Khi biến đổi khí hậu mang nhiều yếu tố bất thường khó lường, thì đa dạng hóa sinh kế là một chiến lược tích cực để đảm bảo sinh kế bền vững của các hộ gia đình. Nhưng những nguồn vốn nào trong các vốn (vốn tự nhiên, vốn con người, vốn xã hội, vốn vật chất và vốn tài chính) là quan trọng nhất với quá trình chuyển đổi sinh kế của các nông hộ?
Một công bố mới đây trên tạp chí Discover Sustainability của các nhà nghiên cứu tại trường Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, sử dụng dữ liệu khảo sát Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình ở Việt Nam (VARHS) giai đoạn 2008 – 2018 ở 12 tỉnh để tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu tới sinh kế của các hộ gia đình, khả năng chuyển đổi sinh kế và các nguồn vốn quan trọng nhất cho chuyển đổi1.
Nghiên cứu chỉ ra, biến đổi khí hậu không những chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp tới các sinh kế cốt lõi của hộ gia đình. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, như bão hay hạn hán có thể ảnh hưởng, hoặc làm các lựa chọn sinh kế dựa trên nông nghiệp của các hộ gia đình gặp thất bại. Biến đổi khí hậu tác động lớn nhất tới lựa chọn sinh kế phi nông nghiệp, xác suất các hộ gia đình lựa chọn sinh kế phi nông nghiệp gấp 27 lần so với kinh kế dựa vào nông nghiệp. Điều này chứng tỏ, tác động của biến đổi khí hậu càng nghiêm trọng thì xu hướng đa dạng hóa sinh kế càng tăng. Đây được coi là chiến lược/phương thức của hộ gia đình để ứng phó với rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây về đa dạng hóa sinh kế của người dân trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh các nguồn vốn tự nhiên, vật chất, tài chính của hộ gia đình chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn hạn hẹp, nhóm nghiên cứu cũng xem xét mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu, vốn xã hội, đặc điểm nhân khẩu học và chiến lược sinh kế. Từ đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy tầm quan trọng của vốn xã hội trong việc thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, giúp các hộ gia đình điều chỉnh sinh kế của mình hoặc ứng phó với bối cảnh thay đổi. Có thể nhìn thấy rõ điều này khi các hộ gia đình sử dụng mạng lưới xã hội hay di cư lao động để tìm sinh kế mới.
Vốn con người của hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong các quyết định sinh kế. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng từ các khía cạnh của vốn con người là quy mô hộ gia đình, trình độ học vấn trung bình ban đầu (vào 2008) của hộ gia đình cũng như sự thay đổi về trình độ học vấn trung bình của hộ gia đình trong thời gian nghiên cứu có ảnh hưởng quan trọng đến mô hình sinh kế của hộ gia đình năm 2018. Dữ liệu cho thấy, vốn con người ban đầu càng cao thì càng có nhiều động lực để hộ gia đình lựa chọn chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên lao động được trả lương hơn là khả năng lựa chọn sinh kế nông nghiệp. Vốn con người càng cao thì khả năng hộ gia đình theo đuổi sinh kế được trả lương càng cao so với nông nghiệp. Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch mô hình sinh kế dựa trên vốn con người có thể thúc đẩy các hộ gia đình tăng thu nhập đáng kể cũng như có sinh kế bền vững hơn khi gặp phải những tác động bất thường đến sản xuất nông nghiệp.
Phát hiện này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây về khả năng dịch chuyển xã hội phụ thuộc nhiều vào vốn con người và vốn xã hội. Một nghiên cứu của Oxfam Việt Nam năm 2018 đã đưa ra nhận định, yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy dịch chuyển xã hội và giảm bất bình đẳng là học vấn. Cụ thể, 23% hộ gia đình có chủ hộ tốt nghiệp giáo dục sau THPT đã chuyển dịch từ nhóm 40% thu nhập thấp nhất lên các nhóm thu nhập cao hơn. Trong khi với hộ gia đình có chủ hộ tốt nghiệp tiểu học, tỷ lệ này chỉ là 8%. Đồng thời, trình độ học vấn liên quan mật thiết với khả năng tiếp cận việc làm, nhóm nghiên cứu chỉ ra, “cứ tăng thêm mỗi năm đi học sẽ có xác suất tăng thêm bình quân khoảng 5% tiền lương, tiền công”.