Tác giả: Dhafer Sadane
Giáo sư – Trưởng Khoa Chương trình Cao học Corprate Financial Management, trường Kinh doanh SKEMA Lille và Tô Châu – Lille (Pháp)
Trong một bài báo đăng trên Finance Research Letters năm 2021 cùng với đồng nghiệp của tôi, Sana Ben Abdallah, có nhan đề “African firm default risk and CSR” (Rủi ro vỡ nợ và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp châu Phi), chúng tôi đã nêu rõ một mối liên hệ giữa rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp châu Phi và chiến lược môi trường của họ. Sự ổn định của các doanh nghiệp châu Phi phụ thuộc vào việc thực hiện một cách tiếp cận phát triển bền vững. Tóm lại, thành tích về môi trường của doanh nghiệp châu Phi có một cái giá và tác động đối với sự ổn định của doanh nghiệp. Như vậy những hậu quả của các rủi ro về khí hậu không thể không có tác động đối với sự ổn định của các doanh nghiệp của lục địa châu Phi.
Thế nhưng, những phát thải khí CO2 từ các nước giàu là giống như đám mây của Tchernobyl: chúng không dừng lại ở biên giới. Chúng lan đến các nước nghèo và có một tác động đáng kể trên lãnh thổ của các nước này. Đó là điều mà ta gọi là bất công về khí hậu: thực tế là những nước bị tác hại nhiều nhất bởi các tai họa tự nhiên thường là những nước ít gây ô nhiễm nhất.
Ví dụ châu Phi góp 3% phát thải khí CO2 toàn cầu. Vậy mà châu Phi phải chịu đựng nắng nóng cực đoan, hạn hán, lũ lụt, bão, sóng thần… mà châu Phi không phải là nguyên nhân. Thêm vào đó, một số vùng, ở Mali hay Niger, hoàn toàn bị nhiễm phóng xạ. Các bệnh tật lan rộng vì những khai thác uranium ồ ạt trong những điều kiện rất tạm bợ về an toàn. Nạn phá rừng tiếp tục làm tổn hại môi trường tự nhiên. Về dài hạn, những hiệu ứng ngoại lai tiêu cực này có thể có một “hiệu ứng boomerang” (nôm na là gậy ông đập lưng ông – ND) đối với toàn thể nhân loại.
Nước Mỹ đã góp khoảng 17% vào sự nóng lên của khí hậu toàn cầu từ 1850 đến 2021. Ngược lại, Ấn Độ góp 5% trong cùng thời gian này, mặc dù nước này có dân số đông hơn Mỹ nhiều. Tổng cộng lại, các nước nhóm G20 đã góp vào, cho đến nay, khoảng ba phần tư mức nóng lên của khí hậu toàn cầu.
Những thay đổi dữ dội này cũng đang tác động đến lộ trình tăng trưởng của lục địa châu Phi. Một sự giảm sút 30% năng suất nông nghiệp có vẻ là một giả thuyết hợp lý. Mỗi một tai họa ở châu Phi tức thì dẫn đến một sự gia tăng mất an ninh lương thực ước khoảng 20% theo một số nguồn tài liệu. Nếu ta không làm gì cả, thì dự báo tổng sản phẩm nội địa (PIB – Produit intetieur brut) sẽ giảm ít nhất 30% từ nay đến 2050 theo cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Cú sốc của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (MACF) đối với châu Phi
Tác động môi trường không thể được đo lường theo cùng một cách đối với các nước đã công nghiệp hóa và các nước mới nổi. Trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên của khí hậu, ta không thể đòi hỏi những cố gắng như nhau với Pháp và với Nam Phi, với nước Đức và với Brazil.
Thế nhưng những áp lực, những quy phạm và tiêu chuẩn sinh thái của các nước giàu là rất ngặt nghèo đối với những nước nghèo. Tuy nhiên lại đòi hỏi một sự chuyển đổi sinh thái nhanh chóng như đã thấy trong một số kết luận của hội nghị COP28 hay một số chỉ thị và quy định của Liên minh châu Âu.
Hãy lấy trường hợp của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (MACF) đã được Hội đồng Liên minh châu Âu thông qua và bắt đầu giai đoạn thử nghiệm ngày 1 tháng 10 năm 2023 hướng đến giai đoạn bắt đầu thực sự vào năm 2016: đó là một cú sốc thực sự cho châu Phi vốn là đối tác thương mại của 27 nước trong Liên minh châu Âu. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đòi hỏi các doanh nghiệp châu Âu khai báo hàm lượng carbon của các hàng nhập khẩu (thép, sắt, xi-măng, nhôm, phân bón, hydro, v.v.).
Như thế, cơ chế này áp đặt một thứ thuế trên phát thải CO2 cho việc sản xuất ngoài Liên minh châu Âu. Kết quả được chờ đợi sẽ là một tính cạnh tranh yếu hơn của những hàng xuất khẩu của châu Phi và như vậy là kìm hãm sự tăng trưởng. Trớ trêu của số phận, tổng kết lại là châu Phi sẽ có ít phương tiện hơn để bảo đảm nguồn tài chính cho chuyển đổi sinh thái. Nhưng ngày nay châu Phi đang đối mặt với một phương trình khó nhưng không phải là không thể giải quyết được: châu Phi phải khuyến khích tăng trưởng mà không tiếp thêm cho phát thải khí CO2.
