
Con người gặp nhau là cái duyên, hữu duyên tất thành sự. Nhưng nói gì đi nữa, cũng phải sống bằng những tấm chân tình thì mới có sự chân tình đối lại. Người ta có thể nói rất hay, nhưng chỉ có qua sóng gió, trải theo năm tháng, mới có thể thấy hết được bản chất, bản lĩnh của một con người để mà nói xứng hay không với một cái tầm, vị trí, vị thế và đẳng cấp nào đó. Suy nghĩ lớn, không phải là cứ ăn to nói lớn, khoác lác về những điều vĩ đại, tầm vĩ mô, kiểu như bàn chuyện trời đất, nói những đại ngôn. Suy nghĩ lớn là vượt tầm suy nghĩ khỏi những rào cản của cái có thể tưởng tượng được, có thể chạm đến được, cả những định kiến và nỗi sợ thường ngày.
Giống như Tôn Ngộ Không cân đẩu vân khỏi bàn tay của Phật tổ, chỉ khi suy nghĩ vượt khỏi được những ngón tay, rũ bỏ được “cái phải vượt qua” và định kiến về cái có thể và nỗi sợ thắng thua thì tự khắc sẽ cân đẩu vân khỏi bàn tay. “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” chính là ở khả năng con người ta có thể để cho trí tưởng tượng của mình vượt khỏi tất cả những chiều cạnh, những bờ của bàn tay mà đạt đến sự vô hạn.
Khi cái tầm suy nghĩ đã vượt khỏi những “cái hiện tồn” tự khắc sẽ trở nên to lớn, vĩ đại, những điều vĩ đại sẽ được nhìn thấy bởi bản chất, gốc rễ của nó, để rồi từ đó, cái cây sẽ được chăm bón nơi gốc rễ mà vươn cành rộng lớn, đơm hoa, kết trái. Bàn chuyện trời đất, thế sự, mà không đặt chân ở “đúng thế” thì sẽ thành dông dài, tào lao và “thầy bói xem voi”.
Do vậy, điều quan trọng nhất với một con người, thấy được bản chất nhờ ở cái tầm, biết được rõ mình muốn gì càng rõ ràng, càng cụ thể thì tầm cao của con người đấy càng cao lớn và bản chất càng thể hiện rõ ràng qua đó. Bản lĩnh đó là khả năng vượt qua những thách thức, giông bão và sóng gió để vươn lên thích ứng với thời thế mà vươn mình thành cây lớn.
Cũng chính khi nhận thức được điều này, chúng ta sẽ từ đó, thấy được cái cách mà chính mình tư duy. Lấy một chuyện mà cả tuần qua vật vã với nó, đó là tuyển dụng nhân sự. Có lẽ bởi được công thức hóa và được thông lệ hóa như một cách đơn giản hóa để lượng hóa và mô tả các vị trí tuyển dụng, cũng là kết quả của kỷ nguyên công nghiệp hóa, mô tả chi tiết công việc (job description) trở thành một thứ “thông điệp” tuyển dụng. Điều này là hợp lý trong một môi trường công nghiệp hóa, khi phân công lao động và “tính dây chuyền”, cho phép sự thay thế, lắp lẫn trở thành một thứ vượt khỏi “sản phẩm” đi vào các quy trình, tiến trình. Con người, chỉ đơn giản trở thành những “cấu phần” cho một “dây chuyền” nào đó mà người ta có thể mô tả hóa một cách chi tiết và tìm kiếm cấu phần phù hợp với chi phí hợp lý nhất. Nhưng trong kỷ nguyên số, khi mạng lưới trở thành nền tảng cấu trúc xã hội và platform trở thành kiến trúc định hình các tổ chức, sự thay thế mang tính lắp lẫn trở thành một thứ “lạc đề”.
Với những hạn chế mà thị trường đặt định như một thông lệ tạo thành hình mẫu (forming) cho thị trường lao động và hoạt động tuyển dụng lao động, con người ta trở thành những “vật” để “săn” (hunt) tìm, họ sàng lọc và chọn lựa những “vật” phù hợp nhất và so sánh chi phí để quyết định chọn “vật” nào. Có chăng thì kỹ năng và chất lượng của mỗi “vật” khác nhau, tạo nên những đẳng cấp khác nhau, đi cùng với sự khan hiếm đã làm cho một số “vật” nào đó trở nên “có giá”. Người lao động, thay vì phát huy được chính mình, kiến tạo giá trị tự thân, thì trở thành một “bầy cừu” và có những “con cừu xuất chúng” sống với một tiềm thức hướng đến sự tuân thủ và hợp khuôn như một tiêu chuẩn để tạo nên “giá trị”. Giới hạn của tất cả các giá trị là giới hạn giá trị mà thị trường có thể chi trả cho lao động tại mỗi thời điểm, trong mỗi không gian, và với từng cấp độ lao động.
Kỷ nguyên số đã định hình nên một phương thức mới, nơi đó mỗi con người là một nút (node) trên những mạng lưới và định hình (shaping) nên cái mình là (tự định hình chính JD của mình) và tìm cách kết nối hiệu quả với những mạng lưới mà mình là một cấu phần/thành phần/thành tố. Giá trị (cái trước đây được gọi là lương và thu thập bổ sung) được tạo ra sẽ không còn chỉ là những đặt định (chỉ mang tính deposit) mà là năng lực (competence) mặc định (default) mình như một vị thế trong chuỗi giá trị (value chain). Đạt được bao nhiêu là do ở khả năng của mỗi người khi tạo nên vị thế của nút (node) mà mình kiến tạo được trên mỗi mạng lưới. Càng trở thành một nút trục (main node) trên mạng lưới, giá trị và vị thế của bạn càng tăng lên.
