(Tác giả: Andre Vltchek, viết năm 2014. Dịch: Ngô Mạnh Hùng. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, ngày hồi sinh nước bạn Campuchia, 7/1/1979)
Khi chúng tôi vào thành phố nhỏ Anlong Veng thuộc dãy núi Dângrêk, nằm ở phía tây bắc Campuchia, trời bắt đầu mưa. Cơn mưa rất mạnh, nhưng xét cho cùng thì nó cũng là một cơn mưa nhiệt đới và kết thúc cũng bất ngờ như khi nó bắt đầu.
Chúng tôi lái xe qua cây cầu, qua một con đập nào đó, và đột nhiên, trước mặt chúng tôi là một hồ nước đẹp nhưng kỳ lạ. “Chỉ cách đây vài năm, đây là thành trì cuối cùng của Khmer Đỏ”, bạn tôi, Song Heang, giải thích. “Khi đó không thể lái xe tới đây như vậy được. Xung quanh không có nhà cửa. Và hồ giống như một đầm lầy, không thể vượt qua được”.
Chúng tôi lái xe suốt chặng đường đến đây để thăm dinh thự của nhà lãnh đạo quân sự cuối cùng của Khmer Đỏ, Ta Mok, người đứng đầu quân đội, được biết đến với biệt danh “Anh Năm” hay “Đồ tể”. Đây là nơi ông ta sống và cũng là nơi ông ta chỉ huy quân đội của mình.
Ta Mok, cánh tay phải của Pol Pot. Ta Mok, kẻ chia rẽ phong trào, đã quản thúc Pol Pot tại gia và rất có thể đã đầu độc ông ta. Ta Mok, người chỉ huy đội quân gồm hàng nghìn người trung thành với Khmer Đỏ, từ năm 1979, khi lực lượng Việt Nam lật đổ phong trào của ông ta, cho đến năm 1999, khi ông ta bị lực lượng chính phủ bắt giữ. Ta Mok chết khi bị giam giữ vào năm 2006 mà chưa bao giờ bị xét xử hay kết án thích đáng.
Người bảo vệ riêng của Ta Mok, vệ sĩ đã sống với ông ta nhiều năm, San Reoung, đang đợi chúng tôi. Anh ta bị cụt chân trái, điều này thường xảy ra với dân thường và chiến binh Campuchia ở độ tuổi của anh ta. Ta Mok cũng bị mất một chân trong trận chiến.
Thực ra chỉ có một điều tôi muốn biết: Khmer Đỏ là Cộng sản như thế nào, và có phải hệ tư tưởng Marxist đã thu hút nông dân vào hàng ngũ của phong trào này? San Reoung suy nghĩ một lúc rồi trả lời, cân nhắc từng chữ: “Nó thực sự không phải về hệ tư tưởng… Chúng tôi không biết nhiều về nó. Ví dụ, ngay như tôi, chỉ do rất căm thù người Mỹ, nên tôi đã trở thành quân nhân ở tuổi 17. Bạn bè tôi cũng rất căm thù. Họ gia nhập Khmer Đỏ để chống Mỹ, và đặc biệt là chống tham nhũng của nhà độc tài bù nhìn Lon Nol ở Phnom Penh”.
“Người dân ở nông thôn có biết chuyện gì đang diễn ra ở thủ đô trước khi Khmer Đỏ lên nắm quyền không?” – “Tất nhiên rồi. Hoa Kỳ đã hỗ trợ rất nhiều, rất nhiều tiền cho chế độ Lon Nol tham nhũng. Mọi người đều biết tất cả sẽ dẫn đến đâu: đến vô số bữa tiệc xa hoa, đến gái mại dâm sang trọng… Mỹ đã ném bom phá hủy vùng nông thôn của chúng tôi. Hàng trăm ngàn người đã chết. Mọi người phát điên, họ phẫn nộ. Và kết quả là rất nhiều người trong số họ đã gia nhập Khmer Đỏ”.
“Không phải vì hệ tư tưởng Marxist?” Tôi hỏi lại. San Reoung trả lời ngay: “Dĩ nhiên là không. Đại đa số không biết gì về chủ nghĩa Mác, họ chưa bao giờ nghe nói đến nó”.
Tôi đến thăm khu phức hợp của Ta Mok. Tôi bước vào một toa xe cũ, một trung tâm liên lạc được Pol Pot sử dụng cách đây vài chục năm. Bây giờ nó trống rỗng và rỉ sét. Toàn bộ khu phức hợp đã trở thành một loại bảo tàng không chính thức. Tôi từ chối đến khu nhà ở cũ của Ta Mok. Tôi không thấy có mục đích của việc đến đó.
Thay vào đó, tôi nhìn chằm chằm vào hồ khá lâu. Đã làm việc nhiều năm ở những khu vực như thế này trên thế giới, tôi hiểu rằng tất cả câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng về Campuchia và quá khứ của nó đều nằm ở vùng nông thôn. Phương Tây, trong nhiều thập kỷ, đã tìm cách làm hư hỏng Phnom Penh, bằng cách trả tiền cho hầu hết mọi người quan trọng ở đó, để lặp lại và hoàn thiện một câu chuyện xuyên tạc và sáo rỗng. Các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo – tất cả đều la hét về nạn diệt chủng do “Cộng sản” ở Campuchia tiến hành. Nó đã trở thành một công việc được trả lương cao, nguồn tài trợ không ngừng, một lời nói dối phức tạp được hỗ trợ bởi bộ máy tuyên truyền, học viện và báo chí chính thống của phương Tây.
Tất nhiên, Khmer Đỏ là một thế lực tàn bạo, nhưng chắc chắn không phải là một con quái vật diệt chủng mang ý thức hệ Cộng sản. Và nó không xuất hiện một cách bất ngờ.
