Các khía cạnh đặt vấn đề trong quan hệ quốc tế trong khoa học xã hội
Mục đích của bài này là phân tích những bất bình đẳng và thứ bậc toàn cầu trong quá trình sản xuất và phổ biến kiến thức xã hội học trong viễn cảnh Nam-Bắc. Bài đề xuất một mô hình trung tâm-ngoại vi để nắm bắt những bất bình đẳng này. Việc giải thích sự phân phối không đồng đều trước hết phải có tính lịch sử: các khoa học xã hội hiện đại xuất hiện trước tiên ở Châu Âu. Nguồn gốc ngoại sinh của các khoa học xã hội ở các quốc gia Phương Nam ngày nay vẫn đặt ra những vấn đề ở nhiều cấp độ. Về mặt phân tích, sự khái niệm hóa mô hình trung tâm-ngoại vi cho phép phân biệt ba chiều kích: chiều kích về cơ sở hạ tầng và tổ chức nội bộ được xác định mạnh mẽ bởi các yếu tố ngoại khoa học, trong khi chiều kích về các điều kiện tồn tại và tái sản xuất cũng như về vị trí và sự công nhận quốc tế trước hết gắn với các vấn đề nội khoa học. Một số chỉ báo thực nghiệm về chiều kích cuối cùng này được trình bày ở đây. Nếu việc thiết lập một mô hình trung tâm-ngoại vi để nắm bắt các cấu trúc quốc tế trong xã hội học có vẻ thích đáng, càng quan trọng hơn nữa là cần phải kết thúc bằng một giọng điệu lạc quan hơn, bằng cách chỉ ra rằng, ngày nay, có nhiều sự phát triển khác nhau đặt ra thách thức đối với quyền bá chủ về mặt lịch sử của các cách tiếp cận từ góc độ Bắc Đại Tây Dương.
Từ khóa: xã hội học quốc tế, lịch sử các khoa học xã hội, quan hệ Bắc-Nam, trung tâm-ngoại vi, phát triển khoa học, chủ nghĩa lấy châu Âu làm tâm điểm.
DÀN BÀI
Dẫn nhập
Xây dựng mô hình trung tâm-ngoại vi trong nghiên cứu về khoa học
– Khái niệm hóa mô hình trung tâm-ngoại vi
Trung tâm-ngoại vi: chiều kích phụ thuộc – tự chủ
Trung tâm và ngoại vi: chiều kích ngoài lề – trung tâm
– Cơ sở dữ liệu thư mục: các chỉ báo và các công cụ loại trừ
– Phân công lao động nhận thức không đồng đều trong các khoa học xã hội
– Tính bản địa, tính hướng ngoại và tính ngoại lai kỳ lạ (exotisme), đặc điểm của các khoa học xã hội ngoài lề
– Các giả định tiến hóa vốn có trong khoa học xã hội
Các cuộc tấn công chống lại bá quyền Bắc Đại Tây Dương
Dẫn nhập
Mục đích của bài này là phân tích những sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc sản xuất và phổ biến kiến thức xã hội học trong viễn cảnh Nam-Bắc và bài đề xuất một mô hình trung tâm – ngoại vi để nắm bắt những bất bình đẳng này. Vấn đề này đã được định hình vào cuối quá trình nghiên cứu xã hội học và dân tộc học của tôi ở Freiburg và Paris. Hai ngành này, bất chấp tham vọng xác định các quy luật và do đó mang tính phổ quát của ngành thứ nhất và sự chuyên môn hóa theo khu vực của ngành thứ hai (Wallerstein et al., 1996, trang 64), dường như đã bỏ qua các nghiên cứu khoa học bên ngoài Châu Âu và Bắc Mỹ. Tại sao lại như vậy?
Đóng góp này sẽ tóm tắt một đáp án, đã được trình bày trong một phiên bản dài hơn và chi tiết hơn trong Keim (2008), bao gồm việc phát hiện ra những bất bình đẳng và thứ bậc cơ bản trong cộng đồng khoa học quốc tế về các khoa học xã hội, và đặc biệt là trong xã hội học[1]. Mô hình trung tâm – ngoại vi được đề xuất giúp có thể phân biệt ba chiều kích về mặt phân tích: chiều kích về cơ sở hạ tầng và tổ chức nội bộ, được xác định mạnh mẽ bởi các nhân tố bên ngoài khoa học; sau đó là chiều kích về điều kiện tồn tại và tái sản xuất và chiều kích về vị thế và sự công nhận quốc tế, hai chiều kích cuối này liên quan trước hết đến các vấn đề bên trong khoa học. Bài viết chủ yếu dựa trên các tài liệu liên quan đến vấn đề này, tuy vẫn còn rải rác trên một số lĩnh vực nghiên cứu – xã hội học và nghiên cứu về khoa học, lịch sử xã hội học, các cuộc tranh luận khu vực trong các cộng đồng ở Phương Nam, các cuộc tranh luận xung quanh việc quốc tế hóa/toàn cầu hóa xã hội học, các nghiên cứu hậu thực dân. Mô hình được đề xuất sẽ giúp hệ thống hóa và bối cảnh hóa các lập luận được đưa ra trong các tài liệu và làm nổi bật mối quan hệ qua lại của chúng. Ngoài ra, ở những nơi có thể thực hiện được việc này, các phân tích thực nghiệm được trình bày để minh họa cho sự biện luận.
