Để bán được những giải pháp, người ta thường tạo ra các khái niệm, để từ đó truyền thông, hình thành nên những điều phải là, nên là, từ đó đưa đến những kỳ vọng giải pháp, để rồi cái giải pháp – vốn là gốc rễ, là cội nguồn – được đem ra nhưng một “chiếc đũa thần” cho tình thế.
Tuy nhiên, không phải khái niệm nào cũng hay cả, tính thời trang (fashion) và cả sự hào nhoáng (fancy) của các khái niệm thường được định hình bởi sự mơ hồ của các ngôn từ và cả sự nông cạn về ngôn ngữ của đa số. Thường thì, họ nói như một sự vô thức về một vấn đề mà ngay cả nội hàm và bản chất của ngôn từ đó là gì, cũng có thể không cần biết đến.
Một khái niệm đã mang tính gốc rễ thì những khái niệm mới cần phải sáng tạo hơn, đi vào bản chất hơn, đảo lộn hoặc đào sâu được những gì mà khái niệm trước chưa đạt được. Khái niệm phái sinh hay bảo là làm đảo lộn/thay thế mà không đạt tầm bằng khái niệm trước thì đó thực sự là một sự tầm thường.
Câu chuyện về VUCA và BANI là một ví dụ hay để thấy sự hời hợt về tư duy, nông cạn về ngôn ngữ dẫn đến những trào lưu thật thú vị.
Ta cùng suy xét:
V (Volality): Biến động – thì đương nhiên bản chất nó sẽ có sự Mong manh (Brittle) trong đó rồi, nhưng mong manh chỉ là một biểu hiện chứ không có tính chất bao trùm (covered) như biến động.
U (Uncertainty) Không chắc chắn – về bản chất tạo ra một tình trạng trong đó ta không thể chủ động trong bất kỳ tình huống nào và do vậy, ở thế bị động thì lo lắng – A (Anxious) là điều khó tránh khỏi, vậy, lo lắng đâu thay thế được ý nghĩa rộng của không chắc chắn?
C (Complexity) Phức hợp – nhưng lại thường được dịch là phức tạp (complicated) là do người ta không thấu hiểu sự khác biệt của hai khái niệm này – và phức hợp thì nó bao hàm tính phi tuyến – N (non-linear) trong đó rồi, vì không hiểu phức hợp nên mới thấy phi tuyến là lạ.
A (Ambiguity) Mơ hồ – sự mô hồ đến từ một trạng thái được gọi là hỗn độn (chaos) tức là một sự hỗn loạn nhưng có tâm (thường dùng hình ảnh con bướm để mô tả – Hiệu ứng cánh bướm), sự mơ hồ do vậy về bản chất tạo cho chúng ta những phép phức hợp mà hệ quả của nó thường vượt quá những dự định có thể thể dự báo, mà như thế thì khó lường – I (Incomprehensible) có gì là lớn lao?
Xét cho cùng bảo BANI thay thế VUCA thì cũng chỉ là một trò chơi tạo chữ trẻ con. Vấn đề căn bản là mãi không nghĩ được gì mới về bản chất thì kiếm ra một trò chơi Ghép chữ/Ghép hình mới để nói về một cái vốn đã là như vậy. Chỉ có điều, trò chơi mới này lại quá thấp tầm với trò chơi hiện có mà nó muốn thay thế/phủ định.