Không ít người bối rối khi nhìn thấy từ ‘ke ga’ trên tấm biển chỉ dẫn ở hầm Metro số 1, TP HCM.
Tôi vẫn thường khuyến khích các sinh viên gốc Việt của mình chăm đọc báo chí trong nước để ôn luyện tiếng mẹ đẻ. Tuần trước, một nữ sinh hỏi tôi về từ “ke ga” sau khi đọc mẩu tin về dự án tàu điện ngầm (Metro) tại TP HCM.
Tôi nghe rất lạ tai, không nhận ra ngay từ này nghĩa là gì cho tới khi đọc về ngữ cảnh của nó kèm theo hình ảnh minh họa. Từ “ke ga” được gắn tại các bảng chỉ dẫn trong ga tàu tuyến Metro số 1, chỉ nơi người dân đứng chờ để lên, xuống khi tàu vừa tới. Luật Đường sắt 06/2017 định nghĩa “ke ga” là “công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa”.
Thuở nhỏ, mỗi lần đón xe khách ở bến xe liên tỉnh, tôi được mẹ dẫn đi xuyên qua nhiều hàng xe để tìm đúng chuyến xe. Tương tự, mỗi lần đi tàu hỏa, tôi cũng phải đi băng qua những đường ray chằng chịt để lên đúng chuyến tàu.
Khi đặt chân đến nước Pháp – nơi các hệ thống đường sắt nội ô cũng như đường sắt tốc độ cao phát triển mạnh – tôi đã thật sự bối rối. Mỗi chuyến tàu đón trả khách ở một bến đỗ khác nhau và cách nhau rất xa, cho dù cùng trong một ga tàu. Có khi để di chuyển từ chuyến tàu này đến chuyến tàu khác, tôi phải đi lên và xuống đến mấy tầng kèm chiều dài lên tới hàng trăm mét.
Do đó, để không phải vòng tới vòng lui xem tên từng chuyến tàu, hành khách sẽ xem thông tin trên các bảng thông báo để biết chuyến mình cần tìm đang hay sẽ dừng trả khách ở “quai” (từ tiếng Pháp và có phiên âm giống “ke” trong tiếng Việt) nào. Đó là một bộ phận bên trong ga đường sắt để hành khách lên xuống tàu.
Từ “quai” trong tiếng Pháp cũng có ý nghĩa tương tự trong các ga đường bộ (gare routière) hoặc ga tàu thủy (gare maritime). Mạo muội suy đoán từ hiểu biết của mình, kèm theo định nghĩa theo Luật Đường sắt, thuật ngữ “ke ga” có vẻ như xuất phát từ “quai de la gare” trong tiếng Pháp (platform trong tiếng Anh).
Thực tế, từ “ke” đã được sử dụng trong văn chương nước nhà từ thế kỷ trước như trong tác phẩm “Thiếu quê Hương” (Nguyễn Tuân – 1940) hay trong các địa danh như “ke Đông Ba” (đường nằm sát bờ Đông Ba, từ cầu Gia Hội về cầu Đông Ba thuộc Thành phố Huế).
Ngoài ra, trong Từ điển tiếng Việt (GS Hoàng Phê – 2016), “ke” là “nền xây cao bên cạnh đường sắt ở ga để hành khách tiện lên xuống tàu hoặc xếp dỡ hàng hóa”.
Nói cách khác, “ke tàu” thực sự tồn tại trong tiếng Việt (dù có nguồn gốc du nhập) ở cả đời sống, văn bản ngôn ngữ lẫn văn bản pháp luật. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh kinh tế – lịch sử – xã hội, từ nhiều thập kỷ qua, “ke” đã không còn tồn tại phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người Việt nữa.
Nay vì sự cần thiết phải có một thuật ngữ để mô tả những khu vực đón trả khách khác nhau trong một ga tàu có nhiều đường tàu cách nhau khá xa, “ke” lại được đưa trở lại trong ngôn ngữ tiếng Việt. Nhưng liệu cách làm này có còn phù hợp?
Oxford English Dictionary là một bộ từ điển rất uy tín về ngôn ngữ Anh và thường xuyên được cập nhật như đúng tinh thần tiếng Anh là một sinh ngữ.
Tháng 6/2006, bộ từ điển này đã công bố “Google” là một động từ, như một sự ghi nhận về từ mà cộng đồng dùng tiếng Anh thường xuyên sử dụng. Oxford Dictionary là một công trình hàn lâm nhưng phục vụ cho cuộc sống và cũng bắt nguồn từ cuộc sống. Trong khi đó, tiếng Viêt – dù là một sinh ngữ – thiếu sự cập nhật như vậy. Vì vậy, khi một thuật ngữ muốn trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật, từ điển đã được sử dụng để truy tìm một từ vốn dĩ đã “thất truyền”.
Còn Metro lại là một từ được bê hẳn từ ngôn ngữ ngoại quốc, để gọi tên một thứ có tuổi đời hàng trăm năm ở các nước châu Âu nhưng lại là một thứ rất mới và hiện đại ở nước ta.
Nhu cầu bổ sung, làm giàu vốn từ tiếng Việt sẽ không chỉ dừng lại ở “ke ga” hay “Metro”. Vậy thì, các nhà ngôn ngữ và các nhà chuyên môn từng lĩnh vực, hàng năm hoặc trước những sự kiện lớn, nên ngồi lại với nhau và cập nhật kho tàng từ vựng tiếng Việt. Là một sinh ngữ, tiếng Việt cần mang hơi thở của cuộc sống thời đại.
Trong khi chờ đợi điều đó, tôi nghĩ trong các công trình văn hóa nghệ thuật, khung cảnh đầy cảm xúc của người đưa tiễn ở lại và người bước lên những chuyến tàu đi xa luôn gắn liền với hình ảnh sân ga. Tại sao nơi hành khách đứng chờ và bước lên các chuyến tàu không là “sân ga” hoặc “sảnh chờ” mà lại là “ke ga”?
Võ Nhật Vinh
Giảng viên trường kỹ sư CESI (Nice, Pháp)
Bài gốc: ‘Ke ga’ là gì? – Báo VnExpress