Hiện nay, vũ khí thời tiết đang là trọng tâm của một chương trình nghiên cứu của Hoa Kỳ với tên gọi HAARP (High-frequency Active Auroral Research Program: chương trình nghiên cứu hoạt động cực quang cao tần). Đây là một chương trình nghiên cứu tối mật được liệt vào hàng “an ninh quốc gia” của Mỹ và hoàn toàn bí mật đối với giới khoa học trong và ngoài nước.
Chương trình này núp bóng dưới danh nghĩa là một chương trình nghiên cứu khoa học tìm hiểu về tầng điện ly phục vụ cho các hoạt động thông tin liên lạc trên mặt đất cho cả mục đích quân sự và dân sự. Khi ấy, vũ khí hủy diệt hàng loạt của tương lai không phải là bom hạt nhân hay bom khinh khí mà chính là những trận siêu bão do con người tạo ra. Khi kiểm soát được tầng điện ly, Washington có thể tạo ra những trận siêu bão hay siêu lốc xoáy đủ sức “xóa sổ” một quốc gia và đưa họ về “thời kỳ đồ đá” mà không cần dù chỉ một viên đạn.
Cơ chế vận hành của HAARP
HAARP là một chương trình nghiên cứu phối hợp và điều hành của bốn tổ chức: Không lực Mỹ, Hải quân Mỹ, Viện Đại học Alaska, và Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cao cấp. HAARP là một phần của kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars) nằm trong “Sáng kiến Phòng thủ chiến lược” của Hoa Kỳ, được đưa ra và thực hiện dưới thời tổng thống Ronald Reagan – một chiến lược phòng thủ bị nhiều nước chống đối được triển khai trong những năm 1990.
Những vũ khí của chương trình này không những được Hoa Kỳ đặt trong nội địa, mà còn tại nhiều nơi khác thuộc các nước đồng minh với Hoa Kỳ. Mỹ muốn thông qua HAARP tạo ra nguồn lực cực lớn và “mạnh khủng khiếp”, nhắm vào các nước “thù địch” hay các hướng mà quân địch có thể tấn công vào lục địa Hoa Kỳ, cũng như các vị trí của quân đội Hoa Kỳ đồn trú trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh. Ngoài ra, tùy theo các hiệp ước quân sự đã ký với quốc gia hay tổ chức khác (chẳng hạn NATO), Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ các thành viên trong hiệp ước hay tổ chức đó bằng sức mạnh quân sự của mình.
Trên căn bản, khi được vận hành, dự án HAARP có thể chế ngự khí hậu như: tạo ra những thay đổi thời tiết tại địa phương được chọn làm mục tiêu, có thể gây ra lũ lụt, giông bão, tạo nhiệt độ thật nóng hay thật lạnh và động đất. Căn cứ chính của chương trình này đặt tại Gokona (Alaska). Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một hình thức sử dụng vũ khí tinh vi nhưng rất hiệu quả nếu vận hành suôn sẻ – một loại vũ khí mà không phải nước nào cũng có thể chế tạo được. Hoa Kỳ đã điều hành dự án này vài thập niên qua, tuy không ai biết nó có làm nên “tích sự” gì không nhưng chắc chắn cường quốc này không thể duy trì những hoạt động tốn kém mà… không mang lại thành quả nào.
Chương trình HAARP chính thức được triển khai vào năm 1993. Tại Gokona, Hoa Kỳ ban đầu cho xây dựng một chuỗi các máy phát tần số cao tần có hệ thống ăng ten cao tới 22m, được kết nối với nhiều hệ thống dây chuyên biệt nhằm phát sóng điện từ vào không trung. Từ đây, Hoa Kỳ tham vọng tạo ra những thay đổi có thể kiểm soát được trong tầng điện ly của địa cầu thông qua “trạm phát sóng siêu mạnh và duy nhất trên thế giới”.
Tầng điện ly nằm cách mặt đất từ 70-300 km. Tầng này là quá trình chuyển đổi giữa khí quyển (không khí trên mặt đất) và từ quyển (từ trường của trái đất). Cấu trúc của tầng điện ly bao gồm các nguyên tử di chuyển một cách tự do. Một số kết hợp với nhau để tạo nên phân tử khí ô-xi, ni-tơ; sau đó di chuyển xuống bầu khí quyển. Một số khác di chuyển lên cao hơn chạm vào từ quyển và bị dội lại.
