Các Mục tiêu Phát triển Bền vững chắc chắn vẫn là một giấc mơ phi thực tế. Chúng được các nước nghèo coi là “giúp các nước giàu hơn thanh lọc lương tâm khi họ kiên định cố gắng hợp pháp hóa các trật tự địa chính trị và tân tự do” vốn là nguyên nhân gây ra đau khổ cho họ.
Tính đến cuối tháng tám này, đã hơn một thập kỷ liên tục tôi tham dự các Hội thảo Quốc tế về các Vấn đề khẩn cấp của Hành tinh được tổ chức hằng năm tại Sicily, thành phố lịch sử Erice. Sau ba năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, hội thảo được tổ chức trở lại dưới sự chủ trì của giáo sư Antonino Zichichi, trong khuôn khổ Quỹ Ettore Majorana và Trung tâm Văn hóa Khoa học nhằm thúc đẩy một nền khoa học minh bạch, không biên giới. Trong 56 năm qua, Hội thảo đã đón tiếp hơn 132.000 nhà khoa học từ 140 quốc gia với các hội nghị, hội thảo, lớp học và seminar.
Năm nay, lần đầu tiên giáo sư Zichichi, nay đã 94 tuổi, không trực tiếp tham dự được và chúng tôi rất nhớ sự hiện diện của ông. Tuy nhiên, thay vào đó, ông vẫn chào đón chúng tôi bằng một đoạn video trong phần khai mạc hội thảo. Sự vắng mặt của ông và một số thành viên thân thiết là một sự thiếu hụt. Tuy nhiên, nhiều gương mặt mới cũng mang đến cho hội thảo lần thứ 55 những sự mới mẻ.
Các chủ đề được thảo luận lần này khá đa dạng về các mối đe dọa và thách thức của hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt:
– Vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí và sự chuyển giao an ninh toàn cầu, bao gồm các bài thuyết trình về tình hình ở ba khu vực: phương Tây, Trung Đông, Trung Á và Đông Á.
– Nguồn gốc của đại dịch COVID-19, với các bài thuyết trình thú vị, cung cấp nhiều thông tin cũng như giới thiệu về các biến thể của SARS-CoV-2.
– Thị trường dầu mỏ và quá trình chuyển đổi năng lượng, các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng dầu mỏ và những hạn chế đối với quá trình chuyển đổi năng lượng theo chính sách cắt giảm lượng khí nhà kính xuống gần 0 nhất có thể.
– Cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các vấn đề cụ thể về thu và trữ carbon và những điểm yếu của cơ sở hạ tầng nước.
– Những thách thức về an ninh mạng gắn với các cuộc khủng hoảng hiện nay, cùng với những lo ngại về tương lai và những thách thức của công nghệ thông tin.
– Tiến độ thiết kế và phát triển các lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ, sự tồn tại của chúng có vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng tương lai của Việt Nam.
– Ô nhiễm và khủng hoảng nước, bao gồm các báo cáo cập nhật về nguồn nước ngầm, hạn hán cũng như nghiên cứu thú vị về tác động của ô nhiễm nước do chì đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
– Các chất gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe trẻ em, bao gồm nghiên cứu về tác động của các hóa chất gây rối loạn nội tiết và chiến lược hóa học cho phát triển bền vững.
