lại đây. Các nhà khí hậu học khẳng định rằng với số dân gia tăng, sự đổ xô về thành phố và sự di chuyển trên toàn thế giới, sự gia tăng chưa từng thấy của của cải có sẵn – mặc dù có nhiều bất bình đẳng và hơn hai tỷ người không có nguồn nước sạch – sự gia tăng tuổi thọ, những thay đổi mang tính cách mạng trong các công nghệ về khoa học, quân sự và y học, và toàn cầu hóa mạnh mẽ các lối sống và sự tiêu thụ, loài người trở thành một lực lượng địa chất có một tác động tiêu cực – mặc dù không đồng đều – đối với toàn bộ hành tinh: bề mặt trái đất, các biển, bầu không khí và sự sống trên hành tinh. Tất nhiên, nhờ vào một vài phát minh nổi bật như máy hơi nước, điện, nông nghiệp hiện đại có sự trợ giúp của phân bón và thuốc trừ sâu nhân tạo, các loại thuốc kháng sinh và những phương tiện khác về điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn và virus, tập thể loài người đã sống trong các thập kỷ vừa qua như họ chưa bao giờ sống trong quá khứ. Năm 1950, tuổi thọ trung bình của dân số trên thế giới là dưới 50 tuổi; ngày nay tuổi thọ trung bình vượt xa 70 tuổi.
Như nhà sử học John McNeill đã nêu rõ, sự phát triển của công nghiệp hóa đã làm cho thế kỷ 20 trở thành “một thời kỳ của những thay đổi phi thường” trong lịch sử của nhân loại. “Dân số thế giới đã tăng từ 1,5 tỷ lên 6 tỷ người (đến nay dân số thế giới là 8 tỷ người, và nó còn tăng nữa rồi sau đó mới giảm xuống), kinh tế thế giới đã tăng 15 lần, tiêu thụ năng lượng đã tăng 13 hay 14 lần, tiêu thụ nước đã tăng 9 lần và những vùng được tưới nước tăng gấp 5 lần”. Nhận thức về sự trớ trêu của lịch sử của McNeill và đồng nghiệp của ông là Peter Engelke thật rõ ràng, ví dụ khi họ bình phẩm: “[…] sau năm 1945, dân số thế giới đi vào một giai đoạn đặc biệt nhất của lịch sử hai trăm năm của mình. Trong khoảng thời gian một đời người, từ 1945 đến 2015, dân số thế giới đã tăng gấp ba lần, từ khoảng 2,3 tỷ lên 7,2 tỷ. Sự ngắt quãng lạ lùng này, với tỷ lệ gia tăng dân số đều đặn trên 1%/năm tất nhiên là điều mà ngày nay mọi người trên Trái Đất này cho là bình thường. [Thực ra] Là tất cả ngoại trừ bình thường”. Công nghệ và sự có sẵn nguồn năng lượng dồi dào với giá rẻ là chìa khóa của sự “thành công” này. Nhưng điều đó có nghĩa là con người đã trở thành một “lực lượng của hành tinh” – các mức độ khí carbonic gia tăng nhanh hơn bao giờ hết trong lịch sử của Trái Đất”; “những thay đổi trong chu trình nitơ của Trái Đất (thông qua quy trình Haber-Bosch để sản xuất phân bón nhân tạo giúp chúng ta sống còn) có thể là những thay đổi quan trọng nhất từ hai tỷ năm nay”; và ”quy mô rộng lớn của chuyển dịch các giống loài xuyên lục địa và xuyên đại dương là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử của Trái Đất”.
Từ khắp nơi chúng ta nghe những lời cảnh báo chống lại khủng hoảng biến đổi khí hậu hay sự nóng lên của hành tinh. Có lẽ quý vị còn nhớ là tháng bảy vừa qua, khi miền Nam châu Âu và các vùng khác trên thế giới gặp những đợt nắng nóng cao không chịu đựng nổi, Tổng thư ký Liên Hợp Quôc Antonio Guterres đã nói không còn là “khí hậu nóng lên” mà là “sôi sục toàn cầu”. Tháng nóng nhất của hành tinh đã được ghi nhận là tháng bảy vừa qua. Cách đây chừng vài ngày, vào cuối tháng 10, đài BBC đã bình luận rằng tốc độ của biến đổi khí hậu do con người gây ra đã tăng nhanh. Những nghiên cứu gần đây được công bố trên Nature Climate Change gợi ý rằng nếu con người muốn tránh kịch bản của sự gia tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu là trên 1,5oC so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp hóa, thì phát thải ròng toàn cầu khí carbonic phải bằng “0” từ đây đến năm 2034, chứ không phải năm 2050 như mục tiêu hiện nay. Ngày 2 tháng 11 năm 2023, tờ The Guardian đã công bố một nghiên cứu do nhà khí hậu học nổi tiếng James Hansen thực hiện, nghiên cứu này xác nhận kết luận trên và dự báo từ nay cho đến năm 2050, hành tinh sẽ nóng hơn trung bình 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu điều này diễn ra, thì có nghĩa là GIEC (Groupe d’experts intergouvernementaux sur l’évolution du climat – Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu -) và Liên Hợp Quốc đã lấy một quyết định táo bạo không đảo ngược được với hậu quả nặng nề. Tờ Guardian dẫn lời giáo sư Hansen: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Một sự tăng nhanh [của tình trạng nóng lên] là nguy hiểm trong một hệ thống khí hậu vốn đã hoàn toàn không quân bình. Điều chủ yếu là phải đảo ngược xu hướng – chúng ta phải làm cho hành tinh mát lại – để bảo toàn vùng ven biển và cứu các thành phố ven biển trên toàn thế giới”.
