Hubert Testard
Ba năm Trung Quốc đã trải qua với đại dịch Covid-19 là độc nhất vô nhị trên thế giới. Nguồn gốc của thảm họa y tế này, tầm quan trọng của cú sốc mà Vũ Hán và Hồ Bắc phải gánh chịu, sự thành công bề ngoài của chính sách không khoan nhượng vào năm 2021, sau đó là sự thất bại của nó khi đối mặt với biến thể Omicron vào năm 2022 bất chấp sự ngoan cố của chính quyền, và cuối cùng, sự mở cửa tàn bạo được thực hiện vào tháng 12 năm 2022, tạo thành một quỹ đạo đặc biệt không có tương đương ở châu Á hoặc phần còn lại của thế giới. Quỹ đạo này đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trên báo chí quốc tế trước những thông tin chính thức được coi là không đầy đủ, không chính xác và sai lệch. Asialyst nhìn lại ba năm này với Carole Gabay, người đã theo dõi đại dịch này qua từng ngày trong suốt ba năm cho Hội Liên Hiệp Người Pháp ở nước ngoài.
Bà thực hiện cuộc điều tra kéo dài ba năm về Covid-19 ở Trung Quốc trong những điều kiện nào? Phương pháp luận của bà là gì?
Dự án “Đoàn kết Covid – Người Pháp ở Trung Quốc” bắt đầu vào ngày 28 tháng 1 năm 2020 dưới hình thức Bản tin từ Trung tâm Y tế của Hội Liên Hiệp Người Pháp ở Thượng Hải nhằm thông báo cho cộng đồng người Pháp ở Trung Quốc đang bối rối về dịch bệnh do vi-rút Corona gây ra. Được lan truyền nhanh chóng, gần 4.000 người ở Trung Quốc và trên toàn thế giới đã theo dõi việc làm của chúng tôi được chia sẻ trên WeChat, một việc làm nhanh chóng lan truyền nhờ việc chúng tôi tiên phong phân tích các ca mới giữa Hồ Bắc và phần còn lại của Trung Quốc. Mục tiêu của chúng tôi luôn là hỗ trợ cộng đồng người ly hương với những thông tin chính thức và được kiểm chứng về đại dịch ở Trung Quốc và chúng tôi tiếp tục làm việc sau cuộc khủng hoảng Vũ Hán: đóng cửa biên giới, vắc-xin, những hạn chế “không Covid”, cũng như những mối quan ngại đặc biệt của người nước ngoài ở Trung Quốc.
Dữ liệu chính thức rất phong phú cho đến khi mở cửa trở lại nhưng rất khó sưu tập ở mức độ chi tiết như chúng tôi mong muốn, đòi hỏi phải phân tích nhiều bản tin cấp tỉnh và quốc gia cũng như nhiều ứng dụng khác nhau vốn bị giới hạn ở dữ liệu hàng ngày. Chỉ các quốc gia OECD mới công bố dữ liệu địa phương trong thời kỳ đại dịch dưới dạng bộ hồ sơ phẳng với quá trình đầy đủ, còn Trung Quốc thì không. Sự thống kê hàng ngày của chúng tôi trong ba năm về bản ghép lại của nhiều bản tin, ứng dụng và mục tin tức này ở các định dạng không đồng nhất và hay thay đổi, không thể nào được tự động hóa, cung cấp các bộ dữ liệu duy nhất trên thế giới.
Bà cho rằng có nhiều định kiến được lan truyền ở phương Tây về Covid ở Trung Quốc không nhất thiết phù hợp với thực tế. Ví dụ: Ước tính của bà về số người chết thực sự ở Trung Quốc vào năm 2020 là bao nhiêu?