Tính chất vật lý của tầng điện ly thay đổi liên tục theo từng giờ từng phút, từng ngày và theo từng mùa khác nhau. Tính chất vật lý của tầng điện ly càng trở nên phức tạp hơn khi ở gần điểm cực từ của trái đất (hiện tượng tiêu biểu cho sự thay đổi của tầng điện ly là hiện tượng cực quang). Một trong những ứng dụng quan trọng của tầng điện ly đối với hoạt động con người là thông tin liên lạc. Các liên lạc sóng ngắn trên mặt đất nhờ vào sự phản xạ của tầng điện ly để tín hiệu được truyền đi xa hơn.
Về cơ bản, HAARP sử dụng các máy phát cao tần truyền tín hiệu điện từ vào tầng điện ly nhằm nghiên cứu những thay đổi do tín hiệu điện từ tạo ra từ đó tìm hiểu những thay đổi của tầng điện ly khi có sự kích thích bằng tín hiệu điện từ ở những mức độ khác nhau. Mục đích của chương trình là nghiên cứu hiện tượng “nhiễu khí tượng”. Tín hiệu sẽ được bắn vào tầng điện ly theo 3 cấp độ khác nhau: tần số cực thấp ULF, tần số cao HF và tần số siêu cao VHF.
Nhờ những thiết bị công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học có thể ghi nhận những thay đổi rất nhỏ ở tầng điện ly khi bị kích thích liên tục hoặc ngắt quãng ở những tần số khác nhau. Họ khám phá ra một hiện tượng thú vị: khi bắn các tín hiệu điện từ tần số siêu cao vào tầng điện ly, các nguyên tử ở đây bị i-on hóa một cách nhanh chóng. Tại thời điểm này, hiện tượng “sưởi ấm tầng điện ly” xảy ra, làm cho tính chất vật lý của nó bắt đầu thay đổi. Điều này kéo theo sự thay đổi của vùng không khí bên dưới vị trí bị kích thích.
Các nhà khoa học trên thế giới nhận thấy, những thay đổi thời tiết bên dưới mặt đất thường bị chi phối bởi những thay đổi ở tầng điện ly. Như vậy, nếu có thể hiểu và kiểm soát được những thay đổi của tầng điện ly, con người hoàn toàn có thể chi phối quá trình thay đổi thời tiết trên mặt đất. Đây chính là mục đích sâu xa của chương trình nghiên cứu tối mật này. Và một khi đã kiểm soát được tầng điện ly, Hoa Kỳ có thể tạo ra một vũ khí hủy diệt mới: vũ khí thời tiết.
Một loại siêu vũ khí hủy diệt mới
Theo các báo cáo khoa học, việc kích thích tầng điện ly có thể gây ra những tác động lớn thậm chí là tai hại. Tiến sĩ vật lý Bernard Eastlund, một trong những thành viên gắn liền với sự hình thành của HAARP, cho rằng: “Chương trình HAARP là một lò vi sóng lớn nhất từng được chế tạo. Hoa Kỳ đang cố gắng tác động vào tầng điện ly nhằm tạo ra sự thay đổi thời tiết để gây gián đoạn thông tin liên lạc và hoạt động của ra-đa trên toàn cầu”.
HAARP là một thứ “vũ khí” hết sức nguy hiểm, có thể thay đổi bộ mặt trái đất. Chương trình này bị các tổ chức bảo vệ môi trường ở Hoa Kỳ cũng như các nước khác phản đối. Các nhà khoa học còn đưa ra những bằng chứng cho thấy rối loạn ở tầng điện ly có thể gây nên những trận động đất hay sóng thần, thậm chí tạo ra những lỗ hổng hay những vệt rạch dài ở tầng điện ly đang bảo vệ trái đất trước bức xạ chết người từ mặt trời.
Với chương trình HAARP, Hoa Kỳ đứng trước cơ hội tạo ra một thứ vũ khí siêu hủy diệt mà tác động của nó không bao giờ có thể lường trước được. HAARP có khả năng tạo ra những kiểu thời tiết bất thường như các trận siêu bão, hạn hán, lũ lụt, tuyết rơi làm phá hủy hệ thống sinh thái và nông nghiệp của đối phương, gây bất ổn và làm kiệt quệ nền kinh tế dẫn đến phải phụ thuộc vào viện trợ hay nhập khẩu lương thực từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.