***
Tôi hỏi Song Heang liệu những gì chúng tôi nghe được ở Anlong Veng có đúng không. Chúng tôi đang tăng tốc dần dần trên đường đến ngôi đền đầy tranh chấp và đẫm máu, Preah Vihear, ở biên giới Campuchia-Thái Lan.
Song Heang làm việc cho một tổ chức từ thiện nhỏ của Úc, đang xây dựng những thư viện nhỏ ở nông thôn cho trẻ em. Anh ta ghét Khmer Đỏ. Nhưng anh ấy sẵn sàng đồng ý rằng có rất ít điều mang tính “Cộng sản” ở họ. Song Heang là một người tốt bụng và điềm tĩnh. “Khi còn nhỏ, tôi sống cạnh sông Mê Kông, ở làng Prek Tamak, cách Phnom Penh khoảng 65 km. Khi người Mỹ ném bom, mọi thứ đều dừng lại và mọi người hóa đá… Ở đó, họ sử dụng những chiếc máy bay rất nhanh; máy bay chiến đấu phản lực, mà người dân địa phương gọi chúng là ‘Amich’ – tức là những kẻ nhanh nhẹn… Nhiều người dân sau đó đã gia nhập Khmer Đỏ. Họ không biết Cộng sản là gì. Họ chỉ biết chính phủ thân phương Tây ở Phnom Penh khủng khiếp đến mức nào”.
“Vậy tại sao người dân ở Phnom Penh cứ lặp đi lặp lại rằng Pol Pot đã tiến hành ‘Nạn diệt chủng do Cộng sản’? Tại sao, giống như phần còn lại của Đông Nam Á, Trung Quốc lại bị quỷ hóa? Và tại sao Việt Nam lại bị quỷ hóa?”, tôi hỏi – “Chúng tôi là một nước rất nghèo”, Song Heang trả lời, “Và nếu người dân Phnom Penh nhận được tiền, họ chỉ thích tiền và nói chính xác những gì họ được trả tiền để nói. Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đang chi rất nhiều tiền, cho một số tuyên bố nhất định”.
***
Ở Phnom Penh, hiện nay có những trung tâm thương mại mới và vô số xe hạng sang mới và cũ dành cho những người rất giàu và rất tham nhũng.
Thành phố này đã dấn thân hoàn toàn vào con đường tư bản man rợ, không khác gì Jakarta, một cơn ác mộng đô thị châu Á khác. Ngoại trừ việc Phnom Penh có ít nhất một số biệt thự từ thời thuộc địa Pháp ấn tượng, bờ sông xinh đẹp, một số phòng trưng bày và bảo tàng hấp dẫn.
Nhưng khu vực đô thị với khoảng 2,2 triệu dân của nước này không có hệ thống giao thông công cộng (trừ một vài chiếc xe buýt), hệ thống y tế công cộng và giáo dục đang ở tình trạng kinh khủng.
Thủ tướng lâu năm, Hun Sen, người từng là cựu chỉ huy trung đoàn của Khmer Đỏ, đồng thời là nhà vô địch về “thị trường tự do và dân chủ tự do đa đảng”. Mặc dù thỉnh thoảng bị phương Tây chỉ trích là vi phạm nhân quyền, nhưng phương Tây nhìn chung hài lòng với chủ nghĩa thị trường chính thống được áp dụng ở đây, cũng như sự thiếu vắng thực sự của các chính sách xã hội mạch lạc.
Trong nhiều năm, tôi đã quan sát thấy rất nhiều “cố vấn”, đặc biệt là từ Liên minh Châu Âu, họ “định hình hướng đi” của nền kinh tế Campuchia và xã hội nước này nói chung. Tất nhiên, bao gồm cả lịch sử của nó. Các cố vấn nói những điều nhất định ở nơi công cộng và những điều khác đằng sau cánh cửa đóng kín.
Tám năm trước tôi đã viết: “Tại một trong những quán cà phê sân thượng được các chuyên gia nước ngoài thường xuyên lui tới, bầu không khí tương đối thoải mái. Những người đàn ông đến từ Liên Hợp Quốc và EU uống bia, tay trong tay với những “người vợ thứ hai” địa phương của họ, thư giãn sau một ngày làm việc vất vả ở thủ đô hỗn loạn này. Họ thực hiện các nhiệm vụ đa dạng ở đất nước này, nơi từng được đánh dấu bởi một số vụ bạo lực tồi tệ nhất đối với loài người. Một số phụ trách việc khai thác mỏ ở vùng nông thôn; những người khác cố gắng thuyết phục người dân địa phương giao nộp vũ khí của họ, vốn vẫn còn rất nhiều, một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ tội phạm cao.
Nhiều người trong số đó ở đây để tư vấn cho chính phủ và vô số tổ chức phi chính phủ về cách điều hành nền kinh tế và nhà nước. Rõ ràng là những “lời khuyên” của họ chủ yếu dẫn đến các dự án hoàn toàn dựa trên lý thuyết ủng hộ thị trường tự do. Kết quả là, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ tăng trưởng kinh tế đến được túi người nghèo, trong khi đó đại đa số người dân Campuchia là người nghèo.
Khói cần sa uể oải lan toả trong không khí ẩm ướt và ngột ngạt trong phòng. Sau vài năm ở Campuchia, những chuyên gia này rất cứng rắn và hay giễu cợt – mỗi ngày là một trận chiến. Để đạt được bất cứ điều gì ở đất nước này, người ta phải hối lộ và thỏa hiệp. Lời nói lịch sự đã bị lãng quên hoàn toàn; các cuộc trò chuyện rất trực tiếp và thẳng thắn một cách tàn nhẫn. Những lời sáo rỗng phổ biến dành riêng cho công chúng ở Mỹ và Châu Âu là mục tiêu của sự chế giễu và khinh miệt công khai tại những cuộc tụ họp không chính thức này. “Khmer Đỏ giết hại hơn một triệu người Campuchia ư? Không thể nào!” – một trong những người châu Âu trung niên đã sống và làm việc ở đất nước này hơn mười năm cau mày – “Họ không có khả năng giết nhiều người như vậy. Việc có từ một đến hai triệu người đã chết từ năm 1969 đến năm 1978 là một sự thật chắc chắn, nhưng con số đó bao gồm ít nhất 500.000 người trở lên là bị thảm sát bởi các vụ ném bom rải thảm của Mỹ trước khi Khmer Đỏ tiếp quản”.