Xây dựng mô hình trung tâm – ngoại vi trong nghiên cứu về khoa học
Các hoạt động và các tài liệu khoa học được phân phối một cách cực kỳ không đồng đều ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu, đến mức có thể lập luận rằng sự bất bình đẳng trong khoa học còn lớn hơn những bất bình đẳng liên quan đến của cải vật chất (Barré & Papon, 1993; Adebowale, 2001; Hountondji, 2001/02; Weingart, 2006).
Sự phân bổ địa lý không đồng đều này phản chiếu chiều kích quốc gia của khoa học, bất chấp xu hướng quốc tế hóa hay toàn cầu hóa, vẫn tiếp tục ghi dấu ấn trên hoạt động khoa học một cách quyết định (xem Crawford, Shinn & Sörlin, 1993; Gingras, 2002; Heilbron, 2008; Heilbron, Guilhot & Jeanpierre, 2008). Chiều kích “quốc gia” hoặc “địa phương” này – các thuật ngữ được sử dụng ở đây như những từ đồng nghĩa, đối lập với “quốc tế”, “toàn cầu” về mặt địa hình hoặc “tổng quát”, “phổ quát” theo nghĩa nhận thức luận – có tầm quan trọng chủ yếu và đôi khi bị đánh giá thấp trong các ngành khoa học xã hội. Thật vậy, so với các ngành của cái gọi là khoa học “cứng”, các tài liệu lý thuyết của các ngành khoa học xã hội, do tính phản tư xã hội của chúng, đạt được một mức độ thấp hơn về phương diện phi bối cảnh hóa và trừu tượng hóa (xem bên dưới).
Sự phân bổ không bình đẳng này được giải thích trước hết bởi lịch sử: khoa học hiện đại xuất hiện trước tiên ở Châu Âu, sau đó lan rộng – thông qua quá trình thuộc địa hóa cũng như, trong một số trường hợp, thông qua các mối quan hệ hậu hoặc tân thực dân – trên thế giới[2]. Ngoài dự án thành lập một ngành khoa học về xã hội do Ibn Khaldun (1967-68) xây dựng vào thế kỷ thứ mười bốn, vốn thực sự có tiềm năng trở thành nguồn gốc của xã hội học hiện đại, chúng ta không tìm thấy nỗ lực tương tự nào sau đó. Nhận xét rất tổng quát này về nguồn gốc ngoại sinh của khoa học có giá trị đối với các khoa học xã hội bên ngoài Châu Âu và đặc biệt là đối với xã hội học; ngày nay nhận xét này vẫn đặt thành vấn đề cho sự phát triển của các khoa học xã hội.
Tuy mô hình được đề xuất gợi lên ý tưởng về những đặc điểm chung của phần lớn các quốc gia Phương Nam, nhưng rõ ràng đó không phải là một tình huống thuần nhất ở cả bốn lục địa, hay cả ở khu vực Bắc Đại Tây Dương[3]. Ngược lại, có rất nhiều trường hợp cụ thể rất đa dạng. Chẳng hạn, ở Mỹ Latinh, “người ta tiêu thụ ý tưởng giống như là tiêu thụ vải, đường sắt và đầu máy xe lửa” (Marini, 1994, trang 310)[4]. Sau đó, sự xuất hiện của “Trường phái Cepal”, tức là các công trình lý thuyết và thực nghiệm của Ủy ban Kinh tế Châu Mỹ Latinh/Commission Économique pour l’Amérique Latine(CEPAL), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, nơi các công trình được xây dựng để làm cơ sở suy nghĩ cho các lý thuyết độc đáo về nguồn gốc của tình trạng kém phát triển, trong đó có lý thuyết về sự phụ thuộc, đã dẫn đến một giai đoạn giải phóng (về một cuộc thảo luận phê phán về những sự phát triển này như một trào lưu chống bá quyền, xem Keim, 2008, trang 181-194). Ngày nay, các quốc gia lớn của tiểu lục địa Mỹ Latinh đều có một cơ sở thể chế quan trọng được tích hợp khá tốt nhờ vào sự tồn tại của Hội đồng và Khoa Khoa học Xã hội Mỹ Latinh (CLACSO và FLACSO) hoặc các tổ chức như Hiệp hội Xã hội học Mỹ Latinh. Ngược lại, ở Châu Phi, đặc biệt là do các nền độc lập được giành lấy tương đối gần đây, các nhà dân tộc học người Pháp và người Anh vẫn được giới thiệu vào năm 1980 như là những người sáng lập xã hội học Châu Phi (Akiwowo, 1980). Một cuộc giải phóng thực sự dường như chưa diễn ra cho đến nay nhưng có thể đoán được trong các cuộc trao đổi hiện tại[5]. S.F. Alatas (2006) cho thấy xu hướng tương tự ở nhiều nước Châu Á. Do lịch sử đặc biệt là một thuộc địa định cư dân và quá trình công nghiệp hóa sớm so với các lục địa Phương Nam khác, Úc trong một thời gian dài đã bị loại khỏi hệ thống nhị phân Nam – Bắc; tuy nhiên, Connell vẫn xếp nước này về phía các lục địa Phương Nam và mô tả lại một cách chi tiết các tác động của sự phát triển phụ thuộc trong truyền thống của xã hội học Úc (Connell, 2007).
