Hệ điều hành HarmonyOS Next của Huawei có thể cạnh tranh sòng phẳng với iOS của Apple và Android của Google, điều mà chưa hãng công nghệ nào làm được.
Huawei công bố hệ điều hành HarmonyOS Next vào tháng 1, đánh dấu sự đổi hướng đáng kể so với các phiên bản tương thích với Android trước đó. Động thái này báo hiệu quyết tâm của Huawei trong việc thiết lập hệ sinh thái ứng dụng di động của riêng mình, tương tự iOS và Android.
Bằng cách hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng để tạo ra các ứng dụng dành riêng cho HarmonyOS và bồi dưỡng một thế hệ lập trình viên mới, Huawei đang định vị mình là một người chơi quan trọng trên thị trường hệ điều hành. Công ty đã bắt tay với các trường đại học Trung Quốc từ năm 2021 để đào tạo lập trình viên.
Nó có thể có tác động lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa ngành công nghiệp công nghệ trong nước. Huawei ước tính việc viết các ứng dụng cho HarmonyOS sẽ tạo ra ít nhất 3 triệu việc làm. Hiện tại chỉ có hơn 380.000 nhà phát triển được chứng nhận HarmonyOS. Huawei cam kết đào tạo 100.000 nhà phát triển mỗi tháng thông qua các video trực tuyến và các phương tiện khác.
Vào tháng 2/2021, Đại học Vũ Hán tiên phong tích hợp các khóa học phát triển ứng dụng di động HarmonyOS vào chương trình giảng dạy của mình, trở thành trường đầu tiên ở Trung Quốc làm như vậy. Trong học kỳ đầu tiên, 30 sinh viên với các chuyên ngành khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm và quản lý thông tin đã tham gia khóa học.
“Mức lương khởi điểm của các nhà phát triển HarmonyOS cao hơn 30% đến 50% so với các nhà phát triển Android”, Ren Gelin, Chủ tịch Ủy ban quản lý dự án OpenHarmony của Huawei, thông tin.
Năm 2019, các lệnh trừng phạt của Mỹ buộc Huawei không được sử dụng Android đã tạo ra một cuộc khủng hoảng hiện sinh cho công ty có trụ sở tại Thâm Quyến.
HarmonyOS, hay “hongmeng” trong tiếng Trung, thai nghén từ đầu năm 2015. Ban đầu nó được dành cho Internet of Things, như lái xe tự động và tự động hóa công nghiệp, tuy nhiên, các lệnh trừng phạt buộc Huawei phải tăng tốc và tung ra phiên bản đầu tiên của HarmonyOS chỉ trong bốn tháng. Giống như Android, HarmonyOS phát triển trên hệ điều hành mã nguồn mở Linux.
Hiện tại, Huawei đang có cơ hội đạt được quyền tự chủ hoàn toàn trong chip, hệ điều hành và ứng dụng, cũng như được hưởng lợi từ cả trải nghiệm sản phẩm và thương mại hóa.
Ngày 22/2, tại sự kiện giới thiệu điện thoại gập Huawei Pocket 2, CEO bộ phận tiêu dùng Yu Chengdong tiết lộ các kế hoạch tham vọng đối với HarmonyOS. Dự kiến trải qua cập nhật lớn vào mùa thu năm nay, hệ điều hành có thể tạo ra cuộc cách mạng cho các thiết bị Huawei, giúp tăng hiệu suất 30%, hoạt động mượt hơn và pin lâu hơn.
Ông Yu cho biết bản beta dành cho lập trình viên sẽ xuất hiện trong quý II và bản dành cho người tiêu dùng trong quý IV. Nguồn tin nội bộ chia sẻ smartphone Mate mới, phát hành nửa cuối năm, sẽ cài sẵn HarmonyOS Next.
Thành công của Mate 60 series, trang bị chip Kirin sản xuất tại Trung Quốc, giúp Huawei xây dựng nền tảng người dùng vững chắc cho hệ điều hành sắp tới. Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, Mate 60 bán được 1,5 triệu máy trong tháng đầu lên kệ.
Trong sáu tuần đầu tiên của năm 2024, doanh số smartphone Huawei tại Trung Quốc đã tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần của hãng tăng lên 16,5% và chỉ đứng thứ hai sau Vivo, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.
Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao của Counterpoint, chỉ ra tăng trưởng này phần lớn nhờ dòng Mate 60 với lượng khách hàng trung thành và sự ra mắt thành công của HarmonyOS.
Trước Huawei, những gã khổng lồ công nghệ khác đã cố gắng xây dựng hệ điều hành để cạnh tranh với Android và iOS. Đó là Windows Phone của Microsoft hợp tác với Nokia, Tizen của Samsung được phát triển với Intel và YunOS của Alibaba. Tất cả đều thất bại trước những thách thức lớn và gánh nặng tài chính liên quan đến việc tạo ra và duy trì một hệ điều hành mới trong một thị trường bị chi phối bởi những người chơi đã thành danh.
Ngay cả đối với “ông lớn” như Alibaba, việc đầu tư vào cả đội ngũ để phát triển một hệ điều hành là chi phí rất lớn, Zhang Jianfeng, cựu Giám đốc công nghệ tại Alibaba cho biết. Các chi phí là rào cản đối với những người mới tham gia, ông nói.
Huawei ước tính điểm bùng phát để HarmonyOS thành công là khi chiếm được 16% thị trường. Khi vượt ngưỡng này, có thể thu hút các nhà phát triển viết ứng dụng dành riêng cho hệ điều hành. Công ty đã đạt được mục tiêu vào quý IV/2023 khi 16% smartphone bán ra ở Trung Quốc chạy HarmonyOS. Trên toàn cầu, nền tảng di động của Huawei chiếm gần 4% thị phần, so với 23% của Apple và 74% của Android, theo Counterpoint Research.
Gong Ti, Chủ tịch nhóm phần mềm tại bộ phận tiêu dùng của Huawei, đã vạch ra một chiến lược hai hướng để củng cố vị thế cạnh tranh của HarmonyOS. Trọng tâm ban đầu là cung cấp hơn 5.000 ứng dụng chiếm 99% thời gian sử dụng hàng ngày của người dùng trên điện thoại thông minh.
Đạt được cột mốc đó là rất quan trọng để HarmonyOS đạt được động lực và bắt đầu thiết lập một hệ sinh thái phần mềm toàn diện, ông Gong nói. Sau đó, Huawei cần mở rộng phạm vi của hệ điều hành lên 500.000 ứng dụng để phục vụ cho nhiều nhu cầu và sở thích của khách hàng.
Từ tháng 9/2023, Huawei đã thúc đẩy các công ty lớn trong nước phát triển ứng dụng cho HarmonyOS. Vào cuối năm 2023, các hãng bao gồm nền tảng video Bilibili, ứng dụng thanh toán kỹ thuật số Alipay và các nhà phát triển trò chơi NetEase và miHoYo đã công bố thỏa thuận với Huawei để ra mắt các ứng dụng dựa trên HarmonyOS NEXT.
Tại buổi ra mắt HarmonyOS NEXT, ông Yu đã giới thiệu danh sách hơn 200 công ty tham gia phát triển ứng dụng dựa trên hệ điều hành. Chúng bao gồm iQiyi, China Merchants Bank, Ctrip và Zhihu, trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, phương tiện truyền thông xã hội, công cụ làm việc, giải trí và trò chơi.
Chia sẻ với Caixin, một số nhà phát triển ứng dụng nói nền tảng người dùng di động Huawei có thu nhập từ trung bình đến cao, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, đây là một lý do chính để họ phát triển các ứng dụng HarmonyOS. Dù vậy, một số nhà phát triển nhỏ lại không có kế hoạch mạo hiểm phát triển ứng dụng cho HarmonyOS trong tương lai gần, nguyên nhân vì chợ ứng dụng lấy đi một nửa doanh thu từ game.
Mô hình này khiến họ lựa chọn phân phối thông qua các nền tảng thanh toán và mạng xã hội phổ biến như WeChat, Douyin, Kuaishou và Alipay. Các nền tảng cho phép người dùng tương tác trực tiếp với game, bỏ qua nhu cầu tải xuống và đăng ký, một chiến lược phù hợp với nhu cầu của các nhà phát triển để tiếp cận khán giả của họ hiệu quả hơn về chi phí.