Khi chúng ta nghĩ về mối quan hệ giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải cẩn thận để không gán những lý tưởng khác nhau vào hai quan niệm khác nhau này. Thông thường, người ta thường nghĩ rằng bản chất của chủ nghĩa tự do là bảo vệ sự tự do; còn chủ nghĩa xã hội là bảo vệ sự bình đẳng. Do vậy, việc cố gắng khuyến khích phân phối một cái sẽ làm giảm cái kia, tức là tự do và bình đẳng đối lập với nhau. Tôi tiếp cận câu hỏi này bằng cách suy nghĩ về cốt lõi chung của những quan niệm khi chúng chất vấn trật tự xã hội mà chúng ta đang sống. Cả hai quan điểm đều xoay quanh một câu hỏi đạo đức; đó là chúng ta muốn sống dưới trật tự chính trị nào. Trên thực tế, nguồn gốc của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội đều xoay quanh câu hỏi đạo đức này, tức là chúng ta là công dân, chúng ta là chủ thể và chúng ta là một phần của cộng đồng chính trị. Chúng ta bị bủa vây bởi những loại bất công khác nhau, vậy làm thế nào chúng ta có thể khắc phục sự bất công này, và chúng ta muốn sống dưới loại trật tự chính trị nào, với điều kiện là tất cả chúng ta, với tư cách là con người, đều tự do và bình đẳng? Do vậy, cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội đều xoay quanh câu hỏi về tự do này. Tôi coi chủ nghĩa xã hội là nỗ lực để đáp lại những thất bại của chủ nghĩa tự do. Nói cách khác, đối với những người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, câu hỏi cả hai đều đặt ra là: chúng ta muốn trở thành một phần của loại trật tự đạo đức hay chính trị nào, và trật tự mà chúng ta đang sống có gì sai? Có gì sai với các thể chế chính trị đang tồn tại?
Tầm quan trọng của cá nhân
Về mặt lịch sử, chủ nghĩa tự do đã trả lời những câu hỏi này bằng cách chỉ ra tầm quan trọng của cá nhân và công nhận các quyền và nghĩa vụ của cá nhân. Hơn cả, tầm quan trọng này không cần dựa vào sự biện minh của các cơ quan có thẩm quyền. Thay vào đó, cho dù đó là quyền lực của nhà vua hay của Giáo hội, mọi trật tự chính trị phải được biện minh bằng các thuật ngữ triết học mà tất cả những người tham gia trật tự chính trị đó có thể hiểu được. Điều này làm được bằng cách trừu tượng hóa tính đặc thù của hoàn cảnh của họ và bằng việc coi họ là những cá nhân có các quyền và nghĩa vụ này. Chủ nghĩa tự do đã cho chúng ta câu trả lời như vậy, cũng như là các loại thể chế mà chúng ta quen, như nhà nước hiện đại, xã hội dân sự và sự mở rộng thị trường. Cả hai đều được thúc đẩy bởi luận điệu về các yêu sách và về sự mở rộng các quyền và lợi ích này, và đồng thời, những người ủng hộ chủ nghĩa tự do cũng bị thúc đẩy bởi sự phê phán trật tự xã hội của chính họ.
Các xã hội tự do thất bại trên chính tiêu chuẩn mà nó đề ra
Lời phê phán chủ nghĩa tự do của những người ủng hộ CNXH nhấn mạnh rằng lý tưởng tự do – nền tảng của trật tự xã hội mà chúng ta đang sống – bị phản bội bởi chính những người ủng hộ chủ nghĩa tự do. Khi chúng ta bắt đầu các quá trình hoặc thể chế thị trường có động cơ là lợi nhuận và tích lũy của cải, điều chúng ta thực chất đang làm là khắc sâu hành vi thống trị và các hành vi tước quyền lên xã hội ta đang sống. Những thứ này tạo ra xung đột giữa những người có quyền tiếp cận tài sản hoặc tư bản, và những người chỉ dựa vào sức lao động của mình để sống và tham gia vào trật tự chính trị này. Chủ nghĩa xã hội cố gắng khắc phục sự bất bình đẳng này bằng cách nói rằng các xã hội theo chủ nghĩa tự do đã tự phản bội lời hứa của chính nó, rằng nó sẽ cho chúng ta tự do và bình đẳng. Thay vào đó, chủ nghĩa tự do lại thiết lập các thể chế kinh tế và chính trị hạn chế chính những sự tự do đó. Thay vì thúc đẩy sự tự do, chủ nghĩa tự do thúc đẩy sự thống trị các nhóm người, cả trong các xã hội tự do và – khi chúng ta nghĩ về mối quan hệ giữa các quốc gia tự do và các khu vực khác trên thế giới, cũng như là quá trình thuộc địa hóa lịch sử của các vùng đất xa xôi – của các cộng đồng bản địa ở nước ngoài. Điều thực sự quan trọng cần hiểu là cốt lõi của cả hai quan niệm này là cả hai đều quan tâm đến sự tự do. Khi hiểu được cốt lõi này, ta có thể làm giàu hơn cách nhìn đạo đức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội. Do đó, lời phê bình chủ nghĩa tự do từ phía xã hội chủ nghĩa có thể được hiểu là một sự cực đoan hoá cách nhìn về tự do. Nó cố gắng trả lời câu hỏi rằng làm thế nào để chúng ta tạo ra một xã hội không chỉ có các thể chế tự do, mà còn cho phép tất cả các thành viên của xã hội đó tham gia đầy đủ vào chính các thể chế đó.