Một số tác giả được trích dẫn khẳng định rằng nguồn gốc ngoại sinh của xã hội học Phương Nam và mối quan hệ lịch sử giữa trung tâm của truyền thống của ngành xã hội học và các vùng ngoại vi đã du nhập truyền thống này, vẫn tồn tại cho đến ngày nay: các quốc gia Phương Nam giờ đây bị gạt ra ngoài lề và, để lấy ví dụ này, xã hội học vẫn lấy Châu Âu làm tâm điểm. Bất chấp sự tồn tại của cuộc tranh luận sôi nổi, thường mang tính luận chiến xung quanh vấn đề này, hầu như không có bất kỳ công trình thực nghiệm và mang tính hệ thống nào về chủ đề này. Sự trình bày mang tính phê phán của Polanco (1990) về các ngành khoa học nói chung và của Gareau (1985) về xã hội học là hai cách tiếp cận thích đáng có thể là điểm khởi đầu cho mô hình của chúng ta, ngay cả khi chúng gây khó khăn khi không phân biệt một cách đầy đủ, ví dụ, các yếu tố bên trong và bên ngoài lĩnh vực khoa học. Những cách tiếp cận này có xu hướng dành ưu thế cho cách giải thích đơn tuyến tính và không phân biệt giữa ba chiều kích mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây.
Polanco phân biệt hai giai đoạn trong sự cấu tạo một “khoa học-thế giới” (tương tự với khái niệm “kinh tế-thế giới” của Braudel): thứ nhất, việc xuất khẩu một khoa học được thành lập ở Châu Âu, dẫn đến tiến trình phi địa phương hóa và phổ cập hóa nó; sau đó, sự thành hình các cộng đồng khoa học ở bên ngoài Châu Âu như một bộ phận không thể thiếu của “khoa học-thế giới”. Cách tiếp cận của Polanco vẫn còn rất trừu tượng và do đó khó được thao tác hóa. Hơn nữa, tác giả không thiết lập mối liên hệ với tình hình hiện tại.
Gareau, trong phân tích của ông về mối quan hệ giữa ba “khối” chính trong xã hội học – xã hội học Phương Tây, Liên Xô và Thế Giới Thứ Ba – đã đánh giá thấp các nhân tố bên trong khoa học. Giả định của ông về tính quyết định hoàn toàn từ bên ngoài trong các mối quan hệ trung tâm-ngoại vi – xã hội học Bắc Mỹ thống trị không phải vì những giá trị nội tại của nó mà chỉ dựa vào quyền bá chủ kinh tế, chính trị và quân sự của Hoa Kỳ – là có vấn đề. Mặc dù các nhân tố kinh tế, chính trị và văn hóa chắc chắn đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng các vấn đề nội bộ của các quan hệ khoa học quốc tế đáng nhận được một sự quan tâm đặc biệt. Chúng tôi sẽ tập trung sau đây, đặc biệt là về những vấn đề nội bộ này.
