Cho đến ngày nay, vấn đề về “Lend-Lease” trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại vẫn gây nhiều tranh cãi. Nó có vai trò gì trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại? Một phương thuốc kỳ diệu, nếu không có nó thì đơn giản là không thể có chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã? Hay nó giống như một sự hỗ trợ được đưa ra kịp thời, giúp Liên Xô lấy lại hơi thở để tiếp tục chống lại kẻ thù? Vấn đề này có rất nhiều thái cực. Một số người đang la hét khắp nơi rằng nếu không có Lend-Lease, Liên Xô chắc chắn đã thua trong cuộc chiến. Ngược lại, nhiều người lại cho rằng Lend-Lease không giúp nhiều cho Liên Xô, và nếu không có thì Liên Xô vẫn chiến thắng, dù phải đổ nhiều máu hơn. Nếu đọc các tài liệu chính thức do người Anglo-Saxon tuyên truyền thì chúng ta dễ dàng nhận thấy là tầm quan trọng của sự hỗ trợ mà các đồng minh phương Tây dành cho Liên Xô đã được phóng đại lên rất nhiều lần.
Một năm sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại diễn ra, Hồng quân đã chống chọi được với sức tấn công rất mạnh của Đức Quốc xã. Vào tháng 12/1941, Hồng quân đã gây ra thất bại nặng nề đầu tiên cho Đức Quốc xã và đẩy chúng ra khỏi Moscow.
Ngày 11/6/1942, một hiệp định đã được ký kết giữa Liên Xô và Hoa Kỳ về nguyên tắc tương trợ lẫn nhau, được gọi ngắn gọn là Lend-Lease. Đây là hình thức hỗ trợ giữa các quốc gia dưới dạng cho mượn và cho thuê các thiết bị quân sự, vũ khí, đạn dược, nguyên liệu thô, thực phẩm, các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Thực tế thì đến 9/1942, những vũ khí trang bị đầu tiên trong khuôn khổ Lend-Lease mới được đưa đến Liên Xô.
Khi ký kết thỏa thuận Lend-Lease, các điều khoản thanh toán cho sự hỗ trợ đã được quy định. Tài sản còn lại sau khi chiến tranh kết thúc phải được thanh toán hoặc trả lại cho nhà cung cấp. Đây chính xác là cách các nguồn cung cấp cần thiết cho Liên Xô được thực hiện. Cũng cần chú ý là Liên Xô đã trả trước cho Hoa Kỳ để có thể nhận được các sản phẩm quân sự trong tương lai bằng vàng: chuyến tàu đầu tiên chở 10 tấn vàng đã được chuyển sang cho Hoa Kỳ vào tháng 9/1941, khi mà hiệp định về Lend-Lease chưa được ký kết.
Tổng cộng, trong thời gian 1942-1945, quân Đồng minh (Anh và Hoa Kỳ) đã gửi tới Liên Xô khoảng 20.000 máy bay các loại. Để so sánh: Cũng trong thời gian này, tổng số máy bay các loại mà Liên Xô tự sản xuất tại các nhà máy trong nước là khoảng 140.000 chiếc. Như vậy máy bay nhập khẩu chiếm 12,5%. Ý nghĩa của những máy bay Lend-Lease là chúng tạo cơ hội để “bịt lỗ hổng” cho đến khi các máy bay Liên Xô xuất hiện đầy đủ.
Về nhiên liệu máy bay: 720.000 tấn được cung cấp từ Mỹ, Anh và Canada. 2.300.000 tấn do Liên Xô sản xuất tại các nhà máy ở Baku. Nhập khẩu chiếm 24%.
Về xe tăng: 13.000 xe tăng đã được gửi đến Liên Xô (Hoa Kỳ: 7.000; Anh và Canada: 6.000). Liên Xô tự sản xuất 110.000 xe tăng. Hóa ra Hồng quân chỉ có chưa đến 11% số xe tăng nhập khẩu.
Về tàu chiến: 464 tàu chiến các loại đã được giao cho Hải quân Liên Xô theo chương trình Lend-Lease, nhưng chúng chỉ đến vào cuối năm 1944. Tất cả chúng được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương để chuẩn bị cuộc chiến dự kiến với Nhật Bản. Nhưng may mắn là điều này đã không xảy ra, sau chiến tranh chúng được bàn giao trả lại toàn bộ cho Hoa Kỳ.