Con số 1,5oC (đã thỏa thuận ở Paris năm 2015) được xem là đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển và những quốc gia đảo nhỏ, những nơi này sợ rằng nếu mức độ nóng lên cao hơn thì mực nước biển sẽ dâng lên và nhấn chìm nhà cửa của họ. Không chấp nhận tăng cường diễn ngôn về công bằng khí hậu – lập luận theo đó khí hậu nóng lên là hậu quả của một sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản – và bị ảnh hưởng bởi yếu tố giới và nguồn gốc –, từ nay diễn ngôn này từ chối “không gian cacbon” đối với những nước ít phát triển nhất, mà những nước này có thể cần có không gian cacbon để phát triển kinh tế của họ – điều này cũng dẫn đến việc nói về một “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.
Có lẽ chúng ta đã gây ra bước đầu của cuộc hủy diệt lớn sự sống lần thứ sáu. Tiếp tục hành động như thể con người còn là một lực lượng quá nhỏ nhoi để tác động vào hành tinh, xem núi non và sông ngòi như là đương nhiên, quả thực có thể xem như chặt cành cây mà chúng ta đang ngồi trên đó. Trước mắt, hành tinh đang đi vào con đường của một sự nóng lên thực sự không thể đảo ngược. Tình trạng nóng lên này tác động đến cả hệ thống sống còn của hành tinh, gây nguy hiểm cho chính sự sống của chúng ta. Một hành tinh nóng hơn sẽ khắc nghiệt và làm cho nhiều nơi trở nên không ở được. Ngày nay thông điệp này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Mới đây tôi vừa nhận được thông báo của một hội nghị dự trù cho năm tới tại Đức. Đây là điều hội nghi này mô tả thân phận con người ngày nay: “Tốc độ nhanh chóng và cường độ mà nhân loại biến đổi ngay cả những nền tảng mà sự tồn tại và tình trạng an sinh của chúng ta dựa vào đó trên hành tinh này bắt đầu đạt đến một mức độ rộng lớn đe dọa gây nguy hiểm cho tương lai của nhân loại trên Trái Đất.” Một cuộc khủng hoảng sinh tồn cận kề đối với nhân loại làm cho hành tinh trở thành một vấn đề bận tâm.
Các cuộc chiến tranh
Dưới ánh sáng của những điều đã nêu trên, tôi cảm thấy rằng bài học rất cần thiết phải rút ra, nhưng dường như rất khó để ghi nhớ về phương diện thực tế, đó là: những khía cạnh của thế giới mà chúng ta xem là đã đạt được chỉ đơn giản tạo nên một hậu cảnh câm lặng của những hoạt động của con người – băng hà, mưa, các mùa, biển, bờ biển, núi non, các lục địa – không còn có thể bị đối xử như trước, chính xác là vì biến đổi khí hậu do con người gây ra. Tuy vậy, dường như chính giả thuyết ngược lại đang ngự trị các hành động của chúng ta. Dù đó là đại dịch vừa qua hay các cuộc chiến tranh, chúng ta luôn hành động dựa trên cơ sở của giả thuyết về một thế giới ổn định mà chúng ta có thể luôn luôn tìm thấy sau một thời kỳ con người có hành vi tồi tệ gây tai hại. Có ví dụ nào thích hợp hơn mà tôi có thể nêu ra về tình trạng trớ trêu này ngoài hai cuộc chiến tranh hiện thời mà dưới ảnh hưởng đau thương của hai cuộc chiến này chúng ta gặp nhau?
