Vài năm trở lại đây, phía Mỹ đã có một số nỗ lực giới thiệu hệ thống và tổ chức kiểu Mỹ tới lĩnh vực sau đại học ở Việt Nam. Đại học Fulbright được thành lập ở Việt Nam tám năm trước và USAID vừa có một dự án hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, mô hình quản trị đại học Mỹ mà quan chức và các cơ quan Chính phủ Mỹ muốn xuất khẩu sang Việt Nam không hề phù hợp và do vậy, lời khuyên của họ không thực sự đáng tin cậy.
Dưới đây là hai điểm không phù hợp có thể gây ra những tác động nghiêm trọng tới giáo dục đại học ở Việt Nam.
– Các trường đại học lớn ở Mỹ được quản trị bởi một hệ thống tổ chức hành chính to lớn cồng kềnh và đắt đỏ. Đó là một trong những lí do chính khiến các trường Đại học Mỹ thu học phí rất cao. Tài trợ của chính phủ và đóng góp của các cựu sinh viên giàu có không đủ để chi trả cho bộ máy khổng lồ này. Học phí vẫn là nguồn doanh thu chủ yếu của đa số các trường đại học và nó đã tăng với tốc độ gấp đôi so với chỉ số giá tiêu dùng – vốn để đo mức độ lạm phát. Tôi là một trong số những “cán bộ học thuật” – những người làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Washington. Theo Wikipedia, có gần 6.000 cán bộ như tôi ở trường nhưng có tới hơn 16 nghìn “cán bộ quản lý” – những người vận hành bộ máy quản trị khổng lồ của trường. Website của trường ước tính học phí và chi phí ăn ở cho một sinh viên năm nhất vào khoảng 35.000 USD với sinh viên đến từ bang Washington và 64.000 USD với sinh viên ngoài bang hoặc sinh viên quốc tế, những người phải trả học phí cao hơn rất nhiều. Đó là chưa kể đại học của tôi là đại học công lập; các đại học tư còn đắt đỏ hơn. Chẳng hạn như Đại học Stanford ở California ước tính chi phí một năm vào khoảng 88.000 USD cho cả sinh viên ở trong bang và ngoài bang. Để tiện bề so sánh, trung bình một người Mỹ hiện có khoảng 20.000 USD trong tài khoản tiết kiệm.
– Những người quản lý và hội đồng tín thác thường có xu hướng nhìn một đại học như một công ty và sinh viên là khách hàng. Điều này khiến họ sử dụng một hệ thống khuyến kích “ngược”, theo đó họ động viên các khoa hạ chuẩn chuyên môn của khối đại học để làm hài lòng cả những sinh viên yếu nhất. Điều này dẫn đến việc “ngu hóa” các môn học (giảm nhẹ nội dung và khiến nó dễ hơn) và sự lạm phát điểm khủng khiếp (tăng điểm cho sinh viên mà không đòi hỏi họ phải cố gắng hơn).
Những mô tả dự án do cán bộ Mỹ vẽ nên để nâng cao giáo dục đại học của Việt Nam đọc giống như một quảng cáo bóng bẩy của một công ty Mỹ đang bán hàng. Việc đánh giá tác động thực sự của những chương trình này sẽ như thế nào từ những thông tin đó là không thể, bởi những thông tin đó là không hề đủ để trả lời một số câu hỏi cơ bản nhất định.
Trọng tâm của lời hứa hẹn mà các dự án từ phía Mỹ thông thường là muốn cải tiến “quản trị đại học”, nâng cao “năng lực quản trị,” và giúp một trường đại học triển khai một “hệ thống quản lý hiệu quả công việc” Câu đầu tiên mà ta nên hỏi là: “Đại học đó cần phải tuyển dụng bao nhiêu người để triển khai “quản trị đại học” và “quản lý hiệu quả công việc” kiểu này”? Liệu có phải tăng “năng lực quản trị” đồng nghĩa với việc làm phình to bộ máy quản lý nhưng vẫn giữ nguyên số lượng cán bộ giảng dạy – và như vậy là tăng tỉ lệ giữa số lượng nhà quản lý với các giáo sư và giảng viên? Nghe giống như một con đường dẫn đến sự phình đại bộ máy quan liêu tại các đại học Việt Nam.