Ngoài ra, quân Đồng minh cũng đã gửi 4.912 súng chống tăng; 8.218 súng, pháo phòng không; 376.000 quả đạn pháo các loại; 427.386 ô tô, xe máy cùng các loại vật chất hậu cần-kỹ thuật khác.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các cuộc đàm phán đã được tiến hành kể từ năm 1947 để giải quyết các khoản nợ của Liên Xô, tuy nhiên có nhiều bất đồng ý kiến nên không thể thống nhất được (vì Stalin quá cứng). Sau cái chết của Stalin, các cuộc đàm phán được nối lại. Kết quả là Liên Xô đã trả lại toàn bộ số vũ khí trang bị còn lại cho Hoa Kỳ (máy bay, xe tăng, súng-pháo…). Riêng về tàu chiến, Liên Xô đã trả lại gần như toàn bộ những gì đã nhận, chỉ có một phần nhỏ do hư hỏng nên bị phá hủy dưới sự giám sát của người Mỹ: 38 chiếc.
Năm 1972, một thỏa thuận đã được ký kết về thủ tục trả nợ Lend-Lease, Liên Xô đồng ý trả 722 triệu USD, bao gồm cả lãi suất, cho đến năm 2001. Đến tháng 7/1973, 48 triệu USD đã được chi trả, nhưng sau đó việc thanh toán đã dừng lại. Lý do là việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử trong thương mại với Liên Xô. Vào tháng 6/1990, trong cuộc đàm phán giữa Gorbachev và Bush, thời hạn trả nợ mới đã được ấn định: năm 2030. Sau năm 1991, khoản nợ còn lại là 100 triệu USD được chuyển sang Nga. Đến năm 2003, Nga hoàn thành trách nhiệm trả nợ.
Ngược lại, Liên Xô cũng cung cấp vật tư cho Hoa Kỳ trong chiến tranh: 300.000 tấn quặng crôm, 32.000 tấn quặng mangan, bạch kim, vàng, gỗ…
Vậy Lend-Lease đã giúp Liên Xô ở mức độ như thế nào, và liệu Hồng quân có thể giành chiến thắng nếu không có sự hỗ trợ của Lend-Lease? Để khách quan, tôi xin dẫn một số ý kiến của các chuyên gia từ hai phía.
– O. A. Rzheshevsky, nhà sử học Liên Xô và Nga, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Chiến tranh và Địa chính trị của Viện Lịch sử Thế giới: “Không nghi ngờ gì, sự giúp đỡ mà chúng tôi nhận được theo Lend-Lease có tầm quan trọng lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến tranh chúng tôi hoàn toàn tự chiến đấu bằng những gì mình có”.
– Richard Overy, nhà sử học người Anh, Giáo sư tại Đại học Exeter: “Liên Xô, ngay cả trước khi nhận được sự hỗ trợ theo Lend-Lease, đã đẩy lùi được Đức Quốc xã ra khỏi Moscow. Chúng ta phải hiểu rằng những bước ngoặt chiến lược và những điều kiện tiên quyết cho bước ngoặt này đã xảy ra ở Liên Xô từ trước khi bắt đầu giao hàng theo hình thức Lend-Lease. Tuy nhiên, theo tôi thì Lend-Lease đã giúp cung cấp cho quân đội Liên Xô một cách có hệ thống các loại vũ khí đạn dược, vật tư, nhiên liệu… cho phép Liên Xô chuyển hướng ngành công nghiệp của mình sang sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự. Điều này đã giúp Liên Xô thực hiện thành công hơn các hoạt động tấn công quy mô lớn trong giai đoạn 1943–1944. Vì vậy, không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của chúng”.
– M. U. Myagkov, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Giám đốc Viện Lịch sử Đại chúng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga: “Tôi đồng ý với Richard Overy rằng Lend-Lease, tất nhiên, đã mang chiến thắng đến gần hơn. Nếu không, chúng ta có thể sẽ phải chiến đấu thêm một năm rưỡi, có thể là hai năm nữa, và tổn thất sẽ lớn hơn”.
– Tổng thống Mỹ Roosevelt, khi nói về tầm quan trọng của vũ khí Mỹ đối với Hồng quân vào ngày 20/5/1944 trong bài phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ, đã nói: “Quân đội Liên Xô chủ yếu sử dụng vũ khí từ chính các nhà máy của mình”.
Như vậy, có thể kết luận rằng Lend-Lease đã làm tốt công việc của mình, đóng vai trò quan trọng và thực sự giúp ích cho Hồng quân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Hồng quân Liên Xô cũng đã tận dụng hợp lý sự trợ giúp này. Lend-Lease đã giúp đỡ bù đắp những lỗ hổng mà ngành công nghiệp quân sự Liên Xô chưa thể đáp ứng đủ trong từng thời điểm cụ thể của cuộc chiến. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn được quyết định trên chiến trường, nơi mà Hồng quân đã chiến đấu và chiến thắng đội quân mạnh mẽ của Đức Quốc xã, bảo vệ đất nước và góp phần chủ yếu trong việc giải phóng châu Âu. Còn người Anh-Mỹ chỉ đến châu Âu khi kết quả của cuộc chiến đã rõ ràng.