Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì tổ chức hội thảo “Phát triển Đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số”, diễn ra chiều nay (ngày 14/9).
Hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số lần thứ 1 với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”, do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định đồng chủ trì.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau chia sẻ những kiến thức, các ý tưởng mới nhằm tạo ra một môi trường thích hợp để khuyến khích đổi mới sáng tạo và xây dựng nền kinh tế số bền vững.
Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về khai thác tiềm năng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy sự phát triển và tạo động lực cho nền kinh tế số.
“Đứng trước một bối cảnh mới mà kỷ nguyên số đặt ra, nền kinh tế buộc phải có một sự chuyển dịch tương ứng đi cùng với một cuộc cách mạng – Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – hình thành nên những nền tảng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đặc biệt là kiến tạo nên những nguồn tài nguyên mới, giá trị mới và cả những phương thức vận hành mới của đời sống kinh tế-xã hội.”, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, đổi mới sáng tạo là bản chất của kinh tế số. Không có đổi mới sáng tạo, kinh tế số cũng giống như cỗ máy không có nhiên liệu để vận hành…
Theo đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tính đến tháng 6/2023, kinh tế số chiếm khoảng 15% GDP cả nước. Đến 2025, dự báo Việt Nam chiếm gần 18,6% giá trị thị trường kinh tế số Đông Nam Á. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á (trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực từ năm 2015).
Các diễn giả cũng chia những thành công, thách thức mà họ đã gặp phải trong việc ứng dụng đổi mới sáng tạo vào các mô hình kinh doanh hiện có và tận dụng những cơ hội mới trong kỷ nguyên số.
Hội thảo cũng tạo ra không gian và cơ hội kết nối khối công – tư trong phiên tọa đàm. Tại đây, các doanh nghiệp gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, giao lưu và hợp tác trong việc phát triển nền kinh tế số.
Thông qua việc khai thác tiềm năng của đổi mới sáng tạo, có thể xây dựng một nền kinh tế số phát triển, kiến tạo một xã hội số tận dụng tối đa tiềm năng của khoa học công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo giá trị thiết thực cho mọi người…/.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế và dự báo