Mọi người hiện nay đang mường tượng rằng, công nghệ trong tương lai sẽ dồn đọng của cải vào một nhóm và tước quyền của người lao động. Liệu còn viễn cảnh nào khác cho chúng ta?
Khi nói về trí tuệ nhân tạo, chúng ta hay viện đến các phép ẩn dụ, ta luôn làm vậy khi đối mặt một điều gì đó mới và lạ. Các phép ẩn dụ, về bản chất, không hoàn hảo tuyệt đối, nhưng chúng ta vẫn cần phải lựa chọn chúng thật cẩn thận, bởi vì những phép ẩn dụ tồi có thể khiến chúng ta lạc lối. Ví dụ, hiện nay lối so sánh các A.I. đầy quyền năng với các vị thần trong truyện cổ tích rất phổ biến. Phép ẩn dụ này nhằm chỉ ra khó khăn trong việc khiến các thực thể đầy quyền năng này tuân theo mệnh lệnh của bạn; nhà khoa học máy tính Stuart Russell đã dẫn chuyện ngụ ngôn Vua Midas, vị vua yêu cầu mọi thứ mình chạm vào đều biến thành vàng, để minh họa cho hiểm hoạ khi có một A.I. làm theo những gì bạn bảo nó làm, thay vì những gì bạn muốn nó làm. Có nhiều vấn đề với phép ẩn dụ này, nhưng một trong số đó là nó rút ra những bài học sai lầm từ câu chuyện ngụ ngôn ban đầu. Ý nghĩa của truyện ngụ ngôn Midas là lòng tham sẽ hủy hoại bạn, và mải mê theo đuổi giàu sang sẽ khiến bạn phải trả giá bằng mọi thứ thực sự quan trọng. Nếu từ câu chuyện ngụ ngôn này bạn hiểu rằng, khi được các vị thần ban cho một điều ước, mình nên diễn đạt điều ước của mình thật cẩn thận, thì bạn đã hiểu sai.
Vì vậy, tôi muốn đề xuất một phép ẩn dụ khác để nói về những rủi ro trí tuệ nhân tạo có thể gây ra. Tôi cho rằng chúng ta nên nghĩ về A.I. như một công ty tư vấn quản lý, giống như McKinsey & Company. Các công ty như McKinsey được thuê vì nhiều lý do và hệ thống A.I. cũng được sử dụng vì nhiều nguyên nhân. Nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng rõ ràng giữa A.I. và McKinsey—một công ty tư vấn làm việc với 90% công ty trong danh sách Fortune 100. Các công ty mạng xã hội sử dụng máy học để giữ người dùng dán mắt vào feeds của mình. Tương tự, Purdue Pharma đã sử dụng McKinsey để tìm ra cách “đẩy mạnh” doanh số bán OxyContin trong thời kỳ đại dịch thuốc gây nghiện opioid. Cũng giống như A.I. hứa hẹn sẽ cung cấp cho các nhà quản lý giải pháp thay thế giá rẻ cho nhân viên con người, thì McKinsey và các công ty tương tự đã giúp bình thường hóa việc sa thải hàng loạt nhân viên như một cách để tăng giá cổ phiếu và bồi thường điều hành, góp phần phá hủy tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
Một cựu nhân viên của McKinsey đã mô tả công ty là “những đao phủ sẵn lòng xuống tay của tư bản”: nếu bạn muốn hoàn thành việc gì đó nhưng không muốn nhúng tay vào, McKinsey sẽ làm cho bạn. Thoát khỏi trách nhiệm giải trình là một trong những dịch vụ có giá nhất mà các nhà tư vấn quản lý này cung cấp. Các ông chủ có những mục tiêu nhất định, nhưng không muốn bị đổ lỗi vì hành động để đạt được những mục tiêu đó; bằng cách thuê chuyên gia tư vấn, giới quản lý có thể nói rằng mình chỉ làm theo lời khuyên độc lập của chuyên gia. Ngay cả ở dạng thô sơ hiện tại, A.I. đã trở thành một cách để một công ty trốn tránh trách nhiệm, bằng cách nói rằng họ chỉ làm theo những gì “thuật toán” nói, mặc dù ngay từ đầu chính công ty đã đưa lệnh cho thuật toán.