Tôi đề cập đến các cuộc chiến không những vì sự trớ trêu muốn rằng nhân loại thường phải đánh nhau vì những thứ mà họ chia sẻ cùng nhau trong thực tế, nhưng cũng vì chiến tranh cho chúng ta thấy một năng lực sâu xa và có lẽ là bẩm sinh hay đã tiến hóa mà loài người có để có thể qua bỏ một bên, tạm gác lại hay trì hoãn – trong lúc này – vấn đề về những thứ họ có thể chia sẻ với những người họ đang chống lại trong cuộc chiến. Giả thuyết lâu đời này có lẽ là đúng và đã được chứng thực vào một thời kỳ trước, nhưng nó không còn như vậy ngày hôm nay. Những thiệt hại mà các cuộc chiến hiện đại gây ra cho môi trường của chúng ta càng ngày càng không thể sửa chữa. Những cuộc chiến hiện đại là tồi tệ đối với môi trường, đặc biệt là đối với vấn đề khí hậu nóng lên, vì những cuộc chiến này dựa vào một hỏa lực to lớn, như chúng ta thấy mỗi ngày. Ngay chính thành ngữ “hỏa lực” đã biểu lộ rõ: có đạn tên lửa, đạn pháo, nhưng những đám cháy cũng tham gia vào những tàn phá và hủy diệt do chiến tranh gây nên. Nhưng thường chúng ta không nghĩ đến những hậu quả của chiến tranh đối với các dạng của sự sống không phải của con người, và lại càng ít nghĩ đến khí gây hiệu ứng nhà kính mà chiến tranh ném vào bầu khí quyển. David Henig, nhà nghiên cứu tại đại học Utrecht nghiên cứu chất thải của chiến tranh hiện đại ở Bosnie-Herzégovine và ở những nơi khác, giải thích cách thức “sự xói mòn đất đai kết hợp với lũ lụt [do khí hậu gây ra] càng ngày càng dịch chuyển những ổ mìn trong đất và tạo ra những vùng gây tử vong mới [do chiến tranh] trong “thời bình” – những biến chuyển mà “chúng ta không hiểu rõ nguồn gốc”, ông nói.
Việc tạm gác lại vấn đề cần biết thứ mà những kẻ thù công khai có thể chia sẻ trong dài hạn trở nên khả thi do cảm xúc về khẩn cấp đặc biệt đã đẩy các nhóm tham chiến động viên cho chiến tranh. Một cảm xúc về khẩn cấp được thể hiện bằng những sự chống đối toàn diện: chúng ta chống lại chúng nó, chúng ta không chịu trách nhiệm, chúng nó thì có; cái tốt chống lại cái xấu; công bằng chống lại bất công – biết bao nhiêu hình ảnh quen thuộc về Tôi và Kẻ khác. Một cảm xúc tương ứng với toàn thể sinh ra từ một cuộc khủng hoảng dường như không chỉ là về sinh tồn – người ta nói như thể toàn bộ sự hiện hữu đang bị thách thức – mà còn là về tinh thần. Một tổng thể như thế chắc chắn cần huy động đến cảm xúc. Vì lý do đó những sự thù ghét ngấm ngầm, thường biểu lộ rõ, thúc đẩy chiến tranh phát triển. Trục tình cảm của cảm xúc về khẩn cấp này – cảm xúc mà có lẽ tôi sẽ không vượt qua được nếu tôi không giết kẻ thù của tôi – được tạo thành chung quanh những vấn đề về sự khác biệt. Một sự khác biệt sẵn sàng được biến thành bài học đạo đức, qua đó một ranh giới đạo đức có thể được thiết lập. Một diễn ngôn nhanh chóng biến thành diễn ngôn về điều xấu.
Tôi không giảm nhẹ tầm quan trọng của những cảm xúc này trong thời chiến. Câu hỏi mà tôi đặt ra là như sau: các cuộc chiến tranh hiện đại giả định gì về bản chất của thế giới vật lý mà chúng ta đang sống trong đó, và những giả định này luôn luôn có giá trị? Ta có thể tham chiếu tiểu luận kinh điển của triết gia Kant năm 1795 với nhan đề Vers la paix perpétuelle (Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu), trong đó ông nêu rõ các giả thuyết về chiến tranh cũng là những giả thuyết làm nền tảng cho các cuộc đình chiến tạm thời ở thời đại của ông. Trong số những giả thuyết này, một số dường như còn có tác dụng trong các cuộc chiến tranh mà chúng ta biết ngày nay. Đó là những giả thuyết về bản chất của thế giới, về cái mà Kant gọi là “Tự nhiên”. Rõ ràng là “Tự nhiên” của Kant không cùng một phạm trù với “môi trường” hay “hệ thống trái đất” của chúng ta, nhưng nó thuộc về phả hệ của những ý tưởng về sau này. Kant đã chỉ ra rằng những cuộc đình chiến và chiến tranh được xây dựng trên ý tưởng ngầm hay rõ ràng rằng “Tự nhiên” là thường hằng và bất biến trong mối quan hệ với con người dù con người làm bất cứ điều gì. Kant nghĩ rằng – và ta không thể trách ông, do lịch sử chiến tranh của những người châu Âu trong thời đại của ông –, chiến tranh “đã cắm sâu trong bản chất của con người và thậm chí còn được tăng giá trị”. Theo Kant, điều đã làm cho chiến tranh và đình chiến trở nên khả thi chính là do tự nhiên, nghĩa là tự nhiên bên ngoài, đã phân bổ loài người trên toàn thế giới và tự nhiên đã theo dõi để loài người có thể sống còn, ngay cả trên những vùng đất hiểm trở nhất. Tự nhiên đã trông coi cho toàn thế giới vẫn tiếp tục cư trú được, bất chấp những hành động của con người. Kant cho rằng, một hành tinh hoàn toàn cư trú được là một trong những giả thuyết của chiến tranh.