Vì người tham dự chủ yếu là các học giả, cố vấn và giám đốc điều hành từ các nước phát triển, chủ yếu từ phương Tây, nên các quan điểm được trình bày trong Hội thảo thường được nhìn từ một phía. Điều này minh họa rõ cho những khó khăn để có thể có nhận thức chung thống nhất trên toàn cầu về những vấn đề khẩn cấp mà thế giới đang phải đối mặt và những ưu tiên cần được giải quyết. Toàn cầu hóa và sự tiến bộ nhanh chóng của truyền thông đã khiến nhân loại chợt nhận ra sự bất công khủng khiếp đang thống trị thế giới trong nhiều thế kỷ qua. Tốt nhất bạn nên sinh ra ở Geneva hơn là ở Dhaka. Tôi e rằng, đây mới chính là tình trạng khẩn cấp của hành tinh mà chúng ta đang phải đối mặt. Nhưng sự mất cân đối về số lượng người có đặc quyền và bị thiệt thòi lớn đến mức dường như không dễ điều chỉnh được. Những xung đột bạo lực có thể sẽ phủ bóng đen lên tương lai của thế giới. Tất nhiên, những quan điểm bi quan như vậy có thể chẳng có ý nghĩa gì hơn là những lời lan man của một ông già và tôi hy vọng rằng chúng ta không cần phải để ý đến những lời như vậy… Nhưng tôi muốn dành bài viết này để nói về những cái nhìn đó, đôi lúc có một chút cực đoan, không gì có thể khiến tôi hạnh phúc hơn việc được chứng minh rằng những luận điểm của mình là sai.
Chúng ta hãy bắt đầu với một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất; quan niệm cho rằng dân chủ là vốn có của sự phát triển bền vững. Quả thực, những trang huy hoàng nhất của văn hóa phương Tây, từ Hy Lạp của Pericles đến Lumières, đã ủng hộ “giáo lý” rằng quản trị dân chủ không chỉ cần thiết để đạt được trạng thái phát triển bền vững mà còn là một phần của mục tiêu phát triển bền vững mà chúng ta đang theo đuổi. Người phương Tây coi đây là điều hiển nhiên và về nguyên tắc họ có lý do chính đáng cho niềm tin của mình. Tuy nhiên, gần đây, trên thực tế, dân chủ dường như rất mong manh trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi việc thao túng và tẩy não dân chúng trở nên dễ dàng hơn với các phương tiện truyền thông gần như là tức thời với độ bao phủ toàn cầu. Chủ nghĩa dân túy và sự trượt dốc của cánh hữu đã trở thành mối đe dọa đối với các chế độ tân tự do hiện đang thống trị châu Âu, nơi những ký ức về chủ nghĩa phát xít vẫn chưa hoàn toàn phai nhạt; Nhiệm kỳ Tổng thống của Trump ở Mỹ đã cho thấy nền dân chủ đã trở nên bất lực như thế nào trong việc ngăn chặn sự lừa dối để giành lấy quyền lực, Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng trở thành con rối của tổng thống như thế nào, Đảng Dân chủ đã bất lực như thế nào trong việc khôi phục một phần liêm chính chính trị. Tất nhiên, điều này không ảnh hưởng gì đến giá trị của lý tưởng dân chủ, nó chỉ cảnh báo rằng chúng ta có thể dễ dàng bị lừa gạt bởi sự hấp dẫn của nó. Hãy nghĩ đến Trung Quốc: chúng ta có tin rằng dân chủ hơn và ít độc tài hơn sẽ giúp Tập Cận Bình đưa đất nước này phát triển vượt bậc không? Dĩ nhiên là không. Trung Quốc vẫn còn là một đế quốc phong kiến vào đầu thế kỷ trước, kế hoạch Đại nhảy vọt chỉ mới cách đây 60 năm, Cách mạng Văn hóa mới kết thúc chưa đầy 50 năm và phải đến năm 1978, chính sách cải cách, mở cửa mới bắt đầu được thực hiện. Đây là một quốc gia đang trong quá trình phát triển nhanh chóng, có mức độ bất bình đẳng trong thu nhập, đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn. Trung Quốc không chỉ được coi là đối thủ cạnh tranh mà còn thường xuyên bị coi là kẻ thù của thế giới phương Tây. Để chèo lái nó vượt qua những thời điểm thử thách như vậy, cần một bàn tay mạnh mẽ, khả năng lãnh đạo, khả năng chịu đựng áp lực phi thường do dư luận xã hội gây ra để không thể lãng phí thời gian quý báu vào việc bịa ra những lý lẽ chỉ nhằm mục đích an ủi, tái bầu cử định kỳ. Những phát biểu như vậy của tôi sẽ bị người phương Tây coi là phạm thượng, tuy nhiên con đường phát triển của các nước không giống nhau và đối với nhiều nước đang phát triển, dân chủ thậm chí có thể là một trở ngại của phát triển ở những nước này.
