Muốn chống tham nhũng phải thay đổi tư duy về cách chống tham nhũng. Với tư duy hiện tại, tham nhũng chỉ có thể biến hình ngày một mạnh mẽ hơn để tồn tại mà thôi.
Bản chất của con người là vị kỷ. Kẻ làm quan cũng vậy, trước hết là vị kỷ. Do vậy không giải quyết được bài toán vị kỷ này thì không thể thay đổi vấn đề tham nhũng được, nó chỉ làm cho vấn đề ngày một trở nên phức tạp và dẫn đến những cuộc chiến mang tính xung đột phi nhân mà thôi.
Một kẻ làm quan, trước hết cũng là vì cơm, áo, gạo, tiền – vật chất đã. Họ cũng như bao muôn dân khác, chọn một nghề và lấy nghề đấy để nuôi thân. Do vậy, trước hết, cần phải tư duy rằng chẳng thể có một cái nghề nào đó để “vì dân” mà không bắt đầu từ “vì mình”, từ “quên mình” mà có thể “vì dân”. “Làm quan” cũng cần phải được nhìn nhận là một nghề nghiệp như bao nghề nghiệp khác, và do vậy, không được đặt nó ra trở thành một nghề nghiệp “đặc biệt” mà bỏ qua cái “đầu tiên” đó.
Một kẻ làm quan, không có tư duy tiến thủ, không có tư duy kinh tế – vật chất giỏi sẽ chẳng thể bao giờ giúp cho “dân giàu, nước mạnh” được cả. Bởi một kẻ không có nhu cầu vật chất, không biết ăn ngon, mặc đẹp, không có những cảm nhận về những giá trị vật chất mang lại, cũng sẽ không có nhu cầu thúc đẩy phải làm gì đó để cho xã hội tốt hơn được. Mình không yêu mình thì mình sẽ chẳng yêu ai được. Cần phải nhận thức một cách hợp lý về điều đó. Cũng theo thế, một kẻ làm quan giỏi, biết làm kinh tế giỏi, nhưng làm tốt rồi, thu nhập, điều kiện vật chất lại lẹt đẹt không bằng một “ông chủ doanh nghiệp nhỏ” trong khi trong tay, vai trò, trách nhiệm và điều hành lại bằng hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ thì đấy cũng lại là điều không thể chấp nhận được. Cần phải cho quan chức có quyền “được giàu có, được thịnh vượng, được thừa nhận” chứ không chỉ là thứ “hữu danh, vô thực”. Tuy nhiên, bởi sự giàu có, thịnh vượng của quan chức gắn liền với những “cơ hội” mà nhờ các đặc quyền, đặc lợi do vị thế nghề nghiệp tạo nên, do vậy, cần phải tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho điều này để gắn chặt một cách hợp lý giữa nghĩa vụ và lợi ích. Quan chức có quyền làm giàu chính đáng, nhưng đồng thời cũng phải có nghĩa vụ với công việc, thẩm quyền được trao trọng trách để có được điều đó.
Nghĩa vụ ấy đến từ việc, quan chức phải đảm bảo, ở trong vị trí được đảm nhiệm, có được những sáng kiến, những giải pháp, những hành động và kết quả cụ thể của việc, làm được cái lợi chung cho thiên hạ để có được cái lợi riêng cho mình. Chọn nghề nghiệp quan chức này cũng chính là phải chọn một cái nghề mà mỗi con người trong đó, ở những vị trí lãnh đạo, không chỉ có vị kỷ vật chất của bản thân, mà còn phải có sự vị kỷ về tham vọng xã hội. Tham vọng xã hội đó, chính là muốn khẳng định được với những người khác về tầm vóc tư duy, năng lực lãnh đạo, khả năng quản lý và trình độ chuyên môn để có thể dẫn dắt xã hội đạt được những thành tựu mới, đạt được thịnh vượng. Đạo đức nghề nghiệp của người làm quan là dựa trên những hành lang pháp lý và môi trường thể chế mà có được những cách thức phù hợp đạt được những điều trên. Cũng đừng ảo tưởng về bất cứ hệ thống thể chế hoàn hảo nào cả, và cũng cần hiểu rằng mọi hệ thống thể chế là một tiến trình tiến hóa không ngừng, phải từng bước kiến tạo, hoàn thiện và cải cách không ngừng.
Khi quan chức lãnh đạo được xã hội tốt hơn, đạt được những thành tựu tốt hơn, đạt được sự thịnh vượng hơn, đương nhiên quan chức có quyền hưởng thụ những thành quả đó dưới cả dạng vật chất tương xứng và cả sự tôn vinh của xã hội. Trong một xã hội, còn hạn chế về nguồn lực nhiều mặt, hạn chế về chất lượng thể chế, hạn chế về chất lượng xã hội và trình độ dân trí còn nhiều bất cập, cần phải nhìn nhận tham nhũng ở một chiều kích tích cực hơn, không phải chỉ là chống, bởi càng chống nó càng kháng cự mãnh liệt hơn và xảo quyệt hơn, mà phải chuyển hóa nó:
+ Tham nhũng cần phải được hiểu, trước hết, là việc cố tình tạo ra những rào cản để trên đó, hình thành những đặc quyền, đặc lợi mà thu lợi cho đội ngũ quan chức, trong khi không làm cho xã hội thịnh vượng và phát triển hơn. Sẽ không là tham nhũng khi quan chức tìm cách tháo gỡ những bất cập, những hạn chế về thể chế để thông qua đó, giúp cho các hoạt động kinh tế – xã hội đạt kết quả tốt hơn, thịnh vượng hơn và nhận lại “phần thưởng” từ những nỗ lực đó một cách rõ ràng, cụ thể. Cũng đừng mặc định là làm quan chức thì phải làm việc đó, mặc dù đúng là như vậy, nhưng làm việc đó để đạt được một lợi ích cũng phải tương xứng và “phần thưởng” là cần thiết khi mức duy trì lợi ích hiện tại không đủ khuyến khích động lực phải nỗ lực để hoàn thành tốt điều đó.
+ Tham nhũng, đó là việc, các quan chức cố tình chiếm giữ những vị trí lãnh đạo mà không tạo ra được những thành tựu tốt hơn, những thịnh vượng và điều kiện hay nền tảng phát triển tốt hơn. Nắm giữ một vị trí lãnh đạo là nắm giữ một cơ hội, nắm giữ những đặc quyền, do vậy người quan chức lãnh đạo đó phải có nghĩa vụ làm cho mọi thứ tốt hơn để được hưởng những đặc quyền, đặc lợi từ đó. Tất nhiên, phải tạo ra những hành lang pháp lý rất rõ ràng để xác lập quyền và nghĩa vụ tương ứng, để mọi người tham gia cuộc chơi đều nắm được “luật chơi”.
+ Tham nhũng, đó là việc thao túng chính trị để tạo ra tình trạng mơ hồ cho sự phát triển xã hội. Người làm chính trị cần ý thức được về tính hệ thống của thể chế mà mình tham gia vào và đóng vai trò lãnh đạo trong những vị trí tương ứng của mình. Do vậy, cần tạo ra những hành lang phát triển một cách rõ ràng để các bên liên quan đều có thể tham gia cuộc chơi một cách công bằng. Chẳng hạn, chúng ta có quyền vận động chính sách, nhưng đó phải là một cuộc chơi cạnh tranh “sòng phẳng” giữa các bên, chứ không phải là một hình thức “miệng nói không được, nhưng thực tế là được”.