Câu hỏi chúng ta nên đặt ra là: khi A.I. trở nên mạnh và linh hoạt hơn, có cách nào để nó không trở thành một phiên bản khác của McKinsey không? Dù thuật ngữ “A.I.” có ý nghĩa gì, câu hỏi này đều đáng được xem xét. Nếu bạn nghĩ về A.I. như một tập hợp rộng rãi các công nghệ được quảng bá là giúp các công ty cắt giảm chi phí, thì câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để chúng ta ngăn những công nghệ đó hoạt động như “ đao phủ sẵn sàng xuống tay của tư bản”? Ngoài ra, nếu bạn tưởng tượng A.I. là một chương trình phần mềm bán-tự-quyết, chỉ giải quyết các vấn đề mà con người yêu cầu nó giải quyết, thì câu hỏi đặt ra là: làm sao để ngăn phần mềm đó tiếp tay cho các tập đoàn đẩy cuộc sống của tất cả mọi người theo hướng tồi tệ hơn? Giả sử bạn đã xây dựng một A.I. bán-tự-quyết hoàn toàn vâng mệnh con người—một kiểu A.I. liên tục kiểm tra để đảm bảo rằng nó không hiểu sai hướng dẫn đã nhận được. Đây là ước mơ của nhiều nhà nghiên cứu A.I.. Tuy nhiên, phần mềm như vậy vẫn có thể dễ dàng gây ra nhiều tác hại như McKinsey từng gây ra.
Xin lưu ý rằng bạn không thể đơn giản trả lời là bạn sẽ xây dựng A.I. chỉ cung cấp các giải pháp vì-xã-hội cho những vấn đề bạn yêu cầu nó giải quyết. Làm vậy chẳng khác nào nói rằng bạn có thể giảm bớt mối đe dọa từ McKinsey bằng cách thành lập một công ty tư vấn chỉ cung cấp các giải pháp vì xã hội. Thực tế là các công ty trong danh sách Fortune 100 sẽ thuê McKinsey thay vì công ty ủng hộ xã hội của bạn, bởi vì các giải pháp của McKinsey sẽ tăng giá trị cho cổ đông nhiều hơn các giải pháp từ công ty bạn. Người ta sẽ luôn có khả năng xây dựng A.I. theo đuổi giá trị của cổ đông trên tất thảy, và hầu hết các công ty sẽ thích sử dụng A.I. đó thay vì bị ràng buộc bởi các nguyên tắc của bạn.
Liệu có cách nào để A.I. phục vụ mục đích khác, ngoài mài sắc lưỡi dao của chủ nghĩa tư bản không? Cũng xin nói rõ hơn, khi tôi nhắc đến chủ nghĩa tư bản, tôi không có ý nói về hệ thống trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ với giá cả do thị trường quyết định, đây vốn là đặc tính của nhiều hệ thống kinh tế. Khi đề cập đến chủ nghĩa tư bản ở đây, tôi đang nói cụ thể về mối quan hệ giữa vốn và lao động, trong đó những cá nhân tư nhân đã có tiền trong tay vẫn có thể thu lợi từ nỗ lực của những người khác. Vì vậy, trong khuôn khổ của cuộc thảo luận này, bất cứ khi nào tôi chỉ trích chủ nghĩa tư bản, tôi không chỉ trích ý tưởng mua bán các thứ; mà tôi đang chỉ trích ý tưởng rằng những người vốn có rất nhiều tiền lại tiếp tục nắm quyền lực kiểm soát những người thực sự làm lụng. Và, cụ thể hơn, tôi đang chỉ trích tình trạng ngày càng nhiều của cải tập trung vào tay của ngày càng ít người, đây dù có là thuộc tính nội tại của chủ nghĩa tư bản hay không, thì chắc chắn nó vẫn là đặc điểm tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản đang diễn ra hiện nay.