Ví dụ thứ hai, chúng ta hãy xem xét quá trình loại bỏ carbon. Ở đây một lần nữa, hãy để tôi đặt mình vào vị trí của một người Trung Quốc. Tôi lắng nghe Antonio Gutteres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng “nhân loại đã mở cánh cổng dẫn đến địa ngục”, rằng “các hành động vì khí hậu đang bị bó buộc bởi quy mô của những thách thức”, rằng “nhiệm vụ của chúng ta tập trung vào các giải pháp khí hậu là hết sức cấp bách”, rằng “chúng ta đang hướng tới một thế giới nguy hiểm và bất ổn nếu không thay đổi”. Tôi nghe Greta Thunberg khua khoắng hình ảnh một chú gấu Bắc cực cô đơn, tội nghiệp bị lạc trên một tảng băng nhỏ đang tan chảy giữa biển cả và nói với chính những nhà lãnh đạo thế giới này rằng: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một cuộc tuyệt chủng hàng loạt: thế mà tất cả những gì các bạn có thể nói là tiền bạc và những câu chuyện cổ tích về tăng trưởng kinh tế vĩnh cửu, sao bạn dám?” Tôi quay sang các nhà khoa học về khí hậu, những người nghiên cứu về đại dương và khí quyển, và hỏi họ mức độ nghiêm trọng của những lời lẽ mang tính cảnh báo như vậy. Họ trả lời tôi, chắc chắn rằng nhiệt độ của Trái đất đang tăng lên và sự gia tăng đó phần lớn do lượng khí carbon trong khí quyển liên quan một phần đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, họ không thể dự đoán một cách định lượng, sự phụ thuộc chính xác theo thời gian của nhiệt độ vào tốc độ phát thải trong tương lai, trong nhiều thập kỷ, và tác động có thể của nó đối với cuộc sống con người. Tuy nhiên, dường như mực nước biển tiếp tục tăng trong nhiều năm là không thể tránh khỏi và các thành phố ven biển có độ cao thấp, như Thượng Hải, sẽ phải hứng chịu lũ lụt thảm khốc ngày càng nhiều. Do đó, thích ứng phải là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Vấn đề đó thực sự được Liên Hợp Quốc coi là ưu tiên hàng đầu của thế giới khi họ xác định 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2015. Nhưng những năm sau đó, các nhà bảo vệ môi trường và các nhà hoạt động xanh đã tuyên bố rằng loại bỏ carbon mới là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tuyên bố như vậy chưa được chứng minh và gây nhiều tranh cãi: nỗi sợ không thể kiểm soát được sự nóng lên toàn cầu và nhiệt độ có thể tăng hơn vài độ trong tương lai không xa dẫn đến việc lựa chọn phương án phòng ngừa là động lực chính cho lập luận của họ. Tất nhiên, tôi khen ngợi chính phủ của mình vì đã nhận thức được sự cần thiết của quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đối phó với tình trạng cạn kiệt nguồn than dự trữ và đã thực hiện những biện pháp quan trọng theo hướng này trong khoảng thời gian mà họ cho là hợp lý. Tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận thân thiện và mang tính xây dựng mà John Kerry đại diện của Mỹ, Vương Nghị và Giải Chấn Hoa đại diện cho Trung Quốc đã và đang tổ chức. Trong khi lượng khí carbon trên đầu người mà Trung Quốc thải ra chỉ bằng một nửa của người Mỹ, chưa kể, lượng khí thải của đất nước chúng tôi trước đây không đáng kể so với Mỹ. Trong việc này, Trung Quốc không có gì để học từ Mỹ, nước gần đây đã không hề xấu hổ tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch với công nghệ cắt thủy lực để khai thác dầu và khí đốt từ đá phiến; không có lý do gì để nghe những người phương Tây kiêu ngạo ra lệnh cho Trung Quốc giảm khí thải; Trung Quốc sẽ đốt trữ lượng than của mình cho đến khi cạn kiệt thì thôi.
