Chủ nghĩa cơ sở hay duy bản luận (foundationalism) với tính cách là một ý tưởng triết học tổng thể hiện đang bị nghi vấn mạnh mẽ, nhiều nhà triết học như Descartes, Lock, Hume, Leibniz, Kant, Carnap… đều từng cho rằng, bằng một thứ phương thức đặt nền tảng cấp, cuối cùng tri thức có thể đứng chân trên một số ít khái niệm cơ sở. Nhưng rất nhiều nhà triết học từ thế kỷ XX trở đi như Wittgenstein, Derrida, Rorty đều phản bác mạnh mẽ cách tiếp cận này. Khi kiến nghị dùng quan hệ đặt nền để khắc họa “kinh điển” là gì, hoàn toàn không phải là tác giả hình dung “đặt nền” theo ý nghĩa chủ nghĩa cơ sở. Đúng hơn, đối với việc sử dụng từ này, ở đây tác giả lấy ý nghĩa thường ngày của nó: nghiên cứu của một triết giá được triển khai trên cơ sở của một triết gia khác, là làm sâu thêm và phát huy cách tiếp cận của triết gia sau. Thí dụ công việc của trường phái Marburg, trường phái Heidelberg thế kỷ XIX là được xúc tiến trên cơ sở triết học Kant; công việc của trường phái Vienna thì lấy Bàn về triết học của Wittgenstein làm cơ sở. Công việc đặt nền theo ý nghĩa như vậy cũng tồn tại phổ biến trong khoa học. Chúng ta có thể dùng Hình 3, HÌnh 4 dưới đây để lần lượt gợi ý về cái gọi là “kinh điển” trong triết học và khoa học.
Hai hình trên gợi ý về mối quan hệ gợi mở, ảnh hưởng lẫn nhau của các nhà triết học và nhà khoa học khác nhau. Điểm lớn nhất bên trái mỗi nhóm biểu thị nghiên cứu “kinh điển”, những điểm tiếp theo biểu thị các nghiên cứu triển khai xoay quanh “kinh điển” này hoặc xuất phát từ nó. Vì vậy, “kinh điển” là những tác phẩm sản sinh ảnh hưởng lâu dài, trở thành điểm xuất phát trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều nghiên cứu sau đó, chúng xác định vùng bàn luận, chủ đề, cách tiếp cận hoặc phương pháp cho các nghiên cứu về sau. Một ý nghĩa khác mà hai hình này gợi ra là, “kinh điển” theo ý nghĩa như vậy trong triết học nhiều hơn là trong khoa học. Sau cùng, biến đổi trong lịch sử triết học nhiều hơn so với trong khoa học; vì vậy, quan sát nói trên của Kant ở mức độ nhất định lại có thể đứng vững: lĩnh vực khoa học ít quay đầu lại, chọn con đường khác hơn, giữa các nhà khoa học dễ đạt tới nhất trí hơn; còn lĩnh vực triết học thường bắt đầu lại, giữa các nhà triết học dễ rơi vào “tranh cãi không ngừng” hơn. Ý nghĩa htứ ba mà hai hình này gợi ra là, lĩnh vực triết học thường dễ xoay quanh một kinh điển để hình thành nên một chủ nghĩa hoặc trường phái nào đó, những tư tưởng trong chủ nghĩa hoặc trường phái này có mối quan hệ cực kỳ mật thiết với kinh điển nguyên bản của nó, thường thường là sự cụ thể hóa, hoàn thiện hóa chủ trương hoặc cách tiếp cận của kinh điển nguyên sơ hoặc vận dụng chúng trong lĩnh vực, vấn đề mới. Lĩnh vực khoa học cũng có các trường phái, thí dụ trường phái Bourbaki trong lĩnh vực toán học, trường phái Copenhagen trong lĩnh vực cơ học lượng tử, trường phái Morgan trong lĩnh vực sinh học, chủ nghĩa hành vi trong lĩnh vực tâm lý học. Giữa các thành viên trong một trường phái thường có quan hệ kế thừa và giao lưu tương tác tương đối mật thiết, ngược lại điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới địa vị tính kinh điển (classicality) của tác phẩm nguyên bản. Trạng thái mở rộng bắt nguồn từ kinh điển mà hai hình này gợi ra cũng cho thấy, đòi hỏi của lĩnh vực triết học đối với tính nguyên sáng của nhà triết học dường như không cao như yêu cầu của lĩnh vực khoa học đối với tính nguyên sáng của nhà khoa học; tình huống thực tế tương ứng là, việc phân tích và tái cấu trúc lịch sử triết học chiếm vị trí nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu triết học, rất nhiều nhà nghiên cứu triết học theo đuổi công việc truyền thừa và giải thích kinh điển triết học hoặc tiến thêm một bước, dùng nó để giải đáp các vấn đề đương đại; còn trong lĩnh vực khoa học, việc chỉnh lý và phân tích lịch sử khoa học về cơ bản là đóng vai trò bổ sung, dù là một nhà nghiên cứu khoa học bình thường cũng tuyệt đối không chỉ truyền thừa (phổ cập) và giải thích kinh điển khoa học, mà còn luôn phải làm nên những đổi mới tuyệt đối trên một phương hướng dù là nhỏ bé.
