Tham nhũng được hình thành từ một mạng lưới các quan hệ đan xen, kết nối, là một “mạng không nhện” và có tính tự tổ chức. Nhìn nhận tham nhũng từ góc độ tư duy mạng lưới này, sẽ cho phép chúng ta soi chiếu một cách thấu đáo hơn về tham nhũng, thấy được tính khả thi cũng bản chất của việc chống tham nhũng hiện tại như thế nào, và suy nghĩ rộng hơn về các giải pháp khả thể.

Từ góc nhìn của Albert-László Barabási, chúng ta sẽ cùng suy nghĩ về điều này, từ góc độ của tư duy mạng lưới và “mạng không nhện”. Tuy nhiên, vì giới hạn của status này, nên tôi sẽ chỉ đưa ra trích dẫn nội dung để mọi người tự ngẫm mà không thể chuyển hóa thành một bài phân tích đầy đủ được.
“Một trong số những điều tuyệt vời mà sự ra đời của ngành khoa học mới này mang lại chính là thứ ngôn ngữ mới nó tạo ra, cho phép chúng ta có thể chuyện trò về những ý tưởng, những vấn đề mà trước đây chúng ta phải cố gắng mô tả. Sự phục hưng của thuyết đồ thị đã mang lại điều này cho thế giới tương liên của ta. Những người kết nối xã hội, những ngôi sao lớn của Hollywood, và những loài chính của một hệ sinh thái đột nhiên trở thành những thể nghiệm của một thực tại duy nhất, tầm quan trọng của những đối tượng này trong môi trường của chúng có thể quy cho vai trò là những nút trục trong các mạng lưới tương ứng. Tư duy mạng lưới sẵn sàng bao trùm tất cả các lĩnh vực của con người và hầu hết là những ngành khoa học. Không chỉ là một quan điểm hay một công cụ hữu dụng khác, bản chất, các mạng lưới là những sợi chỉ thêu dệt lên những hệ phức tạp nhất, những nút, những liên kết ngấm sâu vào tất cả những chiến lược tiếp cận vũ trụ tương kết của chúng ta.
Sự phổ biến của ngôn ngữ mạng lưới thực sự bùng nổ sau sự kiện thương tâm ngày 11 tháng 09 năm 2001, các mạng lưới mang tầm ý nghĩa mới mà trước đây ta hoàn toàn xa lạ. Với thế giới quan mạng lưới, ta dần hiểu ra nguyên nhân dẫn đến những bi kịch này. Al-Qaeda – mạng lưới khủng bố gây ra các cuộc tấn công không được tạo nên trong một sớm một chiều. Do những niềm tin tôn giáo cộng với sự bất mãn với tình hình xã hội và chính trị hiện tại, trong nhiều năm qua, hàng ngàn người đã bị cuốn vào các tổ chức cực đoan. Mạng lưới đã mở rộng nhanh chóng, có tất cả những đặc điểm của một mạng lưới “không nhện”. Trên thực tế, al-Qaeda không trở thành một mạng lưới trục-và-nan-hoa, trong đó có một lãnh đạo trung tâm điều khiển mọi hoạt động của tổ chức. Nó cũng không có cấu trúc hình cây giống như quân đội và các công ty thế kỷ XX. Al-Qaeda đã phát triển thành một mạng lưới “không nhện” tự tổ chức, trong đó có một hệ thống các nút trục giữ vai trò duy trì tổ chức.
Sau sự kiện 11/9, Valdis Krebs – một tư vấn viên quản trị vốn thường dùng thuyết đồ thị để phân tích sự tương tác giữa các công ty, đã dựng lên một sơ đồ 19 không tặc trên bốn chiếc máy bay liên quan đến những vụ tấn công và 15 người bị chính quyền cáo buộc có liên kết với 19 người này. Krebs cẩn trọng điều tra những mối quan hệ đã được tiết lộ giữa 34 người, cân đo những mối liên kết dựa trên sự thân quen đã biết của các mối quan hệ. Mạng lưới thu được tiết lộ rõ cho những người quan tâm biết về hoạt động của nhóm người thực hiện những vụ tấn công, mang đến vài bất ngờ cho những người đã quen với hình dạng của những mạng lưới thực sự. Mohamed Atta – vốn bị tình nghi là quân sư của những vụ tấn công, thực chất là nút kết nối nhiều nhất. Tuy nhiên, anh ta chỉ kết nối trực tiếp với 16 trong số 23 nút. Sau đó là Marwan Al-Shehhi, nút được kết nối nhiều thứ hai, kết nối trực tiếp với 14 nút khác. Khi nhìn xuống phía dưới danh sách, ta sẽ bắt gặp rất nhiều nút có ít liên kết, như những người lính phụ của một tổ chức nguy hiểm.