Nếu đây là cách mà người Trung Quốc nhìn nhận về việc loại bỏ carbon, ta có thể dễ dàng hình dung người Việt Nam, với tỷ lệ phát thải bình quân đầu người chỉ bằng một nửa của người Trung Quốc, và người Ấn Độ, với tỉ lệ chỉ bằng nửa người Việt Nam, sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào. Nếu nhu cầu chuyển đổi năng lượng toàn cầu sang năng lượng tái tạo là rõ ràng, thì tính cấp thiết của nó ở một quốc gia cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng phát triển và khối lượng dự trữ nhiên liệu hóa thạch của quốc gia đó. Thật là viển vông khi mơ về những quy định thống nhất trên toàn cầu về việc này. Giờ đây, người ta thừa nhận rộng rãi rằng còn rất xa thế giới mới đạt được các mục tiêu của SDG, hầu hết các mục tiêu đó sẽ không thể nào đạt được vào năm 2030. Một số nhà phê bình cho rằng chúng vẫn “được củng cố bởi các quan niệm phát triển có ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại phương Tây: chủ quyền của con người đối với môi trường, chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh, tự do, tư lợi, niềm tin vào thị trường dẫn đến phúc lợi tập thể, tài sản tư nhân…” Những người khác lại cảnh báo rằng chúng “có thể được sử dụng để ngụy trang hoạt động kinh doanh thường lệ bằng cách cải trang nó sử dụng các biện pháp tu từ bền vững liên quan đến SDG; […] Chúng thậm chí có thể gây ra những tác động ngược, bằng cách tạo ra một màn sương mờ cho những hoạt động chính trị sôi nổi nhằm che lấp đi thực tế trì trệ, đi vào ngõ cụt và hoạt động kinh doanh như họ vẫn làm.” Gần đây, các kỹ thuật loại bỏ carbon, từ trồng cây đại trà đến các thiết bị thu khí trực tiếp công nghệ cao, đã được ủng hộ với tuyên bố rằng nếu chúng được triển khai đồng thời với việc giảm đốt nhiên liệu hóa thạch, chúng ta có thể nhanh chóng ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Thật không may, trên thực tế, một số ý tưởng về loại bỏ carbon được một số người cho là đã cấp phép cho một cách tiếp cận nguy hiểm “đốt trước, trả sau”, khiến lượng khí thải carbon tiếp tục tăng cao: họ nói, nó đã giúp duy trì niềm tin vào sự cứu rỗi của công nghệ và làm giảm mức độ cấp thiết về vấn đề hạn chế khí thải hiện nay. Bản Đánh giá về Khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố gần đây thừa nhận rằng “thế giới đang không đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”. Bản đánh giá cũng lưu ý rằng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn đang vượt nguồn lực dành cho các hoạt động vì khí hậu; các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi hạn hán, bão lụt và nước biển dâng, yêu cầu các quốc gia giàu hơn chịu trách nhiệm về mặt lịch sử đối với hầu hết lượng phát thải khí nhà kính; các quốc gia đang phát triển gần đây đã yêu cầu thành lập một quỹ mới nhằm bồi thường những tổn thất không thể khắc phục do nhiệt độ tăng cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Ví dụ thứ ba, hãy xem xét vai trò của năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng mà phát triển bền vững đòi hỏi. Xây dựng, bảo trì và vận hành các nhà máy điện hạt nhân là một nhiệm vụ đòi hỏi quản lý có trách nhiệm, tầm nhìn và cam kết dài hạn, nghiêm ngặt