A.I. hiện nay thường được triển khai để phân tích một nhiệm vụ do con người thực hiện, từ đó tìm ra cách thay thế con người. Thật trùng hợp, đây chính xác là loại vấn đề mà các nhà quản lý muốn giải quyết. Kết quả là, A.I. hỗ trợ cho tư bản bằng cách gây thiệt hại cho lao động. Hiện nay không công ty tư vấn lao động nào thực sự thúc đẩy lợi ích của người lao động. Liệu A.I. có thể đảm nhận vai trò đó? Liệu A.I. có thể làm gì để hỗ trợ người lao động thay vì các nhà quản lý không?
Ai đó có thể nói rằng nhiệm vụ của A.I. không phải là chống lại chủ nghĩa tư bản. Điều đó có thể đúng, nhưng nhiệm vụ của A.I. cũng đâu phải là củng cố cho chủ nghĩa tư bản. Vậy mà hiện nay nó đang làm chính công việc ấy. Nếu chúng ta không thể tìm ra cách để A.I. giảm bớt tình trạng tập trung của cải, thì tôi e khó mà tranh luận rằng A.I. là một công nghệ trung lập, chứ chưa nói đến một công nghệ có lợi.
Nhiều người nghĩ rằng A.I. sẽ khiến nhiều người thất nghiệp hơn, và nêu thu nhập cơ bản phổ quát, hay U.B.I., là một giải pháp cho vấn đề đó. Nhìn chung, tôi thích ý tưởng về thu nhập cơ bản phổ quát; tuy nhiên, theo thời gian, tôi bắt đầu nghi ngờ về cách mà những người làm việc trong lĩnh vực A.I. dùng U.B.I. làm lời giải cho tình trạng thất nghiệp do A.I. gây ra. Tình hình sẽ khác nếu nước Mỹ đã có thu nhập cơ bản phổ quát, nhưng thực tế chúng ta không hề có nó, vì vậy, những nhà phát triển A.I. lên tiếng ủng hộ nó dường như là một cách để họ đá quả bóng trách nhiệm cho chính phủ. Trên thực tế, họ đang làm trầm trọng thêm các vấn đề mà chủ nghĩa tư bản tạo ra với kỳ vọng rằng, khi những vấn đề đó trở nên đủ tồi tệ, chính phủ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc can thiệp. Coi đây là một chiến lược để biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn, thì chiến lược này có vẻ chông chênh.
Có lẽ bạn còn nhớ, trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2016, nữ diễn viên Susan Sarandon – người ủng hộ nhiệt thành của Bernie Sanders – đã nói rằng bỏ phiếu cho Donald Trump sẽ tốt hơn bỏ phiếu cho Hillary Clinton, vì như vậy sẽ nhanh chóng dẫn đến cuộc cách mạng hơn. Tôi không rõ Sarandon đã suy nghĩ thấu đáo đến đâu, nhưng triết gia người Slovenia Slavoj Žižek cũng phát biểu tương tự, và tôi khá chắc là ông ấy đã nghiền ngẫm vấn đề này rất nhiều. Ông lập luận rằng Trump đắc cử sẽ là một cú sốc đối với hệ thống hiện tại đến mức nó sẽ đem lại thay đổi.
Điều mà Žižek ủng hộ là một ví dụ về một ý tưởng trong triết học chính trị, được gọi là chủ nghĩa gia tốc. Có rất nhiều phiên bản khác nhau của chủ nghĩa gia tốc, nhưng sợi chỉ xuyên suốt thống nhất những người theo chủ nghĩa gia tốc cánh tả là quan niệm cho rằng cách duy nhất để khiến mọi thứ tốt hơn là làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Chủ nghĩa gia tốc nói rằng chẳng có ích chi khi cố chống lại hoặc cải tổ chủ nghĩa tư bản; thay vào đó, chúng ta phải làm trầm trọng thêm những xu hướng tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản, cho đến khi toàn bộ hệ thống sụp đổ. Cách duy nhất để chạy thoát khỏi con đường chủ nghĩa tư bản là đạp chân ga của chủ nghĩa tân tự do cho đến khi động cơ nổ tung.
