Cuộc tranh luận, do hai cách tiếp cận khó hòa giải khống chế, về các chính sách kinh tế của sự chuyển đổi dường như rơi vào ngõ cụt. Một bên là các nhà tự do, dựa trên di sản tri thức của Arthur Pigou và của Ronald Coase. Họ cho rằng có thể tiến hành chuyển đổi bằng cách tính đến các khí thải như một hiệu ứng ngoại lai cần chỉnh sửa.
Trong trường hợp này chính sách sinh thái được tiến hành qua thị trường: bằng cách hợp nhất chi phí sản xuất “thật sự”, các giá tương đối sẽ tiến hóa, tiêu dùng sẽ được giảm thiểu và những đầu tư cần thiết cho việc khử carbon sẽ tăng lên. Thể hiện chính trị của tư tưởng này là thuế carbon và thị trường các quyền phát thải. Theo cách tiếp cận này chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải gánh chịu sự điều chỉnh.
Bên kia là những ai chủ trương mở rộng vai trò của Nhà nước trong đời sống xã hội và kinh tế, lấy cảm hứng từ việc tài trợ các cuộc chiến tranh và sự tái thiết sau đó: chủ yếu của bước chuyển đổi phải do một Nhà nước đầu tư, được tài trợ bằng việc kết hợp nợ công và những khoản thuế chuyên biệt. Tầm nhìn này đã sản sinh ra nhiều đề xuất được tranh luận công khai, ví dụ như đề xuất về một sắc thuế đặc biệt và tạm thời dành riêng cho sự chuyển đổi. Nhánh phi chính thống nhất của cách tiếp cận này, thường chịu ảnh hưởng của modern monetary theory (MMT), tập trung vào việc ngân hàng trung ương tạo sinh tiền tệ, xóa nợ và những phái sinh của nợ.
Nhưng một cách tiếp cận thứ ba đang nổi lên và phát triển từ một thập niên đến nay. Cách tiếp cận này xứng đáng được thừa nhận vì nó đề xuất bẻ gãy sự phân đôi trên: không nên xem Nhà nước là một nguyên khối và toàn năng, đối lập với khu vực tư nhân, nhưng nên nghiên cứu sự phân nhánh của Nhà nước và những đường biên giới mờ giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.
Trái lại, theo những ai bảo vệ cách tiếp cận này, quả thật là Nhà nước phải có vai trò trung tâm, khác với “con đường thứ ba” theo mô hình của (cựu thủ tướng Anh – ND) Tony Blair, vốn xử lí những triệu chứng hơn là tư duy lại các mô hình kinh tế của chúng ta. Chính Nhà nước phải phối hợp, định hướng, kế hoạch hóa, và nhờ việc kết hợp tốt các công cụ mà sự chuyển hướng mới khả thi.
Chúng ta có thể tranh luận thế nào là những ước tính đúng đắn về các đầu tư cần thiết cho sự chuyển đổi, nhưng có một đồng thuận về kích cỡ của chúng: cần phải bỏ ra cả chục nghìn tỉ để đạt các mục tiêu “phát thải bằng 0”. Đâu là những tác nhân có khả năng gánh nổi sự chuyển hướng này, tức là gánh chịu việc mở rộng bảng tổng kết tài sản của mình? Làm thế nào để cho việc gia tăng các tài trợ gắn với sự chuyển đổi không gây hiểm nguy cho các nền kinh tế chúng ta? Nhiều nhà nghiên cứu đề xuất nên theo một cách tiếp cận “hệ thống”. Vì sao? Do sự chuyển đổi sẽ có tác động trên tất cả các tác nhân của nền kinh tế và do đó đòi hỏi tiến hành một phân tích nắm bắt tất cả những biến đổi này.
Một trường phái tư tưởng châu Âu mới
Từ hơn mười năm nay, dần dần hình thành một nhóm nhà nghiên cứu và trí thức bắt đầu làm việc trên những vấn đề này. Phần lớn số họ là người châu Âu, quen biết nhau và trích dẫn nhau; họ kết hợp sử học, chính trị kinh tế học, tài chính vĩ mô và lịch sử tư tưởng; và nhà sử học Adam Tooze đóng góp phần lớn vào việc phổ biến các ý tưởng của họ.