về trí tuệ và đạo đức, ý thức và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề an toàn, khả năng tránh xa những xáo trộn ngẫu nhiên và do xuống cấp có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của chúng. Đến nay đã gần bốn thập kỷ, điều hoàn toàn ngược lại đã xảy ra. Nguyên nhân chính là do áp lực từ thái độ và sự phi lý của công chúng, thiếu chín chắn về mặt khoa học và dễ bị thao túng, tẩy não. Những quyết định hỗn loạn đã được đưa ra; ở Ý theo cuộc trưng cầu dân ý năm 1987, tất cả các nhà máy hạt nhân đã đều bị đóng cửa vào năm 1990. Năm 2008, chính phủ thừa nhận rằng quyết định này là một “sai lầm khủng khiếp, chi phí lên tới hơn 50 tỷ Euro” và đề xuất xây dựng khoảng 10 lò phản ứng mới, với mục tiêu tăng tỷ lệ cung cấp điện hạt nhân lên khoảng 25% vào năm 2030. Đề xuất này đã bị từ chối bởi một cuộc trưng cầu dân ý năm 2011. Năm 2014, Pháp đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân xuống 50% vào năm 2025. Mục tiêu này đã bị trì hoãn vào năm 2019 đến năm 2035, trước khi quyết định từ bỏ năm 2023. Vào tháng 2/2022, Pháp công bố kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng mới và xem xét xây dựng thêm 8 lò phản ứng nữa. Tôi có thể dẫn thêm nhiều ví dụ, tất cả đều cho thấy áp lực phi lý và cảm tính của dư luận ảnh hưởng và chi phối chính sách điện hạt nhân ở các nước phát triển, gây lãng phí lớn về tài nguyên và những quyết định không đúng, thiếu mạch lạc ngăn cản việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này.
Tấm gương của Nhật Bản mang tính biểu tượng ở nhiều khía cạnh. Bất chấp ảnh hưởng của Hiroshima và Nagasaki, với số người chết lên tới trên 150.000 người, Nhật Bản đã áp dụng việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình vào giữa những năm 1970, với mục đích cung cấp một phần điện năng đáng kể cho đất nước. Việc xây dựng các nhà máy mới tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong suốt những năm 80 và đến những năm 90, trái ngược với hầu hết các nước, Nhật Bản không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự cố Chernobyl năm 1986. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa những năm 90 một số sự cố nhỏ và những vụ che đậy ở Nhật Bản đã xảy ra phần nào làm xói mòn nhận thức của công chúng về ngành này, dẫn đến các cuộc phản đối xây dựng các nhà máy mới. Giống như ở các quốc gia khác, nhận thức về mối nguy hiểm khi tiếp xúc với bức xạ đã bị phóng đại quá mức, tạo ra nỗi sợ phi lý. Thực tế là năng lượng hạt nhân an toàn hơn nhiều, với hệ số rất lớn, so với nhiên liệu hóa thạch đã bị công chúng toàn cầu bỏ qua. Sự tồn tại của bức xạ tự nhiên mà tất cả chúng ta đều tiếp xúc cũng vậy, ở mức xấp xỉ 3 mili Sievert mỗi năm, cao gấp ba lần so với liều chấp nhận được của mỗi cá nhân do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ấn định. Mặc dù tác động của bức xạ lên cơ thể con người đã được hiểu khá rõ, nhưng người ta vẫn cho rằng năng lượng hạt nhân và chất thải hạt nhân có nguy cơ cao, trong khi đó các nguồn phóng xạ khác, chẳng hạn như tia X y tế và khí radon tự nhiên, có mức độ rủi ro thấp hơn nhiều. Các chuyên gia thì có quan điểm hoàn toàn trái ngược với nhận định này.
Vào tháng 3/2011, sự cố Fukushima đã gây ra hậu quả vô cùng tai hại đối với nhận thức của công chúng toàn cầu về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Số người chết vì sóng thần lên đến gần 20.000 người, trong khi chết vì sự cố hạt nhân, chủ yếu do sự nóng chảy lõi lò phản ứng số 3, là bằng 0 nếu xem xét cái chết do chiếu xạ ngay lập tức, và một người chết nếu tính đến cái chết của một công nhân vì ung thư phổi do bức xạ bốn năm sau đó. Điều này bị phần lớn công chúng bỏ qua. Sau tai nạn, một số người đã thiệt mạng sau khi được sơ tán khỏi nhà của họ trong khu vực lân cận, nhưng không có trường hợp nào trong số này, (tổng số bằng khoảng 10% số người chết bởi sóng thần), được cho là liên quan đến phóng xạ. Những ca tử vong bao gồm bệnh nhân bệnh viện, người già tại các cơ sở điều dưỡng, nguyên nhân tử vong do hạ thân nhiệt, tình trạng bệnh lý trầm trọng và mất nước. Các nhà chức trách đã bị chỉ trích vì đã sơ tán quá nhiều người và đã tuyên bố không an toàn ở một khu vực quá rộng gây ra thiệt hại không cần thiết do đề phòng quá mức.
Gần đây, Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện Fukushima bị hỏng vào Thái Bình Dương. Bất chấp bằng chứng không thể chối cãi về sự an toàn của hoạt động này, nó đã kích hoạt một cuộc biểu tình, sự vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết của một phổ rộng người trong xã hội: Trung Quốc, nước mua hải sản lớn nhất từ Nhật Bản, đã bị thiệt hại về kinh tế đáng kể khi khi dừng tất cả các hoạt động nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản. Trung Quốc gọi việc xả nước này là một “hành động cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm” và nhận định rằng Nhật Bản đang “để lại vết thương cho các thế hệ tương lai”. Hầu hết người Hàn Quốc bày tỏ sự phản đối và những người biểu tình ở Seoul đã cố xông vào Đại sứ quán Nhật Bản. Các cuộc biểu tình với sự giận dữ cũng được tổ chức tại Hồng Kông và Tokyo. Những người theo chủ nghĩa hòa bình xanh kêu gọi giữ nước trong các bể chứa cho đến khi công nghệ xử lý tốt hơn được phát minh. Các cộng đồng dân cư ven biển và ngư dân ở Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng việc xả nước sẽ khiến người tiêu dùng lo lắng, tránh ăn hải sản từ khu vực này và công chúng Nhật Bản bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này, chỉ một nửa số người dân ủng hộ việc xả nước.
Những biểu hiện thiếu chín chắn như vậy thật khiến tôi vô cùng nản lòng; chúng cho thấy rằng nhân loại vẫn còn rất xa mới có thể quản lý các nhà máy điện hạt nhân một cách có trách nhiệm và tác động của áp lực do phong trào chống hạt nhân phi lý gây ra có thể sẽ tiếp tục ngăn cản sự tiến bộ của lĩnh vực này trong nhiều năm ở các nước dân chủ, như đã và đang xảy ra trong bốn thập kỷ qua. Ngược lại, ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi hoạt động chống hạt nhân phần lớn bị đàn áp, các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân đã được thực thi ở mức được IAEA coi là rất thỏa đáng. Tình trạng khác biệt như vậy gây khó khăn cho việc xác định ưu tiên toàn cầu làm cho năng lượng hạt nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng mà hành tinh đang kêu gọi.