Đến đây, lại phát sinh một câu hỏi nữa: Ai sẽ chi trả cho việc mở rộng bộ máy quản trị đại học như vậy? Ai sẽ trả tiền để xây những tòa nhà để chứa hệ thống này? Nguồn vốn nào để trả lương cho những cán bộ phi giảng dạy và nghiên cứu mới? Liệu Chính phủ Việt Nam có đồng ý trả không? Liệu chính phủ có vay nợ của World Bank để trói Việt Nam vào những món nợ mới trong hàng thập kỉ tới? Hay là gánh nặng đó sẽ đặt lên vai sinh viên, phải trả học phí đắt hơn? Trong trường hợp này, chỉ có những gia đình giàu có hơn mới có khả năng đảm bảo việc học đại học cho con cái mình.
Một điều rõ ràng là phía Mỹ sẽ chỉ đóng góp rất ít trong lượng kinh phí này. Các cơ quan công lẫn tư của Mỹ hiếm khi muốn tài trợ cho các trường đại học ở quốc gia khác, kể cả các trường đó là chi nhánh của các Đại học Mỹ. Và chi phí cần thiết để xây dựng một khuôn viên Đại học kiểu Mỹ – hoặc để nâng quy mô của một khuôn viên đại học để dung chứa một bộ máy quản trị lớn hơn theo đề xuất của những người Mỹ – là rất lớn, chưa kể đến những chi thường xuyên về sau liên quan đến việc bảo trì và trả lương. Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), mở ra với nhiều sự chào đón nồng nhiệt vào năm 2016, liên tục trì hoãn việc xây dựng cơ sở mà họ dự định. Hẳn là hội đồng quản trị FUV không biết làm sao để kiếm được một lượng tiền khổng lồ cần thiết để xây dựng và điều hành đại học của họ. Xuất phát từ một tình huống đặc biệt liên quan đến bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ vào năm 1994, vào năm 2014, Quốc hội Mỹ dành 20 triệu USD để khởi động FUV. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ sẽ không cho thêm đồng nào nữa, và ngay từ đầu, một điều rõ ràng là để xây dựng một khuôn viên đại học mới cần hơn rất, rất nhiều 20 triệu USD.
Tôi chỉ biết duy nhất một lần trong lịch sử khi Chính phủ Mỹ, cùng với các quỹ tư nhân đã hào phóng tài trợ cho việc thiết lập một đại học chất lượng cao ở một quốc gia đang phát triển. Đó là vào đầu những năm 1960. Trong một chuyến viếng thăm chính thức Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đề nghị Tổng thống Kennedy tài trợ một đại học kĩ thuật ở Kanpur. Trong bối cảnh địa chính trị của Chiến tranh Lạnh, việc kéo Ấn Độ (quốc gia trung lập lớn nhất trên thế giới) gần hơn với phương Tây và xa khỏi khối Soviet là mục tiêu quan trọng chiến lược. Kennedy hiểu rằng nếu ông ta nói “không” với yêu cầu của Nehru, Nehru sẽ quay sang nhờ sự giúp đỡ của Thủ tướng Soviet Khrushchev và Khrushchev sẽ đồng ý. Vậy là Kennedy nói “đồng ý”. Và Viện Công nghệ Ấn Độ ở Kanpur trở thành một trong những Đại học hàng đầu Ấn Độ. Nhưng một thời kì hoàn toàn khác và chẳng có lí do gì nghĩ rằng điều tương tự như vậy sẽ diễn ra ngày nay.