Tôi đoán đây cũng là một cách để mang lại một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng, nếu đó là cách tiếp cận mà ngành công nghiệp A.I. đang áp dụng, thì tôi muốn đảm bảo rằng mọi người đều hiểu rõ tương lai mà họ đang cố gắng hướng tới. Khi thiết kế ra A.I. làm những công việc mà trước đây do con người đảm nhận, các nhà nghiên cứu A.I. đang đẩy tình trạng tập trung cô đọng của cải đến mức đỉnh điểm, đến nỗi cách duy nhất để tránh xã hội sụp đổ là chính phủ phải can thiệp. Dù cố ý hay không, điều này rất giống với việc bỏ phiếu cho Trump với mục tiêu mang lại một thế giới tốt đẹp hơn. Và sự trỗi dậy của Trump cho thấy những rủi ro khi dùng chiến lược theo đuổi chủ nghĩa gia tốc: mọi thứ có thể trở nên rất tồi tệ và tình trạng rất tồi tệ này duy trì trong một thời gian dài, trước khi trở nên sáng sủa hơn. Trên thực tế, bạn không thể biết mất bao lâu thì tình hình mới khá hơn; tất cả những gì bạn có thể chắc chắn là sẽ có những đau đớn và khổ sở thảm hại trong ngắn và trung hạn.
Tôi không thấy thuyết phục lắm trước những tuyên bố rằng A.I. gây nguy hiểm cho nhân loại khi nó có thể tự phát triển các mục tiêu cho riêng nó và ngăn cản chúng ta tắt nó đi. Tuy nhiên, tôi có tin rằng A.I. nguy hiểm vì nó làm tăng sức mạnh của chủ nghĩa tư bản. Kịch bản ngày tận thế không phải là một A.I. sản xuất biến toàn bộ hành tinh thành những chiếc kẹp giấy, như một thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng đã hình dung. Mà đó là khi các tập đoàn gắn thêm siêu động cơ A.I. phá hủy môi trường và tầng lớp lao động để chạy theo lợi ích cổ đông. Chủ nghĩa tư bản chính là cỗ máy sẵn sàng làm mọi cách để ngăn chúng ta tắt nó đi, và vũ khí lợi hại nhất trong kho vũ khí của nó là chiến dịch ngăn chúng ta xem xét bất kỳ giải pháp thay thế nào.
Những người chỉ trích các công nghệ mới đôi khi bị gọi là Luddite, nhưng chúng ta nên hiểu rõ Luddite thực sự mong muốn gì. Thứ chính yếu mà họ phản đối là tiền lương của họ đang giảm sút trong khi lợi nhuận của các chủ nhà máy lại tăng, đội lên cùng với giá lương thực. Họ cũng phản đối điều kiện làm việc không an toàn, sử dụng lao động trẻ em và bán hàng kém chất lượng làm mất uy tín của toàn ngành dệt may. Luddite không phá hủy máy móc bừa bãi; nếu người chủ của chiếc máy trả lương thích đáng cho công nhân của mình, họ sẽ để nó yên. Luddite không chống lại công nghệ; những gì họ muốn là công bằng kinh tế. Họ phá hủy máy móc như một cách để thu hút sự chú ý của chủ nhà máy. Hiện nay “Luddite” lại đang được sử dụng theo ý xúc phạm, để chỉ ai đó vô lý và ngu xuẩn, đó chính là kết quả của một chiến dịch bôi nhọ của các thế lực tư bản.
Mỗi khi ai muốn buộc tội người khác là Luddite, chúng ta nên đặt câu hỏi là liệu người bị buộc tội có thực sự chống lại công nghệ không? Hay họ ủng hộ công bằng kinh tế? Và người tố cáo có thực sự ủng hộ cải thiện đời sống người dân hay không? Hay họ chỉ đang cố gắng tăng tích lũy tư bản tư nhân?
Ngày nay, chúng ta thấy mình đang trong tình cảnh công nghệ đã bị gộp nhất với chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa tư bản lại bị gộp lẫn với khái niệm tiến bộ. Nếu bạn dám chỉ trích chủ nghĩa tư bản, bạn sẽ bị buộc tội chống lại cả công nghệ và tiến bộ. Nhưng tiến bộ có nghĩa lý gì, nếu nó không bao gồm cuộc sống tốt hơn cho những bàn tay thực sự làm việc? Cố tăng hiệu suất để làm gì, nếu số tiền tiết kiệm được không đi đến đâu ngoại trừ chảy vào tài khoản ngân hàng của các cổ đông? Tất cả chúng ta nên cố gắng trở thành các Luddite, bởi vì tất cả chúng ta nên chú trọng đến công bằng kinh tế hơn là tăng tích lũy tư bản cho tư nhân. Chúng ta cần được tự do chỉ trích sử dụng công nghệ theo những hướng có hại—bao gồm cả những hướng mang lại lợi ích cho cổ đông hơn là người lao động—mà không bị quy kết là những kẻ thù của công nghệ.
Hãy tưởng tượng một tương lai lý tưởng, một trăm năm nữa, khi không ai bị buộc phải làm bất kỳ công việc nào họ không thích, và mọi người có thể dành thời gian cho bất cứ điều gì bản thân thấy thoả lòng nhất. Rõ ràng, rất khó để biết làm sao chúng ta đạt được tương lai đó từ hiện tại chúng ra đang đứng đây. Nhưng bây giờ hãy xem xét hai kịch bản có thể xảy ra trong vài thập kỷ tới. Một bên là các nhà quản lý và các lực lượng tư bản trở nên hùng mạnh hơn cả hiện tại. Và bên kia, người lao động mạnh hơn bây giờ. Kịch bản nào có nhiều khả năng đưa chúng ta đến gần hơn với tương lai lý tưởng nêu trên? Và, nhìn từ chiều hướng A.I. hiện đang được triển khai, nó đang thúc đẩy chúng ta đi theo kịch bản nào?
Tất nhiên, có người lập luận rằng công nghệ mới cải thiện mức sống của chúng ta về lâu dài, do đó bù đắp cho tình trạng thất nghiệp mà nó tạo ra trong ngắn hạn. Lập luận này có sức nặng trong phần lớn thời kỳ hậu Cách mạng Công nghiệp, nhưng nó đã mất tác dụng trong nửa thế kỷ qua. Tại Mỹ, GDP bình quân đầu người đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1980, nhưng thu nhập hộ gia đình trung bình lại tụt về phía sau. Đây cũng là giai đoạn của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Điều này có nghĩa là lợi ích kinh tế do máy tính cá nhân và Internet tạo ra chủ yếu đổ thêm vào của cải của 1% những người giàu nhất trong số 1% những người giàu nhất, thay vì nâng cao mức sống cho toàn bộ người dân Hoa Kỳ.
Tất nhiên, bây giờ tất cả chúng ta đều có Internet, và Internet thật tuyệt vời biết bao. Nhưng giá bất động sản, học phí đại học và chi phí chăm sóc sức khỏe đều tăng nhanh hơn cả lạm phát. Vào năm 1980, thu nhập của một người đủ sức nuôi sống cả gia đình là chuyện thường tình; bây giờ đó là cảnh hiếm. Vậy thì, trong suốt bốn mươi năm qua chúng ta thực chất đã tiến bộ đến đâu? Hẳn nhiên, mua sắm trực tuyến hiện nay thật nhanh chóng và dễ dàng, và xem phim trực tuyến tại nhà cũng rất cool, nhưng tôi nghĩ nhiều người sẵn sàng đánh đổi những tiện ích đó để được có khả năng sở hữu nhà riêng, cho con đi học đại học mà không gánh nợ suốt đời, và đi bệnh viện về mà không rơi vào phá sản. Thu nhập trung bình không theo kịp GDP bình quân đầu người không phải lỗi của công nghệ; phần lớn là lỗi của Ronald Reagan và Milton Friedman. Nhưng một phần trách nhiệm cũng thuộc về các chính sách quản lý của các CEO như Jack Welch, người điều hành General Electric từ năm 1981 đến 2001, cũng như các công ty tư vấn như McKinsey. Tôi không đổ lỗi máy tính cá nhân làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo – tôi chỉ nói rằng, lời khẳng định công nghệ tốt hơn tất yếu sẽ cải thiện mức sống của con người không còn đáng tin nữa.