Chúng ta hãy dành thì giờ để đọc những gì Kant đã viết. “Đây là những nhận định tạm thời của ông: 1o) Tự nhiên đã cho loài người sự sống trong tất cả các vùng của trái đất; – 2o) Với phương tiện chiến tranh, Tự nhiên đã phân tán loài người trong tất cả các vùng, ngay cả những vùng hiểm trở, khắc nghiệt nhất để có dân định cư; – 3o) Cũng với phương tiện chiến tranh, Tự nhiên buộc con người thiết lập những mối quan hệ ít nhiều hợp pháp.” Nhưng ngay trong những vùng khắc nghiệt này, Tự nhiên đã chăm chút để loài người không thiếu chỗ ở, áo quần và thức ăn. “Dù trên những cánh đồng lạnh giá ven Bắc Băng Dương rêu mọc khắp nơi, dù con tuần lộc đào bới dưới tuyết, mà chính nó được dùng hoặc để nuôi sống con người, hoặc để kéo người Ostiaque (cư dân vùng tây Sibérie – ND) hay giống chó Samoyède; hay dù cát và muối của sa mạc trở nên đi lại được nhờ phương tiện lạc đà, lạc đà dường như được cố tình tạo ra để ta có thể băng qua sa mạc, điều đó đã là đáng ngạc nhiên” Kant viết. Ở đoạn khác, ông viết: “Mục đích lộ ra còn rõ hơn trong sự quan tâm chăm sóc của tự nhiên khi đặt vào ven bờ của Bắc Băng Dương, ngoài những loài thú được bao bọc với bộ lông dày, còn có hải cẩu, cá cúi (thuộc bộ bò biển – ND) và cá voi, mà lớp da và mỡ của chúng cung cấp thức ăn và nguồn chất đốt cho dân cư. Nhưng có điều tuyệt vời hơn là tự nhiên đã cẩn trọng cung cấp (mà ta không biết rõ lắm là như thế nào) gỗ cho những vùng không có thực vật mà nếu không sẽ không có tàu thuyền, vũ khí, lều cho dân cư, vả lại họ đang bận rộn với việc tự vệ chống lại các loài thú để sống hòa bình giữa họ với nhau – Nhưng có vẻ như chỉ có chiến tranh đã đẩy họ vào những vùng khí hậu này.” (bản dịch của Jules Barni, 1853).
Mặc dù câu chuyện chính xác của Kant về chiến tranh và hòa bình đã không được chấp nhận và sự phân biệt của ông giữa những khía cạnh động vật và tinh thần của con người không đứng vững nổi trước một sự khảo sát đầy tính chất phê phán, ý tưởng về một tự nhiên ổn định, mạnh hơn con người và gần như bất biến đối với con người, vẫn nằm đằng sau hành động của con người, cung cấp một bối cảnh trong đó con người hành động, dường như mãi mãi là một giả thuyết sống động trong các cuộc chiến. Ý tưởng cho rằng chúng ta luôn luôn có thể thu hồi, vớt vát lại các “thế giới” từ những tàn phá và thiệt hại mà chúng ta gây ra cho trái đất trong trạng thái như chúng ta đã được thụ hưởng.
Giả thuyết thứ hai của Kant, như chúng ta đã thấy, là dù con người làm bất kỳ hành động nào đi nữa, hành tinh vẫn mãi mãi là ở được đối với con người.
Các sự kiện khoa học và những câu chuyện về biến đổi khí hậu do con người gây ra cho thấy hai giả thuyết này không chắc đúng, cần được thảo luận lại. Như đại dịch đã cho chúng ta thấy, chúng ta không trở lại cùng một thế giới như trước đại dịch; trái lại, nạn phá rừng và những vấn đề khác về môi trường đã đưa chúng ta vào một thế giới khác, một thế giới bị kẹt trong một thời kỳ đại dịch, nói như các chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng. Cũng như vậy, nếu hành tinh hiện nay đang trên một lộ trình nóng lên và không thể đảo ngược được, chúng ta chỉ góp phần vào quá trình này bằng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà các cuộc chiến gây ra. Tình trạng nóng lên này, như tôi đã đề cập, làm cho hành tinh trở nên khắc nghiệt, theo thời gian một số nơi trở nên không ở được. Hiện tượng này đã góp phần làm xuất hiện khủng hoảng lương thực, di dân và xung đột. Dù có ý thức hay không, các cuộc chiến ngày nay chỉ có thể đẩy nhanh tiến trình.