III/ Tính hợp lý của sự quay về kinh điển của triết học
Trong phần trên, tác giả đã miêu tả đặc trưng phi quyền uy mà “kinh điển triết học” và “kinh điển khoa học” khác với “kinh điển tôn giáo” và thử dùng quan hệ đặt nền hoặc quan hệ ảnh hưởng giữa các tư tưởng để khắc họa “kinh điển triết học” và “kinh điển khoa học”. Đến đây, nói chung chúng ta đã trả lời một vấn đề mà phần mở đầu bài viết này đặt ra, tức là miêu tả rành rẽ cách thức mà triết học trở về kinh điển. Thoạt nhìn, miêu tả này có vẻ vừa thô thiển, vừa thừa thãi, nhưgn đây có thể là sự trả giá không tránh khỏi khi tiến hành lý luận hóa (theorizing) rất nhiều trường hợp đa dạng trong thế giới hiện thực. Vấn đề tiếp theo đây sẽ là, cách làm này của triết học phải chăng hợp lý?
Căn cứ vào khắc họa ở phần trên, triết học rõ ràng coi trọng chiều cạnh lịch sử hơn khoa học, đến mức có học giả đề ra chủ trương “triết học tức là lịch sử triết học” và lần tìm điều đó tới Hegel. Không nghi ngờ gì, nghiên cứu lịch sử triết học có ý nghĩa không thể phủ nhận. Ellen Wood từng viết: “Một trong những vai trò quan trọng nhất mà nhà lịch sử triết học chúng ta có thể đóng góp là ngăn ngừa các quan điểm trước đây mất đi, đặc biệt là khiến cho những thứ mà thời địa chúng ta xem ra là “quái dị”, “lạ lẫm”, “lỗi thời”, vì vậy không còn được đối xử nghiêm túc nữa – cũng có nghĩa là những thứ thời thượng mà không thể dễ dàng được hấp thu vào thời đại chúng ta – duy trì được sức sống”. Đối với sự tự lý giải và tự sinh sống của loài người hiện nay và trong tương lai, việc bảo tồn tinh hoa tư tưởng quá khứ của loài người, bảo vệ tính đa dạng của văn minh và văn hóa loài người đều cực kỳ quan trọng, logic trong đó là nhất quán với việc bảo vệ di sản văn hóa vật chất và phi vật chất của loài người, bảo vệ tính đa dạng sinh vật. Vì vậy, tác giả đánh giá, ý của các học giả này không phải là đánh dấu bằng giữa hai thứ, rốt cuộc, làm như vậy dù là ở Hegel cũng không đứng vững, nếu như chúng ta nghĩ tới quan hệ giữa khuôn khổ “Toàn thư triết học” của Hegel và “các bài giảng lịch sử triết học” của ông. Dù số lượng các nhà nghiên cứu lịch sử triết học trong lĩnh vực triết học rất đông (nhiều hơn nhiều số lượng các nhà nghiên cứu lịch sử khoa học trong lĩnh vực khoa học), nhưng công việc của các nhà sử học triết học và công việc của các nhà triết học vẫn có sự khác biệt.
Cách thức “triết học không ngừng quay về kinh điển” mà trên đây chúng ta khắc họa không chỉ bao gồm nghiên cứu lịch sử triết học – chỉnh lý, phân tích và giải thích các trường phái triết học, các nhà triết học trong quá khứ và tác phẩm của họ; còn bao gồm nghiên cứu triết học tiêu chuẩn – xuất phát từ vấn đề, so sánh sự tốt xấu, được mất của các chủ trương, luận thuyết của các nhà triết học khác nhau về vấn đề này, trên cơ sở đó để thúc đẩy sự tìm tòi về vấn đề được bàn luận. Ở đây, một đặc trưng của triết học khác với khoa học khiến người ta chú ý là, trong lịch sử, những kinh điển triết học được người ta nhiều lần thảo luận dường như không tồn tại vấn đề thật giả, đúng sai. Còn về khoa học, phần trên đã chỉ ra, lĩnh vực khoa học không hề tồn tại sự thật vĩnh viễn, nhưng rốt cuộc người ta vẫn bàn luận rộng rãi về sự thật giả của lý luận và chủ trương khoa học, phán đoán sự đúng sai của chúng. Tại sao lại thế?
(còn tiếp)
Biên dịch: Viễn Phố
Nguồn: TN 2020 – 66, 67