Những điểm và trụ cột mạnh mẽ nhất của nền kinh tế hiện nay sẽ là nơi tiềm ẩn những rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế trong thời gian tới. Sự phát triển thiếu một nền tảng vững chắc, thiếu chiến lược, và quan trọng nhất là thiếu một sự phối hợp đồng bộ trên tổng thể nền tảng kinh tế quốc gia, là những nguyên nhân chính của điều này. Cho đến nay, sau hơn 3 thập kỷ đổi mới và chuyển đổi nền kinh tế, về căn bản nền kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế mang tính chất “nội sinh” với các đặc trưng căn bản:
+ Khai thác và tận dung các nguồn tài nguyên về khoáng sản, địa lý, đất đai, lao động giá rẻ, … và sự khai thác này chủ yếu mang tính cung cấp thô, dựa vào đầu tư nước ngoài, phụ thuộc về công nghệ và thiếu một chiến lược bảo toàn và tái tạo nguồn tài nguyên đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
+ Sự phát triển của nền kinh tế vẫn dựa trên một sức mạnh “tích lũy tư bản mang tính nguyên thủy”. Các tập đoàn kinh tế lớn của cả tư nhân lẫn nhà nước đều tích lũy tư bản theo các hình thức tích tụ từ “chiếm đoạt nhờ lợi thế”, nền tảng và hạ tầng chính hết sức yếu và thiếu, phụ thuộc và thiếu một “đầu tàu” điều tiết tài chính ở cấp độ kết nối với thế giới.
+ Thiếu tính chiến lược và thiếu một đường hướng phát triển kinh tế tổng thể quốc gia dài hạn mang tính Phương thức, định hình và định hướng cho sự phát triển chung, dẫn đến sự phát triển mang tính hỗn loạn, trăm hoa đua nở, tự phát, vừa làm phân tán nguồn lực vốn hạn chế trong đầu tư phát triển, vừa xét nát và chia nhỏ các nền tảng phát triển kinh tế quốc gia, tạo ra những rào cản hết sức khó khăn cho các dự án lớn mang tầm vóc quốc gia có tính hệ thống, sự lặp lại vừa thừa vừa thiếu trong hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, tâm lý địa phương cục bộ, và tầm nhìn ngắn hạn trong phát triển kinh tế – xã hội.
Nhận định trên có mâu thuẫn với những thành tích kinh tế trong phát triển của Việt Nam được đưa ra trong suốt thời gian qua? Tôi khẳng định là không! Và đây là thời điểm mà bước ngoặt kinh tế của Việt Nam đã đến. Chúng ta đã kéo căng tất cả những gì đã có, khai thác một cách tối đa những tiềm năng nội sinh, và thậm chí đã bán rất nhiều “chủ quyền kinh tế” để duy trì những thành tích kinh tế mang tính chính trị. Những gì đang là điển hình, đang là trụ cột cho những thành tích kinh tế này, lại chính là những điểm nghẽn, điểm hội tụ tiềm năng rủi ro lớn cho nền kinh tế trong thời gian tới. Cần phải có một tầm nhìn mới, với những “tay chơi” mới, theo những phương thức mới cho sự phát triển của Việt Nam. Trong thời điểm bước ngoặt này, Việt Nam cũng sẽ đón nhận được một cơ hội “đặc biệt” mang tính di sản, nhưng để đón nhận được, để có thể biến nó thành nền tảng cho sự bứt phá mang tính bật hẳn lên của Việt Nam thì chúng ta cần có một đội ngũ “những cái đầu có tầm chiến lược quốc tế”. Trong bối cảnh này, thật sự, tôi không đánh giá cao những doanh nhân thiếu tri thức, những trí thức thiếu thực tiễn, hay những nhà chính trị thiếu tri thức hay năng lực kinh doanh hay cả hai. Những cái đầu có tầm chiến lược quốc tế là những con người phải có đủ cả ba thứ đó trong mình: năng lực chính trị, năng lực kinh doanh và tri thức.