Cụ thể, họ làm gì? Trước tiên họ xem xét sự phụ thuộc tài chính giữa những loại tác nhân Nhà nước hay tác nhân tư nhân khác nhau; điều này kéo theo việc xem xét quan hệ giữa những “bảng tổng kết tài sản” của các định chế khác nhau: ngân hàng trung ương, Kho bạc, các ngân hàng, doanh nghiệp hay các cơ quan ngân sách nằm ngoài bảng tổng kết tài sản (như CDC hay các ngân hàng đầu tư công).
Đặc biệt cách tiếp cận này neo vào các công trình của Perry Mehrling (2011); cách tiếp cận nói đến “kiến trúc tiền tệ, hệ thống thứ bậc những bảng tổng kết tài sản đan chéo nhau”, (Steffen Murau, 2020), và những chế độ “tài chính vĩ mô kết hợp những định chế tiền tệ, thuế khóa và tài chính định hình việc tạo ra và phân bổ tín dụng và tiền tệ” (Daniela Gabor và Benjamin Braun, 2023). Tiếp đó các tác giả này thử nhận diện những thách thức quyền lực đi cùng với các sự liên thuộc này.
Trường phái mới này cho thấy về mặt lịch sử là kiến trúc của những hệ thống tài chính vĩ mô từng luôn tiến hóa và những mô hình vô cùng khác với các mô hình của chúng ta từng được thiết lập để đối phó với sự gia tăng của lạm phát, gia tăng của những nhu cầu tài trợ công hay với sự thu hẹp của cung. Cuối cùng nó cũng chỉ ra vị trí và các mối liên hệ giữa những định chế khác nhau là một vấn đề cực kì chính trị, để đáp ứng với những ràng buộc kinh tế mạnh.
Như vậy trường phái này đã làm rõ một số thời kì có một Nhà nước mạnh nhưng không chỉ can thiệp bằng thuế khóa và chi tiêu: đó là trường hợp của nghiên cứu của Eric Monnet về chính sách tín dụng của Pháp thời hậu chiến, của Isabella Weber về tự do hóa giá cả ở Trung Quốc mà tránh siêu lạm phát, hay của Steffen Murau về diễn tiến của chế độ tài chính vĩ mô của Phổ và Đức từ năm 1740 đến năm 1914.
Vì một cách tiếp cận có tham vọng và tính hệ thống của sự chuyển đổi
Các cách tiếp cận có hệ thống này là thiết yếu để tư duy và xác định những chính sách kinh tế chuyển đổi, chủ đề mới được ưa thích của nhóm nghiên cứu này.
Làm thế nào các tác nhân khác nhau của nền kinh tế có thể gánh chịu sự chuyển đổi? Murau et al. nói: hãy nhìn vào độ co dãn[3] của các bảng tổng kết tài sản của các tác nhân sẽ thấy là có những định chế kiểu “ngựa thồ” có khả năng khởi đầu mở rộng và vay nợ cho chuyển đổi (ví dụ các cơ quan ngân sách nằm ngoài bảng tổng kết tài sản như các ngân hàng đầu tư công) và những định chế kiểu “cứu hỏa” mang tính bảo hiểm và bảo vệ chống sự bất ổn định có hệ thống và tiếp đó quản lí một sự sụt giảm khả dĩ của hoạt động kinh tế (ngân hàng trung ương và Kho bạc). Jens van’t Klooster và Eric Monnet cũng nhấn mạnh sự cần thiết phát triển những công cụ mới để đảm bảo một sự phối hợp tốt hơn của chính sách tiền tệ và của nghị trình châu Âu.