Con người ta chỉ khi có năng lực chủ động và thích nghi hiệu quả, khi chính mình là mình như một giá trị mang tính kiến tạo chủ động, chứ không chỉ là những “vật” để “mua đi bán lại” trên thị trường lao động như một “món hàng được trả giá/mặc cả” mới đứng vững trước những thách thức của thời đại, mới không lo sợ những con ngáo ộp như AI (trí tuệ nhân tạo) hay hàng tá robot cũng như các loại công nghệ mang tính thay thế tương tự khác.
Trong môi trường làm việc của chúng tôi, điều này được thể hiện một cách rõ ràng, khốc liệt, na ná như trò chơi trong bộ phim “Con mực”. Điều bạn có thể có chỉ có thể có được bởi năng lực tưởng tượng của bạn, chỉ khi năng lực tưởng tượng vượt lên khỏi những cái tầm thường hàng ngày, tư duy được với những tầng tư duy trừu tượng, với những điều “không tưởng” hay được gọi là “thuyết âm mưu” bạn mới có thể chạm vào cánh cửa (chứ chưa nói đến bước vào) của những thế giới song song, vốn đang định hình thế giới chúng ta sinh sống thường ngày, để hiểu được rất nhiều điều, mà vốn không thể kiến giải được theo những cách của một “đời sống thông thường”. Cũng chỉ khi đó, bạn mới có đủ niềm tin, ý chí để kiên định theo đuổi những điều mà nó đặt cả vào đó sự sống còn, những hy sinh và thách thức, gian nan vô cùng khắc nghiệt. Nhưng, ngược lại, phần thưởng là rất lớn và có thể làm được những điều vô tiền khoáng hậu.
Tri thức và vốn trí thông minh (intellectual capital) [không phải vốn tri thức như nhiều người thường hiểu sai, vốn trí thông minh là tri thức + năng lực sử dụng tri thức cho một mục đích] trở thành nền tảng cho mỗi người trong công cuộc tìm kiếm vị thế (node) trên những mạng lưới. Ở đây cũng nhận thức một cách khá thú vị về bằng cấp, trong cái thế giới này, những “nhà khoa học” (scientists) về bản chất cũng chỉ là những “vật” hành nghề trong một ngành công nghiệp (industry) – ngành công nghiệp tri thức – với tạo tác là các sản phẩm tri thức. Ở thời trước đây, khi tri thức vẫn còn là một “vật hiếm” và một nguồn tài nguyên hạn chế, những nhà khoa học, nhà bác học có một vị thế xã hội cao, như một tầng lớp “tinh hoa” giữa một đám đông xã hội có học thức thập. Nhưng đến kỷ nguyên hiện nay, khi tri thức trở thành một thứ phổ cập, và số đông xã hội đều có học thức và còn có học thức cao thì việc nghiên cứu khoa học sa vào những “thành trì hình thức” để bảo vệ lãnh địa của mình qua những “tiêu chuẩn hình thức” để tạo ra tính khoa học cho những tạo tác tri thức. Sự vô dụng của những tạo tác này và tính hình thức của các tạo tạo tri thức này ngày càng tăng lên khi “ngành công nghiệp khoa học” ngày càng kết nạp đông đảo các thành viên của mình như một “cách thức kiếm tiền” hơn là tạo ra giá trị tri thức.
Tri thức và vốn trí thông minh (intellectual capital) do vậy, chỉ thực sự có giá trị khi nó đưa đến các giải pháp (trực tiếp hay gián tiếp) góp phần giải quyết được những “vấn đề” mà xã hội đặt ra. Đi cùng với sự phân ngành hẹp về các lĩnh vực tri thức được phân loại, tính liên ngành, xuyên ngành đang trở thành một xu hướng để “đào sâu” những ngành hẹp, cho phép sự thu hẹp các nghiên cứu trở nên khả thể, thậm chí đột phá, cho phép hình thành nên một phương thức phát triển/tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu [nhờ việc mở rộng độ hẹp theo những chiều kích mới]. Con người, do vậy, thay vì kinh nghiệm và kiến thức vốn có như những thứ đem ra để “trả giá/mặc cả” trên thị trường lao động, sẽ phải chuyển sang chứng minh bằng năng lực học tập, đổi mới, chuyển đổi và chuyển hóa tri thức. Điều này cũng góp phần định nghĩa lại cái gọi là “tài năng” (talent), những con người thực sự tài năng là những con người có khả năng thích nghi hiệu quả, tiến bộ không ngừng, linh hoạt và có năng lực thiết kế/kiến tạo.
Và cuối cùng, bạn là ai, chính là khi bạn có một chiến lược cuộc đời, chỉ ra được ý nghĩa cuộc đời, để từ đó trên đường đời muôn nẻo khấp khuỷu, ta như dòng nước, linh hoạt, chuyển hóa để rồi sẽ đến biển lớn (ý nghĩa cuộc đời).