Máy tính cá nhân đã không làm tăng thu nhập trung bình, và thực tế này đặc biệt liên quan đến hiện tại, khi nghĩ về những lợi ích A.I. có thể tạo ra. Nhiều người thường gợi ý rằng các nhà nghiên cứu nên tập trung tìm ra những cách cho A.I. tăng năng suất của từng công nhân hơn là thay thế họ; đây được gọi là con đường tăng cường (augmentation), trái ngược với con đường tự động hóa (automation). Đây là một mục tiêu đáng cân nhắc, nhưng bản thân nó sẽ không cải thiện vận mệnh kinh tế của mọi người. Phần mềm năng suất (productivity software) chạy trên máy tính cá nhân là một ví dụ hoàn hảo về tăng cường thay cho tự động hóa: các chương trình xử lý văn bản đã thay thế máy đánh chữ, chứ không thay thế nhân viên đánh máy, và các chương trình spreadsheet thay thế bảng tính giấy thay vì nhân viên kế toán. Nhưng năng suất cá nhân tăng lên do máy tính cá nhân mang lại đã không đồng hành với mức sống tăng lên.
Cách duy nhất để công nghệ có thể nâng cao mức sống là phải có các chính sách kinh tế phân phối hợp lý các lợi ích của công nghệ. Chúng ta đã không có những chính sách đó trong 40 năm qua, và trừ khi có những chính sách ấy ra đời, bằng không, chẳng có cớ gì để ta tin rằng những tiến bộ sắp tới của A.I. sẽ nâng cao thu nhập trung bình, kể cả khi chúng ta nghĩ được ra các cách để nó tăng năng suất cho từng người lao động. A.I. chắc chắn sẽ giảm chi phí lao động và tăng lợi nhuận cho các tập đoàn, nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc cải thiện mức sống của chúng ta.
Sẽ thật dễ và tiện biết bao nếu chúng ta có thể cứ tin rằng một tương lai hoàn mỹ đang cận kề, và phát triển công nghệ để sử dụng trong tương lai đó. Nhưng một công nghệ nào đó hữu dụng trong viễn cảnh hoàn mỹ ấy không đồng nghĩa là nó cũng hữu ích bây giờ. Giả sử trong một tương lai hoàn mỹ không tưởng, chúng ta có một cỗ máy biến chất thải độc hại thành thức ăn, thì chuyện tạo chất thải độc hại sẽ không thành vấn đề, nhưng, trong bối cảnh ở đây và bây giờ, không ai có thể khẳng định rằng việc tạo ra chất thải độc hại là vô hại. Những người theo chủ nghĩa gia tốc có thể lập luận rằng tạo ra nhiều chất thải độc hại hơn sẽ thúc đẩy con người phát minh ra cỗ máy chuyển đổi chất thải thành thực phẩm, nhưng lập luận đó có thuyết phục không? Chúng ta phải đánh giá tác động môi trường của các công nghệ theo các biện pháp giảm thiểu hiện có, chứ không phải dựa theo các biện pháp giảm thiểu giả định trong tương lai. Tương tự như vậy, chúng ta không thể đánh giá A.I. bằng cách tưởng tượng nó sẽ hữu ích như thế nào trong một thế giới có U.B.I.; chúng ta phải đánh giá nó dựa theo tình trạng mất cân bằng hiện nay giữa tư bản và lao động, và trong bối cảnh đó, A.I. là một mối đe dọa vì cách nó hỗ trợ cho tư bản.
Một cộng sự cũ tại McKinsey đã bảo vệ các hành động của công ty khi nói: “Chúng tôi không tạo ra chính sách. Chúng tôi chỉ thực hiện.” Nhưng đây là một lời biện hộ khá mong manh; các quyết định chính sách có hại có nhiều khả năng được đưa ra hơn khi các công ty tư vấn—hoặc các công nghệ mới—cung cấp được những cách thực hiện chúng. Phiên bản A.I. hiện được phát triển đang giúp các công ty sa thải nhân viên dễ dàng hơn. Vậy có cách nào để phát triển một loại A.I. khiến công ty khó sa thải hơn không?