Về số ca tử vong trong năm 2020, tất nhiên chúng ta biết rằng đã có những ca tử vong trước khi các cuộc xét nghiệm PCR (Polymerase Chain reaction) được triển khai ở Vũ Hán, nhưng bội số có thể có không vượt quá 2 đến 3 lần so với số liệu chính thức, tức là không quá 10.000 ca tử vong do Covid ở Vũ Hán. Bởi vì chúng ta không nên đo tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc mà ở Vũ Hán vì thành phố này đã bị cô lập với phần còn lại của thế giới với 450 ca nhiễm bệnh và 17 ca tử vong được công bố. Tình hình ở bên ngoài Vũ Hán nhanh chóng được kiểm soát và con số 770 người chết ở phần còn lại của Trung Quốc là có thể chấp nhận. Về số ca tử vong ở Vũ Hán, ý kiến của chúng tôi dựa trên công bố vào tháng 12 năm 2020 về một nghiên cứu huyết thanh học vào tháng 5 năm 2020 trên 35.000 người Vũ Hán. Từ số 3.869 ca tử vong được tuyên bố ở Vũ Hán chúng tôi đã quy ra con số người bị nhiễm ước lượng là 480.000 (4,5% dân số thành phố), tức là một tỷ lệ nguy cơ tử vong 0,8% có thể so sánh với tỷ lệ dưới 2% vào nửa cuối năm 2020 ở các quốc gia phát triển. Thời kì so sánh này tương ứng với chủng năm 2020, không có vắc-xin và có khả năng xét nghiệm phổ cập hơn. Tôi đã có cơ hội nói chuyện với một chuyên gia nổi tiếng của Viện Pasteur và ông ấy chia sẻ ước tính của chúng tôi. Để có dữ liệu về tổng tỷ lệ tử vong ở Vũ Hán vào năm 2020, năm thực hiện điều tra dân số quốc gia 10 năm một lần, chúng ta phải đợi thêm vài năm nữa mới có số người chết theo thành phố. Rất chậm với cơ quan thống kê quốc gia ở một đất nước rộng lớn và phi tập trung như vậy…
“Chính sách không Covid” ở Trung Quốc vào năm 2021 đôi khi được coi là sự thao túng và một sự thật dối trá. Bà nghĩ gì về điều này?
Chúng tôi, những kiều bào sống ở nước ngoài, đã trải nghiệm “Hành tinh Trung Quốc không Covid” mà không đeo khẩu trang hoặc bị hạn chế đi lại vào năm 2021. Nghe thấy những nghi ngờ bày tỏ ở nước ngoài khiến chúng tôi đau khổ và củng cố cảm giác bị cô lập của chúng tôi. Nếu không hiểu cách ngăn chặn virus ở Vũ Hán, chúng ta sẽ không hiểu rằng Trung Quốc đã có thể duy trì “chính sách không Covid” khi thế giới choáng váng vì đại dịch.
Những hạn chế đi lại quốc tế là nghiêm ngặt nhất trên thế giới: nếu chúng ta không để vi-rút xâm nhập, nó sẽ không lây lan. Có rất nhiều phương tiện kiểm soát: xét nghiệm thường xuyên đối với nhân viên tiếp xúc với dây chuyền lạnh và khách quốc tế đến, xét nghiệm bắt buộc từ thời Delta đối với việc đi lại liên tỉnh, các cuộc thi cử, các sự kiện lớn, kiểm soát với xét nghiệm bắt buộc các vụ bán thuốc, từ muối biển cho đến thuốc kháng sinh, phong tỏa toàn bộ khu vực trong trường hợp có ổ dịch. Không thể che giấu các trường hợp nhiễm bệnh và càng khó hơn nữa các trường hợp tử vong trong những điều kiện này. Tử vong chỉ xảy ra trong giai đoạn bão hòa, khi người chăm sóc bị quá tải và không có thời gian chăm sóc bệnh nhân. Và đây là những gì đã xảy ra với việc mở cửa trở lại, như người Trung Quốc đã mô phỏng từ mùa xuân năm 2022.
