Singapore là một trong những quốc gia phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) mạnh mẽ, với trang bị hàng trăm thiết bị, cảm biến và camera thu thập dữ liệu về lưu lượng giao thông trên khắp mạng lưới cao tốc và hầm đường bộ dài 160km.
Một trong những yếu tố quan trọng mang tới thành công này là việc áp dụng những công nghệ tiên tiến và mới nổi theo hướng hiện đại và thân thiện với người dân.
Theo Tiến sĩ Chee Chong, Giám đốc kỹ thuật, khối giải pháp đô thị tại ST Engineering, Singapore đã thực hiện một số chính sách cũng như hệ thống ITS để giảm tắc nghẽn, bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng phương tiện hay hệ thống thu phí tắc nghẽn.
Những giải pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra sự cố, ùn tắc nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra, thậm chí kéo dài hàng giờ nếu không được quản lý hiệu quả.
Tiến sĩ Chee Chong phân tích: “Các chính sách như Giấy chứng nhận quyền sử dụng phương tiện hoặc thu phí tắc nghẽn sẽ không giúp ích gì trong những trường hợp như vậy. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các sự cố gây ra 60% tình trạng tắc nghẽn. Do đó, việc quản lý hiệu quả sự cố giao thông trở nên quan trọng để không bị tắc nghẽn”.
Năm 1998, hệ thống Hệ thống Tư vấn và Giám sát đường cao tốc (EMAS) được triển khai nhằm quản lý sự cố, giảm ùn tắc với các thiết bị phát hiện và camera giám sát, được hỗ trợ bởi quy trình ra quyết định bằng Trí tuệ nhân tạo. Các nghiên cứu độc lập đã chỉ ra rằng, EMAS cho phép giải quyết tai nạn nhanh chóng, từ trung bình 32 phút xuống 17 phút.
Tiến sĩ Chong chia sẻ: “Việc giải quyết tai nạn nhanh hơn mang lại một số lợi ích, bao gồm: Về mặt kinh tế, tiết kiệm được hơn 30 triệu USD mỗi năm do giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Về mặt môi trường, giảm lượng khí thải carbon từ 22 tấn xuống 8 tấn đối với một sự cố giao thông nhỏ. Và về mặt xã hội, cải thiện sự an toàn và mang lại trải nghiệm đi lại tốt hơn cho người tham gia giao thông”.
Tiếp đó, vào đầu năm 2000, Singapore hướng đến việc tích hợp các dữ liệu liên quan đến ITS vào nền tảng i-Transport nhằm giám sát và xử lý sự cố giao thông hiệu quả hơn nữa.
Khi có sự cố, trung tâm điều hành sẽ phát tín hiệu đến các đơn vị liên quan, điều động xe khắc phục, đồng thời thông báo trên các kênh truyền thông như biển báo thông tin, cổng thông tin giao thông, ứng dụng di động… để các phương tiện tránh vị trí có sự cố.
Trong kế hoạch mới có tên là Di chuyển thông minh 2030, Cơ quan Giao thông Đường bộ và Hiệp hội Giao thông thông minh phác thảo cách sẽ phát triển trong 15 năm tới nhằm hướng tới một cộng đồng giao thông đường bộ được kết nối nhiều hơn.
Tiến sĩ Chee Chong cho biết, để thu thập dữ liệu, các chuyên gia đã làm việc với một trong những nhà điều hành taxi lớn nhất ở Singapore, ComfortDelgro, công ty với hơn 20.000 xe taxi.
“Thông qua phân tích Big Data, mỗi hồ sơ tài xế được phân tích dựa trên thông tin lịch sử giao dịch. Khi khách hàng gọi điện để đặt xe, hệ thống sẽ phân tích hồ sơ tài xế và xác định tài xế nào có nhiều khả năng chấp nhận yêu cầu nhất. Giải pháp này giúp tăng đáng kể tỷ lệ nhận đón khách, nâng cao trải nghiệm, giảm thời gian đặt xe trung bình cho taxi và vận hành hiệu quả hơn cho nhà điều hành taxi”.
Đáng chú ý, bên cạnh việc thu thập các thông số giao thông qua các cảm biến nhằm phát hiện sự cố, Singapore cũng tận dụng nguồn thông tin từ cộng đồng để lấp đầy khoảng trống trong phạm vi phủ sóng của cảm biến giao thông hiện có. Kết hợp với trí tuệ nhân tạo, tỷ lệ phát hiện và khả năng xử lý của hệ thống quản lý giao thông sẽ được nâng cao đáng kể.
Do hạn chế về quỹ đất, một trong những chính sách quan trọng ở Singapore là hạn chế ô tô cá nhân và khuyến khích sử dụng giao thông công cộng. Vì vậy, giải pháp Quản lý đội xe buýt dựa trên hiệu suất được ra đời.
Tiến sĩ Chee Chong phân tích: “Giải pháp quản lý đội xe dựa trên hiệu suất này đã được áp dụng để quản lý hơn 5000 xe buýt ở Singapore hoặc mô hình hợp đồng xe buýt. Lợi ích của việc quản lý đội xe dựa trên hiệu suất là giúp giao thông công cộng phản ứng nhanh hơn với những thay đổi về nhu cầu đi lại và hành khách, cung cấp các dịch vụ đáng tin cậy hơn, ít thời gian chờ đợi hơn và cải thiện chất lượng dịch vụ”.
Một giải pháp khác được Singapore triển khai hiện nay là Bãi đỗ xe thông minh. Giải pháp này sử dụng các công nghệ mới như ứng dụng di động, thanh toán di động, dịch vụ quản lý sạc xe điện,… để mang đến trải nghiệm đỗ xe thuận tiện và liền mạch “tất cả trong một” cho người lái.
Vào năm 2020, giải pháp bãi đỗ xe thông minh được triển khai trong khuôn viên trường Đại học Công nghệ Nanyang hoặc NTU. Đây là hệ thống bãi đỗ xe không rào chắn đầu tiên của Singapore. Nó mang lại trải nghiệm đỗ xe tốt hơn cho người lái xe, với việc ra vào nhanh hơn và dịch vụ thanh toán dễ dàng và thuận tiện.
Còn tại nước ta, trong những năm gần đây, nhiều thành phố đã xây dựng hệ thống giao thông thông minh, tuy nhiên, phần lớn chỉ ở mức các dự án nhỏ, cụ thể, dữ liệu không có sự kết nối và hầu như chủ yếu sử dụng một nguồn dữ liệu duy nhất.
Được biết, để giải bài toàn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, cũng như hướng tới việc xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh, Sở GTVT đang lấy ý kiến về Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội.
Các chuyên gia cho rằng, để hệ thống giao thông thông minh thực sự phát huy hiệu quả bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào trong quản lý thì rất cần chú trọng đến việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng cấp các hệ thống đường sá tích hợp những trang thiết bị công nghệ hiện đại, các cảm biến… cũng như tạo cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.
Nguồn: Hoàng Anh/vovgiaothong.vn