
Vào đầu thế kỷ 20, cha đẻ của Thế vận hội hiện đại, Pierre de Coubertin, đã viết rằng cuộc thi này cần phải “không bị can thiệp bởi chính trị”. Tuy nhiên, các nhà vô địch thường khó có thể thoát khỏi các vấn đề thời sự. Thử xem ví dụ về vận động viên judo người Algeria, Fethi Nourine, người đã rút lui khỏi Thế vận hội Tokyo vào tháng 7 năm 2021 để tránh phải đối mặt với đối thủ người Israel của mình với lý do “anh ta ủng hộ phong trào đấu tranh của người Palestine”. Trong vòng hai tháng sau đó, Fethi Nourine và huấn luyện viên của anh đã bị Liên đoàn Judo Quốc tế đình chỉ (thi đấu) trong 10 năm.
Giống như các lệnh đình chỉ khác, Liên đoàn đã đưa ra quyết định dựa trên quy định gây tranh cãi 50.2 của Hiến chương Olympic:
“Không cho phép bất cứ hình thức thể hiện hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc nào ở bất kỳ khu vực thi đấu, địa điểm tổ chức hay nơi nào khác của Thế vận hội.”
Một vấn đề chia rẽ thế giới Olympic
Chỉ riêng câu trích bên trên đã gây chia rẽ sâu sắc trong thế giới Olympic kể từ khi Hiến chương được công bố vào tháng 7 năm 2020.
Mối lo ngại ngày càng dâng cao đến mức vào tháng 6 năm 2020, Ủy ban Vận động viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (International Olympic Committee Athletes’ Commission – IOC AC) đã tiến hành một cuộc tham vấn với hơn 3.500 vận động viên về Điều 50.2. Kết quả nghiên cứu do Publicis Sport & Entertainment thực hiện vào tháng 4 năm 2021 dường như ủng hộ quy định này, với 70% vận động viên cho rằng việc bày tỏ quan điểm của mình trên sân thi đấu và tại các buổi lễ chính thức là không phù hợp, và 67% cho rằng điều này cũng không phù hợp trên bục trao huy chương.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát khác hồi tháng 2 năm 2021 đã nêu bật “sự thiếu hiểu biết rõ ràng” về đoạn trích trên. Cuộc khảo sát nêu rằng:
“62% người được hỏi hoàn toàn hiểu rõ thuật ngữ ‘demonstration’ (sự thể hiện), nhưng số còn lại thì không. Thuật ngữ ‘propaganda’ (tuyên truyền) hoàn toàn rõ ràng với 70% số người được hỏi, nhưng lại mơ hồ với những người còn lại. 49% người được hỏi cho rằng thuật ngữ ‘protest’ (phản đối) là ‘không’ hoặc ‘hoàn toàn không’ rõ ràng.”
Điều này đặt ra câu hỏi liệu các vận động viên được phỏng vấn có đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định về quy định này hay không. Trong mọi trường hợp, IOC đã quyết định tuân theo các khuyến nghị của Ủy ban Vận động viên bằng cách nới lỏng quy định, đồng thời vẫn hạn chế việc biểu đạt của các vận động viên trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, từ các buổi lễ, bục trao huy chương cho đến khi hát quốc ca.
Những vụ phản đối đã đi vào lịch sử Olympic
Tại một số cuộc thi gần đây của Hoa Kỳ, các vận động viên, noi gương Colin Kaepernick, đã giơ nắm đấm hoặc quỳ gối trong lúc hát quốc ca để ủng hộ phong trào Black Lives Matter.
Những hành động phản kháng này gợi nhớ mãnh liệt đến chuyện John Carlos và Tommie Smith đã giơ cao nắm đấm đen trên bục vinh quang tại Thế vận hội 1968, để ủng hộ phong trào Black Power.
Mặc dù hai vận động viên này đã bị trục xuất khỏi Làng Olympic và bị cấm tham gia Thế vận hội suốt đời, hình ảnh của họ giờ đây đã trở thành một phần của lịch sử Olympic.
Giống như John Carlos và Tommie Smith, vận động viên người Ethiopa Felisa Lilesa, huy chương vàng Thế vận hội Rio năm 2016, khi cán đích đến cuộc đua marathon đã bắt chéo tay lên đầu để phản đối chính sách chống sắc tộc Orimo của chính quyền Ethiopa.

Blog Change Makers của Bảo tàng viện Thế vận hội vinh danh họ, bên cạnh những nhân vật chính trị nổi tiếng như Barack Obama hay Nelson Mandela … với điệp khúc:
“Nếu đời con người có thể trở nên phức tạp chỉ đơn giản là do giới tính, màu da, tôn giáo hay nguồn gốc của mình thì sự đa dạng của những vận động viên có mặt ở Thế vận hội vang dội như một quyền vì sự khác biệt. Tham gia Thế vận hội, dù không làm thay đổi thế giới vẫn có thể góp phần làm thế giới tiến hóa.”
Chủ nghĩa Olympic: một phong trào ý thức hệ?
Liệu những hành động này có trái với nguyên tắc trung lập về chính trị của Thế vận hội không? Cuộc tranh luận này nổi lên vào tháng 7 năm 2020, khi một nhóm gồm 150 học giả, vận động viên và chuyên gia thể thao đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi bãi bỏ quy định này:
When the sport community speaks out for social change, the world listens. Athletes, 150+ global experts, and leading sport and social change orgs joined #AmEndRule50 letter in support of athletes' right to protest at @Olympics & @Paralympics #Rule50 https://t.co/BY0ED7Iym3 pic.twitter.com/F1LwxmDlDE
— Muhammad Ali Center (@AliCenter) July 22, 2021
Hơn cả việc tranh cãi xung quanh Điều 50.2, chúng ta có lẽ nên tự hỏi liệu phong trào Olympic, kể từ khi được Pierre de Coubertin sáng lập, có tham gia vào hoạt động tuyên truyền bằng cách truyền tải tầm nhìn về một thế giới tốt đẹp hơn thông qua thể thao hay không. Từ tuyên truyền ở đây không mang hàm ý tiêu cực mà nó đề cập đến một lý tưởng thống nhất thì hơn, “ý tưởng Olympic vĩ đại”. Từ này thậm chí còn xuất hiện rành rành trong Bản tin của Ủy ban Olympic Quốc tế vào tháng 6 năm 1933:
“Cùng với nhà phục hưng của Thế vận hội, tất cả chúng ta đều tin tưởng và chắc chắn nghĩ rằng cuộc gặp gỡ hòa bình của mọi người trên sân thể thao sẽ gắn kết các quốc gia nhiều đến mức Thế vận hội dưới hình thức hiện đại sẽ trở thành một yếu tố tuyên truyền mạnh mẽ cho ý tưởng về hòa bình thế giới.”

Xét theo khía cạnh này, bài phát biểu của Chủ tịch IOC, Thomas Bach, tại lễ khai mạc Thế vận hội vào ngày 23 tháng 7 năm 2021, có thể xem như là “ý thức hệ chính trị” không? Bài phát biểu đưa ra viễn cảnh về thế giới và thể hiện một lý tưởng, đó là “cộng đồng Olympic”, đoàn kết xung quanh cùng một hệ thống niềm tin.
Tình đoàn kết được đặt lên hàng đầu và thể hiện bản chất của Chủ nghĩa Olympic. Sự đoàn kết này vượt ra khỏi các giá trị truyền thống của Chủ nghĩa Olympic về sự xuất sắc, tôn trọng và tình bằng hữu vì nó gồm cả việc công nhận tính nhân văn chung. Như Thomas Bach đã nhắc nhở chúng ta trong bài phát biểu của ông vào ngày 23 tháng 7 năm 2021:
“Đoàn kết có ý nghĩa rộng hơn là chỉ có tôn trọng hoặc không phân biệt đối xử. Đoàn kết là giúp đỡ, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau.”
Một tầm nhìn toàn diện
Đoàn kết đảm bảo sự thống nhất; từ “cùng nhau” lặp lại 10 lần trong bài phát biểu của Bach, và tính từ “thống nhất” xuất hiện 6 lần. Thomas Bach nhấn mạnh sức mạnh của sự thống nhất này, cho phép chúng ta vượt lên trên từng cá nhân riêng lẻ để hình thành một “cộng đồng thực sự”, “cộng đồng Olympic”.
Phong trào Olympic, như Pierre de Coubertin đã hình dung, tồn tại để phục vụ cho một thế giới tốt đẹp hơn, có đạo đức hơn và đượm tình anh em, như đã nêu trong Hiến chương Olympic năm 1958.
“Mục đích của phong trào Olympic là đề cao nỗ lực thể chất lẫn phẩm chất đạo đức trong giới trẻ, điều vốn là nền tảng của thể thao nghiệp dư, đồng thời, góp phần vào tình yêu và duy trì hòa bình giữa các dân tộc thông qua việc mời gọi các vận động viên trên toàn thế giới tham gia một cuộc thi đấu vô tư và hữu nghị bốn năm một lần.”
Sự đoàn kết và thống nhất này đã được tích hợp trọn vẹn vào phong trào Olympic 2021, nhờ vào cách diễn đạt mới trong lời tuyên thệ Olympic và việc thêm từ ‘Cùng nhau’ vào khẩu hiệu:
Việc tìm kiếm từ “cùng nhau” trong một bộ các văn bản thể chế như hiến chương, bộ luật và công ước có từ trước khi Thế vận hội (hiện đại) ra đời cho thấy sự gần gũi của “cùng nhau” với “đoàn kết”, cũng như với “đạo đức”, thể hiện rõ ràng mối liên kết mạnh mẽ của các giá trị này trong tinh thần thể thao.

Đoàn kết cũng là chìa khóa bảo đảm cho hòa bình trên thế giới, như Thomas Bach đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình. Quan hệ đối tác chặt chẽ giữa IOC và Liên hợp quốc đã tập hợp được, lần thứ hai trong lịch sử Thế vận hội, một Đội tuyển Người tị nạn Olympic. Đội tuyển này bao gồm 29 vận động viên là người tị nạn chính trị, “một nhóm người phi thường giúp truyền cảm hứng cho thế giới”, như Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi đã nói vào tháng 6 năm 2021:
“Còn sống sót sau chiến tranh, sự đàn áp và nỗi thống khổ của cuộc lưu vong đã biến họ trở thành những con người phi thường, nhưng chính việc họ giờ đây đang tỏa sáng trên đấu trường thể thao quốc tế càng khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào.”
Thomas Bach đã bày tỏ những tình cảm tương tự tại Rio de Janeiro vào năm 2016, khi đội tuyển cứu trợ người tị nạn lần đầu tiên được thành lập:
“Những người tị nạn này không có nhà, không có đội nhóm, không có quốc kỳ, không có quốc ca. Chúng tôi sẽ dành cho họ một ngôi nhà tại Làng Olympic cùng với các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. Sáng kiến này… là một tín hiệu gửi đến cộng đồng quốc tế rằng người tị nạn là con người và họ cũng làm giàu cho xã hội.”
Vì vậy, Thế vận hội không hề “phi chính trị” mà mang trong mình một hệ tư tưởng mạnh mẽ, được phản ánh trong Hiến chương và các văn bản chính thức của IOC.
Vậy khi nào thì Điều 50.2 sẽ biến mất khỏi Hiến chương Olympic để phản ánh tốt hơn tinh thần Olympic? Có lẽ Thế vận hội Paris 2024 sẽ đưa ra câu trả lời. Liệu chúng ta sẽ thấy việc quỳ gối bị kỷ luật, hay quy định gây tranh cãi này sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn.
Các tác giả
Giáo sư đại học về khoa học các ngôn ngữ, AGORA/IDHN, CY Cergy Paris Université
Giáo sư đại học về khoa học các ngôn ngữ, Đại học Toulon
Phó giáo sư đại học về ngôn ngữ học và các khoa học thông tin & Truyền thông, Đại học Limoges
Tuyên bố công khai
Các tác giả không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.
Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: Are the Olympic Games politically neutral?, The Conversation, Jul 25, 2024.