Ông tiếp tục: “Hầu hết mọi người chết vì đói và bệnh tật do hậu quả của các vụ đánh bom. Hơn nữa, những vụ thảm sát khủng khiếp sau này không xảy ra vì tư tưởng cộng sản của Khmer Đỏ, nó chưa bao giờ là cộng sản. Việc Mỹ ném bom rải thảm và chế độ độc tài tàn bạo của Lon Nol được phương Tây ủng hộ đã khiến người dân địa phương chống lại nhau. Các vụ giết người được thực hiện là vì sự trả thù cá nhân chứ không phải dựa trên cơ sở ý thức hệ. Nông dân phát điên vì phải chịu đựng những đợt ném bom rải thảm B-52. Nhiều người đã bị tra tấn, tàn sát và mất tích dưới thời trị vì của Lon Nol. Người dân quê ghét cư dân thành thị, đổ lỗi cho họ về mọi bất hạnh và nỗi kinh hoàng mà họ phải chịu đựng. Hầu hết binh lính và cán bộ Khmer Đỏ đều đến từ nông thôn”.
Chỉ cách quán cà phê nửa dặm với những cuộc trò chuyện riêng tư của những người nước ngoài cứng rắn như thế, là Bảo tàng Tuol Sleng (Bảo tàng Diệt chủng), có trụ sở tại một trường trung học cũ, nói lên sự tàn bạo và man rợ không kiềm chế của Khmer Đỏ. Năm 2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tuyên bố Bảo tàng Tuol Sleng là “Ký ức của Thế giới”.
Sau ngày 17/4/1975, các lớp học của trường trung học Tuol Svay Prey trở thành trung tâm tra tấn và thẩm vấn chính của Khmer Đỏ, được gọi là Nhà tù An ninh 21 – hay ngắn gọn là S-21. Đây là nơi đàn ông, phụ nữ bị xiềng xích và đánh đập dã man, phụ nữ bị kìm xé núm vú, dùng dây điện cắm vào bộ phận sinh dục. Sau khi thú tội (và người ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thú nhận để ngăn chặn sự tra tấn không thể chịu đựng được), hầu hết đàn ông, phụ nữ và trẻ em trải qua cơ sở kinh hoàng này đều bị đưa vào trại hủy diệt Choeung Ek, gần như chắc chắn phải đối mặt với sự hành quyết. Người ta cho biết có 20.000 người đã chết sau khi bị thẩm vấn tại S-21.
Trong một nỗ lực điên rồ nhằm tạo ra cấu trúc cho sự man rợ, Khmer Đỏ đã ghi lại từng trường hợp, chụp ảnh tất cả đàn ông và phụ nữ bị giam giữ ngay sau khi bị bắt và trước khi bị tra tấn, sau đó chụp ảnh một số người sau cuộc thẩm vấn man rợ.
Một số hình ảnh đáng sợ nhất là những hình ảnh được tạo ra bởi Vann Nath, một họa sĩ và cựu tù nhân của S-21, một trong số rất ít người sống sót nhờ tài năng và khả năng vẽ những bức chân dung khen ngợi Pol Pot và các quan chức phụ trách trung tâm thẩm vấn. Sau khi được người Việt Nam giải phóng, Vann Nath đã chuyển tải những ký ức kinh hoàng nhất lên canvas; một bức tranh khảm mô tả sự man rợ và tàn bạo điên cuồng của những người thẩm vấn – một người mẹ có đứa con đang bị sát hại ngay trước mắt, một người đàn ông bị rút móng tay bằng kìm, một phụ nữ bị cắt núm vú.
Nhưng ngay cả Van Nath, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi khoảng 15 năm trước, đã nhấn mạnh rằng Khmer Đỏ đã giết khoảng 200.000 người trong thời kỳ cai trị của nó, một con số mà ông cũng sử dụng trong cuốn sách “Chân dung nhà tù Campuchia: Một năm trong thời Khmer Đỏ, S-21″ (Báo Sen Trắng).
Và trong số hầu hết những người Khmer sống sót mà tôi đã nói chuyện, có sự đồng thuận rằng phần lớn người dân chết không phải vì hệ tư tưởng Cộng sản, và cũng không phải vì mệnh lệnh trực tiếp từ Phnom Penh yêu cầu tiêu diệt hàng triệu người, mà là vì những cán bộ ở các địa phương, những người đã phải chạy trốn điên cuồng khỏi B52, đã trả thù cá nhân đối với giới tinh hoa và những cư dân thành phố bị trục xuất, mà họ cho rằng phải chịu trách nhiệm về các vụ đánh bom dã man của Mỹ trong quá khứ cũng như việc ủng hộ chế độ độc tài thân phương Tây tham nhũng và man rợ của Lon Nol.
Không thể nghi ngờ rằng đại đa số những người đã chết trong thời kỳ đó (từ một đến hai triệu người) là nạn nhân của các vụ đánh bom của Mỹ, của nạn đói liên quan đến các vụ đánh bom này và của những người phải di tản trong nước (khoảng 2 triệu người đã trở thành người tị nạn trên chính đất nước của họ, thiếu sự chăm sóc y tế, lương thực và điều kiện sống tồi tệ).
Việc một số lượng đáng kể người dân biến mất do các vụ ném bom rải thảm của Mỹ rất hiếm khi được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây. Nhưng trong giới học thuật, người ta hiểu rằng Không quân Hoa Kỳ đã bí mật ném bom Campuchia bằng máy bay B-52, kể từ tháng 5 năm 1969. Nó được gọi là “Thực đơn Chiến dịch” (Bữa sáng, Bữa trưa, Bữa chiều, Bữa ăn nhẹ, Món tráng miệng và Bữa tối).
