Trong thời đại số ngày nay, khi chúng ta tiến dần đến ngưỡng cửa của một xã hội tri thức, việc Quản trị dữ liệu chiến lược có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức điều hành ở cấp cao nhất của bất kỳ một tổ chức nào – cấp chiến lược. Để có thể tổ chức chỉ đạo các công việc (lãnh đạo) một cách kịp thời, chuẩn xác và hiệu quả; để có thể ra được những quyết định hợp lý (ra quyết định); để có điều phối và phối hợp các công việc hiệu quả giữa các bộ phận bên trong, giữa bên trong và bên ngoài, đáp ứng và thích nghi hiệu quả với môi trường biến động hết sức phức tạp ngày nay; và để nắm bắt được tình hình thực tế cho việc chỉ đạo điều hành; chúng ta không thể thiếu Dữ liệu và cần có những Dữ liệu: Chất lượng; Đúng; Đủ; Kịp thời. Điều đó đòi hỏi ở các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức lớn (cơ quan chính quyền, các tập đoàn…) phải tổ chức hiệu quả công tác Quản trị dữ liệu chiến lược.
Chúng ta đang chuyển dịch từ một xã hội với tư bản – vốn (capital) là nền tảng chủ đạo, sang một xã hội mới với dữ liệu – trở thành một loại tư bản/vốn (data-capital). Đó là một sự chuyển dịch tất yếu khi xã hội đang chuyển dịch theo hướng từ tích lũy Tài sản sang Thanh khoản và tiến tới Bản vị. Dữ liệu trở thành một loại Tài sản, một nền tảng cho phép tạo ra sự Thanh khoản và tiến tớ trở thành một loại Bản vị (giống như vàng chẳng hạn) – hình thức phổ biến hiện nay có thể nhận thấy là sự bảo chứng.
Việc quản lý và quản trị dữ liệu chiến lược hiệu quả cũng là nền tảng cơ sở cho việc áp dụng các tiến trình Chuyển đổi số vào trong các tổ chức hiện nay. Dữ liệu là nền tảng cho quá trình Chuyển đổi số. Chúng ta có thể nhận thức được điều này một cách rất dễ dàng qua việc áp dụng những nền tảng số hóa như ERP vào quản trị, các hoạt động Digital Marketing, các hệ thống CRM…
Công tác quản trị dữ liệu chiến lược không chỉ được hiểu một cách đơn thuần như việc “lưu trữ hồ sơ” – thậm chí dưới dạng số hóa. Đó là cả một hệ thống tổ chức nghiệp vụ đòi hỏi trình độ cao và phải được phát triển sâu, rộng về mặt nền tảng lý luận, thậm chí ở các tập đoàn lớn, người ta cần thiết phải xây dựng nó trở thành một “học thuyết về quản trị dữ liệu chiến lược”, bới nó là cơ sở cho phép hình thành nên một lợi thế cạnh tranh mới trong thời đại mới của doanh nghiệp – Lợi thế cạnh tranh động.
Về cơ bản, có thể hiểu Quản trị dữ liệu chiến lược bao gồm 4 hợp phần chính:
+ Quản lý dữ liệu chiến lược: là nền tảng cho phép hình thành nên các hoạt động quản trị dữ liệu.
+ Thu thập – phân loại – lưu trữ (bảo quản, an ninh dữ liệu….) – phân phối dữ liệu chiến lược.
+ Phân tích – xử lý – cập nhật – hiệu chỉnh dữ liệu chiến lược.
+ Xuất bản – phổ biến – truyền thông dữ liệu chiến lược.
Đây là một lĩnh vực không mới, nhưng phải được tổ chức một cách “hoàn toàn mới” cho các tổ chức/doanh nghiệp hiện nay, là một hợp phần quan trọng trong lĩnh vực Chiến lược. Việc hoạch định Chiến lược ngày nay, tất yếu phải đặt vấn đề Quản trị dữ liệu chiến lược là một hợp phần quan trọng trong Chiến lược của tổ chức/doanh nghiệp.