Sáng ngày 22/10/2024, hội thảo “Chuyển đổi số – Xu thế tất yếu và cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp” đã diễn ra tại tỉnh Yên Bái với sự tham gia của ông Lê Trí Hà – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, bà Bùi Thu Thuỷ – Phó Cục trưởng cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Nhật Tân – Bí thư Đảng uỷ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái, bà Bùi Thị Sửu – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Yên Bái, ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số, Lãnh đạo các Sở, cùng hơn 200 đại diện doanh nghiệp tỉnh Yên Bái.
Khai mạc sự kiện, ông Lê Trí Hà – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, Phó trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái nhấn mạnh chuyển đổi số là nhân tố quyết định cho sự lâu dài bền vững. Đặc biệt là trong thời đại hiện nay, việc chuyển đổi số sẽ không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh, mà còn tạo nhiều cơ hội mới kết nối giao thương trong và ngoài nước. Ông Hà cũng chia sẻ thêm tỉnh Yên Bái luôn nỗ lực triển khai xây dựng chính sách và đồng hành cùng các doanh nghiệp tỉnh trong tiến trình Chuyển đổi số.
“Bài toán Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp vẫn còn xa vời” – Bà Bùi Thu Thuỷ – Phó Cục trưởng cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo. Các doanh nghiệp chưa tiếp cận thông tin về giải pháp Chuyển đổi số, chưa nhận thức rõ được sự cần thiết của Chuyển đổi số, nguồn lực tài chính…Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc làm chậm quá trình ứng dụng Chuyển đổi số tại doanh nghiệp nói chung – bà Bùi Thu Thủy nhận định.
Đại diện Viện Chiến lược Chuyển đổi số, Viện trưởng ông Lê Nguyễn Trường Giang nhận thấy một vấn đề lớn mà các tỉnh đang gặp phải đó chính là sự thiếu nhất quán và chính xác trong thông tin về chuyển đổi số. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, cần phải được giải quyết. “Khi nói đến Chuyển đổi số, một điều rất quan trọng là chúng ta phải hình dung, đây là một tiến trình mang tính giải pháp, đó là một tiến trình không có điểm kết thúc. Thứ hai, Chuyển đổi số là một tiến trình mang tính giải pháp nhưng sẽ chẳng thể có giải pháp nào khi chúng ta không thực sự biết là doanh nghiệp của mình cần phải thay đổi những gì”. Ông Giang chỉ ra rằng ứng dụng Chuyển đổi số không nằm ở việc mua phần mềm và ứng dụng vào thực tiễn. Việc đầu tiên trong công tác Chuyển đổi số là doanh nghiệp cần phải hiểu rõ mục tiêu của Chuyển đổi số là gì? Đa phần các doanh nghiệp đều chưa trả lời được vấn đề này.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng, về bản chất đối với doanh nghiệp, điều quan trọng không phải là sử dụng phần mềm hay bất kỳ công cụ cụ thể nào, mà việc đầu tiên cần làm là đảm bảo tất cả mọi thứ trong doanh nghiệp đều có thể đo lường, đếm và tính toán được. Đó chính là bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số. Khi doanh nghiệp áp dụng các công nghệ, quá trình này được gọi là nhúng tất cả các hoạt động vào môi trường số, giúp biến những thứ trước đây không thể đo lường được trở nên có thể thông qua phần mềm và các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp trở nên có thể đo lường, đếm và tính toán được, và đó là yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ông Giang cho biết, giữa rừng thông tin sai lệch, các doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã có nhận thức “sàng lọc” các thông tin để lựa chọn đúng đắn và hành xử hợp lý.
Trong khuôn khổ hội thảo, talkshow “Rào cản chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ – giải pháp tháo gỡ” đã được diễn ra với sự tham dự của ông Nguyễn Duy Khiêm – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, bà Bùi Thị Sửu – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Yên Bái, ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chuyển đổi số, cùng một số đại diện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Du lịch, Công nghệ.
Bà Bùi Thị Sửu – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã đặt câu hỏi về việc làm thế nào để doanh nghiệp hiểu và triển khai chuyển đổi số một cách hiệu quả, đặc biệt là trong việc tận dụng các nguồn hỗ trợ từ nhà nước. Ông Lê Nguyễn Trường Giang, đại diện Viện chiến lược Chuyển đổi số cho biết, hiện nay, các chính sách hỗ trợ vẫn còn hạn chế, nhưng Viện Chiến lược Chuyển đổi số đang tích cực hợp tác với Sở Thông tin và Truyền thông và Hội doanh nghiệp tỉnh Yên Bái để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp.
Giải đáp thắc mắc về việc làm thế nào để cung cấp thông tin du lịch nhanh chóng, đồng bộ cho khách hàng và doanh nghiệp, ông Giang nhấn mạnh cốt lõi của vấn đề không chỉ nằm ở dữ liệu, mà còn là cách thiết kế sản phẩm dịch vụ. Việc chuyển đổi dữ liệu thô thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có giá trị riêng là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển trong ngành du lịch.
Kết thúc ngày làm việc tại tỉnh Yên Bái, Viện Chiến lược Chuyển đổi số đã cam kết hỗ trợ hướng dẫn thực tiễn chuyển đổi số cho mười doanh nghiệp tiên phong thông qua “cầm tay chỉ việc” và hỗ trợ đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Yên Bái về chuyển đổi số để “biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu, để hành động đúng”, góp phần vào tiến trình chuyển đổi số cục bộ khu vực và trên toàn quốc.