Ding Sandong
Dường như chúng ta rất dễ nhận thấy, thái độ của triết học và khoa học đối với kinh điển có sự khác biệt rõ rệt, triết học không ngừng quay về kinh điển. Nhưng bên trong đối tượng mà các từ “triết học”, “khoa học” nói tới lại có tính đa dạng to lớn, vì vậy khắc họa như thế nào sự khác biệt nói trên đã trở thành một vấn đề. Dựa vào công cụ tư duy “không gian chủ nghĩa Darwin”, chúng ta có thể mô tả sự khác biệt thái độ của triết học và khoa học đối với kinh điển và thông qua so sánh giữa tôn giáo, triết học và khoa học làm rõ hàm nghĩa của “kinh điển”. Có thể quy cách triết học quay về kinh điển theo bốn điểm khác biệt tồn tại giữa khái niệm triết học và khái niệm khoa học và có thể lấy đó để luận chứng cho tính hợp lý của cách làm này của triết học.
Trong rất nhiều phương pháp đào tạo chuyên ngành triết học đại học, ngoài một số “nhập môn” “lịch sử triết học” và một số ít “chuyên đề”, còn lại phần lớn các chương trình như “Nghiên cứu Tứ Thư”, “Tuyển tập các tác phẩm gốc của triết học cổ điển Đức”… Dường như tất cả các nhà giáo dục triết học đều tán thành rằng, việc nghiên cứu kinh điển triết học có giá trị vô cùng quan trọng, không thể thay thế. So ra, trong phương pháp đào tạo chuyên ngành khoa học lại không bố trí các chương trình như “Nghiên cứu Nguyên lý toán học trong khoa học tự nhiên”. “Nghiên cứu nguyên tắc của Darwin” hoặc “Tuyển tập các luận văn kinh điển của cơ học lượng tử”… Đối tượng chủ yếu mà sinh viên học tập là sách giáo khoa tiêu chuẩn hoặc các bài giảng mới nhất, còn Bàn về điện và từ của Maxwell hoặc các luận văn mà Einstein công bố đầu thế kỷ XX thì hoàn toàn không nhất thiết phải đọc.
Thái độ khác nhau của triết học và khoa học với kinh điển cũng thể hiện trong giai đoạn nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học lấy vấn đề khoa học cụ thể chứ không phải lấy kinh điển khoa học làm định hướng. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đương nhiên phải hiểu đầy đủ hiện trạng nghiên cứu, nhưng các tác phẩm của quá khứ này thường chỉ được tiếp nhận với tính cách là thứ có thể tin cậy, hoặc bị vứt bỏ với tính cách là thứ đã được chứng minh là sai. Về phogn cách viết, về cơ bản tác giả chỉ cần ghi chú rõ thông tin tra cứu các tác phẩm đề cập hoặc các câu kết luận ngắn gọn. Song, dù là trong các tác phẩm xuất phát từ vấn đề triết học – chưa kể hàng loạt tác phẩm chỉnh lý lịch sử quan niệm và tác phẩm giải thích các trước tác kinh điển – cũng thường xuất hiện những đoạn dài trích dẫn trực tiếp, nhà nghiên cứu đi sâu phân tích, so sánh nhiều luồng quan điểm của các nhà triết học khác nhau về vấn đề đang bàn luận, đó có thể là quan điểm của Hume, Kant hơn hai trăm năm trước, cũng có thể là cách nhìn của Khổng Tử, Plato hơn hai nghìn năm trước. Trong nghiên cứu khoa học, việc thảo luận và viện dẫn các tác phẩm cách hiện tại trên 100 năm rất hiếm thấy, còn trong nghiên cứu triết học, việc thảo luận các tác phẩm kinh điển lại phổ biến.
Sự khác biệt mạnh mẽ này gây cho chúng ta một ấn tượng chung, dường như triết học không ngừng trở về kinh điển. Phải chăng tình hình thực sự là vậy? Nếu là vậy, nên giải thích như thế nào về xu hướng này của triết học? Và xu hướng này có hợp lý không? Tất cả những điều này cần lập luận tường minh.
I/ Khắc họa thế nào sự khác biệt về thái độ của “triết học” và “khoa học” đối với kinh điển
Trong quan sát sơ bộ trên đây, chúng tôi muốn nói về “triết học” và “khoa học” và sự khác biệt thái độ giữa hai ngành đối với kinh điển, có vẻ như mỗi bên triết học và khoa học đều có đặc trưng thống nhất, mỗi bên đều có thể được quy về một loại. Thường thường chúng ta cũng dùng phương thức này để nói về “văn hóa Trung Quốc”, “văn hóa phương Tây”, “triết học Trung Quốc”, “triết học phương Tây”, “người Trung Quốc”, “người nước ngoài”, thậm chí “người Giang Tô”, “người Tứ Xuyên”. Nhưng khi chúng ta đi sâu khảo sát các sự vật hoặc hiện tượng mà các từ này ám chỉ, chúng ta sẽ lập tức phát hiện, bên trong mỗi thứ đều tồn tại tính đa dạng to lớn.
Vì vậy, vấn đề trước tiên cần xử lý là suy nghĩ thế nào về những vấn đề như vậy, cụ thể trong bài này là, khắc họa thế nào về thái độ khác nhau của “triết học” và “khoa học” đối với kinh điển mà trên thực tế còn tồn tại tính đa dạng bên trong to lớn.
Tác giả kiến nghị, khi bàn về “triết học” và “khoa học”, tốt nhất chúng ta lý giải chúng là danh từ tập hợp (collective nouns), chúng biểu thị một tập hợp nhiều tư tưởng được dán nhãn “triết học” hoặc “khoa học”. Ở đây, chúng ta cần tử bỏ cách lý giải kiểu chủ nghĩa bản chất, dường như trong những đối tượng mà từ ngữ này biểu thị có tồn tại thứ “đặc trưng bản chất” chung nào đó.
Nói về khoa học, nhiều nhà nghiên cứu nhất trí rằng không thể lý giải khoa học là hệ thống mệnh đề thật khắc họa thế giới kinh nghiệm như Schlick đã lý giải. Phương án thay thế phổ biến là nhấn mạnh địa vị hạt nhân của phương pháp khoa học; phương pháp khoa học tiêu chuẩn được khắc họa thành “quan sát – chất vấn – giả thuyết – suy đoán – nghiệm chứng” và không ngừng “lặp lại”, giả thuyết và suy đoán trong đó đòi hỏi phải có kiểm chứng, có thể sai, kiểm chứng thì cần bao hàm biến số phụ thuộc và biến số độc lập, bao hàm nhóm thực nghiệm và nhóm đối chiếu, đồng thời kiểm chứng có thể lặp lại. Tuy nhiên, không phải tất cả các lĩnh vực khoa học đều có mức độ phù hợp giống nhau với sự khái quát lý luận hóa, lý tưởng hóa này. Thí dụ trong nghiên cứu thiên văn học, y học, tâm lý học đôi khi không thể xác lập nhóm đối chiếu hữu hiệu, biểu hiện của đặc trưng có thể lặp lại này trong các bộ môn khác nhau càng có sự khác biệt to lớn. Từ những năm 1960 trở đi, phê phán phương pháp luận gốc đối với sự khái quát giản đơn, trừu tượng nói trên ngày càng nhiều. Thomas Kuhn khảo sát sự biến đổi chân thực của lịch sử khoa học, coi phương pháp là sự vận hành bình thường của ma trận bộ môn (disciplinary matrix)/chuẩn thức (paradigm), cái sau thiết lập cho cái trước một loạt mục tiêu và quy phạm. Nhưng Kuhn quan sát thấy rằng, trong lịch sử, chuẩn thức bộ môn luôn biến đổi, do vậy, phương pháp mà các bộ môn khác nhau vận dụng, và phương pháp mà một bộ môn vận dụng trong những hoàn cảnh khác nhau là có sự khác biệt. Xã hội học tri thức khoa học về sau đã tìm tòi càng cụ thể hơn chiều cạnh xã hội phức tạp trong nghiên cứu khoa học thực tế, ảnh hưởng của đủ loại nhân tố xã hội như hình thái ý thức của quần thể xã hội, sự tương tác giữa các nhà khoa học khiến một thứ khái quát khoa học tiêu chuẩn, giản đơn trở thành thứ khả nghi.
Tương tự, trong toàn bộ lịch sử triết học, vấn đề mà nhiều nhà triết học nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của họ cũng rất khác nhau. Khi triết học châu Âu mới ra đời, các triết gia Hy Lạp cổ đại thời kỳ đầu có hàng loạt thảo luận triết học tự nhiên về cấu tạo cơ bản của thế giới và sự biến đổi của nó, nhưng việc thảo luận những vấn đề “cơ bản” như vậy đều vắng bóng trong giới triết gia thế hệ sau. Ví dụ, trong lịch sử triết học châu Âu đầu thời kỳ hiện đại, có rất nhiều cuộc thảo luận về vấn đề nhận thức luận, nhưng trong thời đương đại, những vấn đề đó phần lớn đều do các bộ môn tâm lý học nhận thức, khoa học nhận thức, triết học… xử lý độc lập hoặc cùng xử lý, tri thức luận (epistemology) trong thời đương đại chủ yếu trở thành nghiên cứu về cấu tạo tri thức và đặc trưng của nó. Theo một số nhận định phổ biến, toàn bộ lịch sử triết học là lịch sử các bộ môn khoa học cụ thể độc lập và phân hóa ra từ triết học, là lịch sử các chuẩn thức nghiên cứu cơ bản của triết học không ngừng biến đổi (tồn tại – nhận thức – ngôn ngữ). Nhưng từ thế kỷ XX trở lại đây thì phong cách nghiên cứu chủ đạo có sự khác biệt giữa “lục địa châu Âu” và “Anh Mỹ”. Thậm chí vấn đề tư duy triết học của các khu vực, các dân tộc phải chăng đều có thể được khoác cho cái tên “triết học” là vấn đề còn tranh cãi.
Trong bối cảnh như vậy, thảo luận như thế nào theo phương thức phi bản chất về chủ đề “triết học” hoặc “khoa học” mà trên thực tế còn có đủ loại khác biệt bên trong đã trở thành một thách thức.
Về điều này, kiến nghị của tác giả là dùng “công cụ không gian” mà Peter Godfrey-Smith đưa ra trong cuốn Darwinism Populations and Natural Selection (Các giống loài kiểu Darwin và chọn lọc tự nhiên) để xử lý vấn đề nói trên. Cuốn sách này đưa ra một ý tưởng “không gian kiểu chủ nghĩa Darwin”, có thể dùng để khắc họa bất cứ thứ gì đa dạng hóa, đang diễn biến trong thế giới thực và quá trình diễn biến đặc trưng của nó. Trong khu vực cụ thể của “không gian kiểu chủ nghĩa Darwin”, một số đặc trưng nào đó chiếm cứ địa vị trung tâm, chúng phân chia các “trường hợp điển hình” và các “trường hợp ngoại biên” trong khu vực này. Nhưng bản thân các “đặc trưng cốt lõi” đó trong “không gian kiểu chủ nghĩa Darwin” là luôn biến đổi, trong khu vực trước chúng không hề chiếm địa vị trung tâm (thậm chí đều không xuất hiện), trong khu vực về sau cũng không tiếp tục chiếm cứ địa vị trung tâm; trường hợp cụ thể và đặc trưng cụ thể đều phát sinh biến đổi theo diễn biến của thời gian. Còn trong lịch sử, các đặc trưng (vấn đề, phong cách) được nhấn mạnh trong khoa học, triết học và các khái quát đối với phiên bản nào đó của chúng đều phát sinh biến đổi, vì vậy, công cụ tư duy này cũng thích hợp và hữu dụng với chúng.
(còn tiếp)
Biên dịch: Viễn Phố
Nguồn: TN 2020 – 66, 67