Ví dụ thứ tư, chúng ta có thể xem xét là vấn đề chăm sóc sức khỏe. Nhiều cải thiện trong sức khỏe con người đã được thực hiện trong những năm gần đây. Rõ ràng, đây là mục tiêu mà SDG đạt được nhiều tiến bộ nhất. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng lớn giữa các nước nghèo và nước giàu khiến cho những nước này khó có thể đạt được quan điểm chung về các ưu tiên. Giải quyết sự bất bình đẳng là điều kiện quan trọng để tiến bộ. Bất bình đẳng là thách thức cơ bản đối với bảo hiểm y tế toàn dân, lớn hơn với những người giàu hơn, có trình độ học vấn cao hơn và ở khu vực thành thị, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp. Tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế là rất quan trọng để bảo vệ các nhóm dân cư và cá nhân dễ bị tổn thương, sống ở những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao. Tiến bộ chưa đạt được đầy đủ ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ. Trên toàn cầu, năm 2020 có khoảng 800 phụ nữ tử vong mỗi ngày do mang thai hoặc sinh con. Gần 400 triệu người bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2019 do thiếu tiền cho sức khỏe. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã khiến số lượng tiêm chủng ở trẻ em sụt giảm lớn nhất trong ba thập kỷ, khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa được. Số ca tử vong do bệnh lao và sốt rét đã tăng lên rất nhiều so với trước đại dịch.
Trong bối cảnh như vậy, để minh họa sự chênh lệch và thách thức mà chăm sóc sức khỏe đặt ra đối với tiến trình toàn cầu hướng tới một sức khỏe tốt hơn, hãy so sánh hai trường hợp cực đoan: Nhật Bản và Nigeria. Hai nước có dân số lần lượt là 127 và 203 triệu người và tổng thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người lần lượt là 39,3 và 2,1 nghìn đô la. Tỷ lệ GDP đầu tư vào chăm sóc sức khỏe là 11% với Nhật Bản và 3% với Nigeria. Tỷ lệ bác sĩ y khoa trên 10.000 bệnh nhân là 26 ở Nhật Bản và 1,2 ở Nigeria. Tháp tuổi rất khác nhau với độ tuổi trung bình là 49 tuổi ở Nhật Bản và 17 tuổi ở Nigeria. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trên một nghìn ca là 1,6 ở Nhật Bản và 56 ở Nigeria. Nhìn từ quan điểm toàn cầu, tình trạng khẩn cấp của hành tinh rõ ràng ngụ ý việc chuyển các nguồn lực lớn từ Nhật Bản sang Nigeria nhằm khôi phục phần nào công lý và bình đẳng giữa hai quốc gia. Thậm chí khi bạn cho rằng cái chết của một đứa trẻ sơ sinh có nghĩa là mất đi nhiều chục năm cuộc đời trong khi cái chết của một người lớn tuổi chỉ có nghĩa là một vài năm. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này rõ ràng là không thể thực hiện được trong thế giới chúng ta đang sống, nơi quyền lực nằm trong tay mỗi quốc gia. Khôi phục sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới trong khoảng thời gian vài thập kỷ là một giấc mơ xa vời.
Ví dụ cuối cùng, một số người cho rằng những đổi mới công nghệ trong tương lai sẽ mở đường cho sự phát triển bền vững toàn cầu. Đổi mới công nghệ nhằm mục đích thúc đẩy sử dụng hydro trong quá trình chuyển đổi năng lượng, thu hồi và lưu trữ carbon, chuyển đổi kỹ thuật số và nhiều ý tưởng khác, mà nhìn từ Việt Nam, dường như đó là những điều đến từ một thế giới khác với thế giới chúng ta đang sống. Tôi đã quá già để có thể bị hấp dẫn bởi những chiếc xe không người lái hay bởi Elon Musk với mong muốn thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên sao Hỏa, để loài người không còn chỉ tồn tại trên hành