Kant có một giả thuyết thứ ba, gần như mang tính tôn giáo: nếu tự nhiên có những mục đích riêng của nó thì tự nhiên được dành để phục vụ con người. Không cần phải dừng lâu trước giả thuyết này, vì nó trở nên hoàn toàn không thể bảo vệ được. Các nhà khí hậu học đã chứng minh rằng không phải nhờ chúng ta mà không khí có oxy hay các con sông chảy được. Chúng ta chỉ là những người hưởng lợi từ những quá trình sinh học-địa chất này.
Những thế giới bị chia rẽ trên một hành tinh được chia sẻ
Sự đáp ứng chậm chạp của con người đối với khủng hoảng khí hậu tương phản với tốc độ nhanh chóng mà các xã hội huy động cho chiến tranh. Tôi không có chỗ cũng như không có thời gian để thảo luận về những lý do của vấn đề này. Nhưng rõ ràng là ngay cả khi các nhà khoa học hay Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nói về “khẩn cấp khí hậu” hay “thế giới sôi sục”, thì đối với phần lớn các nhà lãnh đạo của chúng ta, biến đổi khí hậu toàn hành tinh dường như là một vấn đề về bản chất rất khác với bản chất của các cuộc chiến tranh. Đó không phải là một vấn đề kích động cảm xúc và hành động của con người với cùng một cách như chiến tranh hay những chia rẽ của chúng ta. Mặc dù tất cả tính thống nhất mà các nhà khoa học quy cho hệ thống trái đất, con người trải qua biến đổi khí hậu như là một hiện tượng tạm thời, không phải như bao nhiêu trận đánh cá nhân trong một câu chuyện tổng hợp toàn bộ một cuộc chiến, nhưng như bao nhiêu tình tiết liên quan với nhau nhưng là cục bộ, khiến cho các nhóm người khác nhau đi “từ một biến cố khí tượng cực đoan” này qua biến cố khác. Những tình tiết cá nhân của một cuộc chiến tan trong một câu chuyện tổng thể. Diễn ra một điều tương tự đối với các nhà khí hậu học khi họ nối các điểm trên các đồ thị của họ và thấy những biến cố khí hậu cực đoan trên thế giới không như những trường hợp riêng lẻ và cô lập của sự nóng lên mà như thuộc về và biểu thị câu chuyện rộng hơn và duy nhất của sự nóng lên đang xảy ra trên toàn bộ hành tinh. Nhưng “toàn bộ” hành tinh, một sự trừu tượng hóa về khoa học, tồn tại với tư cách là cảnh trí chính trị cho nhân loại. Đúng là hành tinh đã trở thành một chủ đề quan tâm chung, nhưng không có nhân loại hành tinh để đáp lại với tư cách là MỘT duy nhất. Và có thể là không có.
Nếu ta khởi đi từ nguyên tắc là các cuộc chiến sẽ không ngừng lại, ngay cả khi chúng dựa trên những giả thuyết liên quan đến hành tinh vốn không còn đứng vững nữa ở thời đại biến đổi khí hậu do con người gây ra, và nếu ta cũng khởi đi từ nguyên tắc là các cuộc chiến tranh hiện đại không thể, theo định nghĩa, có lợi cho một hành tinh càng ngày càng nóng và càng khắc nghiệt, thì làm thế nào chúng ta có thể cùng đặt chung với nhau những mối lo lắng chung của chúng ta liên quan đến hành tinh để đối phó với các cuộc chiến tranh vốn dĩ là một ví dụ cực đoan của sự chia rẽ của con người? Để kết luận, tôi đề nghị phác họa một chính sách chia sẻ khả dĩ mà trong tương lai ngay chính sách này có thể là một phần của các xung đột của con người. Tôi xin lấy ví dụ của những tảng băng vùng núi Himalaya vốn có một vai trò vừa ở mức độ hành tinh vừa ở mức độ địa phương. Tôi đặc biệt hướng đến Himalaya vì tôi hiểu tương đối tốt hơn lịch sử của nó, bởi vỉ tôi sinh ra và đã trải qua hai mươi bảy năm đầu đời của tôi ở tiểu lục địa Ấn Độ. Nhưng mục đích của tôi không phải để trách cứ một nhóm người. Trên lý thuyết, lẽ ra tôi có thể, như tôi đã nói, làm việc với một ví dụ khác, ví dụ rừng Amazon, được xem như một di sản thế giới. Khu rừng này trải dài trên Brazil và bảy nước khác. Rừng này vừa là tài sản chung vừa là một yếu tố của “tài sản” của các quốc gia khác nhau. Himalaya nêu lên vấn đề tương tự. Về mặt địa chính trị, các ngọn núi bị phân chia. Nhưng chúng tạo thành một tài sản chung. Làm thế nào để thống nhất – trước tiên trong quan niệm của chúng ta, tiếp sau là bằng hành động – địa chính trị và sinh thái của chúng, thậm chí là địa chất của chúng? Ở đây tôi chỉ làm bước đầu bằng cách phác họa vấn đề trên phương diện khái niệm.