*****
Nhiều câu hỏi khác cũng cần phải đặt ra về “hệ thống quản lý hiệu quả công việc” mà phía Mỹ muốn xuất khẩu sang Việt Nam. Hệ thống này sẽ đánh giá hiệu quả công việc của ai? Đánh giá như thế nào? Ai đánh giá? Sử dụng phương pháp gì để đánh giá? Ví dụ, liệu năng suất nghiên cứu sẽ được đo lường bởi số công bố, bằng số trang của tất cả các công bố cộng lại, bằng chỉ số trích dẫn, bằng thư từ các đồng nghiệp đánh giá chất lượng của nghiên cứu, hay bằng cách nào khác nữa? Liệu phương pháp đánh giá có dựa trên đặc trưng từng lĩnh vực? Liệu với toán học có khác với y học không? Làm thế nào để hệ thống đánh giá hiệu quả công việc này tương thích với nguyên tắc, quy cách, tiêu chuẩn trong những ngành khác nhau? Có quy trình nào hóa giải những tranh cãi và bất đồng về phương pháp đánh giá? Liệu có một quy trình khiếu nại trong trường hợp các nhà nghiên cứu cảm thấy hiệu quả công việc của họ bị đánh giá bất công không? Hiệu quả công việc sẽ được đánh giá như thế nào trong những lĩnh vực gây tranh cãi như kinh tế, lịch sử, xã hội học và khoa học chính trị hay không? Làm thế nào để các hoạt động của nhà nghiên cứu nằm ngoài thể thức thông thường – chẳng hạn như kết nối với công chúng và trường học – được tính toán trong thang đo hiệu quả công việc? Liệu chương trình quản lý hiệu quả công việc có đo lường tất cả các khoa bằng một loạt tiêu chí giống hệt nhau? Liệu những người quảng bá hệ thống quản lý hiệu quả công việc của USAID có dám tuyên bố chỉ cần một phương pháp để đánh giá các khóa học nghệ thuật, âm nhạc, lịch sử, khoa học máy tính, kỹ thuật hóa học và kinh doanh? Làm sao để hệ thống này sẽ cân nhắc sự khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ?
Cuối cùng, bằng chứng nào cho thấy hệ thống quản lý hiệu quả công việc nhập khẩu từ Mỹ sẽ hoạt động hiệu quả hơn cách mà Việt Nam hiện nay đang làm?
Trong nội dung quảng cáo về chương trình của mình, USAID đề cập rất nhiều đến “chuẩn đầu ra.” Họ hứa hẹn rằng sẽ “tăng chuẩn đầu ra” và cũng tăng “khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp.” Nhưng không rõ USAID sẽ đo lường chuẩn đầu ra như thế nào. Họ định dùng điểm số cao trong các khóa học như một bằng chứng về đầu ra (như thế thì tất yếu sẽ khuyến khích việc lạm phát điểm số, giống như Mỹ)? Hay họ định dùng một bài kiểm tra chuẩn hóa nào đó? Ai được trao trách nhiệm đánh giá sinh viên đã học được bao nhiêu? Những người trong hay ngoài ngành học? Các giáo sư hay nhà quản lý? Hay chính bản thân sinh viên?
Ở Mỹ, các nhà quản lý có xu hướng đặt sai niềm tin vào đánh giá của sinh viên về khóa học – tức là, các bảng hỏi sinh viên về ý kiến của họ đối với giảng viên. Tuy nhiên, một bài báo đăng tải ngày 4/12/2023 trên tờ The Chronicle of Higher Education (Biên niên sử về giáo dục đại học) của biên tập viên cao cấp Len Gutkin phân tích các nghiên cứu về sử dụng đánh giá của sinh viên đối với khóa học, và kết luận rằng lý thuyết cho rằng chất lượng giảng dạy có thể đo lường dựa trên đánh giá của sinh viên là “khoa học rác”. Một vài nghiên cứu, bao gồm một nghiên cứu cẩn trọng thực hiện tại Học viện Hàng không Hoa Kỳ phát hiện rằng các sinh viên học được ít hơn từ những giáo viên họ đánh giá cao so với những người họ không thích lắm.
Có một tương quan khá rõ giữa điểm đánh giá của sinh viên với sự cho điểm dễ dãi của giảng viên. Áp lực phải được đánh giá cao đặc biệt đè nặng lên những cán bộ thời vụ – những người được tuyển dụng theo định kì hằng năm để dạy những khóa học ở trình độ thấp hơn (“thời vụ” nghĩa là họ không có một bảo đảm nghề nghiệp nào hết) – và bởi vậy thông lệ phụ thuộc vào phản hồi của sinh viên để đánh giá giảng viên đã đặt họ dưới áp lực phải nâng điểm cực lớn.