Hai kinh nghiệm lịch sử
Chúng ta biết rằng chủ nghĩa tự do – và chủ nghĩa tư bản, tức mô hình kinh tế của chủ nghĩa tự do – liên tục thất bại. Sự thất bại của nó diễn ra theo chu kỳ, tức là nó tự khởi động rồi lại gặp khủng hoảng. Những thử nghiệm trong các xã hội đi theo xã hội chủ nghĩa đã thất bại vì những lý do liên quan đến trách nhiệm giải trình và sự quan liêu hóa của các thể chế chính trị. Vì vậy, những gì chúng ta có là hai nhóm lý tưởng, hai kinh nghiệm lịch sử – một cái dài hơn cái kia rất nhiều. Lịch sử thất bại của chủ nghĩa tự do dài hơn nhiều so với lịch sử thất bại của chủ nghĩa xã hội. Sẽ là sai nếu nói rằng mô hình nào trong số này thành công hay thất bại? Cả hai đều là các lý tưởng; cả hai đều được phản ánh trong các thể chế cụ thể, và các thể chế này có những thất bại đặc biệt và cả những thành tựu đặc biệt.
Tôi rất quan tâm đến những lý tưởng làm động lực của những xã hội này. Lý do là vì nếu chúng ta nghĩ về sự phê bình đạo đức, thì câu hỏi đầu tiên chúng ta nên đặt ra là, chúng ta muốn sống trong trật tự nào? Chúng ta muốn sống dưới một trật tự chính trị nơi động cơ lợi nhuận thúc đẩy mọi quyết định chính trị, giao dịch thị trường và tương tác xã hội; hay chúng ta muốn sống trong một xã hội nơi chúng ta ưu tiên nhu cầu của con người, quan tâm đến việc trao quyền cho con người, quan tâm và chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất và quan tâm tới lẫn nhau – tức một mô hình được xây dựng trên sự đoàn kết và coi trọng tự do hơn mô hình chủ nghĩa tự do?
Chủ nghĩa xã hội có khả thi không?
Chúng ta biết rằng cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội đều có những thất bại, và chúng ta cũng biết rằng chúng ta có thể học hỏi từ những thất bại của mỗi hệ thống khi đang nghĩ về xã hội tương lai. Vì vậy, chúng ta không nên tê liệt khi nghĩ về chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không nên bị tê liệt bởi câu hỏi: “chủ nghĩa xã hội có khả thi không?” – bởi vì câu hỏi đó có thể được hỏi về mọi thể chế chính trị. Chúng ta có thể hỏi, chủ nghĩa tự do có khả thi không? Nếu bạn nghĩ về hệ thống đó từ quan điểm của những người mà các thể chế đã loại trừ, thì rõ ràng là hệ thống đó không khả thi. Rõ ràng là nó không hoạt động trong thực tế.
Lý tưởng xã hội chủ nghĩa có tầm nhìn quốc tế
Những gì chúng ta nên suy nghĩ là: điều gì nên làm động lực cho sự khám xét kỹ lưỡng các xã hội này về mặt đạo đức, và chúng ta muốn hiện thực hóa những lý tưởng nào? Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng những lý tưởng này trở thành một phần của các quá trình chính trị, khuyến khích công dân của các xã hội này đấu tranh chống lại trật tự hiện có, trước những bất công mà họ phải trải qua cả trong nước và toàn cầu? Điều thực sự quan trọng về tập hợp các lý tưởng xã hội chủ nghĩa là nó có tầm nhìn quốc tế. Nói cách khác, chủ nghĩa tự do hiện là một mô hình phòng thủ, gắn liền với thể chế chính trị của các quốc gia cụ thể, và nó đã tự cô lập vì các thể chế chính trị của chủ nghĩa tự do gắn liền với các lãnh thổ cụ thể, cách suy nghĩ cụ thể và các khu vực địa lý riêng biệt trên thế giới.