Trong cuốn sách “ Làm thế nào để trở thành một người chống chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21”, nhà xã hội học Erik Olin Wright đưa ra một phép phân loại các chiến lược đối phó với tác hại của chủ nghĩa tư bản. Hai trong số các chiến lược mà ông đề cập là đập tan chủ nghĩa tư bản và phá bỏ chủ nghĩa tư bản, chúng có lẽ nằm ngoài phạm vi thảo luận này. Chiến lược phù hợp hơn ở đây là chế ngự chủ nghĩa tư bản và ngăn chặn chủ nghĩa tư bản. Nói nôm na, chế ngự chủ nghĩa tư bản có nghĩa dùng quản lý của chính phủ, và ngăn chặn chủ nghĩa tư bản có nghĩa là bằng hoạt động cấp cơ sở (grassroots activism) và liên đoàn lao động. Có cách nào để A.I. giúp củng cố những yếu tố đó không? Có cách nào để A.I. truyền sức mạnh cho các liên đoàn lao động hoặc hợp tác xã do công nhân làm chủ không?
Năm 1976, các công nhân tại Tập đoàn hàng không vũ trụ Lucas ở Birmingham, Anh, phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải do cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Đáp lại, các đại diện công đoàn ở tập đoàn đã thảo ra một tài liệu gọi là Kế hoạch Lucas, trong đó mô tả 150 “sản phẩm hữu ích cho xã hội”, từ máy lọc máu đến tua-bin gió và động cơ hybrid cho ô tô, mà đội ngũ lao động ở đó có thể chế tạo bằng bộ kỹ năng và thiết bị hiện có, hơn là cho sa thải. Các nhà quản lý tại Lucas Aerospace đã bác bỏ đề xuất này, nhưng nó vẫn là một ví dụ hiện đại tiêu biểu cho việc những người lao động cố gắng lèo lái chủ nghĩa tư bản theo hướng nhân văn hơn. Chắc chắn chúng ta phải có những phương án tương tự với công nghệ máy tính hiện đại.
Liệu chủ nghĩa tư bản có nhất thiết phải tai hại như hiện nay? Có thể không. Ba thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đôi khi được gọi là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản. Thời kỳ này một phần là kết quả của các chính sách tốt hơn hiện nay của chính phủ, nhưng không chỉ mình chính phủ tạo ra thời kỳ hoàng kim ấy: văn hóa doanh nghiệp thời kỳ này cũng rất khác. Trong báo cáo hàng năm của General Electric từ năm 1953, công ty đã tự hào khoe về số tiền nộp thuế của họ lớn cỡ nào, và số tiền họ đã chi cho tiền lương hào phóng ra sao. Công ty còn dõng dạc rằng “đảm bảo công ăn việc làm chắc chắn nhất có thể là mục tiêu chính của công ty.” Nhà sáng lập Johnson & Johnson thì tuyên bố rằng trách nhiệm của công ty đối với nhân viên cao hơn trách nhiệm đối với cổ đông. Các tập đoàn thời đó quan niệm về vai trò của họ trong xã hội khác hoàn toàn so với các tập đoàn ngày nay.
Có cách nào để quay lại với những giá trị này không? Có vẻ sẽ khó, nhưng hãy nhớ rằng thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản đến sau giai đoạn bất bình đẳng giàu nghèo nghiêm trọng của Thời kỳ Mạ vàng (Gilded Age). Ngay bây giờ chúng ta đang sống trong Thời kỳ Mạ vàng thứ hai, khi bất bình đẳng giàu nghèo gần giống như hồi năm 1913, vì vậy cũng không hẳn là chúng ta không thể chuyển tiếp từ giai đoạn hiện tại sang một thời hoàng kim thứ hai. Tất nhiên, từ Thời kỳ Mạ vàng đầu tiên sang thời kỳ hoàng kim, chúng ta đã trải qua cuộc Đại suy thoái và hai cuộc Thế chiến. Một người theo chủ nghĩa gia tốc có thể nói rằng những sự kiện ấy là cần thiết để đi đến thời kỳ hoàng kim, nhưng tôi đoán hầu hết chúng ta đều muốn bỏ qua những bước này. Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là hình dung ra những con đường để công nghệ đưa chúng ta nhảy cóc đến thời kỳ hoàng kim mà không gây ra thêm một cuộc Đại suy thoái nào trước.
