“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn…” (Phạm Quỳnh)
Truyện Kiều dùng tiếng Việt, trước đây được ghi bằng chữ Nôm (khác chữ Hán), giờ chuyển sang chữ quốc ngữ. Còn các tác phẩm ghi bằng chữ Hán như Chiếu dời đô, Binh thư yếu lược, Bình Ngô đại cáo, bài thơ Nam quốc sơn hà sử dụng tiếng Hán, phải dịch sang tiếng Việt thì người Việt mới hiểu được.
Tôi rất ngạc nhiên khi biết té ra có rất nhiều người không phân biệt được rành rẽ ngôn ngữ và chữ viết nói chung; tiếng Việt, tiếng Hán (tiếng Trung) và chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ nói riêng.
Đành rằng người ta quan niệm ngôn ngữ bao gồm tiếng nói (ngôn ngữ nói) và chữ viết tức văn tự (ngôn ngữ viết) nhưng tiếng nói là cốt lõi, còn hệ chữ viết là phần đi kèm, tương đối độc lập với tiếng nói, thậm chí có những ngôn ngữ còn chưa có chữ viết. Tức là ngôn ngữ nghĩa rộng bao gồm cả chữ viết, nhưng ngôn ngữ nghĩa hẹp (thường dùng trong một văn cảnh) chỉ gồm tiếng nói mà thôi. Như vậy 1 tiếng nói hay ngôn ngữ (nghĩa hẹp) có thể dùng nhiều cách ghi khác nhau, tức là có thể dùng một trong các hệ chữ viết khác nhau và ngược lại, một hệ chữ viết (có thể có những điều chỉnh, cải biến thích hợp cho từng ngôn ngữ) có thể áp dụng cho nhiều ngôn ngữ (nghĩa hẹp) khác nhau. Ví dụ gần gũi nhất là tiếng Việt có thể dùng chữ Nôm hoặc chữ quốc ngữ (hệ chữ cái Latin) để ghi lại và hệ chữ cái Latin được sử dụng cho hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới. Chữ viết (văn tự) có thể thay đổi, còn ngôn ngữ thì không thay đổi mấy trong khoảng thời gian ngắn một vài trăm năm. Một ngôn ngữ (tiếng nói) có thể sinh ra rồi chết đi, khi vẫn có cộng đồng sử dụng nó trong giao tiếp, thì nó vẫn sống và được gọi là sinh ngữ, khi không còn ai nói nữa (trong giao tiếp) thì nó trở thành tử ngữ.
Vì không hiểu điều đó, nên có người đã viết trên FB: “chúng ta nên biết ơn những người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ để ngày nay tiếng Việt còn hiện diện trên bản đồ thế giới”! Thực ra chuyện tiếng Việt ngày nay còn hiện diện trên bản đồ thế giới không phụ thuộc vào việc có chữ quốc ngữ hay không, bởi vì nếu không có chữ quốc ngữ, nó vẫn hiện diện với chữ Nôm kèm theo, thậm chí cả khi không có chữ viết nào, chỉ cần có một cộng đồng sử dụng nó.
Chữ Hán chỉ có thể dùng cho tiếng Hán, không thể dùng cho tiếng Việt. Ở cấp độ từ thì từ Hán Việt trong tiếng Việt có thể ghi bằng cả chữ Hán, chữ Nôm lẫn chữ quốc ngữ nhưng ở cấp độ cao hơn (câu, đoạn văn) thì tiếng Việt không thể ghi bằng chữ Hán, do đó không có chuyện chọn chữ nào giữa chữ quốc ngữ và chữ Hán để ghi tiếng Việt.
Riêng chữ Nôm và chữ quốc ngữ là 2 dạng văn tự dùng cho tiếng Việt. Chữ Nôm có thể có một số chữ trùng với chữ Hán nhưng không dùng để ghi tiếng Hán.
Lại có ý kiến bảo rằng “chữ Hán đã là tử ngữ” chỉ vì nó không còn được dùng phổ biến ở Việt Nam nữa. Ý trên sai cả về khái niệm lẫn thực tế, vì về khái niệm thì “tử ngữ” chỉ dùng cho ngôn ngữ nói và về thực tế thì người Trung Quốc vẫn dùng chữ Hán từ xưa đến giờ. Chữ Hán với tên gọi là Kanji (Hán tự), cũng là 1 trong 3 thành phần của chữ viết Nhật Bản.
Lại có người tưởng tiếng Nhật (thậm chí cả tiếng Hàn) có họ với tiếng Trung chỉ vì ngôn ngữ này dùng chung một số chữ Hán với tiếng Trung.
Các nhà ngôn ngữ phân nhóm các ngôn ngữ thành các họ ngôn ngữ (family), thường gọi là ngữ hệ hay ngữ tộc (có chung ngôn ngữ tổ), thông qua việc so sánh ngữ pháp, cú pháp và đặc biệt là tìm kiếm những từ đồng nguyên (những từ có cùng một tổ tiên) trong những ngôn ngữ khác nhau. chứ không phải qua chữ viết. Thường những từ đồng nguyên thuộc nhóm từ vựng cơ bản nhất trong ngôn ngữ.
Tiếng Hán, tức tiếng Trung được chính phủ Trung Quốc coi là 1 ngôn ngữ (có phần vì lý do chính trị), gồm nhiều phương ngữ lớn, nhưng thực ra là 1 nhóm Hán ngữ cùng họ Hán Tạng sử dụng chung chữ Hán, bởi vì những người nói những “phương ngữ” khác nhau kia không thể hiểu nhau (ở mức độ nào đó), điều tối thiểu đối với khái niệm phương ngữ của cùng 1 ngôn ngữ. Nhưng nói chung họ đều đọc hiểu được sách báo in bằng chữ Hán.
