Theo Tom’s Hardware, tại Diễn đàn Jeju lần thứ 47 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tổ chức mới đây, Chủ tịch SK Group Chey Tae-won đã đưa ra cảnh báo: Nếu các đối thủ như AMD hay ARM cung cấp chip chất lượng cao với giá thành rẻ hơn, mô hình kinh doanh của Nvidia có thể gặp nguy hiểm. Ông cũng ví von sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay giống như cơn sốt vàng tại California giữa thế kỷ 19.
Ông Chey dự đoán Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu, sẽ tiếp tục giữ vững vị thế trong top các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trong ba năm tới, tương tự như cách các nhà sản xuất cuốc xẻng và quần jean từng ăn nên làm ra trong thời kỳ đỉnh điểm của cơn sốt vàng.
Ông trích dẫn nhận định từ tờ Korea Times: “Khi vàng cạn kiệt, chẳng ai còn mua cuốc xẻng nữa”. Ông cho rằng nếu không tạo ra lợi nhuận, sự bùng nổ AI có thể tan biến như cơn sốt vàng năm nào.
Tháng trước, Nvidia đã vươn lên trở thành công ty giá trị nhất thế giới nhờ doanh số bán GPU trung tâm dữ liệu kỷ lục trong năm 2023. Mặc dù giá cổ phiếu đã có sự điều chỉnh, Nvidia vẫn giữ vững vị trí thứ ba trong danh sách các tập đoàn giá trị nhất toàn cầu. Với đà phát triển AI chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nvidia được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu trong thời gian tới.
Chi phí đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) AI thế hệ tiếp theo đang tăng theo cấp số nhân. Theo CEO Anthropic, Dario Amodei, chi phí đào tạo các mô hình AI hiện tại đã lên tới 1 tỷ USD, và con số này có thể lên tới 100 tỷ USD vào năm 2025. Goldman Sachs cũng bày tỏ lo ngại về chi phí khổng lồ này, cho rằng AI có thể đang bị thổi phồng quá mức và đặt câu hỏi về khả năng thu hồi vốn đầu tư.
AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng nếu không được ứng dụng để hướng tới lợi nhuận, cuộc đua AI có nguy cơ trở thành bong bóng vỡ tung. Khi đó, đầu tư vào phần cứng chuyên dụng cho AI sẽ giảm mạnh, kéo theo cả Nvidia.
Dù vậy, Nvidia không dễ dàng bị đánh bại. Trước khi AI ra đời, công ty đã có chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp game và các sản phẩm của họ vẫn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác.
Mối đe dọa thực sự đối với Nvidia đến từ các đối thủ cạnh tranh. AMD tuy sở hữu những GPU chất lượng nhưng vẫn còn thua kém về công nghệ siêu lấy mẫu, với FSR 3.0 bị đánh giá là kém xa DLSS 3.5. Tuy nhiên, AMD đang nhanh chóng cải thiện, trong khi Intel cũng đang dần khẳng định vị thế trên thị trường GPU với dòng sản phẩm Intel Arc và công nghệ siêu lấy mẫu XeSS.
Miễn là Nvidia tiếp tục cung cấp những sản phẩm có hiệu năng vượt trội, các cá nhân và tổ chức sẽ vẫn là khách hàng trung thành của họ. Tuy nhiên, các đối thủ không hề đứng yên. Với việc các ông lớn AI như Microsoft, Amazon, Google và OpenAI đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu phần cứng, có thể một ngày nào đó Nvidia sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tăng tốc AI.