Hiện nay, bằng chứng mới, từ các tài liệu được giải mật (do chính quyền Clinton thực hiện năm 2000), cho thấy Không quân Mỹ đã bắt đầu ném bom các vùng nông thôn của Campuchia dọc biên giới Nam Việt Nam từ năm 1965, dưới thời chính quyền Johnson. “Thực đơn Chiến dịch” chỉ là sự leo thang tàn bạo của các vụ giết hại hàng loạt thường dân không có khả năng tự vệ.
Đối mặt với thất bại ở Việt Nam, vào năm 1973, những vụ ném bom thảm khốc tàn nhẫn nhất đã được thực hiện nhằm hỗ trợ chế độ Lon Nol. Nhà sử học David P. Chandler viết: “Khi chiến dịch bị Quốc hội Hoa Kỳ dừng lại vào cuối năm, những chiếc B-52 đã thả hơn nửa triệu tấn bom xuống một quốc gia mà Hoa Kỳ không có chiến tranh – hơn gấp đôi số lượng bom đã ném xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai”. Cuộc chiến ở Campuchia chỉ được các nhà báo đưa tin như về cuộc chiến ở Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách Mỹ gọi là “cuộc trình diễn phụ”. Tuy nhiên, cường độ ném bom của Mỹ ở Campuchia vẫn lớn hơn bao giờ hết trong cái gọi là “chiến tranh Việt Nam”; khoảng 500.000 dân thường đã thiệt mạng trong khoảng thời gian 4 năm trên lãnh thổ quốc gia nhỏ bé này. Như đã đề cập trước đó, nó cũng khiến khoảng 2 triệu người tị nạn phải chạy trốn từ nông thôn lên thủ đô.
Sự man rợ của các vụ đánh bom, sự di dời của hàng triệu người và sự phẫn nộ đối với chế độ tham nhũng thân phương Tây ở Phnom Penh, đã mở đường cho chiến thắng của Khmer Đỏ và chiến dịch báo thù hung hãn trong hàng ngũ của họ.
Đó không phải là “Cuộc diệt chủng do Cộng sản”, mà chính Đế chế đã giết hại hàng triệu người ở Đông Dương mà tuyệt đối không bị trừng phạt, đã tạo ra sự hoàn toàn bất mãn của dân chúng Campuchia đối với tầng lớp “phi nhân dân”, dẫn đến sự trả thù mù quáng và tàn bạo từ phía những người tuyệt vọng vì đã mất tất cả.
***
Tôi bước vào khu chợ, một con đường có nhiều quán ăn cách Phnom Penh 50 km, trên sông Bassac. Tôi đi cùng với tài xế và thông dịch viên, cựu chuyên gia rà phá bom mìn của CMAC (Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia).
Chúng tôi tiếp cận hai bà già, cả hai đều đã ngoài 70 tuổi. Ở Phnom Penh, hầu như không ai muốn nói về sự tàn bạo của Mỹ. Nhưng khắp nơi trên đất nước, ở nông thôn, người dân vẫn phẫn nộ, đồng thời biết ơn bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe họ.
Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt trong mắt của một phụ nữ. Tên bà là Tang Vilim, một người bán hàng. Bà bắt đầu phát biểu, than thở, nói nhanh như sợ chúng tôi ngắt lời rồi bỏ đi: “Tôi đã mất người thân trong vụ đánh bom năm 1972. Tôi vẫn cảm thấy tức giận; Tôi cảm thấy phẫn nộ! Tôi vẫn đang chờ đợi câu trả lời, sau rất nhiều năm. Tôi muốn biết tại sao? Tại sao người Mỹ lại thả bom vào chúng tôi? Bom của họ đã giết chết rất nhiều người! Tôi vẫn còn nhớ: Hồi đó tôi còn trẻ, bây giờ tôi đã 76 tuổi. Chúng tôi đã làm gì, tội lỗi của chúng tôi là gì? Cho đến bây giờ… Cho đến bây giờ – đi đâu tôi cũng thấy khó chịu! Tôi luôn thấy những câu hỏi tương tự trong đầu mình”.
Và lời than thở tương tự từ người phụ nữ thứ hai: “Mọi người vẫn không hiểu… Họ muốn biết tại sao? Họ muốn chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm! Có những miệng hố bom khắp vùng nông thôn. Một số đã được lấp đầy nhưng một số khác vẫn còn nguyên ở đấy. Toàn bộ đất nước này rải rác những miệng hố bom như thế”.
Chúng tôi lái xe xa hơn, đến tận biên giới với Việt Nam: đến ngã tư tuyệt đẹp trên Sông Bassac, tại Chrey Thum. Ngay cạnh đồn biên phòng cũng có vài miệng hố, nhưng lính canh không thích bàn luận về chủ đề này.
Chúng tôi đi bộ trên đường biên giới, và người hướng dẫn của tôi một lần nữa nhớ lại những ngày làm việc cho các cơ quan rà phá bom mìn: “Campuchia vẫn còn rải rác bom, bom bi và mìn. Một số có từ thời Khmer Đỏ, nhưng hầu hết là từ những vụ đánh bom rải thảm của Không quân Hoa Kỳ. Bạn có thể tìm thấy chúng ở khắp nơi, từ đây đến các khu vực phía Tây đất nước – xung quanh Siem Reap và phía bắc…”. Có thể hiểu, chủ đề này rất bùng nổ và vẫn gợi lên những cảm xúc bộc phát và rơi nước mắt.