Trong bản đồ các thứ tiếng được ghi chú bằng tiếng Anh kèm theo, ta thấy tiếng Trung (Chinese) là một liên ngôn ngữ (macrolanguage) gồm nhiều ngôn ngữ (con) và phương ngữ, mà một số xuất hiện trong phần liệt kê: Cán /Cám ngữ (Gan, 贛語), Khách Gia thoại (Hakka, 客家話), Huy Châu thoại (Huizhou, 徽話, Huy thoại), Tấn ngữ (Jinyu, 晉語), Quan thoại tức Phổ thông thoại (Mandarin, 官話), Mân Bắc ngữ (Min Bei, 閩北語), Mân Đông ngữ (Min Dong, 閩東語), Mân Nam ngữ (Min Nan, 閩南語), Mân Trung ngữ (Min Zhong, 閩中語), Phủ Tiên thoại (Pu-Xian, 莆仙話), Ngô ngữ (Wu, 吳語), Tương ngữ (Xiang, 湘語), Việt ngữ tức tiếng Quảng Đông (Cantonese, 粵語).
Xem 1 bản đồ khác về các loại chữ viết trên thế giới, ta thấy chữ Hán là thứ chữ duy nhất thuộc dạng văn tự ngữ tố (còn gọi là văn tự từ phù hay biểu từ), hiểu nôm na là chữ viết biểu ý, được biểu thị bằng màu vàng nhạt và có ghi ở phần ghi chú: Chinese logographies (nhóm chữ ngữ tố).
Tất cả các loại chữ viết còn lại đều là văn tự ký âm hay biểu âm ở các mức độ khác nhau. Các vùng tô màu xanh lá cây (có 2 mức đậm nhạt) là những nơi sử dụng nhóm chữ viết có bảng chữ cái chỉ dùng phụ âm để ghi (không ghi nguyên âm), khi đọc thì người đọc tự suy luận và tự khôi phục nguyên âm thích hợp vào thành từ và câu phù hợp. Loại chữ viết này được gọi là abjad (do ghép 4 chữ cái phụ âm đầu tiên của bảng chữ cái tiếng Ả-rập cũ) mà điển hình là chữ Ả-rập (màu xanh lá cây nhạt) và chữ Hebrew (màu xanh lá cây đậm).
Chính vì Kinh Thánh Do Thái viết bằng tiếng Hebrew (Híp-ri) cổ chỉ viết phụ âm nên tên của Chúa được ghi là “YHWH” mà người ta không biết “YHWH” đọc là gì hoặc nghĩa là gì. “YHWH” từng được “giải mã” là “Jehovah” (“Giê-hô-va”) hoặc “Yahweh” (“Gia-vê”) nhưng rồi về sau các ký tự này được gán cho những từ có nghĩa (như “Ta là Đấng mà Ta là”).
Nhóm chữ viết màu da cam (Devangari) và gạch cua ở Ethiopia, Ấn Độ, Nam Á lan sang Myanmar, Thái-lan, Lào và Cam-pu-chia, thuộc hệ thống chữ viết mà mỗi đơn vị gồm thành phần chính là phụ âm kèm theo thành phần phụ là nguyên âm (abugida).
Vùng màu đỏ là những nơi sử dụng chữ viết ký âm đến mức âm tiết chứ chưa đến mức âm vị. Nhật Bản là trường hợp đặc biệt sử dụng kết hợp 3 hệ văn tự trong chữ viết: Hiragana (bình giả danh, 平假名), Katakana (phiến giả danh, 片假名) là 2 hệ ký âm đến âm tiết (syllabary) cùng với Kanji (Hán tự) nên được tô màu vàng viền đỏ.
Thế nào là hệ ký âm âm tiết (syllabary)? Chẳng hạn trong tiếng Nhật, lẽ ra chỉ cần ký âm các nguyên âm (a, i, u, e, o) và các phụ âm riêng biệt (như k, s, t,…) rồi ghép lại thì người ta lại ký âm các nguyên âm (a, i, u, e, o) và ký âm trực tiếp các tổ hợp ka, ki, ku, ke, ko; sa, si, su, se, so; ta, ti, tu, te, to;…
Các loại chữ viết còn lại sử dụng bảng chữ cái (alphabet) và ký âm đến tận âm vị như hệ chữ Latin, Cyrillic (điển hình là tiếng Nga), Hy Lạp, Hangeul (của Triều Tiên và Hàn Quốc)…
Về chiều viết thì một số chữ viết như Mông Cổ (loại chữ truyền thống), Mãn Châu viết từ trên xuống. Ngoài loại chữ truyền thống, người Mông Cổ từng thử dăm bảy loại chữ khác. Sang đầu thế kỷ 20 Mông Cổ chuyển sang hệ chữ Latin, rồi ít lâu sau, khi trở thành nước XHCN đồng minh của Nga, hệ chữ viết Cyrillic của Nga thay thế hệ chữ Latin, và giờ đây được sử dụng song song với hệ chữ truyền thống (viết theo chiều dọc). Nhưng người Mông Cổ ở khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) chỉ dùng loại chữ truyền thống.
Chữ Hebrew viết từ phải sang trái nên nếu bạn copy & paste không cẩn thận, chữ sẽ nhảy lung tung.
FB Nguyễn Việt Long