Huyền thoại về việc thao túng các con số đã được thúc đẩy bởi cuộc tranh luận ở phương Tây về độ tin cậy của các xét nghiệm và các kết quả dương tính giả. Người châu Âu và người Mỹ vẫn cho rằng một xét nghiệm có thể sai. Ở Trung Quốc “không Covid”, một trường hợp được tuyên bố là dương tính sau hai lần xét nghiệm PCR dương tính liên tiếp, việc tự xét nghiệm chỉ được áp dụng từ thời điểm Thượng Hải bị phong tỏa vào mùa xuân năm 2022 (được thực hiện trước khi đi xét nghiệm ở nơi cư trú) và kháng nguyên ở cửa hàng dược phẩm chưa bao giờ có. Ở Trung Quốc, xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính ở ngưỡng độ nhạy cao hơn 14% so với ở châu Âu: độ tin cậy tối đa được tìm kiếm để tránh các cảnh báo tốn kém dẫn đến các đợt cách ly kiểm dịch nối tiếp nhau được các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông lan truyền. Số trường hợp nghi ngờ bị loại ở lần xét nghiệm PCR thứ hai là cực nhỏ cho đến khi mở cửa trở lại. Không có trường hợp dương tính giả nào trong một dân số hoàn toàn ngây thơ này đối với vi rút, bởi vì nếu một cá nhân không có tiền sử lây nhiễm thì sẽ không có sự tái phát của vi rút và do đó không có khả năng có một xét nghiệm PCR dương tính giả. Không có dương tính giả, do đó không cần phải lo lắng để được xét nghiệm trong môi trường “không Covid” và cũng không bị đau đớn vì từ Omicron BA.2 và các xét nghiệm có hệ thống, các mẫu được thực hiện trong cổ họng.
Người ta thường nói vắc-xin Trung Quốc không có hiệu quả. Bà nghĩ sao?
Cần phải thận trọng: vắc-xin vi rút bất hoạt được sử dụng cho đến khi mở cửa trở lại với ba liều có hiệu quả tương đương với vắc-xin mRNA trong việc bảo vệ chống lại các dạng nghiêm trọng nhưng có thể trong thời gian ngắn hơn. Thành kiến này về tính không hiệu quả có từ các nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020 trên chủng ban đầu, cách các đợt tiêm chủng 28 ngày và dựa trên tiêu chí về tính nhạy cảm (dạng có triệu chứng), nghiên cứu duy nhất cho thấy sự khác biệt đáng kể với RNA, bởi vì đối với các ca tử vong và các dạng thể nặng, sự khác biệt giữa vắc-xin virus bất hoạt của Trung Quốc và mRNA là không đáng kể (không có ý nghĩa thống kê).
Nhưng tất cả những điều này đã trở nên lỗi thời khi đối mặt với Omicron vì không có vắc-xin nào bảo vệ chống lại sự nhiễm biến thể Omicron và thêm liều thứ ba mới là cần thiết để bảo vệ những người dễ bị tổn thương đối với các dạng nghiêm trọng. Dữ liệu rất chi tiết về các trường hợp nhiễm Covid và tử vong ở Hồng Kông, theo nhóm tuổi và theo lịch tiêm chủng của Sinovac và/hoặc BioNtech, theo cuộc thống kê hàng tháng của nhóm chúng tôi, liên kết với một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông cách ngày tiêm 180 ngày, cho thấy tỷ lệ nguy cơ tử vong trong các ca bệnh đã được tiêm chủng tăng trong suốt năm 2022. Nó tăng mạnh hơn đối với nhóm Sinovac (tỷ lệ nguy cơ tử vong trong ca bệnh tăng từ 0,93% đối với những người 80 tuổi sau 3 liều từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022 đến 2,77% từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022) so với nhóm BioNtech (ổn định từ 0,98% đến 1,01% qua 3 liều, nhưng tăng từ 1,81% đến 4,27% với 2 liều). Do đó, cũng chính vì lý do này mà việc dỡ bỏ các hạn chế ở Trung Quốc đại lục diễn ra ngay sau đợt tiêm chủng mạnh mẽ cho người cao tuổi (gần như bắt buộc ở một số thị trấn nông thôn) với tỷ lệ tiêm chủng 3 liều cho những người 80 tuổi tăng từ 19% vào tháng 3 đến 40,5% vào tháng 12 năm 2022.
Chính phủ Trung Quốc không muốn đưa vắc-xin mRNA vào Trung Quốc mặc dù chúng đã được cấp phép ở Hồng Kông. Tại sao?
Thật vậy, vắc-xin BioNTech đã được cấp phép vào tháng 2 năm 2021 tại Hồng Kông và Ma Cao, được đối tác Trung Quốc Fosun Pharma, chứ không phải Pfizer, phân phối. Cho đến khi mở cửa trở lại, chỉ dành riêng cho cư dân Hồng Kông và Ma Cao, Ma Cao trước đây đã được mở cửa không kiểm dịch đối với người Trung Quốc đến từ Lục địa. Vắc-xin BioNtech đã được ủy ban y tế của Cục An toàn thực phẩm và dược phẩm/CFDA (China Food and Drug Administration) tại Trung Quốc đại lục phê duyệt vào ngày 15 tháng 7 năm 2021, nhưng sự phê duyệt hành chính thường diễn ra trong vòng hai tháng đã không bao giờ đến.