Sau khi trở về Phnom Penh, tôi được một trong những người quản lý tại khách sạn The Plantation chào đón. Trời đã tối nhưng anh ấy nghe nói về công việc của tôi ở quê nên quyết định đợi tôi. “Tôi nghĩ những gì bạn đang làm là rất quan trọng”, anh ấy bắt đầu. “Chúng ta nên điều tra xem tại sao đất nước chúng tôi lại bị ném bom dã man như vậy. Ở quê tôi có rất nhiều bom, rất nhiều miệng hố. Hãy đến đó, nếu bạn có thời gian: Làng Chea Lea, xã Chealea, huyện Batay, tỉnh Kampong Cham…”
***
Ở bên kia thế giới, tại Toronto, Canada, luật sư quốc tế hàng đầu Christopher Black đã viết cho báo cáo này, ghi lại những gì các nạn nhân ở Campuchia đã nói: “Các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đối với các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ là những phiên tòa nhằm mục đích một lần nữa bôi nhọ những người cộng sản và coi họ là vật tế thần cho hàng triệu người Campuchia đã thiệt mạng trong vụ Mỹ ném bom Campuchia. Điều thế giới cần là xét xử các nhà lãnh đạo và sĩ quan Mỹ về tội ác chiến tranh vì đã ném bom rải thảm ở Việt Nam, Lào và Campuchia. (Chúng tôi có Tòa án Tội phạm chiến tranh Bertrand Russell vào những năm 70 nhưng nó không thể thi hành các phán quyết của mình)”.
Cuối tháng 7/2014, tòa án do Liên hợp quốc hậu thuẫn đã tổ chức phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ: Nguyên thủ quốc gia Khieu Samphan, 83 tuổi và Nuon Chea, 88 tuổi, cánh tay phải của Pol Pot… Tất nhiên, không ai có thể ngây thơ đến mức mong đợi rằng giới lãnh đạo Mỹ một ngày nào đó có thể ra tòa vì tội giết hại hàng triệu người trên khắp Đông Dương.
***
Một nhà sử học nổi tiếng người Úc, tác giả của nhiều cuốn sách về châu Á, Giáo sư danh dự tại Đại học Nagasaki, Geoffrey Gunn, đã đặt Khmer Đỏ vào bối cảnh lịch sử để viết bài tiểu luận này:
“Đánh dấu một kỷ nguyên, vào ngày 12/7/2014, trong một buổi lễ có sự tham dự của Nữ hoàng Monique, góa phụ của Sihanouk, Quốc vương đương nhiệm Sihamoni, Thủ tướng Hun Sen, các thành viên nội các và các nhà ngoại giao nước ngoài, tro cốt của Vua cha đã được an táng trong một bảo tháp ở cung điện Hoàng gia”.
“Sau khi lãnh đạo đất nước giành độc lập vào năm 1954, chính sách đối ngoại trung lập của Sihanouk chưa bao giờ được Washington chấp nhận. Sau cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn ở Phnom Penh tháng 3/1970, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger/Tổng thống Richard Nixon đã phát động chiến dịch ném bom dữ dội và chết chóc nhất trong lịch sử loài người nhằm vào vùng nông thôn và người dân Campuchia. Nhìn từ trên không vài năm sau, vùng đất thường xanh tươi này hiện ra như một khung cảnh mặt trăng đổ nát”.
“Theo đó, Sihanouk tán thành lực lượng du kích được nông thôn hậu thuẫn (Khmer Đỏ) – về danh nghĩa là những người theo chủ nghĩa Marx – nhưng cuồng tín trong cơn thịnh nộ của họ đã biến Campuchia thành một “cánh đồng chết chóc”.
“Bánh xe lịch sử đã quay nhưng bài học ở đây là gì nếu không phải là công lý phải được thực thi đầy đủ, không chỉ tại Phòng Đặc biệt (“tòa án diệt chủng” do Liên hợp quốc hậu thuẫn ở Phnom Penh), mà còn phải bằng cách trói buộc các thủ phạm ở mọi phía”.
Tác giả Albert J. Johnman, trong tài liệu “Trường hợp Campuchia – Diệt chủng đương đại: Nguyên nhân, diễn biến, hậu quả” đã xác định phong trào Khmer Đỏ như sau:
“Hệ tư tưởng của Khmer Đỏ kết hợp các yếu tố của chủ nghĩa Mác với một phiên bản cực đoan của chủ nghĩa dân tộc Khmer và tư tưởng bài ngoại. Nó kết hợp sự lý tưởng hóa Đế chế Angkor (802–1431), với nỗi sợ hãi hiện hữu về sự tồn tại của nhà nước Campuchia, vốn đã bị phá hủy trong lịch sử do sự can thiệp của các nước trong khu vực…”
“Yếu tố Marxist” ở đây chủ yếu là nói về tầng lớp cầm đầu, đặc biệt là Pol Pot, người đã bị cực đoan hóa trong các quán cà phê ở Paris, mặc dù không ai rõ bản thân ông ta thông thạo lý thuyết Marxist đến mức nào. Nói chung, thành tích học tập của ông ta ở Pháp rất tệ, đến nỗi không bao giờ gần đến mức tốt nghiệp và buộc phải trở về Campuchia mà không có bằng. Mặc dù, như Geoffrey Gunn lưu ý, một số thành viên của “nhóm Paris” đã cố gắng có được các luận văn về kinh tế chính trị, cụ thể là Khieu Samphan, Hu Nim, Hu Yuon, Phouk Chhou (thư ký của Pol Pot), nhưng Khmer Đỏ thực sự không thuộc về bất kỳ hệ tư tưởng nào.
Dựa trên cuộc trò chuyện của tôi với một trong những giáo sư nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh (người không muốn nêu tên), Trung Quốc cũng chưa bao giờ chấp nhận thương hiệu “Maoist” của Khmer Đỏ: “Thật là xấu hổ… cả về lý thuyết lẫn thực hành, điển hình như quyết tâm của Khmer Đỏ gửi gạo cho chúng tôi, trong khi chính người dân của họ đang chết đói…”.
Nhà báo điều tra người Anh và là cựu phụ trách chi nhánh của hãng Reuters ở Iraq, Andrew Marshall, đã coi Phnom Penh là quê hương của mình. Ông có quan điểm rõ ràng về Khmer Đỏ và việc họ đã bị tuyên truyền của phương Tây và châu Á xuyên tạc như thế nào: “Khmer Đỏ chưa bao giờ là một phong trào xã hội chủ nghĩa hay cộng sản. Nó được xây dựng trên sự căm thù tột độ của người nghèo đối với giới thượng lưu ở Phnom Penh, những người luôn đối xử với người nghèo như rác rưởi. Và nó được xây dựng trên sự tức giận chống lại Hoa Kỳ đã ném bom Campuchia với mức độ mà chưa có quốc gia nào trước đó phải chịu đựng. Đó là một phong trào được tạo ra bởi sự giận dữ của quần chúng. Bị lạm dụng trở thành kẻ lạm dụng, khao khát tiêu diệt ‘tinh hoa’. Những gia đình bị san bằng, bị giết, họ muốn trả thù… Và sau khi chuyện đó kết thúc, câu chuyện về Khmer Đỏ đã được giới tinh hoa khắp Đông Nam Á sử dụng để bôi nhọ cộng sản và quyền lực của nhân dân, đặc biệt là ở Thái Lan, và không chỉ ở đó”.
Cuối cùng, hệ thống tuyên truyền của phương Tây đã đi vào hoạt động quá mức, sử dụng Khmer Đỏ như một trong những nền tảng của cuộc thập tự chinh chống Cộng toàn cầu. Những con người tuyệt vọng, quê mùa, rách rưới và vô học, nạn nhân của các vụ ném bom trải thảm, tra tấn và di tản cưỡng bức của phương Tây, Khmer Đỏ, đã được nâng lên thành một cỗ máy “cộng sản giết người” hoàn hảo và huyền thoại!
Điều nghịch lý là đồng minh thân cận nhất trong những năm cuối của Khmer Đỏ không phải là Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia Cộng sản nào khác. Mà chính là Hoa Kỳ, quốc gia đang tiến hành Chiến tranh Lạnh với khối Liên Xô, cũng như cuộc chiến tranh khủng bố chống lại Việt Nam và Lào. Sau khi xa rời chủ nghĩa Lênin, và ít nhất về mặt lý thuyết, vẫn theo chủ nghĩa Mao, Khmer Đỏ đã nhận được đầy đủ sự hỗ trợ về ngoại giao và các hỗ trợ khác từ Washington.
Việt Nam đã giải phóng Campuchia, sau Cuộc phản công cuối năm 1978 thắng lợi, cứu giúp hàng triệu sinh mạng Campuchia còn lại. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã có lập trường kiên quyết, “yêu cầu trả lại chính phủ hợp pháp” ở Phnom Penh. Chính phủ hợp pháp đó, trong mắt Washington, không ai khác ngoài Khmer Đỏ. Tiếp theo là cuộc xâm lược trừng phạt sai lầm của Trung Quốc vào Việt Nam, tiếp theo là hoạt động tuyên truyền chống Việt Nam do phương Tây tài trợ và trên thực tế là sản xuất.
Nhờ đó, những tội ác chống lại loài người do Hoa Kỳ gây ra ở Campuchia đã được minh oan hoàn toàn. Trong khi nó vẫn sống trong ký ức sống động khắp vùng nông thôn, thì Phnom Penh đã quên mất nó một cách thuận tiện.
Khi Andrew Marshall và tôi đang ăn trưa ở Phnom Penh, với một nhà báo ngôi sao địa phương, cô Bopha Phorn, Andrew hỏi thẳng cô ấy: “Người dân Phnom Penh ghét quốc gia nào nhất?”, cô ta đã không ngần ngại trả lời: “Việt Nam”.
***
Tôi làm điều này gần như hai năm một lần: đến Campuchia và tìm kiếm câu trả lời. Tôi thuê một chiếc ô tô, một thông dịch viên và đi rất sâu vào vùng nông thôn.
Hầu như không có ai khác làm như vậy. Hầu hết “công việc học thuật” cũng như “báo chí điều tra” được thực hiện tại các quán bar và văn phòng ở Phnom Penh, cũng như hầu hết các công việc tương tự về Indonesia đều được thực hiện ở Jakarta và Bali.
Bên ngoài thủ đô, người dân cởi mở và sẵn sàng đối thoại. Trên thực tế, họ đang rất cần được nói chuyện. Và không giống như ở Phnom Penh nơi người ta chỉ đặt câu hỏi mà hiếm khi đưa ra câu trả lời, vùng nông thôn Campuchia luôn biết cách trả lời.
Vào tháng 7 năm 2014, khi chúng tôi lái xe về phía Anlong Veng, tôi đã làm một thử nghiệm: Tôi yêu cầu bạn tôi dừng lại ở bất kỳ ngôi làng nào dọc đường, cách thủ đô khoảng 100 km. Sau này tôi mới biết tên nơi chúng tôi dừng cuộc hành trình lần này là Prei Saak.
Chúng tôi vào một ngôi làng khiêm tốn và tôi hỏi người phụ nữ đầu tiên chúng tôi gặp trên con đường hẹp dẫn ra cánh đồng rằng liệu ở khu vực này còn sót lại bom mìn nào chưa nổ không. “Tất nhiên”, cô trả lời. Tên cô ấy là cô Leoun. “2 ngày trước họ đã cho nổ 8 quả mìn. Một cơ quan rà phá bom mìn… Kể từ đó chúng tôi tìm thấy nhiều hơn nữa. Đây, bọn trẻ có thể đưa bạn đến đó” – “Có người thân nào của cô bị thương không?” – “Chồng tôi, và anh rể tôi đã bị thương tật. Anh ấy đang phát quang rừng để trồng khoai mì thì có thứ gì đó phát nổ dưới chân và anh ấy bị mất một chân. Chồng tôi thì bị một vụ nổ phá hủy cả mặt và cơ thể cách đây vài năm”.