Khi tôi chừng mười hai tuổi, Ấn Độ và Trung Quốc đánh nhau trong dãy Himalaya, một cuộc chiến tranh mà hậu quả đã có môt ảnh hưởng giáo dục sâu sắc đối với thế hệ chúng tôi. Vào thời đó, khi địa chính trị của cuộc chiến gây ra một mối quan tâm mạnh mẽ trong tất cả các gia đình – chúng tôi, những đứa trẻ, bám theo một cách say sưa từng từ ngữ phân tích của người lớn – người ta không nói về tuổi trẻ hay tuổi của Himalaya, như Wittgenstein có lẽ đã dự đoán. Cảm xúc thiêng liêng của chúng tôi về địa lý của đất nước đã được thông tin bởi sự hiện diện của Himalaya ở phía bắc và Ấn Độ Dương ở phía nam, một sự hiện diện dường như vĩnh cửu, trong mọi trường hợp cần thiết. Ngày nay, qua việc xây dựng các đập và cơ sở hạ tầng, sự gia tăng dân số đô thị, nạn phá rừng, dân sự cũng như quân sự, do Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành, và do Pakistan ở một mức độ nhỏ hơn, Himalaya là một trong những dãy núi bị tác động của con người nhiều nhất trên thế giới.
Đó là một nơi mà địa chính trị và sinh thái không thể bị tách rời. Chủ đề này đã là đối tượng của nhiều nghiên cứu. Mới đây giáo sư đại học người Úc Alexander E. Davis đã cho xuất bản một quyển sách về chủ đề này. Tôi chỉ lấy cảm hứng từ một vài nhận xét của ông để kết thúc bằng một vài đề nghị. Một trong những điều đầu tiên mà Davis đề cập là tuổi của dãy núi này. Ông nhắc cho chúng ta rằng Himalaya là “năng động về phương diện địa chất và địa chính trị”. Năng động về phương diện địa chất có mối liên quan với tuổi của dãy núi. Những ngọn núi của Himalaya là núi trẻ. Tại sao một người nghiên cứu chính trị lại đề cập đến thực tế địa chất này? Tại sao, trái ngược với vấn đề của Wittgenstein, ngay cả các chuyên gia về khoa học xã hội cũng phải quan tâm đến tuổi của Himalaya? Bởi vì rõ ràng là sự phát triển của các cơ sở hạ tầng, các thành phố, của một sự chuẩn bị cho chiến tranh ngày càng lớn như các cơ sở quân sự cho thấy chỉ có thể tác động đến sinh thái các ngọn núi. Việc nổ mìn các ngọn núi có thể gây ra trượt đất trong trường hợp mưa đặc biệt lớn hay bão tố. Việc này đã xảy ra nhiều lần trong hai thập kỷ vừa qua. Ngoài ra, do các khối băng và đa dạng sinh học, Himalaya đóng một vai trò cốt tử trong việc duy trì khí hậu của thế giới. Chúng ta đang thay đổi vai trò trên toàn hành tinh của Himalaya, khi các quốc gia đang sẵn sàng đối đầu nhau về các ngọn núi này. Một lần nữa tôi trích dẫn Davis:
“Tuy nhiên, Himalaya chính xác là châu Á đang vươn lên. Himalaya mỗi năm cao thêm chừng 10 centimet, khi mảng kiến tạo Ấn Độ va chạm với mảng kiến tạo Á-Âu như trường hợp đã xảy ra từ năm mươi triệu năm nay. Như vậy, còn khó khăn hơn khi đo đạc chiều cao của các ngọn núi vốn tạo nên những ranh giới chính trị quan trọng. Trong số mười centimet, đã mất đi năm centimet do xâm thực, vì các tảng đá va chạm nhau. Chiều cao các ngọn núi là năng động về phương diện địa chất và địa chính trị”.