Người ta đã muốn giải thích sự tắc nghẽn này là do lập trường dân tộc chủ nghĩa, cuộc chiến kinh tế Trung Quốc/Hoa Kỳ. Nhưng không chỉ có vậy. Ngoài ra còn có những quan ngại khoa học về những ẩn số về RNA trong dài hạn mà người Trung Quốc đã cẩn thận không bao giờ trình bày rõ ràng. Trên thực tế, người Trung Quốc đã lựa chọn “chính sách không Covid” hơn là những ẩn số về RNA, chỉ đơn giản như vậy thôi. Chúng tôi có một số bằng chứng về sự miễn cưỡng này của chính quyền Trung Quốc.
Vắc-xin RNA của Trung Quốc đã huy động được hàng tỷ đô la tài trợ trên toàn cầu. Ứng cử viên đầu tiên (Abogen) đã được phê duyệt ở Indonesia vào tháng 9 năm 2022, nhưng chưa bao giờ được phê duyệt ở Trung Quốc, quốc gia xuất xứ của nó. Một loại vắc-xin RNA của Trung Quốc cuối cùng đã được phê duyệt vào tháng 3 năm 2023, sau khi mở cửa trở lại, được phân phối từ tháng 5 và bị xếp xó vào mùa thu khi hướng dẫn của CDC ưu tiên cho vắc-xin protein tái phối hợp của Trung Quốc (công nghệ Novavax và Sanofi) vì nó nhắm vào XBB, một biến thể gần đây hơn.
Thỏa thuận kỳ lạ “vắc-xin Trung Quốc đánh đổi việc cấp thị thực” được đưa ra vào tháng 3 năm 2021, mở ra một kẻ hở cho biết bao người lưu vong đã bị việc đình chỉ thị thực tàn nhẫn đánh vào trong năm 2020-2021. Đó là một cách để Trung Quốc khẳng định vị thế của mình trên thực tế đối với công nghệ cổ điển bằng cách tránh tham gia trực tiếp vào một cuộc tranh luận đầy rủi ro về vắc-xin RNA vào thời điểm này khi điều quan trọng là phải bảo vệ dân số thế giới một cách tốt nhất và nhanh nhất có thể.
Việc từ chối vắc-xin của phương Tây không mở rộng sang thuốc: thuốc chống Covid Paxlovid/Pfizer và Lagevrio/MSD đã được phê duyệt ở Trung Quốc (không được hoàn trả tiền mua nhưng chính các nhà sản xuất đã từ chối việc giảm giá do chính quyền Trung Quốc áp đặt). Các loại thuốc RNA khác (liệu pháp miễn dịch, protein thay thế) không bị từ chối tương tự vì thỏa thuận phát triển thuốc RNA ở Trung Quốc đã được ký kết với Moderna với giá 1 tỷ USD.
Sự phong tỏa Thượng Hải vào mùa xuân năm 2022 được coi là dấu hiệu của sự thất bại của chính sách “không Covid”. Bà nghĩ sao?
Đó là một cảnh báo nghiêm trọng, chưa phải là một thất bại. Lệnh phong tỏa Thượng Hải khủng khiếp đã gây chấn thương cho người dân Thượng Hải. Đó là một vực thẳm kinh tế xã hội, nhưng chính quyền đã vượt qua được trong cùng khung thời gian với Vũ Hán năm 2020. Xét quy mô của ổ dịch và khả năng lây lan của biến thể BA.2 có liên quan, đã có rất nhiều trường hợp còn sót lại cho đến cuối Tháng 7 năm 2022 đôi khi làm gián đoạn quá trình phục hồi sau sự phong tỏa, nhưng tình trạng lây nhiễm hàng loạt chỉ giới hạn ở Thượng Hải. Các tỉnh khác đã được huy động để cung cấp cho thành phố bị phong tỏa, và cú sốc về việc siêu đô thị này bị ngưng hoạt động đã khiến cho chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi cuối cùng đã được triển khai. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn sau đó… Chính biến thể BA.5 đã hoành hành từ mùa hè năm 2022 xuất phát từ các khu vực khó kiểm soát hơn (đặc biệt là Tân Cương và Nội Mông) đã khiến chiến lược “không Covid” bị phá sản. Chính ở thời điểm này mà sự cân bằng lợi ích sức khỏe/chi phí kinh tế xã hội đã đổi chiều.