Tôi hỏi cô đó là những quả bom của Mỹ nằm lại trên cánh đồng từ sau các vụ ném bom rải thảm hay là bom mìn do Khmer Đỏ để lại? Cô không chắc chắn. Cô nghĩ đây là thiết bị của Mỹ nhưng cô không thể chắc chắn. Nhưng điều cô và mọi người chắc chắn là hầu hết mọi thị trấn và làng mạc trên đất nước này đều phải chịu đựng đau khổ trong nhiều thập kỷ, sau khi Mỹ tung ra chiến dịch quân sự khủng khiếp và gây mất ổn định ở Campuchia.
***
Trở lại năm 2006, khi đó tôi đã thuê một chiếc ô tô chắc chắn, cùng một người lái xe và phiên dịch được giới thiệu. Chúng tôi đi về hướng nam trên Đường 3, sau đó đi xa hơn về phía nam trên Quốc lộ 31 cho đến hết đoạn đường đó, rồi rẽ trái, về phía Việt Nam. Đây không phải là cửa khẩu chính, thậm chí không phải là cửa khẩu mà người nước ngoài được phép sử dụng. Ở đây không có đường nhựa, chỉ là con đường đất với những ổ gà sâu, xung quanh là những cánh đồng lúa, những bản làng khốn khổ và đàn trâu nước.
Xe của chúng tôi là chiếc xe hơi duy nhất đi qua khu vực này; người dân địa phương đi bộ hoặc đi xe đạp cổ. Giống như năm 2014 khi tôi đi thăm một vài cửa khẩu nông thôn khác thông với Việt Nam, trời mưa, gầm xe cào vào cát. Người lái xe của tôi đang chửi thề, không biết chúng tôi thực sự đang làm gì ở nơi hoang tàn này.
Sau đó chúng tôi đã đi đến cuối cùng; một dòng sông lười biếng, một thị trấn không hoạt động, trạm kiểm soát biên giới cuối cùng, với người lính gác đang ngủ say — Prek Kres. Chỉ cách đó vài thước nữa là những ngôi nhà của ngôi làng đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện.
Đây là nơi, trong quá khứ, những cuộc giao tranh đầu tiên giữa Khmer Đỏ và Việt Nam bắt đầu, và là một trong những điểm mà quân đội Việt Nam đột kích, như đã đề cập trước đó, giúp cứu thêm hàng triệu người dân Campuchia khỏi cái chết chắc chắn. Nhưng phương Tây đã coi hành động này là một cuộc xâm lược và chiếm đóng, bất chấp mọi sự thật. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh và từ quan điểm lợi ích địa chính trị của mình, việc Mỹ hy sinh thêm hàng triệu sinh mạng của người Campuchia sẽ dễ chấp nhận hơn là việc cho phép Việt Nam (và Liên Xô) có được ảnh hưởng trong khu vực.
Tôi không gặp vấn đề gì khi tìm ông Sek Cuuin, thị trưởng Prek Kres. Chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn ngoài trời của nhà ông ấy và ông có vẻ rất vui khi chia sẻ những kỷ niệm của mình.
Ông giải thích: “Vũng nước lớn mà bạn nhìn thấy giữa đường là tàn tích còn sót lại sau vụ ném bom rải thảm của Mỹ. Chúng tôi đã lấp hố nhưng khi trời mưa vẫn còn vũng nước, không biết tại sao. Khu vực này đã bị ném bom nặng nề trong chiến tranh bởi máy bay B-52. Nếu đi vào cánh đồng, bạn sẽ thấy khắp nơi là những hồ nước nhỏ. Đó là những gì xảy ra trong những cơn mưa lớn. Những hồ này đều là những hố bom”.
Chúng tôi đi dạo quanh làng. Những đứa trẻ chân trần đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Mọi người đang tụ tập lại, tự hỏi điều gì đã đưa chúng tôi đến đây. Những chiếc xe tạm bợ đậu cạnh một cầu tàu thô sơ, nơi một chiếc thuyền buôn truyền thống đang được dỡ hàng.
Thị trưởng giải thích: “Ở đây luôn có xung đột. “Đã có những cuộc xung đột biên giới dưới thời Lon Nol và sau đó, khi Khmer Đỏ nắm quyền vào năm 1975. Chúng tôi có 700 gia đình sống ở thị trấn này; 400 người đã bị buộc phải di dời. Khi Khmer Đỏ vào, tôi chỉ biết nhảy xuống sông bơi để thoát thân. Hầu hết trong số 300 gia đình còn lại cố gắng trốn sang Việt Nam, và Prek Kres trở thành một thị trấn ma – tiền đồn của quân đội Khmer Đỏ bắt đầu tấn công các ngôi làng Việt Nam bên kia biên giới”.
Tôi hỏi ông về cuộc tấn công của Việt Nam dịp Giáng Sinh năm 1978 của Việt Nam. “Quân đội Việt Nam đã vượt qua biên giới này vào năm 1979. Bây giờ dù ai đó có nói gì đi nữa, thì hầu hết mọi người ở đây đều vui vẻ chào đón quân đội Việt Nam như quân đội của mình. Những người sống sót và ở lại thị trấn này chỉ đơn giản là xếp hàng dọc đường, vẫy tay chào các chiến sĩ Việt Nam và khóc. Toàn bộ khu vực – cả nước – đã bị tàn phá; bị Khmer Đỏ và trước đó là các vụ đánh bom của Mỹ phá hủy, và bởi sự di chuyển của người tị nạn. Người Việt Nam đã cứu dân tộc này khỏi sự diệt vong hoàn toàn. Và khi họ chiếm được Phnom Penh, rõ ràng là việc giết hại và tra tấn hàng loạt đã chấm dứt. Nhưng bạn biết chuyện gì xảy ra sau đó; lòng biết ơn đã bốc hơi và chủ nghĩa dân tộc đã có được chỗ đứng. Và nước ngoài khẳng định đây không phải là sự giải phóng mà là sự chiếm đóng. Nếu bạn lặp lại những gì người cai trị muốn nghe, bạn sẽ được trả tiền. Nhưng bạn có thể hỏi bất kỳ ai, ngoại trừ các thành viên của Khmer Đỏ, họ cảm thấy thế nào vào năm 1978 và 1979 – chúng tôi cảm thấy được giải phóng, chúng tôi được cứu và chúng tôi chợt nhận ra rằng mình có thể sống sót”.