Vào năm 1990, tôi có viết một bài báo có tựa đề “Liệu đánh giá của sinh viên có bất công với nữ giới” cho Tạp chí của Hiệp hội Nữ giới trong Toán học. Ở thời điểm đó đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, đứng trước hai bản mô tả giáo viên giống hệt nhau, ngoại trừ cái tên, sinh viên có xu hướng đánh giá mô tả đó cao hơn nếu giảng viên đó có cái tên của nam giới thay vì nữ giới. Tôi kết luận rằng những nhà quản lý nên cẩn trọng về việc sử dụng đánh giá của sinh viên, bởi vì đánh giá nhân viên dựa trên các dữ liệu phân biệt đối xử với phụ nữ là trái pháp luật và không phù hợp với đạo đức. Bài báo của Len Gutkin chỉ ra rằng thiên kiến của sinh viên đối với phụ nữ hiện cũng được liên tục ghi nhận trong các nghiên cứu gần đây. Mặc dù hầu hết nghề nghiệp trong giới học thuật đã có tiến bộ trong việc giảm phân biệt đối xử với phụ nữ và người thuộc chủng tộc thiểu số, việc dựa quá nhiều vào đánh giá của sinh viên đối với giảng viên vẫn là một trở ngại trong việc thăng tiến đối với những nhóm người vốn có lịch sử là nạn nhân của phân biệt và đối xử tàn tệ.
Một lần nữa, chúng ta cần phải hỏi rằng liệu việc đánh giá chuẩn đầu ra theo đề xuất của USAID có đòi hỏi phải tuyển thêm những người phi giảng dạy và nghiên cứu không? Nếu có thì nó sẽ mở rộng bộ máy và tăng chi phí tại các đại học ở Việt Nam lên bao nhiêu?
Liệu cụm từ “tăng khả năng được tuyển dụng của các sinh viên tốt nghiệp” có ngầm ý rằng các ngành học hướng đến những công việc được trả lương cao sẽ được ưu tiên hơn các ngành trong khối công lập, chẳng hạn như phần lớn các vị trí trong ngành khoa học cơ bản? Liệu ngành kinh doanh hay quản trị có được ưu ái hơn ngành toán học, hóa học và vật lý?
Mặc dù tôi có nhiều nghi ngờ về giá trị lời khuyên và “hỗ trợ” trong các chương trình của Mỹ đối với giáo dục đại học ở Việt Nam, tôi vẫn tin rằng có nhiều ý tưởng hữu ích mà Việt Nam có thể nhập khẩu từ nước tôi. Chúng tôi có vài thành công trong việc tích hợp các ứng dụng trong các chương trình giảng dạy toán học và dần thoát li khỏi cách tiếp cận hẹp và kinh viện trong việc giảng dạy toán. Chúng tôi cũng phát triển các môn liên ngành cho sinh viên. Chúng tôi có các tài liệu tốt về ứng dụng và bồi dưỡng chuyên sâu toán học xuất bản dưới dạng sách giáo khoa, sách bài tập hoặc video trên Youtube – rất rẻ hoặc miễn phí.
*****
Việt Nam có nền tảng vững chắc trong nhiều lĩnh vực học thuật, bao gồm cả toán học. Tôi tin rằng không có bất cứ ở đâu trong lịch sử mà một đội quân du kích cách mạng có thể xuất bản một cuốn sách toán như ở Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp, khi Việt Minh xuất bản sách giáo khoa về hình học của giáo sư Hoàng Tụy. Tôi ước giá như ở Mỹ, người ta cũng có một sự tôn trọng rộng rãi đối với giáo dục và với người thầy như ở Việt Nam. Rõ ràng là các nhà toán học, khoa học và học giả ở Việt Nam có đủ năng lực để phát triển một hệ thống quản trị đại học và quản lý chất lượng mà không cần đến tư vấn sai lầm của USAID.
NEAL KOBLITZ
Hảo Linh dịch, https://tiasang.com.vn/giao-duc/mo-hinh-quan-tri-dai-hoc-my-hai-diem-khong-phu-hop-voi-viet-nam/