Trong một bước tiến mới, để vượt qua bước ngoặt, tạo nên một sự bứt phá vượt bậc và tạo nên một nền tảng phát triển mới cho Việt Nam, chúng ta cần làm gì? Đó chắc chắn không phải là một mớ những lý thuyết ngoại nhập, những phong trào hình thức và những lời hô hào sáo rỗng mang tính dân túy.
+ Phải phát triển một phương thức làm nền tảng định hướng cho sự phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, dựa trên nền tảng đó, quy hoạch lại các nguồn tài nguyên, định giá lại, hệ thống lại và phân phối một cách hợp lý hơn các nguồn tài nguyên này theo một định hướng hài hòa giữa con người với tự nhiên/môi trường để tạo ra một không gian sống bền vững; hài hòa giữa các nhóm lợi ích kinh tế – xã hội để đảm bảo duy trì được động lực phát triển và đà tiến đã có; hài hòa về mặt tinh thần xã hội để có một xã hội nhân văn, con người sống với tâm thế tích cực, với khát vọng và một sự tự hào về chính mình, gia đình mình và dân tộc trong sự đoàn kết và hiểu biết.
+ Phải phát triển một nền tảng hạ tầng quốc gia, trong đó lấy nền tảng Hạ tầng Tài chính làm trung tâm, phát triển bốn nền tảng hạ tầng cơ sở là: Hạ tầng Kinh tế; Hạ tầng An sinh xã hội; Hạ tầng Truyền thông; và Hạ tầng An ninh con người. Chỉ có dựa trên nền tảng hệ thống thống hạ tầng này, chúng ta mới xoay chuyển được bản chất và cách thức tích lũy tư bản, biến chuyển tư bản tích lũy theo hình thức nguyên thủy thành tư bản giá trị gia tăng và tạo ra các giá trị phát triển bền vững cho nền kinh tế quốc gia.
+ Định hình một Chiến lược phát triển quốc gia, dựa theo ba định hướng chính:
Hài hòa sự phát triển về trình độ phát triển tri thức quốc gia thông qua việc không chỉ đặt trọng tâm vào Khoa học & Công nghệ, mà còn phải phát triển nền tảng Khoa học Xã hội và Nhân văn. Gắn kết hai nền tảng khoa học này, phát triển đồng bộ và song song, nâng cấp để từng bước đạt được tầm khu vực và tiến tới tầm thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực KHXHNV, vốn đã bị tụt hậu rất nghiêm trọng.
Hài hòa sự phát triển của các địa phương trong cả nước thông qua việc xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể quốc gia dựa trên 5 Hạ tầng nền tảng; phát triển các địa phương bằng việc gắn kết vào một chiến lược phát triển vùng chứ không còn nằm ở các kế hoạch địa phương (tỉnh/thành); lấy định hướng chiến lược hướng ra ngoài làm nền tảng, trong đó, đặt chiến lược quốc gia trong Chiến lược biển và hướng ra châu Á – Thái Bình dương; trong chiến lược phát triển của cả Tiểu vùng sông Mekong mở rộng; trong chiến lược phát triển khu vực ASEAN với ASEAN là trung tâm của cả khu vực Đông Á và là điểm kết nối kinh tế – chính giữa khối lục địa Á – Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Lấy Giáo dục – quan điểm như một tiến trình “tạo nguồn tài nguyên” – làm trung tâm, hình thành nên một nguồn lực lao động có chất lượng cao – những người có khả năng làm việc hiệu quả chứ không phải những người có nhiều bằng cấp; phát triển các trung tâm tri thức và có khả năng biến tri thức thành các giá trị cho sự phát triển, chứ không phải là những “kết quả trên giấy”; xây dựng một năng lực Học tập suốt đời để duy trì tinh thần học hỏi và từng bước thay đổi ý thức xã hội thông qua việc truyền bá hiệu quả suy nghĩ “sự hiểu biết là nền tảng cho sự phát triển một con người lành mạnh”.