Mặt khác, chủ nghĩa xã hội mang đến cho chúng ta một góc nhìn quốc tế, cho phép chúng ta suy nghĩ về những thất bại của xã hội một cách rộng rãi hơn, trên quy mô toàn cầu. Nó còn cho phép ta biết được rằng những thất bại của chủ nghĩa tư bản không phải là những thất bại của một nhóm thể chế cụ thể, nằm trong một lãnh thổ cụ thể.
Xây dựng sự đồng thuận với sự tham gia chính trị
Chúng ta cần chú ý đến sự khác biệt giữa đạo đức và chính trị, nhưng nhận thức về lý tưởng đạo đức cũng rất quan trọng. Điều quan trọng là phải nhận thức được những yêu cầu của một xã hội công bằng là gì trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng khác là phải nhận thức được những hạn chế chính trị của việc thực hiện hoá các lý tưởng đạo đức – để nhận ra rằng thế giới không chỉ được tạo ra từ những tác nhân có động cơ đạo đức, mà còn là sự phản kháng mạnh mẽ từ phía giới tinh hoa cầm quyền, của các nhóm quyết tâm duy trì trật tự xã hội mà chúng ta đang có. Chúng ta đã thấy điều đó trong các quá trình chính trị gần đây. Chúng ta thấy nó ở mọi nơi vẫn còn; cho dù có sự phê phán đạo đức xã hội một cách mạnh mẽ, cho dù có tồn tại sự nhận thức về những thất bại của mô hình tự do, nhưng vẫn có sự phản kháng đáng kể, chống lại những thay đổi xã hội. Khi chúng ta nghĩ về môi trường, khi chúng ta nghĩ về cách chúng ta cần định hình tương lai theo cách không chỉ tính đến động cơ lợi nhuận mà còn cả nhu cầu của con người, cả sự phụ thuộc lẫn nhau và sự tồn tại của loài người, chúng ta có thể thấy có nhiều sự phản kháng như thế nào, ngay cả với những thay đổi nhỏ. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận ra rằng không có cách nào để xây dựng sự đồng thuận ngoài việc tham gia chính trị, tích cực hoạt động chính trị và nhận thức được rằng, ở một mức độ lớn, chính trị là xung đột và xung đột đòi hỏi bạn phải huy động thông qua các tác nhân có thể truyền tải xung đột một cách thích hợp trong lĩnh vực chính trị. Họ không nên bị thúc đẩy chỉ bởi những mối quan tâm của nhà nước cụ thể của họ hoặc hệ thống đảng chính trị nội bộ của họ, mà nên có một tầm nhìn toàn cầu. Khi chúng ta nghĩ về cách chúng ta thay đổi và xây dựng sự đồng thuận đó, có lẽ sẽ hữu ích hơn nếu nghĩ đó không phải là điều gì đó đòi hỏi chúng ta phải thuyết phục mọi người xung quanh, mà ta nên coi nó là quyền công dân, và là hành vi chính trị. Ta thực hiện các quyền này bằng cách tham gia vào các sáng kiến có thể mang tính xung đột. và đôi khi có tính chất đồng thuận. Chúng bao gồm tham gia công đoàn, đình công, đấu tranh xã hội, biểu tình, v.v.
Ví dụ Trung Quốc
Tôi có xu hướng coi Trung Quốc là một quốc gia xã hội chủ nghĩa bởi vì nó là một quốc gia xã hội chủ nghĩa theo hiến pháp và hợp pháp, và bởi vì cách sắp xếp các thể chế của nó và các quá trình chính trị đang diễn ra. Tuy nhiên, theo nhiều cách, đó là một nhà nước xã hội chủ nghĩa thất bại, giống như nhiều quốc gia tự do mà chúng ta đang sống là những quốc gia tự do thất bại. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thể học được gì từ những trải nghiệm này? Làm thế nào chúng ta có thể nghĩ về sự phát triển lịch sử của các xã hội này, bao gồm cả Trung Quốc, bao gồm cả Hoa Kỳ, như các quá trình học hỏi, như các quá trình mà chúng ta có thể phân tích để đưa ra một giải pháp thay thế cho phép chúng ta khắc phục những khiếm khuyết của các xã hội mà chúng ta đang sống? Người ta có thể học hỏi nhiều điều từ Trung Quốc, giống như cách chúng ta có thể học hỏi từ các xã hội tự do. Vì vậy, người ta cần giữ một tâm trí cởi mở và suy nghĩ về sự phát triển của các thể chế mà người ta khao khát hiện thực hóa, nhưng là thể chế được xây dựng từ những khiếm khuyết và thiếu sót của thế giới chúng ta đang sống – một thể chế cố gắng phát huy sức mạnh từ những lỗ hổng và giới hạn của các xã hội như chúng ta biết.
Lea Ypi, Giáo sư môn Lý thuyết Chính trị tại Trường Kinh tế London, xem xét mối quan hệ giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội.