Lịch sử là gì nếu không phải là sàn diễn của con người trên sân khấu địa lý. Có con người, có khung cảnh tự nhiên tức là có lịch sử vậy.
Và “Trái đất chuyển mình: một lịch sử chưa kể về nhân loại” của Peter Frankopan là một trong những nỗ lực học thuật cập nhật và có hệ thống nhất trong nhiều thập kỷ qua nhằm tái định vị xã hội loài người trên một sân khấu như thế. Nó không chỉ kể một câu chuyện khác, đầy lôi cuốn về sự tiến hóa của nhân loại trong sự tương tác với tự nhiên mà còn giúp định giá lại khả năng, giới hạn của con người trong mối quan hệ với giới tự nhiên vốn đang đặt ra ngày càng nhiều thử thách cho giống loài.
Năm 1848, Karl Marx và Friedrich Engels tuyên bố “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”.1 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức con người hình dung về tiến hóa lịch sử thông qua lý thuyết hình thái kinh tế xã hội. Marx và Engels đã kế tục một di sản quan trọng của lịch sử tư tưởng và nhân văn ở châu Âu trong việc đặt con người và xã hội loài người ở trung tâm của các chuyển dịch thời đại trong đó có việc định vị mối quan hệ với tự nhiên, đặc biệt là triết học và khoa học thế kỷ XVIII.
Vào lúc 9h 40 phút ngày 1/11/1755, một trận động đất dữ dội đã gần như phá hủy toàn bộ thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha). Sóng thần và các đám cháy sau đó làm thiệt mạng từ 12.000 đến 50.000 người. Đây là một trong những thảm họa thiên tai lớn nhất trong lịch sử nhân loại đồng thời cũng là sự kiện làm thay đổi nhân loại. Nhà triết học Pháp Voltaire (1694 – 1778) đã phản ứng gay gắt và “chống lại” trận động đất này. Ông không “cam chịu” trước tự nhiên. Ông lên án việc diễn dịch thiên tai là ý của thần thánh và cho rằng mọi thứ phải do con người quyết định, kể cả mối quan hệ của con người với tự nhiên. Theo đó, con người không được lùi bước, nhân nhượng trước sức mạnh của tự nhiên và phải làm cho xã hội của mình tốt đẹp hơn bằng sức mạnh và trí tuệ của con người.
Trong gần ba trăm năm sau đó, lịch sử của nhân loại đã được dẫn dắt bởi các nhà tư tưởng như thế. Niềm tin của họ, được khoa học kỹ thuật hỗ trợ, đã truyền cảm hứng cho con người trên khắp thế giới: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”2.
Những nhân vật mới trên sân khấu lịch sử
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, tư duy về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên đã thay đổi với tốc độ nhanh chóng chưa từng thấy.
Từ một sinh vật không “quan trọng” ở vùng rừng châu Phi, con người đã vươn lên “chinh phục” và “làm chủ” giới tự nhiên.3 Phần lớn diễn trình xảy ra trong quá khứ ở tốc độ chậm, qua hàng triệu năm, nhưng giờ đây khoa học công nghệ, kỹ thuật, nền kinh tế hàng hóa và chủ nghĩa tiêu dùng đã tạo ra khả năng “hủy diệt hàng loạt” đối với hệ sinh thái và giới tự nhiên ở quy mô chưa từng có. Lần đầu tiên, bên cạnh các khái niệm khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng xã hội… con người phải đối mặt với “khủng hoảng sinh thái” (ecological crisis). Và đây là vấn đề sống còn đối với tương lai của giống loài.
Trong bối cảnh đó, Cuốn sách của Peter Frankopan là một trong những sản phẩm khoa học quan trọng nhất của quá trình nhận thức và tái nhận thức về tiến hóa xã hội của loài người trong mối liên hệ giữa con người với tự nhiên.4 Công trình này kể về những nhân vật “mới” trên sân khấu lịch sử mà đôi khi con người có cảm tưởng như chúng không tồn tại, không phải vì chúng vô hình mà bởi quá quen thuộc, đến mức con người mặc nhiên về tính “khách quan” của chúng đối với xã hội loài người: “Tự nhiên chỉ ở đó để quan sát loài người”.
Hệ quả của quá trình nhận thức này, như Frankopan phân tích, là phần lớn con người hiện đại có thể kể tên các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng, các anh hùng dân tộc, ngôi sao ca nhạc và thể thao, tên các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử và những vị tướng lừng danh, tên của những nền văn minh vĩ đại đã từng tồn tại hay những đền đài uy nghi,… nhưng ít ai có thể nêu tên một vài trận bão mang tính hủy diệt trong lịch sử, những đợt sóng thần giết chết hàng trăm nghìn người hay những trận dịch làm thay đổi lịch sử nhân loại. “Liên kết trở lại con người và lịch sử tự nhiên không chỉ là một công việc đáng làm; mà còn là nền tảng quan trọng để chúng ta hiểu thế giới quanh mình một cách đúng đắn” (Frankopan, bản tiếng Anh, tr, 10).
“Trái đất chuyển mình: một lịch sử chưa kể về nhân loại” vì thế góp phần khỏa lấp một khoảng trống lớn trong não trạng của nhân loại khi chúng ta tư duy về quá khứ. Đây là kết quả của nhiều nỗ lực học thuật quan trọng nhằm tìm cách tái định vị con người trong thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Mục tiêu của cuốn sách, như Frankopan đề cập, 1. Đưa khí hậu trở lại trong các câu chuyện về quá khứ như một cơ sở cốt yếu nhưng đã bị bỏ qua trong các lịch sử toàn cầu; 2. Trình bày câu chuyện về con người tác động đến giới tự nhiên trong một lịch sử dài hạn, “xem xét cách giống loài chúng ta khai thác, nhào nặn và uốn nắn môi trường theo ý chí của mình, cả mặt tốt và mặt xấu”; 3. Mở rộng góc nhìn về lịch sử nhân loại.
Với mục tiêu đó, Peter Frankopan kể một câu chuyện khác về số phận của xã hội loài người trong mối tương tác với tự nhiên. Trong đó, khung cảnh địa lý, khí hậu đã tham gia định hình quá trình tiến hóa của con người và xã hội loài người trong hàng triệu năm qua từ góc nhìn đại sử (big history), lịch sử toàn cầu (global history) và lịch sử dài hạn (La longue durée). Thông qua 24 chương, công trình gần 1000 trang (bản tiếng Anh) đề cập đến mọi giai đoạn phát triển của trái đất, con người, xã hội loài người. Song hành với đó là sự can dự của các nhân tố như khí hậu, đất đai, lũ lụt, động thực vật, núi lửa, khí hậu và biến đổi khí hậu… trong việc tạo ra các thăng trầm xã hội đó – điều mà cho đến nay chưa có một nghiên cứu có tính hệ thống và bao quát nào làm được.
Hướng tiếp cận lịch sử mới
Trên cơ sở đó, công trình này mở ra một hướng tiếp cận lịch sử mới vượt qua các khuôn khổ của nền sử học truyền thống. Tác giả sử dụng hệ thống dữ liệu cập nhật từ nhiều ngành khoa học, cung cấp cái nhìn đa diện và mới mẻ về các mô hình tương tác giữa con người với khung cảnh môi trường. Cuốn sách lập luận rằng biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết không phải là một hiện tượng mới lạ. Bản thân sự xuất hiện của con người một phần đến từ biến đổi khí hậu, rằng sự thay đổi môi trường tự nhiên, địa hình, thời tiết,… góp phần định hình nên quá trình tiến hóa của con người, định hình nên các xã hội, sức mạnh, tính dẻo dai, khả năng cạnh tranh của các xã hội, cũng như gây ra thất bại, tổn hại, và sụp đổ cho các nền văn minh. Điều này được tác giả đề cập từ các câu chuyện quá khứ cho đến dự báo về tương lai của Trái đất.
Nếu thời kỳ La Mã ấm (Roman Optimum, năm 100 TCN – 200) góp phần tạo ra Pax Romana (kỷ nguyên vàng của Hòa bình La Mã) thông qua sự thịnh vượng của các latifundia thì giai đoạn Tiểu băng hà nửa sau thế kỷ XVI, nhiệt độ suy giảm tác động đến hệ thống sản xuất lương thực, hệ quả là các đợt khủng hoảng chính trị, xã hội và chiến tranh toàn cầu. Nếu đế chế Mông Cổ được hưởng lợi từ các đợt khí hậu nóng ấm thì Angkor của người Khmer đã phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nửa cuối thế kỷ XIV. Cho tới ngày nay, nước biển dâng đang là nguy cơ hàng đầu đe dọa không gian sinh tồn của nhiều xã hội loài người. Mô hình máy tính cho thấy những vùng đất có 300 triệu người cư trú hiện nay sẽ bị ngập lụt ít nhất một lần một năm trước năm 2050. Thực tế có khoảng 1 tỉ người sống trên các vùng đất cao hơn đỉnh triều cường chưa đến 10m và 230 triệu người cư trú trên các vùng duyên hải cao chưa đến 1m so với mức triều cường.
Trước đây, người ta có thể đọc được các ví dụ như thế ở những công trình riêng lẻ hay các khảo cứu về một giai đoạn nhất định của xã hội loài người, nhưng có lẽ phải đến Frankopan thì bức tranh lịch sử về mối tương tác con người – tự nhiên mới thực sự trở nên đa diện. Đây là một trong những bức tranh toàn diện nhất của lịch sử loài người trong mối quan hệ với từ nhiên, từ sự biến đổi của khí hậu, môi trường đưa tới sự xuất hiện của giống loài ở vùng Đông Phi, từ vai trò của hoạt động tưới tiêu và điều tiết nước tạo ra các nền văn minh đầu tiên 5000 năm trước cho đến những biến đổi về nhiệt và độ ẩm quyết định số phận của các đến chế Trung Quốc trong hàng nghìn năm. Để có được điều đó là sự vận dụng hàng loạt phương pháp nghiên cứu mới để đưa lại hệ thống dữ liệu lịch sử phong phú. Các thông tin có thể đến từ khai thác sử liệu truyền thống.
Đặc biệt, các thông tin đến từ thành tựu mới nhất của sự phát triển học thuật cả về lý thuyết tiếp cận và sự hỗ trợ đắc lực của các ngành khoa học kỹ thuật. Nếu sử gia truyền thống chủ yếu khu biệt mình trong các thư viện phủ bụi và kho lưu trữ ố vàng, Peter Frankopan cung cấp một ví dụ về cách thức nhà sử học có thể mở rộng các đường biên tri thức bằng nhiều hệ thống dữ liệu. Các vòng sinh trưởng của cây phục dựng biểu đồ lượng mưa trong hàng thiên niên kỷ. Hóa thạch bào tử phấn hoa cho thấy thành phần, quy mô của hệ thực vật; dữ liệu di truyền giúp tìm ra dòng di cư của con người trong lịch sử… Những thông tin mới này là cực kỳ hữu ích và có xu thế ngày càng mở rộng. Chúng đã, đang và sẽ giúp mở ra những cánh cửa hoàn toàn mới để tiếp cận quá khứ.
Sự chuyển đổi này đánh dấu bước tiến quan trọng nhất trong tiếp cận nghề nghiệp của các sử gia từ khi con người phát minh ra văn tự cho đến ngày nay. Và điều đó đang mở ra một cuộc cách mạng của nghề viết lịch sử.
“Các nhà nghiên cứu lịch sử đang sống trong một thời kỳ có thể gọi là kỷ nguyên vàng nhờ sự xuất hiện của hàng loạt những bằng chứng mới và các dạng tài liệu mới giúp cải thiện việc tìm hiểu quá khứ. Học máy (machine learning), các mô hình máy tính và phân tích dữ liệu không chỉ đưa ra những lăng kính mới về các thời kỳ khác nhau trong lịch sử, mà còn phát hiện thêm rất nhiều thứ chưa từng được biết đến và trông thấy. Chẳng hạn, các mạng lưới làng mạc ở rừng mưa Amazon có niên đại từ cách đây nhiều thế kỷ và được thiết lập để mô phỏng vũ trụ đã được xác định nhờ công nghệ Phát hiện và Đo đạc bằng Ánh sáng (LIDAR). Những tiến bộ trong dữ liệu quang phổ cận hồng ngoại khả kiến/ hồng ngoại sóng ngắn trong phòng thí nghiệm với chi phí thấp cho phép thực hiện những công trình đột phá để tìm ra kết luận về thay đổi xã hội trong khung cảnh Mapungubwe nằm ở nơi hợp lưu của sông Shashi và Limpopo ở thế kỷ XII. Dữ liệu đồng vị từ các ngôi mộ chôn người và răng lợn ở vùng Papua New Guinea ngày nay giúp làm sáng tỏ không chỉ các mô hình định cư mà cả tỉ lệ thực phẩm từ biển mà con người sử dụng cách đây hơn 2.000 năm. Và công nghệ mới đã giúp xác định quá trình khoáng hóa của các loại hạt được bảo quản trong hố đựng chất thải và hầm phân ở Jerusalem thời kỳ Abbas, củng cố các giả thiết về sự khuếch tán về phía Tây của các loại cây trồng trong buổi đầu của Islam”. (bản tiếng Anh, tr. 7-8).
Về mặt phương pháp tiếp cận, công trình này không chỉ là một sự tổng hợp tri thức mà nó còn mở ra góc nhìn mang tính đột phá và hoàn toàn mới mẻ về phương thức con người và tự nhiên tương tác với nhau được phân tích từ nhiều chiều cạnh. Không đơn thuần dừng lại ở các đới khí hậu, sự phân bố của vật nuôi, cây trồng, lịch sử thuần hóa các loài động vật… cuốn sách của Frankopan tìm cách kết nối sự tiến hóa của đế chế, toàn cầu hóa, xu thế chính trị, tôn giáo, ngôn ngữ… với môi trường địa lý và thay đổi thời tiết, khí hậu. Các ví dụ được khảo sát rất đa dạng, từ sự sụp đổ của nền văn minh Moche ở Nam Mỹ gây ra bởi tác động tiêu cực của hiện tượng El Niño đến núi lửa phun trào ở Iceland tác động đến sự phát triển của Ai Cập và gây ra cuộc khủng hoảng cho đế chế Ottoman, đến sự trỗi dậy của người Vikings bắt nguồn từ các vụ mùa thất bát và sự thay đổi quyền lực của đế chế Islam ở Baghdad vào thế kỷ XI liên quan đến các hiện tượng thời tiết bất thường tác động tới hoạt động sản xuất bông vải. Hay sự gia tăng nhu cầu lương thực và tiêu dùng ở châu Âu thời sơ kỳ hiện đại, theo tác giả, đã thúc đẩy hoạt động buôn bán và trao đổi nô lệ từ châu Phi sang châu Mỹ. Quá trình phát triển nông nghiệp và thương mại này sau đó góp phần tạo ra các xã hội đông dân mà trên cơ sở đó bộ máy nhà nước và quản trị hành chính hiện đại nảy mầm. Như thế, đất đai, nông nghiệp, khí hậu, các giống cây mới… đã tương tác chặt chẽ với tính năng động xã hội, di dân, mô hình sản xuất kinh tế, các cuộc cách mạng chính trị… để đưa tới sự ra đời của thế giới hiện đại.
Những lịch sử lâu dài và gắn kết chặt chẽ giữa tự nhiên và chuyển biến xã hội như thế là cơ sở để chúng ta nhận thức mô hình phát triển của loài người. Con người không chỉ ứng phó với các vấn đề xã hội, thiết chế, tư tưởng… mà còn (và thực tế là) dành phần lớn thời gian và tâm sức để tương tác với tự nhiên nhằm duy trì và tổ chức cuộc sống và sự sinh tồn. Việc nhận thức được mối quan hệ giữa thay đổi điều kiện môi trường với các xã hội trong quá khứ vì thế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì tính chất dễ bị tổn thương của chúng ta, cả con người sinh học và con người xã hội. Ngay cả ở thế kỷ XXI, dịch bệnh đã làm thay đổi phương thức vận hành của các xã hội ở tầm mức toàn cầu.
Cân bằng với tự nhiên hay đối diện khủng hoảng?
Với ý nghĩa đó, việc khảo sát các mô hình tác động hai chiều giữa con người và khung cảnh tự nhiên trong dài hạn giúp tăng thêm các cách hiểu mới của chúng ta về chính cấu trúc và các thiết chế xã hội như triết học, tư tưởng, tôn giáo, thế giới quan… Một trong những mối bận tâm lớn nhất và cũng là ám ảnh lớn nhất của các hoàng đế Trung Quốc là thiên tai và hiện tượng thời tiết bất thường. Rất thường xuyên trong lịch sử, chúng là điểm khởi đầu của bạo loạn và khủng hoảng xã hội, thậm chí thay đổi vương triều.5 Trong khi đó dữ liệu về cuộc bức hại người Do Thái ở châu Âu rút ra từ gần 1000 thành phố trong khoảng 1.100 – 1.800 cho thấy suy giảm nhiệt độ trung bình 0.3oC trong mùa trồng trọt có liên quan đến sự gia tăng khả năng người Do Thái bị tấn trong trong khoảng năm năm sau đó.6 Tại Vardo – vùng duyên hải phía Bắc Na Uy có một đài tưởng niệm 91 người bị quy là phù thủy và thiêu sống trong giai đoạn 1598-1692. Nhà thờ và người cầm quyền ở châu Âu tìm cách đổ lỗi cho các thất bại quản trị của họ mà chủ yếu là gây ra bởi vụ thiên tai và tình trạng thời tiết cực đoan. Mỗi khi mùa màng thất bát, bệnh dịch, gia súc chết hàng loạt… số phận của con người, cá nhân và xã hội, bị đem ra thử thách. Khi một trận bão lớn tràn vào Vardo năm 1617 đánh chìm một hạm đội và giết chết 40 thủy thủ, chính quyền ở đây đã tra tấn những người bị cho là phù thủy để lấy lời thú tội. Sau đó, một phụ nữ Đan Mạch là Kirsti Sorensdatter, vợ của một thương nhân giàu có, đã bị thiêu chết cuối tháng 4/1621. Điều này chỉ là một trong nhiều cách thức các hiện tượng thời tiết cực đoan thúc đẩy bạo lực tôn giáo và hỗn loạn xã hội.7
Ở chiều hướng ngược lại, sự phát triển của loài người đã quay trở lại đặt dấu ấn lên sự biến đổi của thời tiết, khí hậu và địa hình trong một kỷ nguyên mà các nhà khoa học đặt tên là Kỷ Nhân sinh (Anthropocene Epoch). Không có giống loài nào tác động lên tự nhiên ở tầm mức như con người và các hệ quả của quá trình này đang dần lộ diện khắp nơi trên trái đất. Frankopan đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng khi các đế chế và nền văn minh trong quá khứ thất bại trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng với tự nhiên để phát triển bền vững, họ đã phải đối mặt với khủng hoảng và sụp đổ. Điều này đương nhiên là một cảnh báo đúng lúc cho chính nền văn minh hiện tại của nhân loại.
Cuối cùng, đã đến lúc con người nhìn lại lịch sử phát triển của mình và đánh giá lại quá trình đó để tìm kiếm những phương thức vận hành xã hội tốt hơn trong tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà những ý tưởng quan trọng nhất ba thập kỷ qua của giới học thuật đều liên quan đến việc định giá lại sự tiến hóa, thay đổi, chuyển dịch của lịch sử nhân loại. Benedict Anderson và Anthony D. Smith viết về chủ nghĩa dân tộc. Paul Kennedy viết về thăng trầm quyền lực trong quan hệ quốc tế năm thế kỷ qua. Alvin Toffler viết về các nền văn minh và sự tương tác giữa chúng. James Scott thảo luận về nhà nước và mối quan hệ giữa các xã hội nhà nước và phi nhà nước. Francis Fukuyama viết về lịch sử thiết chế chính trị và sự vận hành của quyền lực chính trị. Samuel Huntington, Jared Diamond, Niall Ferguson viết về thăng trầm của văn minh, tương tác văn minh và cạnh tranh văn minh. Robert D. Kaplan viết về mối quan hệ giữa quyền lực chính trị của các xã hội với địa lý. Yuval Noah Harari viết về cách thức con người vươn lên trở thành giống loài thống trị thế giới,…8
Cuốn sách của Peter Frankopan là một trong các nỗ lực học thuật tiếp theo như thế, tìm kiếm một cách hiểu mới về quá trình tương tác giữa con người với giới tự nhiên, mối quan hệ qua lại giữa hai bên trong một bức tranh rộng lớn và lâu dài của lịch sử, xuyên qua các thời đại, châu lục, nền văn minh và thể chế chính trị, văn hóa. Tác phẩm cuốn hút này đưa ra các viễn cảnh rộng lớn hơn về bức tranh tiến hóa của loài người và xã hội, đề xuất các mô hình tương tác có liên quan đến tự nhiên và giúp mở rộng giới hạn của lịch sử và các nghiên cứu lịch sử trong tương lai.
“Việc viết cuốn sách này đã dạy tôi nhiều bài học lớn về cách thức chúng ta quan niệm thế giới xung quanh mình. Nhưng đồng thời nó cũng giúp tôi nhận ra rằng nguyên nhân chúng ta đang ở một giao điểm nguy hiểm chính là hệ quả từ các xu hướng bắt rễ sâu xa từ quá khứ. Từ những tư liệu thành văn xa nhất, người ta đã lo lắng về sự tương tác giữa con người với tự nhiên và cảnh báo về những hiểm nguy của việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên và sự tàn phá lâu dài cho môi trường. Rất có thể giờ đây chúng ta đang ở bờ vực của việc trở thành nạn nhân của chính thành công của giống loài, và rằng các áp lực và sức ép mà hành vi của chúng ta đang gây ra cho hệ sinh thái đã đẩy chúng ta đến gần hoặc thậm chí đi qua giới hạn của những hệ quả thảm khốc” (Frankopan, bản tiếng Anh, 24).
Đây là công trình mà nhân loại cần phải đọc trước khi tiếp tục chặng hành trình tiếp theo.
Theo Vũ Đức Liêm, https://tiasang.com.vn/dien-dan/khung-hoang-sinh-thai-tai-dinh-vi-xa-hoi-loai-nguoi/