Trong bài báo dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nêu các Chỉ số chuyển dịch năng lượng (ETI) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, cùng với các phân tích, nhận định mức độ sẵn sàng cho chuyển dịch năng lượng của Việt Nam dưới góc nhìn chiến lược. Sau đó là một số nhận định về thách thức trong chuyển dịch năng lượng dưới góc độ quy hoạch phát triển. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.
I. Mở đầu:
Quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang có xu hướng tăng tốc nhanh trong giai đoạn vừa qua. Viễn cảnh các nước trên thế giới có thể được cấp điện toàn bộ từ các nguồn năng lượng tái tạo, hay các phương tiện giao thông, thay vì chạy xăng, dầu sẽ chạy bằng điện, hay các dạng năng lượng lưu trữ từ nguồn năng lượng tái tạo đang dần trở thành hiện thực trong những thập niên sắp tới.
Quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu sẽ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tạo ra một thế giới phát triển bền vững hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các thế hệ tương lai với không khí trong lành hơn, nước sạch hơn, sức khỏe của con người và điều kiện môi trường được nâng cao.
Một trong các công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng cho chuyển dịch năng lượng là Chỉ số chuyển dịch năng lượng (Energy Transition Index – ETI), được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF) tiến hành đánh giá theo phương pháp chỉ số tổng hợp có trọng số cho 120 quốc gia về hiệu quả hoạt động của hệ thống năng lượng hiện tại và mức độ sẵn sàng của môi trường thuận lợi của họ.
II. Chuyển dịch năng lượng dưới góc nhìn Chỉ số chuyển dịch năng lượng (ETI):
1. Phương pháp xây dựng ETI:
ETI là công cụ đươc WEF phát triển từ những năm 2015, dành cho những nhà hoạch định chính sách năng lượng nhằm đưa ra một chỉ số chung, tổng hợp để theo dõi hiệu quả của các hệ thống năng lượng ở cấp quốc gia. ETI cũng kết hợp các xem xét về kinh tế vĩ mô, thể chế, xã hội và địa chính trị để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả.
ETI là một chỉ số tổng hợp có trọng số chia làm 2 nhóm với tỷ trọng bằng nhau 50-50: Nhóm 1 “Hiệu quả hệ thống – System Performance” và nhóm 2 “Sẵn sàng chuyển dịch – Transition readness”. Cả 2 nhóm chỉ số này bao gồm 40 biến số bao trùm toàn bộ 3 khía cạnh:
– Tiếp cận năng lượng.
– Môi trường bền vững.
– Tăng trưởng kinh tế của nhóm “Hiệu quả hệ thống – System Performance”.
Và 5 khía cạnh của nhóm “Sẵn sàng chuyển dịch – Transition readness”, đó là:
– Chính sách và cam kết chính trị.
– Cơ sở hạ tầng.
– Giáo dục và nguồn nhân lực.
– Đổi mới sáng tạo.
– Tài chính và đầu tư.
2. Chỉ số chuyển dịch năng lượng của Việt Nam:
Chỉ số chuyển dịch năng lượng của Việt Nam cho năm 2024 được xếp thứ 32 trong tổng số 120 nước đưa vào hệ thống đánh giá, đánh dấu một sự tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Qua phân tích các khía cạnh của ETI của Việt Nam, chúng ta có thể thấy hai khía cạnh mà chúng ta làm tốt cho quá trình chuyển dịch năng lượng, đó là chỉ số “Bình đẳng” và “Chính sách và cam kết chính trị”. Còn 3 khía cạnh cần phải đẩy mạnh và chuẩn bị tốt hơn nữa cho việc chuyển dịch năng lượng, đó là “Phát triển bền vững”, “Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực”, và “Tinh thần đổi mới”. (Chi tiết các khía cạnh đánh giá này xem trong phụ lục ở cuối bài viết).
III. Chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam dưới góc độ quy hoạch:
Chuyển dịch năng lượng dưới góc nhìn quy hoạch hệ thống điện dưới đây sẽ được xem xét theo góc độ quy hoạch tổng thể một số yếu tố chính ảnh hưởng tới chuyển dịch năng lượng:
– Nhu cầu trong tương lai.
– Nguồn cung cấp nhiên liệu.
– Phát triển nguồn điện.
– Khung pháp lý của ngành năng lượng.