Việc đột ngột bãi bỏ chính sách “không Covid” vào cuối năm 2022 đã gây ra một thảm kịch về sức khỏe mà chính phủ không hề truyền thông. Bà đánh giá về diễn tiến của thảm kịch này và số người tử vong như thế nào?
Đúng là Trung Quốc đã truyền thông một cách vụng về, nhưng, dựa trên sự phân tích các sự kiện của chúng tôi, cáo buộc tính không rõ ràng của việc tổng kết là phóng đại. Sự vụng về nằm ở sự hạn chế trong định nghĩa về trường hợp tử vong do Covid được đưa ra vào ngày 19 tháng 12 năm 2022 chỉ giới hạn vào trường hợp tử vong vì suy hô hấp nguy khốn mà không có bệnh lí nền, các trường hợp như thế chỉ chiếm nhiều nhất là 2% trong tổng số các trường hợp tử vong (0% trong số 588 trường hợp tử vong ở ổ dịch ở Thượng Hải, nếu dựa vào các bản tin của chính quyền thành phố Thượng Hải vốn cung cấp thông tin chi tiết về những ca tử vong vào mùa xuân năm 2022).
Định nghĩa kỳ lạ này, không được WHO chấp nhận, chỉ được áp dụng trong 10 ngày, dù biết rằng những cái chết hàng loạt bắt đầu vài ngày sau khi các hạn chế bị dỡ bỏ vào ngày 8/12. Có thể sai lầm này đã đẩy nhanh việc Ủy Ban Y Tế Quốc Gia/National Health Commission (NHC) ngừng theo dõi Covid (và chấm dứt sự gò bó của việc thu thập dữ liệu hàng ngày của chúng tôi!) vì các ứng dụng theo dõi Covid đã bị dừng lại vào ngày 14 tháng 12, các bản tin của NHC và các tỉnh đã bị dừng lại vào ngày 25 tháng 12, để chuyển sang cho Trung Tâm Kiểm Tra và Phòng Ngừa các Bệnh Truyền Nhiễm/Centre chinois de contrôle et de prévention des maladies (CDC) đã phải mất vài tuần để thiết kế một định dạng phù hợp với tình trạng lây nhiễm hàng loạt mà chúng ta đã biết.
Vào ngày 15 tháng 1 năm 2023, bản tin định dạng mới đầu tiên tập trung vào dữ liệu bệnh viện như ở Châu Âu trước khi các cuộc xét nghiệm trong thành phố bắt đầu vào tháng 5 năm 2020. Do đó, số ca tử vong được tính bị giới hạn trong bệnh viện, có sự phân biệt giữa các trường hợp tử vong có hay không bệnh lí nền (tức là có sự xét lại rất kín đáo về định nghĩa nổi tiếng trên), nhưng chúng ta vẫn chưa biết gì về những cái chết tại nhà. Chúng tôi thực sự đã trải qua tình trạng bão hòa của bệnh viện không gì sánh kịp trên thế giới, với ước tính của chúng tôi là 3/4 số ca nghiêm trọng đã không thể tìm được chỗ nhập viện trong ba tuần xảy ra tình trạng nhiễm bệnh nghiêm trọng và đối với tất cả là tình trạng thiếu thuốc mà sự sản xuất đại trà đã không được dự kiến trước khi mở cửa trở lại, với tỷ lệ tiêm chủng 3 liều cho những người trên 80 tuổi vẫn không đủ mặc dù đã nỗ lực (ở Trung Quốc có rất ít EHPAD – (là trung tâm cư trú cho người Pháp cao tuổi bị phụ thuộc – ND) –và do đó khó tiếp cận với họ hơn), một sự tiêm chủng liều thứ 4 muộn màng từ đầu tháng 12, đã khiến 51% những người trên 60 tuổi đã không được tiêm vắc-xin từ hơn 8 tháng.
