Chúng ta đang đứng trước một bối cảnh lớn mà cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đang đặt ra. Trong bối cảnh mới này, sự chuyển đổi về năng lượng và sức mạnh của máy móc, khoa học, kỹ thuật và công nghệ đóng một vai trò quyết định, đòi hỏi một phương thức phát triển mới. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã phát triển đến một mức độ (về lượng) tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội (dẫn đến sự chuyển đổi về chất), đòi hỏi xã hội phải có một cuộc cách mạng về tư duy, để hướng tới hình thái tổ chức xã hội mới, thích ứng hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số.
Sự chuyển đổi về mọi mặt của đời sống xã hội, do vậy, bắt đầu việc số (digital) được đưa vào cốt lõi của mọi mặt, từ vật chất (nhà cửa, xe cộ, máy móc, đồ dùng trang thiết bị hàng ngày…), đến những dịch vụ (thương mại, chăm sóc y tế, giáo dục…) và cả về tư tưởng (cách thức tư duy mới, ngôn ngữ, trí tuệ nhân tạo…). Tiến trình chuyển đổi xã hội khi số (digital) đã đi vào cốt lõi thông qua tiến trình tin học hóa (computerize) tiến đến số hóa (digitize), ứng dụng số hóa (digitalize) (áp dụng phần mềm, tự động hóa điều khiển, các ứng dụng (app), web, Internet) đã hình thành nên một nền tảng phát triển mới – một xã hội điện tử (e-society) đi cùng với chính phủ điện tử (e-government), thương mại điện tử (e-commerce)… Tất cả những điều kiện tiền đề này đã hình thàn nên những cơ sở ban đầu cho một xã hội số (digital society) hướng tới chính phủ số (digital government), kinh tế số (digital economy)…. và tiến trình chuyển đổi từ xã hội đã được số hóa tiến tới xã hội số chính là tiến trình chuyển đổi số (digital transformation).
Chuyển đổi số (digital transformation) do vậy là một tiến trình mang tính phương tiện (medium) của một cuộc cách mạng (Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) và do vậy, đóng vai trò như một phương thức phát triển mới, cho sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng (mở rộng các hoạt động kinh tế…) sang tăng trưởng theo chiều sâu (gia tăng năng suất, đạt những đột phá về giá trị, khai thác được giá trị gia tăng cao hơn trên mỗi đơn vị đầu tư).
Chính chuyển đổi số và chỉ có hiểu rõ tiến trình chuyển đổi số mang tính phương tiện và trở thành phương thức phát triển mới như thế nào, chúng ta mới thực sự giải được những bài toán phát triển hiện nay của toàn cầu mà Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào. Đối với bài toán về biến đổi khí hậu (Net Zero), đi cùng với sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon, sự chuyển đổi về bản chất của các quy trình tổ chức, hoạt động, mô hình giá trị và đặc biệt là tiến trình dữ liệu đóng vai trò quyết định. Nhưng nếu không chuyển đổi số thì sẽ không thể tạo ra được tiến trình dữ liệu, và theo đó là các cơ sở dữ liệu số đáp ứng các đòi hỏi của việc định hình nên các tín chỉ carbon, theo dấu vết (footpints) để ghi lại các dữ liệu, dữ kiện cần thiết của tiến trình sản xuất và phát thải cũng như các chỉ số hoạt động. Đối với bài toán về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng vậy. Nếu không chuyển đổi số đúng cách, cũng sẽ không thể có được tiến trình dữ liệu đáp ứng được các yêu cầu dữ liệu để xác định thế nào là xanh (green), thế nào là tuần hoàn (circular). Hay như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), của công nghệ bán dẫn, của cuộc cách mạng truyền thông (5G, 6G), của sự phát triển các hệ thống thông minh (smart systems), của cuộc cách mạng năng lượng mới (new energy). Và giờ đây, đang được nói đến rất nhiều, đó là kinh tế số (digital economy) với kỳ vọng chiếm từ 20 – 30% GDP, mà dữ liệu số (data) đi cùng với việc vốn hóa dữ liệu (data-capitalize) để hình thành nên vốn dữ liệu (data-capital) cho phép tạo nên các ngân hàng số (digital banking), xã hội số (digital society), chính phủ số (digital government)… không thể có được nếu không hiểu rõ bản chất, nắm chắc cơ chế, hiểu sâu cách thức, mà để từ đó định hình rõ tiến trình chuyển đổi số sẽ trở thành phương tiện, công cụ và phương thức cho sự phát triển trong bối cảnh mới như thế nào.
Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27 tháng 09 năm 2019 của Bộ Chính trị về Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định rõ, chuyển đổi số là tiến trình trọng tâm để có thể chủ động tham gia vào cuộc cách mạng này. Và mục tiêu quan trọng nhất chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu. Chuyển đổi số và tiến trình chuyển đối số hiện nay đã đi vào đời sống hàng ngày, trở thành trọng tâm chính trị trong các nghị trình chính trị của mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, mọi tổ chức, đến từng công chức, cán bộ, viên chức và người dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số là chuyến tàu không thể không tham gia, không thể đảo ngược, mang tính thời đại, toàn cầu và không thể để lỡ. Đảng, Nhà nước đã ý thức được rất rõ vấn đề này, nhận thức sớm, tiên phong và chủ động thúc đẩy tiến trình này một cách tích cực trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp. Tuy nhiên, do đây là một nội dung mới, những nền tảng của công tác lý luận, những lý thuyết cơ bản về chuyển đổi số, những khái niệm mới, những cơ chế mới, cách thức tư duy mới, phương pháp mới… vẫn còn là một trở ngại lớn, đặc biệt đối với những người lãnh đạo, vốn rất mong muốn thúc đẩy, nhưng gặp rất nhiều những rào cản về điều kiện tiếp cận, thiếu cán bộ tham mưu đủ trình độ, thiếu thời gian để nghiên cứu đủ sâu, đủ rõ. Vấn đề này lại đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn mới, thay đổi căn bản cách thức tư duy truyền thống vốn đã được đào tạo và ăn sâu vào tư duy lãnh đạo. Chính trong các văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi số cũng đã chỉ rõ vấn đề đầu tiên, nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên chính là chuyển đổi nhận thức, đồng thời cũng đã đặt rất rõ vai trò của người đứng đầu các tổ chức, các cấp, các ngành đối với tiến trình này.
Nhận thức được rõ những thực tiễn trong thời gian qua, nhằm giúp lãnh đạo các cấp, đặc biệt là các lãnh đạo đóng vai trò quan trọng được quy hoạch, cán bộ cấp chiến lược, có được một phương pháp làm sao có thể nắm bắt được nhanh nhất các vấn đề lên quan đến số (digital), đến chuyển đổi số với tinh thần Biết rõ, Nắm chắc, Hiểu sâu để Hành động đúng. Đồng thời có được một phương pháp tư duy đa ngành, liên ngành, xuyên ngành để gắn kết được chuyển đổi số vào mọi mặt của đời sống, mọi hoạt động chính trị-kinh tế-xã hội (đúng như tinh thần Báo cáo Đại hội 13 và Báo cáo phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030 trong Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ), rất cần phải có một chương trình mang tính chỉnh thể và tổng thể cung cấp những kiến thức căn bản về lĩnh vực này. Lấy tư duy mới (tư duy số – digital thinking) làm nền tảng (giữ vững và phát huy những nền tảng của triết học Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đặc biệt là phép biện chứng duy vật chủ nghĩa); lấy tinh thần xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ để định hình nên một phương thức phát triển mới hướng tới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; và khẳng định việc nắm chắc những kiến thức mới, tiến bộ của thế giới theo một cách thức phù hợp với đặc trưng, đặc thù của Việt Nam nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, nâng cao được vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, đương đầu trước các thách thức an ninh phi truyền thống và những đòi hỏi mới về năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên mới, hội nhập, toàn cầu và số (digital); trở thành những trụ cột căn bản để xây dựng một chương trình bổ sung kiến thức và phương thức tư duy mới cho lãnh đạo.