tinh duy nhất có thể sống được của mình. Tôi đã quá già để cảm thấy lo lắng về vụ nổ của Titan, trên hành trình khám phá xác tàu Titanic, đã khiến 5 người tử vong, hay bốn ngày trước đó, Messenia, một tàu đánh cá rỉ sét và quá tải, đã bị chìm khi đang chở khoảng 400 đến 750 người di cư, trong đó chỉ có 100 người được cứu thoát. Công chúng và giới truyền thông ít chú ý đến vụ chìm tàu sau so với vụ trước. Sự tương phản của hai vụ đắm tàu cho ta một minh họa rõ ràng về sự tương phản giữa công nghệ do các nước phát triển giàu có đưa ra và những công nghệ mà các nước nghèo, đang phát triển cần. Trong nghiên cứu của mình, tôi đã dành nhiều thời gian và công sức để “thuần hóa” máy tính, chúng là những người bạn đồng hành rất quen thuộc; Tôi biết rõ về chúng và có một điều rõ ràng chúng không thông minh. Chúng chỉ là những công cụ và giống như bất kỳ công cụ nào khác, chúng có thể được sử dụng tốt hoặc xấu. Thật không may, con người hiện nay tán dương những ưu điểm của Trí tuệ Nhân tạo thường rơi vào loại thứ hai. Tôi hiểu rằng sự đổi mới nói chung và công nghệ mới nói riêng phải được các nước đang phát triển quan tâm, rằng những sinh viên xuất sắc hơn phải được khuyến khích làm quen với chúng. Nhưng điều này hàm ý phải có sự lựa chọn cẩn thận những thứ phù hợp nhất với nhu cầu của đất nước và việc quảng bá chúng thường nói dễ hơn làm. Tôi nhớ mình đã cố gắng thuyết phục người đứng đầu một viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đào tạo một nhóm nhỏ các kỹ sư trẻ sáng giá về vi điện tử và thiết kế, sản xuất mạch tích hợp. Tôi tin chắc rằng đây là một dự án thực tế với xác suất thành công lớn và tỷ lệ đầu tư đầy hứa hẹn. Nhưng tôi đã không thành công.
169 mục tiêu của SDG, 72 vấn đề khẩn cấp của hành tinh với 15 cấp độ khác nhau được xác định từ các hội thảo Erice, dù được nhìn nhận khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới nhưng đều hướng dến việc khôi phục lại phần nào công lý trên hành tinh với ngụ ý rằng các quốc gia có nhiều đặc quyền hơn phải đóng góp nhiều hơn cho những quốc gia có hoàn cảnh khó khăn hơn. Nhưng làm sao điều này có thể xảy ra trong một thế giới được cai trị bởi các quốc gia đấu tranh chủ yếu vì lợi ích của chính mình? Trích dẫn từ một bài báo được xuất bản gần đây trên tạp chí Dân chủ và Xã hội của M. Davies-Venn, “Trẻ em nghèo tiếp tục chết vì đói, bệnh tật, và các điều kiện xã hội vốn đã vắng bóng từ lâu ở các nước giàu hơn vẫn tiếp tục gây họa và tàn phá những sinh mạng vô tội ở các nước nghèo hơn. Trong số 25 quốc gia được cho là đã giảm được một nửa tỷ lệ nghèo gần đây, không có quốc gia nào ở châu Phi, trong khi 1,1 tỷ người vẫn còn nghèo. Tuy nhiên, mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo không bị mất đi trong suy nghĩ của những nhà kinh tế và chính trị gia bảo thủ nhất”.
SDG chắc chắn vẫn là một giấc mơ phi thực tế. Chúng được các nước nghèo coi là “giúp các nước giàu hơn thanh lọc lương tâm khi họ kiên định cố gắng hợp pháp hóa các trật tự địa chính trị và tân tự do” vốn là nguyên nhân gây ra đau khổ cho họ. Một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ quan trọng, có trước SDG, là “xóa đói nghèo cùng cực” từ năm 1990 đến năm 2015. Một thập kỷ sau, SDG đặt mục tiêu hàng đầu thực hiện điều tương tự, trong khi hàng trăm triệu người vẫn nghèo. □
Nguyễn Dung dịch
Tác giả: Pierre Darriulat, https://tiasang.com.vn/dien-dan/phat-trien-ben-vung-mot-tuong-lai-phi-thuc/