Ngoài ra Davis nhấn mạnh rằng “[…] khoảng 240 triệu người [với văn hóa và ngôn ngữ khác nhau] sống trong vùng [Himalaya]”. Nhưng những người này “bị dời đi, nhường chỗ cho các dự án hạ tầng cơ sở đang gia tăng, đường sá, đường xe lửa và sân bay, rất nhiều trong số đó được xây dựng vì những mục đích quân sự”. Việc xây dựng các đập và gây ra di dời các cộng đồng đôi lúc tạo nên những mối lo ngại quan trọng. Davis viết: “Một khi sự xói mòn những tri thức bản địa trong vùng được thêm vào sự pha trộn của biến đổi khí hậu toàn cầu và xung đột giữa các quốc gia, tình trạng thường trực của những “xung đột đóng băng” là quá đủ để tạo thuận lợi cho một kết cục thảm khốc, mà không cần có những căng thẳng biên giới để gây ra chiến tranh, không gì khác hơn.
Quan trọng hơn nữa, những ngọn núi này nằm ở “nơi giao nhau của ba điểm nóng của đa dạng sinh học” và “tạo thành nguồn” của nhiều con sông lớn của châu Á, toàn bộ các con sông này phục vụ cho một số quốc gia nằm giữa Pakistan và Việt Nam. Những con sông này là Hằng Hà, Ấn Hà, Brahmapoutre, Irrawady, Salween, Mékong, Dương Tử và Hoàng Hà, chưa kể một số con sông nhỏ hơn cũng bắt nguồn từ Himalaya. Những con sông này phục vụ cho 47% dân số thế giới. Nhiều trong số các con sông đó được cung cấp nguồn nước bởi các khối băng hà. Một nhóm các nhà nghiên cứu khác nhấn mạnh rằng Himalaya đại diện “vừa cho sự kết nối vừa cho sự va chạm của hai quá trình tiêu biểu cho đầu thế kỷ 21. Quá trình đầu là sự chú tâm ngày càng tăng đến sự phát triển thủy điện. Mặc dù các con số có khác nhau, gần 200 con đập mới được dự kiến trong dãy Himalaya để sản xuất điện… Quá trình thứ hai là sự thừa nhận biến đổi khí hậu và thảo luận về chủ đề này. Mặc dù các dữ liệu còn hạn chế và bị tranh cãi, vẫn tồn tại một sự đồng thuận khoa học quan trọng về thực trạng là Himalaya đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những hiệu ứng của biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Vậy đây là một trường hợp phân mảnh địa chính trị về một chủ thể mà Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và nhiều nước khác cùng chia sẻ như là tài sản sinh thái chung. Nhưng những quốc gia thấy biên giới của họ bị phản bác và quân sự hóa qua những ngọn núi đang đối xử với các con sông và băng hà vốn phục vụ tám hay chín quốc gia như sở hữu riêng của họ. Có những hiệp ước song phương về nước giữa một số quốc gia, nhưng không có một hiệp ước đa phương nào về quản lý sức khỏe của các khối băng hà vốn rất quan trọng vừa cho khí hậu toàn cầu vừa cho việc cung ứng nguồn nước cho tất cả các quốc gia mà các khối băng này phục vụ. Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng những xung đột giữa các nhà nước-dân tộc vốn ghi dấu trên các ngọn núi sẽ sớm biến mất. Nhưng sự thụt lùi của các khối băng và tác động của nó trên sức khỏe của các dòng sông là những nguồn cơn lo âu thực sự.
Vậy làm thế nào để hội tụ những mối quan tâm chung của chúng ta về tình trạng của hành tinh – khẩn cấp về khí hậu – và những lợi ích về địa chính trị vốn có thể chia rẽ chúng ta? Khởi đi từ nhận định rằng chiến tranh hiện đại là tồi tệ cho môi trường, rằng hỏa lực của một quân đôi càng lớn thì có thể tác động và trách nhiệm của nó cũng lớn, sau đây là một vài suy nghĩ về những hành động khả dĩ. Nhưng đó là những suy nghĩ về các nguyên tắc. Tôi minh họa những nguyên tắc này một cách cụ thể về những gì liên quan đến Himalaya – những nguyên tắc đề cập ở đây có thể được áp dụng ở những nơi khác.
Trước tiên, tôi thấy dường như nên có một chính quyền cấp vùng và đa phương mà tất cả các quốc gia được phục vụ bởi các dòng sông và các khối băng tham gia vào. Tổ chức vùng và đa phương này có thể đảm nhận theo dõi để các khối băng và các dòng sông được bảo vệ nhiều nhất có thể, ngay cả trong các xung đột địa chính trị và những sáng kiến phát triển ảnh hưởng đến Himalaya. Tất nhiên, điểm quan trọng nhất là điều đó không thể xảy ra nếu các nhà nước-dân tộc không nhường – hay không chia sẻ – một phần quyền hành và sự tự chủ của họ cho một tổ chức vùng và đa phương như thế. Như chính sách và kinh nghiệm của đại dịch đã chỉ ra, chúng ta càng trở nên di động và đan xen nhau ở mức độ toàn cầu, thì những vấn đề quản trị toàn cầu – ít nhất là trên một số vấn đề khẩn cấp về môi trường – càng quan trọng. Tôi không phủ nhận thực tại cũng như nhu cầu của các nhà nước-dân tộc, nhưng những giới hạn của các thực thể này trong một số lĩnh vực càng ngày càng không thể không biết đến trong một thế giới được kết nối với nhau trên quy mô hành tinh. Nếu cuối cùng biến đổi khí hậu biến hàng triệu con người thành những người tị nạn bên trong và bên ngoài đất nước của họ, tất cả chúng ta sẽ phải học chia sẻ tài sản chung với những người thuộc các tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, thói quen ăn uống khác, v.v..