Nếu chương trình HAARP thành công, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể tạo ra những trận siêu bão hay siêu lốc xoáy đánh vào những quốc gia được xem là “mối đe dọa” đối với họ. Sức tàn phá của một trận siêu bão có thể khiến nền kinh tế quốc gia đó kiệt quệ và phải mất hàng chục năm mới có thể khôi phục được. Khả năng tạo ra siêu vũ khí từ chương trình HAARP không còn chỉ là sự đồn đoán. Gần đây, tiến sĩ vật lý Bernard Eastlund tiết lộ rằng, ông đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1987 cho công trình nghiên cứu “Phương pháp và thiết bị để làm thay đổi một vùng khí quyển thông qua tầng điện ly”. Tiết lộ của ông cho thấy rằng, tuyên bố HAARP là một chương trình nghiên cứu khoa học đơn thuần chỉ là một trò bịp của Hoa Kỳ.
Cơ sở nghiên cứu của HAARP được xây dựng ở một khu vực hẻo lánh ở bang Alaska cho thấy Mỹ đang cố gắng che đậy mục đích thực sự của chương trình này. Chương trình HAARP được khởi xướng từ những năm 1990, đến nay đã có khoảng 132 máy phát tần số cao tần được lắp đặt ở bang Alaska. Trang Globalresearch.ca từng tiết lộ rằng, không quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tạo ra một cơn lốc xoáy ở bang Oklahoma.
Các nhà nghiên cứu khoa học độc lập trên thế giới đã nhiều lần đặt câu hỏi về sự liên quan của HAARP với những thảm họa gần đây của nhân loại. Một tuần trước khi xảy ra trận siêu bão Katrina, các nhà khoa học đã ghi nhận được những thay đổi bất thường của không khí mà có thể do thay đổi ở tầng điện ly tạo ra. Năm 2005, bão Ophelia di chuyển một cách bất thường và đây là cơn bão hoạt động lâu nhất từng được ghi nhận. Hệ thống dự báo thời tiết tối tân của Hoa Kỳ đã không thể dự đoán đường đi của cơn bão này. Nó di chuyển giống như có “ai đó” đang điều khiển chứ không phải đi theo quy luật của tự nhiên.
Năm 2010, tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng lên tiếng cáo buộc HAARP đã kích hoạt trận động đất ở Haiti. Theo hồ sơ ghi chép, cơn địa chấn dữ dội ở Haiti cách đây gần 4 năm bắt nguồn từ sự suy sụp của một đứt gãy chưa từng được ghi nhận trên bản đồ dọc theo ranh giới của các mảng kiến tạo Caribbe và Bắc Mỹ. Và cơ sở HAARP ở bang Alaska cũng bị cáo buộc đã gây ra siêu bão Haiyan hủy diệt Philippines hồi tháng 11/2013, bằng công nghệ phát xung vi ba tân tiến.
Cứ sau mỗi lần HAARP hoạt động, một thảm họa thiên nhiên lại xảy ra. Điều đó càng khiến các nhà khoa học nghi ngờ HAARP là một chương trình tạo ra siêu vũ khí thời tiết của Hoa Kỳ. Gần đây, “tội đồ” Edward Snowden đã tiết lộ trên rằng HAARP chính là một chương trình tạo ra siêu vũ khí của Hoa Kỳ nhằm hiện thực hóa âm mưu thống trị thế giới. Điều này tiếp tục tạo nên những bằng chứng rất thuyết phục về âm mưu điều khiển tự nhiên và tạo ra siêu vũ khí mới từ chính quyền Mỹ.
Được biết, năm 1977, Liên Hiệp Quốc đã thông qua một đạo luật nhằm ngăn cấm việc can thiệp vào thời tiết để phục vụ cho các mục đích chiến tranh. Nhưng tầm chiến lược to lớn của nó đã khiến một số quốc gia như Hoa Kỳ âm thầm nghiên cứu chúng nhằm tạo được lợi thế áp đảo về chiến lược trên toàn cầu, thậm chí nó còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân.
Nhìn chung, các hiện tượng tự nhiên đều được vận hành theo một quy luật nhất định. Đó chính là cơ sở để các nhà khoa học khám phá và nghiên cứu nó. Việc con người có thể kiểm soát được thời tiết sẽ góp phần giảm nhẹ hậu quả do biến đổi khí hậu tạo ra. Mặc dù chương trình HAARP vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhưng rõ ràng tiềm năng để kiểm soát tầng điện ly từ đó kiểm soát thời tiết hoàn toàn có thể trở thành sự thật. Và khi ấy, vũ khí thời tiết sẽ là thảm họa đối với nhân loại nếu không được ràng buộc bởi luật pháp quốc tế.