Như vậy, bản tổng kết chính thức cuối cùng vẫn chưa được biết, chứ không phải là bị che giấu. Các phân tích về tổng tỷ lệ tử vong sẽ được thực hiện, nhưng có lẽ không phải trước tháng 1 năm 2024, khi dữ liệu hàng năm và quốc gia về sinh sản và tử vong sẽ được công bố. Trong khi chờ đợi, chúng ta đành phải dựa vào các nguồn thay thế như sự phân tích các cáo phó của ba trường đại học, “Chỉ số Baidu” theo ngày, theo thành phố và theo tỉnh từng được sử dụng khi mở cửa trở lại để ước tính mức độ nhiễm bệnh, đã được áp dụng ở đây cho các tìm kiếm trên Internet dựa trên các từ khóa xung quanh đám tang, vào sự rò rỉ về số vụ hỏa táng trong quý 1 năm 2023 tại tỉnh Chiết Giang. Phân tích chéo ba bài báo hội tụ về bội số của số người chết so với xu hướng tự nhiên là 4,5 trong một tháng, hoặc 1,73 trong một quý, hoặc 2,44 trong 2 tháng. Tức là một tỷ lệ tử vong cao hơn 20% trong một năm, hoặc thêm 1,87 triệu ca tử vong bao gồm cả số tử vong do các bệnh đột ngột khác cần được chăm sóc đặc biệt, so với đường cong tử vong tự nhiên vốn đã có xu hướng đi lên do quá trình lão hóa nhanh chóng của dân số Trung Quốc. Con số 1,87 triệu ca tử vong thêm này không khác xa so với mô phỏng do Đại học Fudan thực hiện vào tháng 5 năm 2022 (dự đoán sẽ tăng thêm 1,6 triệu ca tử vong).
Việc mở cửa trở lại là một điều cần thiết. Điều gây sốc là sự thiếu những lời báo trước và sự chuẩn bị. Sẽ là viển vông nếu “dần dần” mở lại từng thành phố (một số tiền đề của chiến lược này đã được áp dụng ở Quảng Châu và Bắc Kinh vào đầu tháng 12), xét khả năng lây lan của biến thể này đối với những người chưa được miễn dịch. Nhưng việc không có kỳ hạn nào trong sự chuẩn bị sự tự cách ly, sự tiêm chủng, sự sản xuất thuốc, bảo đảm sẽ có một cú sốc lớn về sức khỏe sau ba năm tự hào dân tộc về chiến công “không Covid” của Trung Quốc.
Phỏng vấn do Hubert Testard thực hiện
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Carole Gabay: “La Chine a préféré le ‘zéro Covid’ aux inconnues de l’ARN messager“, Asialyst, 21.10.2023.
———
Chú thích:
+ Carole Gabay tốt nghiệp ESSEC và là chuyên gia phân tích nghiên cứu thị trường, làm việc tại Thượng Hải từ năm 2013 đến năm 2023. Với một nhóm tình nguyện viên nhỏ, bà đã điều hành dự án nghiên cứu “Đoàn kết Covid – Người Pháp ở Trung Quốc/ Solidarité Covid – Français de Chine” cho Hội Liên Hiệp Pháp kiều ở Thượng Hải (xem trang web). Những phân tích sâu, những bài viết, sự thuật lại theo trình tự thời gian phần nào mang chất thơ về cuộc sống của các gia đình người nước ngoài ở Trung Quốc trong thời kỳ này đã được tổng hợp lại trong cuốn Hành tinh Trung Quốc không Covid, ba năm trên quỹ đạo/Planète Chine Zéro Covid, Trois ans sur Orbite, đồng sáng tác và tự xuất bản cùng với Gaëlle Déchelette.
[*] Hubert Testard là chuyên gia về các vấn đề kinh tế quốc tế và châu Á. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore về ASEAN. Ông cũng tham gia vào việc soạn thảo các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Ông đã giảng dạy từ tám năm nay tại khoa quan hệ quốc tế trường đại học Sciences Po về phân tích triển vọng tương lai của châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách có tựa đề “Đại dịch, sự chuyển đổi của thế giới/Pandémie, le basculement du monde”, được xuất bản vào tháng 3 năm 2021 bởi NXB L’Aube, và ông đã đóng góp cho tạp chí “Tạp chí Kinh tế và Tài chính/Revue économique et financière” số tháng 12 năm 2022 dành cho những hậu quả kinh tế và tài chính của cuộc chiến ở Ukraine.