Không cần tham gia các bảng xếp hạng, nhiều đại học đang nỗ lực tạo dựng vị thế bằng các công trình nghiên cứu, các dự án thay đổi xã hội theo hướng tích cực và bền vững.
Giữa tháng 3 năm nay, Đại học Zurich, một trường đại học (ĐH) hàng đầu của Thụy Sĩ, xếp hạng 80 trên thế giới, tuyên bố rút khỏi cuộc chơi xếp hạng của tạp chí Times Higher Education với lý do: việc xếp hạng tạo ra động lực sai lầm.
Trước đó, các khoa luật của ĐH Harvard, UC Berkeley và Yale đã từ chối tham gia việc xếp hạng hằng năm của tạp chí U.S. News & World Report. Động thái này đang làm thay đổi cuộc chơi xếp hạng ĐH đáng kể trên thế giới.
Nhiều hệ lụy từ xếp hạng
Xếp hạng ĐH được bắt đầu từ tạp chí U.S. News & World Report vào năm 1983 với các ĐH của Mỹ, rồi dần lan tới châu Âu và châu Á, trong đó có Việt Nam những năm gần đây. Mục đích ban đầu của xếp hạng là nâng cao chất lượng của các ĐH để nâng cao tính cạnh tranh, thu hút sinh viên có trình độ cao.
Tuy nhiên, trên thực tế ĐH được xếp hạng cao thường đi kèm với học phí cao ngất ngưởng. Xếp hạng và danh tiếng ĐH đang là một cuộc chơi quyết liệt tại châu Á. Nhiều ĐH của Trung Quốc ưu tiên cho giảng viên tốt nghiệp từ các trường trong bảng xếp hạng 100 hay 500 của thế giới.
Điều đó có nghĩa sinh viên giàu đóng tiền học các trường có thứ hạng cao (được gọi là danh tiếng) sẽ có nhiều cơ hội hơn sinh viên nghèo nhận học bổng của các trường không thuộc tốp cao. Vô hình trung, xếp hạng ĐH tạo ra bất bình đẳng xã hội khi xếp danh tiếng ĐH cao hơn năng lực.
Điều này cũng có thể thấy với một số ĐH của Việt Nam đang trong cuộc đua “danh tiếng”, cuồng nhiệt với “nhãn mác” hơn năng lực. Họ tự cho mình là ĐH tinh hoa (elite) mà không để ý là họ đang đi ngược lại với các giá trị mà thế giới đại đồng đang xây dựng (17 mục tiêu của Liên Hiệp Quốc).
Việc xây dựng bảng xếp hạng đòi hỏi ít nhất ba công đoạn: (1) xác định các khía cạnh và tiêu chí thực tế làm cơ sở cho việc xếp hạng; (2) thu thập, xử lý và tổng hợp dữ liệu để tạo ra thứ hạng; và (3) công bố bảng xếp hạng.
Ở một mức độ nào đó, ba công đoạn này dễ bị tác động bởi sự ảnh hưởng và thao túng. Các nhà cung cấp bảng xếp hạng có được sự linh hoạt đáng kể trong việc lựa chọn và đánh giá các chỉ số hiệu suất mà không nhất thiết phải phù hợp, công bằng hoặc đạt được sự nhất trí chung nhất.
Các bảng xếp hạng rất ít chú ý đến tính giá trị, độ tin cậy và tính khác biệt của các yếu tố được đo lường so với những gì được các tiêu chuẩn học thuật coi là chấp nhận được. Ngoài ra, chúng làm thất thoát thông tin bằng cách chuyển đổi tất cả dữ liệu được thu thập và đánh giá thành giá trị thứ tự.
Về mặt lý thuyết, khoảng cách thực tế giữa trường dẫn đầu và trường cuối cùng của bảng xếp hạng có thể vô cùng nhỏ. Do đó rất nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng thứ hạng làm suy yếu nghiêm trọng tính hợp pháp mà các tạp chí này tuyên bố mang lại.
Những phản ứng cần thiết
Xếp hạng ĐH là một làn sóng, một cuộc chơi tinh vi với nhiều chiêu trò marketing. Xếp hạng có thể biến các trường tệ thành trường tốt vì nếu trường không đủ tốt ở bảng xếp hạng này thì có ngay bảng xếp hạng khác mới ra đời chào đón.
Nhiều trường đã tập trung nguồn lực để phát triển các chiến lược từ chủ động tới thỏa hiệp, tránh né, thách thức và thao túng để nâng cao thứ hạng. Mục đích là để có thứ hạng cao hơn thay vì chú trọng phát triển thực lực đào tạo, nghiên cứu và tạo ra sự thay đổi xã hội.
Vì là cuộc chơi, có trường phá hoại và bóp méo các phép đo, trong khi có trường gian lận bằng việc làm sai lệch hoặc thậm chí bịa đặt dữ liệu. Điều này vô cùng nguy hiểm cho xã hội: giáo dục gian lận thì xã hội sẽ ra sao.
Nhiều quốc gia cũng tham gia cuộc chơi thứ hạng này bằng nhiều cách. Ví dụ, theo như học giả Charroin (2015), mặc dù bảng xếp hạng Thượng Hải có lịch sử ưu ái các trường của Hoa Kỳ, nhưng theo thời gian, nó thúc đẩy sự trỗi dậy của các trường Trung Quốc bằng cách dần dần làm xói mòn lợi thế của các trường Mỹ.
Một cách tiếp cận mạo hiểm nhưng có thể của những ĐH tốt như Zurich là từ chối việc xếp hạng. Đây có thể là một cách để thách thức sự tầm thường của việc xếp hạng và mở ra nhiều cuộc thảo luận xung quanh các công cụ đánh giá ĐH.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là việc từ chối bảng xếp hạng của mỗi trường ĐH sẽ tạo ra tác động không giống nhau. Các ĐH hàng đầu (như Harvard và Yale) có thể từ chối tham gia, tẩy chay bảng xếp hạng để thể hiện sự bất đồng giá trị, và tiếng nói của họ hẳn nhiên có sức nặng. Bảng xếp hạng Beyond Grey Pinstripes của Viện Aspen gần như bị loại bỏ sau khi 5 ĐH hàng đầu từ chối tham gia.
Thiếu thực chất không thể bền vững
Nhiều ĐH đang nỗ lực tạo dựng vị thế bằng cách thay thế việc xếp hạng bằng các công trình nghiên cứu, các dự án thay đổi xã hội theo hướng tích cực và bền vững. Đó là lời kêu gọi vượt ra ngoài cuộc chơi xếp hạng có tổng bằng 0 này và dùng tư duy hệ thống để sáng tạo ra cuộc chơi mới có tổng dương, trong đó có nhiều người chiến thắng và thúc đẩy sự tiến bộ nhân loại.
GS.TS Bùi Thị Minh Hồng