1. Nhu cầu trong tương lai – xem xét kỹ ảnh hưởng của giá, tiết kiệm năng lượng (TKNL) và điện khí hóa giao thông vận tải (GTVT):
Nhu cầu được dự báo trong Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) cho đến năm 2050 tăng trung bình 8.8% giai đoạn 2021-2030 và 4-4.7%/năm giai đoạn 2031-2050. Đây là một mức độ tăng trưởng rất cao và được dự báo theo phương pháp khoa học và chi tiết. Tuy nhiên, có 3 yếu tố cần được làm rõ trong dự báo nhu cầu và các kịch bản:
Thứ nhất: Yếu tố giá bán điện trong tương lai có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phụ tải, tiết kiệm điện, hệ số đàn hồi. Với giả thiết giá điện tăng bù đủ chi phí sản xuất và thúc đẩy mạnh mẽ các công cụ hỗ trợ TKNL, khả năng TKNL có thể lên đến 30% – cao hơn rất nhiều với con số dự kiến trong QHĐ VIII là 8-10%.
Thứ hai: Yếu tố điện khí hóa GTVT (EV): Với tốc độ điện hóa GTVT cao sẽ có ảnh hưởng lớn đến phụ tải cả về công suất lẫn điện năng. (Với một số giả thiết đến 2040, có thể ước tính ra được công suất cần riêng cho phương tiện GTVT có thể lên đến 50-80 GW, với điện năng tiêu thụ lên đến 40-50 tỷ kWh).
Thứ ba: Quản lý nhu cầu nguồn năng lượng phân tán. Khi các nguồn điện nhỏ (tự sản, tự tiêu) không bị ràng buộc hạn chế, được phát triển nhanh và nhiều trong tương lai, điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phụ tải và biểu đồ tiêu thụ.
2. Nguồn cung nhiên liệu (khí và hydrogen xanh) là 2 nguồn quan trọng nhất vào năm 2050:
Theo kịch bản phát triển trong QHĐ VIII, Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ than đá , cũng như nhiên liệu sang điện năng và các nguồn năng lượng phát thải thấp khác (xem hình dưới). Mức tiêu thụ khí đốt cũng được dự báo tăng trong trung và dài hạn. Đóng góp của nhiên liệu hydro và amoniac (nằm trong tổng thể năng lượng tái tạo) vào cơ cấu năng lượng được dự báo tăng trong tương lai để giúp Việt Nam thực hiện được cam kết phát thải ròng bằng 0 đến 2050.
Tỷ lệ khí đốt trong cơ cấu nhiên liệu và nguồn phát điện trong tương lai sẽ tăng từ khoảng 15,9% năm 2025 lên 26,7% vào năm 2030, nhưng sau đó được dự đoán sẽ giảm xuống còn 20,7% vào năm 2045. Xu hướng này thể hiện quan điểm của Việt Nam rằng: Khí tự nhiên được coi là một nhân tố ngắn hạn trong lộ trình chuyển dịch năng lượng. Mục tiêu dài hạn của chiến lược là xây dựng lộ trình để các nhà máy điện khí LNG chuyển đổi sang kết hợp hydro vào cơ cấu phát điện.
Trong bối cảnh khí tự nhiên đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với quá trình chuyển dịch năng lượng, dưới đây là các khuyến nghị được đề xuất cho chuyển dịch năng lượng của Việt Nam:
Thứ nhất: Cần phát triển hạ tầng LNG và khí đốt (đường ống, hệ thống lưu trữ…) sao cho phù hợp với quy hoạch điện quốc gia để đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định.
Thứ hai: Do Việt Nam sẽ có nhu cầu nhập khẩu LNG số lượng lớn, việc thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia có sẵn nguồn cung LNG đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát rủi ro về nguồn cung khí đốt.
Thứ ba: Việt Nam cần đặt ra các yêu cầu từ sớm trong giai đoạn thiết kế các dự án điện khí để tránh nguy cơ mắc kẹt tài sản trong tương lai và sẵn sàng cho phương án kết hợp với nhiên liệu hydro.
Ở giai đoạn chuyển dịch năng lượng, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải có Chiến lược Hydrogen xanh. Định hướng xây dựng Chiến lược Hydrogen xanh bao gồm: Xác định rõ vai trò của khí hydro trong ngành năng lượng Việt Nam, đảm bảo thực hiện hài hòa giữa phát triển năng lượng tái tạo và tiêu thụ khí hydro. Khí hydrogen có thể được coi là giải pháp tận dụng năng lượng tái tạo biến đổi một cách hiệu quả, đặc biệt khi nguồn cung dư thừa trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
3. Phát triển nguồn điện – 4 thách thức cho tương lai nguồn điện:
Xây dựng các kịch bản phát triển nguồn điện: Chương trình phát triển nguồn điện được chắt lọc qua nhiều phương án thay đổi các thông số đầu vào, bổ sung các yếu tố “tĩnh”, “mở” và “động” trong bài toán quy hoạch.
