Ngày 25/04 vừa qua, ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số đã tham dự buổi tọa đàm của VTV1 với chủ đề “Gỡ nút thắt xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư”. Cùng tham gia buổi tọa đàm còn có bà Nguyễn Thanh Hải – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên và Đại tá Vũ Văn Tấn – Phó cục trưởng Cục C06 – Bộ Công An. Buổi tọa đàm đã mang đến nhiều bài học thú vị, những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và góc nhìn đa chiều về Đề án 06.
Có thể nói, Đề án 06 là một chủ trương đúng đắn, hợp lý, góp phần đặt nền tảng quan trọng cho tiến trình Chuyển đổi số quốc gia. Trong một bối cảnh còn những giới hạn cần vượt qua về mặt nhận thức, những hữu hạn về mặt nguồn lực cần được mở rộng, những trở ngại về phối hợp giữa các bên liên quan cần được giải quyết, có thể nói, những gì Đề án 06 đạt được, đáng được ghi nhận và có ý nghĩa quan trọng.
Đề án 06 đã khẳng định được một sự đột phá về mặt tư duy về dữ liệu. Đã rất nhiều năm chúng ta nói đến dữ liệu, nhưng dữ liệu nền tảng để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia – đó là dữ liệu dân cư, dữ liệu tư pháp, lại chưa được hoàn thiện, chuẩn hóa và hệ thống hóa. Giờ đây, Đề án 06 đã tạo nên một sự đột phá mang tính đặt nền móng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Việc thực hiện Đề án 06 với một quyết tâm chính trị cao độ, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ TTTT và các bộ, ban, ngành địa phương đã góp phần quan trọng chỉ ra một bức tranh quan trọng mà tiến trình Chuyển đổi số quốc gia cần phải thực hiện – đó là những lỗ hổng thể chế, những đứt đoạn quy trình/thủ tục và những điểm nghẽn trong việc liên thông giữa các cơ quan/ban, ngành. Thông qua sự quyết liệt của Đề án 06, những lỗ hổng, đứt đoạn, và điểm nghẽn này buộc phải giải quyết để hoàn thành được một cách chất lượng Đề án 06.
Mục tiêu quan trọng là phải lấy người dân làm trung tâm, trong đó dịch vụ công và những dịch vụ hỗ trợ cho người dân, thông qua nền tảng dữ liệu mà Đề án 06 tạo lập được, cho dù bước đầu còn nhiều vấp váp, nhiều chỗ chưa đồng bộ, bất cập, thậm chí là còn làm rắc rối và khó khăn thêm cho nhiều thủ tục hành chính, sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai. Với tinh thần có chuyển thì mới có đổi được, không đi thì không thể tới và không gì không thể hoàn thành, mục tiêu mà Đề án 06 đặt ra sẽ đạt được hiệu quả và chất lượng khi chúng ta có được một sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn về Đề án này.
Trọng tâm quan trọng nhất của Đề án 06 là phải tiến tới góp phần quan trọng trong việc xây dựng một Nhà nước hiện đại, hiệu quả, hiệu lực để thúc đẩy một nền tảng Kinh tế số dựa trên việc vốn hóa dữ liệu hiệu quả, và xây dựng một xã hội số, góp phần chuyển một cách căn bản và toàn diện mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, đưa chuyển đổi số trở thành phương thức phát triển mới góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình cao và công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công vào năm 2045 như Nghị quyết Hội nghị TW6 tháng 10/2022 đã khẳng định.
Để gỡ được những điểm nghẽn, những nút khó, những vướng mắc của Đề án 06 hiện nay, cũng như khai thác một cách hiệu quả những thành quả mà Đề án 06 đã, đang và sẽ đạt được, cần có một bước đột phá mới khi bước sang năm thứ tư thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Đó là, cần xây dựng một Tổng đồ để phối hợp một cách đồng bộ các bên liên quan, đồng bộ hóa dữ liệu, đồng bộ hóa kết nối, cho phép vốn hóa dữ liệu quả, ra quyết định được dựa trên dữ liệu, và đảm bảo an ninh, quốc phòng, quản trị trật tự trị an xã hội một cách hiệu quả dựa trên dữ liệu số và các công nghệ số.