Tất cả chúng ta đều sống trong một hệ thống tư bản chủ nghĩa, vì vậy tất cả chúng ta đều là những thành viên tham gia vào chủ nghĩa tư bản dù muốn hay không. Vậy nên cũng hợp lý nếu bạn tự hỏi liệu mình với tư cách cá nhân có thể làm được gì không. Nếu giả sử bạn là nhà khoa học thực phẩm tại Frito-Lay và công việc của bạn là phát minh ra hương vị khoai tây chiên mới, tôi sẽ không bảo bạn có nghĩa vụ đạo đức phải nghỉ việc vì bạn đang tiếp tay cho cỗ máy của chủ nghĩa tiêu dùng. Bạn đang sử dụng kiến thức đào tạo của mình với tư cách là một nhà khoa học thực phẩm để mang đến cho khách hàng trải nghiệm thú vị; đó là một cách kiếm sống hoàn toàn hợp tình hợp lý.
Nhưng nhiều người làm việc trong lĩnh vực A.I. coi A.I. quan trọng hơn phát minh ra hương vị khoai tây chiên mới. Họ gọi đó là một công nghệ thay đổi thế giới. Nếu đúng vậy, họ có nhiệm vụ tìm cách để A.I. xây dựng thế giới tốt đẹp hơn mà không phải qua bước đẩy nó về phía tồi tệ hơn trước. Liệu có cách nào khác để A.I. cải thiện tình trạng bất bình đẳng trong thế giới của chúng ta, thay vì chỉ đẩy chúng ta đến bờ vực của sự sụp đổ xã hội không? Nếu A.I. đúng là một công cụ quyền năng như những người ủng hộ nó đã tuyên bố, thì họ hẳn có thể tìm ra những cách sử dụng khác cho nó, ngoài cách làm trầm trọng thêm sự tàn nhẫn của tư bản.
Nếu có bất kỳ bài học nào mà chúng ta nên rút ra từ những câu chuyện về các vị thần ban điều ước, thì đó chính là mong ước đạt được điều gì đó mà không cần nỗ lực mới là vấn đề thực sự. Hãy nghĩ về câu chuyện “Phù thủy tập sự”, khi người học trò tập sự đọc câu thần chú để các cán chổi gánh nước nhưng lại không thể dừng chúng. Bài học của câu chuyện đó không phải là bạn không thể kiểm soát được phép thuật: vì ở cuối câu chuyện, thầy phù thủy quay lại và ngay lập tức sửa chữa mớ hỗn độn mà học trò tập sự đã gây ra. Bài học là bạn không thể trốn tránh phần việc nhọc nhằn. Người học việc muốn trốn phần việc nặng của mình, và tìm kiếm một con đường tắt chính là điều khiến anh ta gặp rắc rối.
Xu hướng coi A.I. như một công cụ giải quyết vấn đề thần kỳ cho thấy mong muốn trốn tránh những phần việc khó khăn cần thiết để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Công việc khó khăn đó sẽ liên quan đến những việc như giải quyết bất bình đẳng giàu nghèo và chế ngự chủ nghĩa tư bản. Đối với các nhà công nghệ, công việc khó khăn nhất – cũng là nhiệm vụ mà họ muốn tránh nhất – sẽ là chất vấn lại giả định rằng nhiều công nghệ hơn chắc chắn tốt hơn, và niềm tin rằng họ có thể cứ tiếp tục công việc như bình thường và mọi chuyện sẽ tự động đâu vào đấy. Không ai trên đời thích nghĩ mình đã đồng lõa với những bất công của thế giới, nhưng những người đang tạo ra những công nghệ làm rung chuyển thế giới bắt buộc phải thực hiện cuộc tự kiểm điểm then chốt này. Họ có sẵn sàng nhìn thẳng vào vai trò của chính mình trong hệ thống hay không sẽ quyết định A.I. sẽ dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn, hay là một thế giới tồi tệ hơn.
Nhung Nhung dịch