Sơ đồ này thể hiện rằng, dù Atta giữ vai trò chủ chốt, việc loại bỏ Atta cũng không thể làm tê liệt tổ chức tội phạm. Những nút trục còn lại sẽ duy trì hệ thống, có thể vẫn tiến hành các vụ tấn công mà không cần sự có mặt của Atta. Nhiều người cho rằng cấu trúc tổ chức liên quan đến vụ tấn công 11/9 mang đặc điểm của toàn bộ tổ chức khủng bố. Nhờ topo tự tổ chức phân nhánh, al Qaeda phân bố li tán và có thể tự duy trì, kể cả việc loại bỏ đầu sỏ Osma bin Laden hay những kẻ cầm đầu thân cận cũng không thể xóa bỏ mối nguy mà chúng tạo ra. Đây là một mạng lưới không có kẻ cầm đầu, một “mạng không nhện”.
Những mối nguy hàng đầu thế giới hiện nay, từ tổ chức al Qaeda đến những tập đoàn buôn bán ma túy Columbia, đều không phải những tổ chức dạng tổ chức quân sự phân khu mà là những mạng lưới tự tổ chức, đi khắp nơi reo rắc sự kinh hoàng. Không hề có những dấu hiệu quen thuộc của trật tự, chúng ta thường gọi chúng là những “kẻ thù dị thường”. Nhưng như vậy, chúng ta lại một lần nữa đánh đồng sự phức tạp với tính ngẫu nhiên. Trong thực tế, mạng lưới khủng bố tuân theo những quy luật chặt chẽ, những quy luật quyết định topo, cấu trúc và khả năng vận hành của chúng. Chúng khai thác tất cả những lợi thế tự nhiên của những mạng lưới tự vận hành, bao gồm sự linh động và khả năng chống chịu những sự cố từ bên trong hệ thống. Có lẽ, kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta là sự thiếu hiểu biết trật tự mới này và ngôn ngữ hạn chế để diễn đạt chính những kinh nghiệm của chúng ta.
Chắc chắn, trận chiến chống lại al Qaeda có thể và sẽ giành chiến thắng bằng cách làm tê liệt mạng lưới khủng bố, có thể nhờ việc tiêu diệt các nút trục, đủ để đạt đến điểm tới hạn, khiến mạng lưới sụp đổ hoặc làm cạn kiệt nguồn lực của nó, khiến mạng lưới khủng bố xảy ra sự xếp tầng từ bên trong hệ thống. Tuy nhiên, al Qaeda sụp đổ cũng không đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến chống lại thế giới khủng bố. Các mạng lưới khác với phạm vi và hệ tư tưởng tương tự chắc chắn sẽ thay thế vị trí của nó. Bin Laden và những người thay thế ông ta không phải là những nhà phát minh ra mạng lưới khủng bố, họ chỉ mượn cơn thịnh nộ của những người Hồi giáo, khai thác các quy luật tự tổ chức để thực hiện các mục đích của họ. Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng thực sự, cách duy nhất là giải quyết các vấn đề gốc rễ thuộc về xã hội, kinh tế, và chính trị tiềm ẩn vốn là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của mạng lưới này. Chúng ta phải giúp loại bỏ nhu cầu hình thành liên kết với các tổ chức khủng bố của các nút bằng cách trao cho họ cơ hội thuộc về các mạng lưới có tính xây dựng cao hơn và có ý nghĩa hơn. Cho dù chúng ta có thể diệt trừ các tổ chức khủng bố, nhưng không thể diệt trừ những nhu cầu có thêm các liên kết – điều kiện tiên quyết để hình thành những mạng lưới tự tổ chức chết người này, cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố sẽ không bao giờ kết thúc.”