Nên trao cho Nhà nước vai trò nào trong sự chuyển đổi? Để trả lời câu hỏi này phải kết hợp việc phân tích các bảng tổng kết tài sản với chính trị kinh tế học. Theo Daniela Gabor và Benjamin Braun có nhiều chế độ: một Nhà nước giảm rủi ro (“derisking”), trong đó Nhà nước đảm nhận một phần rủi ro kinh tế và tài chính nhằm để cho vốn tư nhân hướng về những đầu tư khử carbon bằng cách trợ cấp một số ngành hay để cho thị trường việc tái định hình các ngành; hay một “một Nhà nước xanh lớn” (“big green state”), trong đó Nhà nước lên kế hoạch, với năng lực lớn định hướng vốn tư nhân theo một phân bổ nhất định các nguồn lực.
Các chế độ chính trị này nổi lên và được duy trì như thế nào? Phân tích lịch sử của chúng là rõ ràng và dứt khoát, nêu bật vai trò của các ý tưởng và của những người bảo vệ các ý tưởng này: ví dụ, đó là trường hợp của Clara Mattei trong tác phẩm L’ordre du capital: comment les économistes ont inventé l’austérité et ouvert la voie au fascisme, [Trật tự của tư bản: các nhà kinh tế đã sáng tạo chính sách thắt lưng buộc bụng và mở đường cho chủ nghĩa phát xít như thế nào], của Benjamin Lemoine trong cuốn L’ordre de la dette [Trật tự của nợ nần], hay còn của Daniela Gabor và Benjamin Braun, khi hai tác giả thiết kế kinh tế chính trị học của việc khử carbon: các chế độ là kết quả của những tương quan lực lượng giữa những ai bảo vệ thắt lưng buộc bụng và những ai lo ngại sự bất ổn định địa chính trị hơn.
Tóm lại, trường phái này kêu gọi tiến hành những biến đổi nhiều tham vọng hơn là chỉ đơn giản chuyển đổi từ một cân bằng này sang một cân bằng khác, hay là những điều chỉnh khiêm tốn về mặt thể chế. Tất nhiên là có những sắc thái khác nhau trong nội bộ nhóm tác giả trên, điểm chung của họ là trao cho Nhà nước vai trò trung tâm. Nhưng trái với những ai chủ trương mở rộng vai trò của Nhà nước trong đời sống xã hội và kinh tế theo kiểu truyền thống vốn xuất phát từ quan điểm cho rằng Kho bạc nên chỉ đơn giản đảm nhận phần chủ yếu của sự chuyển đổi, trường phái theo đuổi kiến tạo này đánh giá là Nhà nước phải đảm nhận nhiều vai trò – vai trò nhà bảo hiểm, nhưng đồng thời cũng là người sắp đặt và điều tiết toàn bộ kiến trúc. Nhà nước có thể để cho thị trường điều tiết một số lĩnh vực và thừa nhận những giới hạn của thị trường trong một số lĩnh vực khác.
Cuối cùng Nhà nước nên điều hành nhờ tầm nhìn bao quát của mình, nhưng vẫn giữ khoảng cách một phần. Đó là điều được Eric Monnet nhấn mạnh: “năng lực của Nhà nước tác động vào nền kinh tế không tỉ lệ với những chi tiêu của mình”; đó cũng là cách tiếp cận của Dezernat Zukunft, một think tank Đức ở đầu nguồn của mạng lưới European Macro Policy Network, xuất phát từ nguyên tắc “các định chế kĩ trị và các thị trường không phải là những mục đích tự thân” nhưng phải phục vụ cho việc “đạt được những mục tiêu được chọn một cách dân chủ”.
Cách tiếp cận này đang phát triển mạnh, và đã cung cấp những câu trả lời xác đáng cho vấn đề tài trợ, phân phối các vai trò trong quá trình chuyển đổi, cũng như trong tương lai cho vấn đề thị trường lao động hay sự hoạt động của các dịch vụ công. Tại Pháp Institut Avant-garde (Viện tiên phong) được chúng tôi thành lập, tham gia vào sự phát triển cách tiếp cận mới này.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Une nouvelle pensée économique de la transition”, Alternatives économiques, 11.6.2024.