Đồng thời, tôi muốn gợi ý rằng công việc có thể được tiếp tục theo một con đường khác. Cũng như cách mà ngày nay chúng ta có một luật về chiến tranh buộc các bên giao chiến phải bảo vệ những người dân vô tội, đặc biệt là trẻ em, những thiệt hại bên lề một cuộc chiến, chúng ta có thể hình dung một yêu cầu tương tự để việc bảo vệ những môi trường sinh thái toàn cầu và địa phương trở thành một phần của luật về chiến tranh. Các cuộc chiến tranh hiện đại và biến đổi khí hậu có một mối liên hệ với nghĩa kép: các cuộc chiến góp phần vào sự nóng lên toàn hành tinh, và đến lượt sự nóng lên lan rộng và phân bổ lại những tác động tiêu cực của các cuộc chiến. Để trở lại với ví dụ của tôi, kiến thức chung của chúng ta về địa sinh học của Himalaya có thể sẽ phải thông tin cho các chiến lược địa chính trị của các nhà nước-dân tộc. Alexander Davis, chuyên gia về quan hệ quốc tế mà tôi đã dẫn trên đây, có tiếng nói hùng hồn về vấn đề này: “Thời kỳ này [kỷ nguyên nhân sinh] được đánh dấu bằng mực nước dâng lên, các khối băng tan, những nạn tuyệt chủng ồ ạt và một sự mất mát to lớn của đa dạng sinh học ở quy mô toàn cầu. Nếu hành vi của con người đào luyện nên hành tinh về phương diện địa chất, thì hệ quả phải là hành tinh là một yếu tố tạo thành chủ chốt của chính sách của chúng ta. Không thể suy nghĩ về những căng thẳng địa chính trị trong Himalaya ở ngoài bối cảnh sinh thái của những căng thẳng này”.
Tất nhiên, điều này sẽ không được thực hiện một sớm một chiều. Nhưng như tôi đã nói, tiến hành chiến tranh chỉ làm gay gắt thêm sự nóng lên của hành tinh và làm trầm trọng thêm các vấn đề sinh thái môi trường, giống như chặt cành cây mà ta đang ngồi trên đó. Các cuộc chiến tranh hiện đại, cho dù không thể tránh khỏi, đang góp phần vào việc hủy hoại hệ thống sống còn của hành tinh, chủ yếu là vì uy lực to lớn của chúng về hủy diệt các sinh mạng của con người và các loài khác, các cảnh quan và của cải.
Sự phân mảnh có lẽ là một điều mà con người không thể thoát khỏi hoàn toàn, vì nó gắn bó một cách sâu sắc với nhận thức rất phát triển của chúng ta về công bằng và công lý (mặc dù chúng ta rất kém trong việc thực hiện chúng), nhưng khủng hoảng môi trường toàn hành tinh kêu gọi chúng ta cố gắng ngăn chặn những thiệt hại khác về môi trường trên hành tinh tươi đẹp này mà chúng ta cùng chia sẻ không những với loài người và những loài khác, mà hành tinh còn là điều kiện của sự tồn tại của chúng ta. Chúng ta còn có thể khởi đi từ nguyên tắc – như các quốc gia tham chiến dường như còn làm – cho rằng nếu chúng ta tạm quên thế giới trong lúc chúng ta chiến đấu chống kẻ thù “không đội trời chung”, chúng ta sẽ khôi phục nguyên vẹn thế giới một khi hòa bình được lập lại. Tiếc thay ở vào thời đại của chúng ta, vào cuối cuộc chiến, chúng ta chỉ khôi phục một hành tinh nghèo hơn về mặt sinh thái môi trường, vì năng lực hủy diệt hung bạo của con người mà chiến tranh đã châm ngòi. Mối quan tâm của Kant đối với việc hiểu những điều kiện cần thiết cho một nền hòa bình vĩnh cửu vẫn luôn có tính chất thời sự. Có thể những câu trả lời của ông ngày nay không làm chúng ta thỏa mãn, nhưng vấn đề của ông – và sự tìm kiếm của ông – vẫn còn đó.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: Plusieurs mondes sur une seule planète, Le Grand Continent, 12.11.2023