Nguy cơ của chủ nghĩa vị chủng
Tự điển Larousse định nghĩa chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrisme) như sau: “[La] tendance à privilégier les normes et valeurs de sa propre société pour analyser les autres sociétés.” [là xu hướng ưu tiên chọn những quy phạm và giá trị của xã hội của chính mình để phân tích các xã hội khác”]
Thế nhưng trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và tổng quát hơn là chuyển đổi sinh thái thường được nhìn qua lăng kính của các nước giàu và có vẻ như họ đang nắm giữ các chìa khóa và các chiến lược. Những trung tâm ra quyết định trong lĩnh vực này còn nằm ở bắc bán cầu. Tuy nhiên những thách thức này không thể kết hợp với riêng các nước giàu mà phải được đề cập đến một cách rộng mở cho một thế giới đa dạng hơn.
Hội nghị COP28 vào cuối năm 2023 ở Dubai phải là yếu tố sửa sai chủ nghĩa vị chủng này bằng cách lắng nghe chăm chú hơn những nước bị tổn thương nhiều nhất. Thông báo rất được chờ đợi về một quỹ đền bù những tổn thất và thiệt hại do khí hậu ở những nước nghèo có lẽ là một bước tiến tích cực và chắc chắn là mang tính quyết định cho một sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn và cho việc sửa chữa bất công về khí hậu.
Thế nhưng, từ năm 2009, phương Bắc làm cho phương Nam phải kiên nhẫn chờ đợi. Cho đến nay, không có gì được giải quyết. Chỉ có những lời hứa tài trợ được thông báo. Vậy thì làm thế nào để tránh sự chia rẽ thế giới giữa phương Tây và các nước phương Nam? (các nước giàu và các nước nghèo -ND).
Hướng nghiên cứu các trái phiếu xanh
Trong lúc chờ đợi các quỹ đền bù những tổn thất và thiệt hại về khí hậu tại các nước nghèo, một phần của giải pháp cho khủng hoảng khí hậu tại các nước mới nổi có thể là các trái phiếu xanh. Nguồn tài chính này dựa vào việc tìm nguồn tài trợ cho các dự án tôn trọng môi trường, như năng lượng tái tạo hay vận chuyển xanh.
Phần lớn các trái phiếu xanh của châu Phi đều do Ngân hàng phát triển châu Phi (Banque africaine de développement -BAD-) phát hành. Maroc, Ai Cập, Kenya, Nigeria và Nam Phi là những nước năng động nhất. Nguồn quỹ thu thập được đặc biệt hướng đến tự bảo vệ đối với mực nước biển dâng hay còn là hỗ trợ các dự án năng lượng mặt trời.
Hiện nay các trái phiếu xanh được phát hành ở châu Phi chỉ chiếm một phần nhỏ của thị trường trái phiếu toàn cầu và chiếm 0,17% của tổng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu trong thời kỳ 2014-2022, tương đương với 2.136 tỷ đô la. Phần của Mỹ La tinh là 1,76% trong cùng thời kỳ. Châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ thống trị số phát hành trái phiếu xanh toàn cầu với hơn 70%. Số phát hành này thể hiện một tiềm lực thực sự để giúp đỡ những nước đang phát triển tiến đến những nền kinh tế xanh hơn và bình đẳng hơn nhưng chiều sâu của thị trường vẫn còn yếu.
Những giải pháp tài chính khác có thể liên quan đến các quỹ của cộng đồng di dân châu Phi lên đến gần 100 tỷ đô la Mỹ năm 2021. Đó là một cơ hội cho giới chủ ngân hàng châu Phi. Kịch bản có thể như sau. Các ngân hàng thu thập và biến đổi một phần của nguồn lợi này thành tín dụng xanh được tài trợ bởi những hỗ trợ của các Nhà Nước nhờ Quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại của các nước giàu.
Giải pháp không chỉ là tài chính
Về trung và dài hạn, chuyển đổi sinh thái đòi hỏi phải xây dựng toàn bộ một hệ sinh thái tại các nước nghèo có liên quan. Hệ sinh thái này gồm ba yếu tố then chốt.
Giáo dục và chứng thực về kinh tế và tài chính xanh và bền vững. Việc này bao gồm đào tạo những chuyên gia thực sự về rủi ro khí hậu và về chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số trong các chương trình chuyên môn của các trường đại học liên quan đến nghiên cứu đang được tiến hành.
Sự tham gia của xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nghiên cứu chính trị-xã hội (think tank). Ví dụ ở châu Phi, một Trung tâm quan sát châu Phi về tài chính bền vững dường như rất ích lợi để thống nhất và thích nghi theo những quy định quốc tế hiện hành. Cũng như các Hội đồng quốc gia về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tập hợp tất cả các bên tham gia dường như rất ích lợi để đồng hành và phác họa ra những chiến lược quốc gia chặt chẽ trước những đòi hỏi của châu Âu.
Tìm kiếm các công cụ đo lường tác động đối với các doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức để đo lường những tiến bộ trong lĩnh vực phát triển bền vững. Thước đo này đáng được thích nghi cho các doanh nghiệp tại các quốc gia mới nổi để chuyển đổi môi trường – xã hội – quản trị tránh được mọi tính vị chủng và bất công. Quả thật sự hội nhập vào bối cảnh này phải tính đến yếu tố xã hội và quản trị ở những nước đang chịu những tác động đối với môi trường mà họ không thực sự gây ra.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Injustice climatique: qu’est-on en droit d’exiger des pays du Sud?”, The Conversation, 4.3.2024.