Quy hoạch điện đã đề xuất 3 kịch bản phát triển nguồn điện theo hướng chuyển đổi năng lượng: Kịch bản cơ sở, kịch bản cao và kịch bản rủi ro. Trong đó, kịch bản phụ tải cao và xét tới một số nguồn điện thường chậm tiến độ được cho là nhiều khả năng xảy ra. Kịch bản phụ tải cao được xét đến trong bối cảnh tương lai khi nhiều hộ tiêu thụ công nghiệp sẽ chuyển dịch theo hướng “điện khí hóa”, giảm tiêu thụ các loại năng lượng hóa thạch (xe điện, công nghiệp thép “xanh”…), cùng với sử dụng năng lượng ngày càng tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, yếu tố bất định về các giả thiết đưa ra chưa được phân tích kỹ. Cần có phân tích, so sánh kỹ hơn về tổng mức đầu tư, giá thành sản xuất của các kịch bản để có thể có cơ sở quyết định.
Để đảm bảo cho chuyển dịch năng lượng bền vững cho nguồn phát, theo các kịch bản của QHĐ VIII, bốn (4) vấn đề thách thức lớn cho tương lai phát triển nguồn điện của Việt Nam đã được nhận định như sau:
– Gia tăng phát triển năng lượng tái tạo cần phải được gắn kết phù hợp với giá thành sản xuất (LCOE) có tính đến chi phí hệ thống.
– Tích hợp quy hoạch tổng thể (Integrated Energy Planning).
– Quản lý năng lượng tái tạo biến đổi (VRE).
– Lưu trữ điện năng.
Vấn đề chính trong cách tiếp cận cực tiểu chi phí đối với quá trình chuyển dịch năng lượng là: Làm thế nào để xác lập được giá khi chi phí sản xuất điện thay đổi cùng với tốc độ giảm giá của các công nghệ khác nhau qua thời gian? Vì tính cạnh tranh của công nghệ, đặc biệt là năng lượng tái tạo, có thể thay đổi nhanh (theo hướng giảm) trong tương lai, nên quá trình xác lập LCOE cần được cập nhật liên tục để cho phép lựa chọn các công nghệ có giá thành thấp nhất. Một yếu tố quan trọng trong so sánh giá thành điện là tính đến chi phí ngoại biên do các tác động khác gây ra. (Ví dụ chi phí môi trường như phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, chi phí hệ thống – system costs).
Ngoài ra, có nhiều chiến lược để giải quyết vấn đề độ tin cậy của phát triển hệ thống điện:
– Phát triển dư công suất năng lượng tái tạo.
– Lưu trữ điện năng.
– Quản lý phụ tải.
– Mở rộng đường dây truyền tải để khai thác lợi thế địa lý.
Theo nhận định của một nghiên cứu gần đây cho Việt Nam (Tương lai ngành điện Việt Nam – Kinh nghiệm của Úc và đối chiếu với chuyển dịch năng lượng Việt Nam – 5/2023) cho thấy rằng: Ngay cả khi tính thêm chi phí để cân bằng hệ thống, năng lượng gió, mặt trời vẫn là loại hình phát điện mới rẻ nhất và vai trò rất quan trọng của lưu trữ (bao gồm cả thủy điện tích năng).
IV. Kết luận:
1. Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải các-bon trong dài hạn và trung hòa các-bon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, chiến lược này có thể đem lại cho Việt Nam một số hiệu quả về kinh tế, tài chính vượt trội so với một lộ trình các-bon cao, cải thiện chỉ số được xác định còn yếu cho chuyển dịch năng lượng.
2. Chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ với chiến lược hạn chế tối đa phát thải các-bon song song với xây dựng hạ tầng năng lượng sạch và tái tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu trung hoà về các-bon vào năm 2050.
3. Tháo gỡ các rào cản chính sách, tăng cường các nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ để thực hiện chiến lược giảm sâu phát thải các-bon.
4. Theo khuyến nghị quốc tế, các nước theo đuổi chiến lược phát triển các-bon thấp sẽ có cơ hội cao hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển nền kinh tế thịnh vượng mới trong thế kỷ 21. Nếu chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng mới được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn, toàn diện của đất nước.
5. Với một tiềm năng được đánh giá là khá tốt cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi hơn 450 GW, điện gió trên bờ hơn 210 GW, điện mặt trời 200-300 GW), triển vọng trong tương lại cho phát triển năng lượng tái tạo là rất lớn.
Theo các chuyên gia, năng lượng tái tạo tuy có tiềm năng lớn, nhưng muốn khai thác cần phải tăng cường sự hỗ trợ trong một thời gian nữa. Theo dự kiến kịch bản sơ bộ cho phát triển năng lượng tái tạo của QHĐ VIII, Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 160 tỷ kWh từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 và lên đến 260.000 MW vào năm 2050 (nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý). Đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng bền vững.
Và quan trọng hơn hết, sự phát triển này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050./.
TS. NGUYỄN ANH TUẤN B – HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM