Trái ngược với những ngôi nhà thuộc vùng Nhiệt đới như Việt Nam, việc lấy ánh nắng trực tiếp rất được xem trọng trong quy hoạch và kiến trúc ở đô thị của Nhật Bản. Trong cuốn sách “After the Crash: Architecture in Post Bubble Japan” (tạm dịch là Hậu sụp đổ: kiến trúc sau thời kỳ bong bóng tại Nhật Bản), giáo sư Thomas Daniell cho rằng, quy định về quyền hưởng ánh nắng là một trong những yếu tố tạo ra hình khối của kiến trúc ở đô thị Nhật. Các tòa nhà phải tuân theo một bộ hướng dẫn về hình khối gọi là Shasen seigen. Các seigen quy định về giới hạn mặt chéo của tòa nhà, cụ thể hơn, chúng sẽ quy định các đường chỉ giới xây dựng giới hạn bóng đổ của khối nhà và đảm bảo góc lấy nắng cho các công trình lân cận. Những Shasen seigen này “vát xéo” các khối nhà hình hộp thành nhìn hình nêm nhọn. Vì vậy các kiến trúc có hình khối vạt xéo mạnh trong đô thị Nhật không phải là để hấp dẫn về thẩm mỹ mà là để tuân theo một quy định chung giúp ngăn chặn các tòa nhà cao cản trở ánh sáng mặt trời và không khí của những người hàng xóm. Có thể nói việc lấy ánh nắng trực tiếp rất được xem trọng trong không gian sống của người Nhật tại các đô thị lớn. Vì vậy những ngôi nhà đương đại trong kiến trúc Nhật xuất hiện với những không gian ngập tràn ánh sáng luôn là hình ảnh hấp dẫn vì nó giải quyết được vấn đề đặc thù của vùng đất này.
Cũng vì khác biệt địa lý và bối cảnh xã hội, nên quan điểm về nắng trong nhà ở của xứ nhiệt đới như Việt Nam sẽ khác một vùng đô thị ôn đới và có phần chật chội của Nhật. Chúng ta không có sự yêu thích với ánh nắng ngập tràn trong ngôi nhà. Ký ức của thị dân Việt Nam cũng không trải qua những cuộc xung đột hay đấu tranh cho quyền được hưởng ánh nắng như người Nhật, vì vậy quan điểm về ánh nắng của chúng ta sẽ khác và ngôi nhà của người Việt đương đại sẽ trông rất khác với ngôi nhà của người Nhật. Cũng vì thế, khi nhìn vào những ngôi nhà Việt Nam đương đại ngập tràn ánh nắng không thua kém thiết kế của KTS nổi tiếng thế giới Sou Fujimoto dành cho đô thị Nhật, chúng ta có thể tự hào về trình độ thiết kế của người Việt, nhưng cũng sẽ băn khoăn về hai “đáp án” gần như nhau cho hai bài toán hoàn toàn trái ngược.
Kiến trúc không thể là một món đồ thời trang để mang đi khắp nơi hoặc cho ra những mode thời thượng “bày bán” toàn cầu. Trong cuốn sách viết về KTS Kenzo Tange-người làm nên kiến trúc đương đại Nhật Bản, Robin Boyd đã viết: “Tange tin rằng một tòa nhà ở Tokyo phải khác với tòa nhà ở Los Angeles, không phải vì đó là trí tuệ của người Nhật mà đơn giản là vì Tokyo và Los Angeles khác nhau về nền tảng và thói quen sống. Gió Thái Bình Dương thổi theo các hướng khác nhau và Tange cảm thấy rằng ngay cả bê tông cũng phải được tôi luyện bởi thực tế này.”