Nghị quyết 52-NQ/TW [1] của Bộ Chính trị đã xác định rõ tầm nhìn cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định: 1) Việt Nam là Trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; 2) Năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại. trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Trước hết, để nhìn thấy được cơ sở nào cho việc Việt Nam có thể trở thành một “trung tâm” và có thể “dẫn đầu khu vực châu Á”, chúng ta cần phải đứng từ quan điểm về vị trí địa chiến lược-chính trị-kinh tế của Việt Nam trong tương quan khu vực, toàn cầu và xu thế của trật tự quốc tế mới hiện nay. Xét về mặt địa chiến lược-chính trị-kinh tế, Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, với tư cách là một đầu mối trung chuyển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là điểm tiếp nối quan trọng giữa Biển Đông nối dài ra Thái Bình Dương với lục địa Á – Âu, là trung tâm của trục Nam – Bắc của vành đai kinh tế mới Đông Thái Bình Dương của thế giới.
Chính bởi vị trí địa chiến lược-chính trị-kinh tế này, việc trở thành một Trung tâm giao dịch, kết nối và trung chuyển của khu vực và toàn cầu sẽ cho phép Việt Nam có một vị thế phát triển mới, đạt đến một tầm cao hơn về phát triển, trong đó, sự chuyển dịch chiến lược phát triển từ các ngành thâm dụng tài nguyên, sang thâm dụng lao động và hướng tới là thâm dụng vốn và công nghệ, là một tiến trình tất yếu cho việc tiến tới vị thế mới này.
Một chiến lược chuyển đổi cấu trúc nền kinh sẽ có ý nghĩa quan trọng cho việc đạt được tới vị thế mới này. Sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, do vậy sẽ đi từ một định hướng chiến lược hướng tới các chỉ tiêu về sản lượng (GDP và các chỉ tiêu tương ứng) trong đó huy động các nguồn lực tạo sức mạnh về sản xuất theo chiều rộng; chuyển hướng sang định hướng chiến lược hướng tới các chỉ tiêu về giá trị (năng suất lao động) trong đó huy động các cách thức vận hành hiệu quả nhằm nâng cao năng suất lao động và giá trị tạo thành từ lao động; và hướng tới định hướng chiến lược hướng tới đặt tầm ảnh hưởng quốc gia làm trọng tâm (sức mạnh tổng hợp quốc gia) trong đó thay đổi cấu trúc vận hành và cấu trúc cấu thành năng lực quốc gia là nền tảng.
Thứ hai, để đạt được năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại. trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, như đã phân tích ở Chương 2 và Chương 6, tiến trình Chuyển đổi số đưa đến một hệ quả quan trọng, đó là sự gia tốc mạnh mẽ của năng suất thông qua: 1) Sự hỗ trợ tối đa của các công nghệ và dữ liệu số; 2) Sự chuyển đổi của mô hình tổ chức; và 3) Sự thay đổi cấu trúc và bản chất của các hoạt động kinh tế. Sự gia tăng hiệu của các hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu số, do vậy, tạo nên một sự đột phá sáng tạo trong việc đưa ra các cách thức gia tăng năng suất và tạo nên những giá trị mới, đồng thời giúp cho kinh tế số trở thành một thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Có thể thấy, tiến trình Chuyển đổi số chính là một bước chuyển đổi quan trọng góp phần thực hiện được tầm nhìn này. Và việc thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn hiện nay có một ý nghĩa chiến lược trong việc góp phần đưa Việt Nam đạt được những vị thế phát triển trên một tầm cao mới, nắm bắt được những cơ hội về mặt địa chiến lượcchính trị-kinh tế, đồng thời góp phần chủ động và tham gia có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên cơ sở đó, cần định hướng hành động cho Việt Nam bằng việc cần tự chủ trong việc kiến tạo một chiến lược chuyển đổi, lấy chuyển đổi số làm tiên phong và trọng tâm, là nền tảng quan trọng cho định hướng hành động. Tập hợp được một đội ngũ tiên phong là giải pháp cho việc hoạch định và triển khai chiến lược khả thi trong bối cảnh hiện tại. Và coi trọng đúng tầm mức của lý luận và phương pháp luận trong việc đặt nền móng cho các hành động chiến lược là yêu cầu quyết định cho việc có được một định hướng hành động có tính chiến lược và hợp lý.
Chúng ta cần có chiến lược để định hướng hành động, từ chiến lược mới vạch ra các giải pháp, và từ các giải pháp mới hình thành nên các kế hoạch hành động cụ thể. Đó là một điều không mới, nhưng lại là một điều không thành thông lệ trong các hoạt động và sự vận hành tại các tổ chức hiện tại ở Việt Nam. Các chiến lược thường được hiểu và trở thành các giải pháp và các kế hoạch hành động cụ thể, thay vì được làm đúng như nó là: một hệ đồ giúp cân đối các nguồn lực, hệ thống hóa các giải pháp và các thành phần thành trong hệ thống tổng thể, và hình thành một hệ tư tưởng chỉ đạo suy nghĩ và hành động của toàn bộ các thành viên trong tổng thể và chính bản thân tổng thể. Đồng thời, nâng tầm hiểu biết về khu vực và quốc tế trở thành các “giá trị đầu vào” cụ thể cho các tổ chức/doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu cho sự hội nhập hiệu quả, hội nhập sâu và hội nhập mang tính kết cấu vào nền kinh tế khu vực và thế giới như một mạng lưới phát triển, chung vận mệnh và có tính tương tác cao.