Tôi hỏi thị trưởng bây giờ ông sẽ so sánh Việt Nam và Campuchia như thế nào. Xét cho cùng, trên giấy tờ, Campuchia là một câu chuyện thành công, một nền dân chủ đa đảng. Ông cười toe toét một cách mỉa mai: “Đúng, bây giờ chúng ta có nhiều đảng phái chính trị. Nhưng bạn không thể ăn các đảng phái chính trị; chúng không lấp đầy dạ dày của bạn. Mọi thứ ở đây đều hư hỏng. Chính phủ Việt Nam đã cố gắng mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ở đây. Đặc biệt là đối với người nghèo, và ở khu vực này hầu hết mọi người đều nghèo. Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn là khi chúng tôi đói và khi ốm, chúng tôi không đến Phnom Penh; chúng tôi vượt biên và đến Việt Nam. Họ biết chúng tôi là người Khmer nhưng họ không quan tâm điều đó; họ giúp chúng tôi. Họ tin – ở đó – rằng nếu bạn đói hoặc ốm, bạn phải được giúp đỡ, bất kể quốc tịch của bạn là gì. Người Việt Nam ở đó luôn có trái tim rộng lượng”.
***
Bây giờ là năm 2014, tôi hỏi người bạn của tôi, Song Heang, khi chúng tôi đang lái xe xuyên màn đêm, qua vùng nông thôn phía tây Campuchia.
“Hãy cho tôi biết, lính Việt Nam có giết người Campuchia vào năm 1978 và 1979 không?” – “Có”, anh ấy trả lời – “Họ có giết nhiều người không?” – Anh ấy im lặng khá lâu, rồi nói như suy ngẫm: “Đó là một cuộc chiến… Nhưng thành thật mà nói: không nhiều. Đã có một số cuộc giao tranh… Theo đúng nguyên tắc, người Việt Nam đã không nhắm vào dân thường” – “Vậy thì tại sao?”, tôi hỏi (về sự căm ghét Việt Nam – người dịch). Nhưng cả hai chúng tôi đều biết rằng đây chỉ là một câu hỏi tu từ (câu hỏi không cần câu trả lời – người dịch).
Vào một thời điểm nào đó, khi trời đã gần nửa đêm, chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng tối tăm để mua nước và một số trái cây địa phương. Có điều gì đó vỡ vụn trong lòng Song Heang, và anh ấy bắt đầu nói với giọng khẩn trương, kích động: “Bạn không hiểu, bạn không biết đất nước này thực sự khủng khiếp đến mức nào… Nó đã trở nên khủng khiếp như thế nào. Người giàu thì giàu lắm. Người nghèo rất nghèo và bây giờ họ hoàn toàn thất học, đến mức họ thậm chí không biết gì về tham nhũng và chủ nghĩa khoái lạc của ‘giới tinh hoa’ ở Phnom Penh. Bây giờ lại giống như hơn 4 thập kỷ trước. Bạn có biết trường học ở đây trông như thế nào không? Đôi khi chỉ có một giáo viên cho một lớp 100 học sinh. Và chăm sóc y tế: ở đây rất đơn giản – nếu bạn nghèo – bạn sẽ chết. Và một số ‘gia đình truyền thống’ của chúng tôi: họ cắt cụt chân và tay của con cái họ, rồi đưa chúng qua biên giới, với những vết thương nhiễm trùng khủng khiếp đó, đến Bangkok để ăn xin”…
Chúng tôi lái xe trong im lặng khá lâu… “Bạn muốn loại Campuchia nào?”, tôi hỏi anh ấy – “Một Campuchia nơi trẻ em được giáo dục miễn phí và tuyệt vời, nơi mọi người được chăm sóc y tế miễn phí, nơi văn hóa được coi là rất quan trọng và được nhà nước hỗ trợ, nơi mọi người đều bình đẳng…” – “Đó là chủ nghĩa xã hội”, tôi nói, “Một nước Campuchia theo chủ nghĩa xã hội hay một nước Cộng sản…”
Anh ấy do dự, “Là nó?” – “Đúng. Đây là những gì họ đang cố gắng xây dựng trên khắp châu Mỹ Latinh, ở Trung Quốc…” – “Nhưng đó không phải là điều mà Khmer Đỏ từng cố gắng đạt được, phải không?” – “Tất nhiên là không”, tôi trả lời.
Bên ngoài trời tối đen như mực. “Tôi hiểu rồi… Đó không phải là những gì người phương Tây nói với chúng ta… Vì vậy… có vẻ như… tất cả đều là chuyện vớ vẩn”, Song Heang kết luận. Và tôi đồng ý với anh ấy.
Ở ngôi làng tiếp theo, chúng tôi dừng lại, mua một ít bia Angkor và tìm hiểu thêm triết lý bên đường, theo phong cách Xô Viết cũ…
Hầu như tất cả các câu trả lời liên quan đến lịch sử gần đây của Campuchia – một quốc gia bị tra tấn, đều có thể tìm thấy ở một vùng nông thôn xa xôi nằm giữa Campuchia và Việt Nam. Nhưng dường như ngày nay không có nhiều người sẵn sàng tìm kiếm để lắng nghe những câu trả lời có thể khiến họ khó chịu…