Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, nếu làm đúng quy trình, các nhà khoa học được miễn trách nhiệm dân sự khi nghiên cứu gây rủi ro cho Nhà nước.
Hoàn thiện chính sách, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức chiều 10.4, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, thông tin nội dung về rủi ro trong nghiên cứu khoa học đã có trong kết luận ngày 11.1.2024 của Bộ Chính trị.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tạo sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Chú trọng các chính sách tài chính, đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển công nghệ số, công nghệ cao, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách xã hội hoá.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách vượt trội, cơ chế thử nghiệm chính sách mới, rủi ro nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng, chuyển giao các lĩnh vực khoa học, công nghệ có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mới và chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm, Quốc hội khóa XV cũng đã giao Chính phủ và các Bộ ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học – công nghệ, trong đó có nội dung về việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Điều đó cho thấy, chủ trương này đã được thể hiện xuyên suốt. Trong quá trình sửa đổi Luật, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương thành các quy định.
Đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ là việc nghiên cứu, khám phá cái mới. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu có thể đặt ra một mục tiêu, nhưng trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lại không đi đến kết quả. Điều này không có gì mới và đã được quốc tế chấp nhận.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, đây không phải là nội dung hoàn toàn mới và đã có trong một số quy định. Trên thực tế, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2023 cũng có quy định liên quan đến chấp nhận rủi ro nghiên cứu khoa học ở Điều 23 về ưu đãi trong sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài.
Cụ thể, người được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ sẽ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, gây ra rủi ro cho Nhà nước. Điều này diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do nguyên nhân khách quan dù đã thực hiện đầy đủ, đúng quy trình.
Thực tế, nội dung về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học đang có trong 3 chính sách liên quan đến tổ chức nghiên cứu khoa học; chương trình nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; cá nhân nghiên cứu khoa học, được mở rộng hơn so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Với Luật Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, chính sách này sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Dự thảo về quy định liên quan đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu sẽ mở rộng hơn so với quy định hiện hành.
Tại buổi Họp báo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, dự kiến sẽ miễn trách nhiệm dân sự cho nhà khoa học nếu gây ra thiệt hại, rủi ro cho Nhà nước, hoặc đã nghiên cứu, thực hiện đầy đủ quy trình nhưng không đi đến kết quả cuối cùng. Nhà nghiên cứu có thể sẽ không phải bồi hoàn chi phí đã sử dụng.
Chấp nhận rủi ro mới khuyến khích được các nhà khoa học tham gia nghiên cứu
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, cơ chế chính sách hiện nay đang có điểm nghẽn. Nổi bật là việc có chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học hay không.
Thứ trưởng lý giải, việc rủi ro được hiểu khi dùng ngân sách nhà nước nghiên cứu khoa học, quá trình thực hiện đúng quy định, tuân thủ các bước hội đồng nhưng không ra được kết quả. Trước đây việc này được xem là thất bại. Tuy nhiên hiện nay việc thất bại đó được chấp nhận nếu thực hiện theo cơ chế mới.
Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm và mong muốn sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) một cách nhanh chóng. “Chỉ có chấp nhận rủi ro mới khuyến khích được các nhà khoa học tham gia nghiên cứu”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.
Trong quý II.2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) với mục tiêu đưa khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo thành động lực mới trong tăng trưởng kinh tế. Ngay trong tháng 4, Bộ sẽ có buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để phối hợp nhằm triển khai sửa đổi luật.
Quốc Việt