Khái niệm hóa mô hình trung tâm-ngoại vi
Ý tưởng của chúng tôi ở đây là làm nổi bật, giống như hai tác giả trên, khía cạnh sáng tạo của mô hình trung tâm-ngoại vi vào thời điểm nó xuất hiện: sự hiểu biết về các mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa trung tâm và ngoại vi. Những gì có ý nghĩa đối với sự mở rộng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản sẽ được chuyển dịch ở đây theo cách gần như tương tự đối với sự mở rộng của khoa học và đặc biệt hơn là của xã hội học hiện đại. Trong tác phẩm kinh điển Sự phụ thuộc và Phát triển ở Mỹ Latinh/Dépendance et développement en Amérique latine, Cardoso và Faletto ([1969] 1978) phân biệt ba chiều kích của sự hội nhập mang tính ngoại biên của các nền kinh tế Mỹ Latinh vào thị trường thế giới: vấn đề kém phát triển, sự phụ thuộc và cuối cùng là tình trạng ngoài lề. Các sự giống nhau chỉ có thể là mơ hồ trong quá trình chuyển đổi từ sự khái niệm hóa thế giới của tài sản vật chất sang thế giới ý tưởng và tri thức; tuy nhiên, sự phân biệt mang tính phân tích của ba chiều kích này không mất đi tính thích đáng của nó.
Bảng 1: Ba chiều kích của mô hình trung tâm-ngoại vi
Trung Tâm | Ngoại vi | |
Phát triển | I Cơ sở hạ tầng và tổ chức nội bộ | Kém phát triển |
Tự chủ | II Điều kiền tồn tại | Phụ thuộc |
Tính trung tâm | III. Vị trị và sự công nhận quốc tế | Tính ngoài lề |
Tài liệu: mô hình của tác giả
Như được chỉ ra trong Bảng 1, chúng tôi sẽ phân biệt ba chiều kích của cách đặt vấn đề trung tâm – ngoại vi giúp xác định các xã hội học “phát triển” hoặc “kém phát triển” dựa trên các khía cạnh vật chất, cơ sở hạ tầng và thể chế của chúng; các xã hội học “phụ thuộc” và “tự trị” liên quan đến điều kiện tồn tại của chúng; cuối cùng là các xã hội học “ngoài lề” và “trung tâm” tùy theo vị trí của chúng trong cộng đồng khoa học quốc tế[6].
Một cơ sở vật chất nhất định, một mức độ tự do học thuật nhất định, sự tồn tại của một cộng đồng khoa học ít nhiều tích hợp theo nghĩa mà Gaillard (1987, 1994) gắn cho thuật ngữ này[7], các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu, một thị trường lao động hàn lâm, một lĩnh vực xuất bản là cần thiết cho sự phát triển của một ngành học[8]. Đây là những khía cạnh được ghi nhận phổ biến nhất trong các nghiên cứu về các khoa học khi mối quan hệ giữa các yếu tố kinh tế và khoa học đã được biết rõ và ít bị nghi ngờ[9]. Thay vì nhấn mạnh vào khía cạnh này, chúng tôi muốn tập trung vào hai chiều kích bên trong khoa học và ý nghĩa đặc thù hơn của chúng đối với các ngành khoa học xã hội bằng cách đề xuất việc khái niệm hóa sự phụ thuộc và tính ngoài lề. Để làm được điều này, cần phải hệ thống hóa các lập luận và dữ liệu thực nghiệm khác nhau đã có trong các công trình nghiên cứu nhưng rất phân tán trên một số lĩnh vực nghiên cứu. Một số chỉ báo thực nghiệm liên quan đến chiều kích ngoài lề cũng sẽ được đề xuất ở đây. Tuy nhiên, sự phân tích vấn đề phụ thuộc-tự chủ đòi hỏi các phân tích định tính, điều này khó đạt được hơn, nếu không muốn nói là không thể đạt được trên quy mô toàn cầu. Về điểm này, chúng tôi sẽ tự giới hạn trong một sự khái niệm hóa có thể phục vụ như một hướng dẫn trong việc phân tích các trường hợp giải phóng đặc thù (xem một ví dụ trong Keim, 2008).
Một nhận xét nữa cần thiết để làm rõ quy chế của các khái niệm được đề xuất bởi mô hình của chúng tôi: đây là những vị trí điển hình lý tưởng. Các trường hợp của các cộng đồng khoa học thực sự được quan sát có lẽ luôn nằm trên một trục giữa một bên là phát triển và bên kia là kém phát triển. Hơn nữa, mô hình này cho phép phân biệt, và đây là một lợi thế so với các mô hình phân biệt ba “vị trí” (trung tâm, bán ngoại vi và ngoại vi), các sự kết hợp khác nhau của ba chiều kích của mô hình: một cộng đồng khoa học địa phương và nền sản xuất xã hội học của nó có thể bị ảnh hưởng đồng thời bởi ba chiều kích kém phát triển, phụ thuộc và ngoài lề có lẽ tác động lẫn nhau; nhưng ba chiều kích này không nhất thiết phải hiện diện trong mọi trường hợp. Ví dụ, Nhật Bản có thể được mô tả là một quốc gia có nền xã hội học phát triển cao xét về thể chế, kinh phí, số lượng nhà nghiên cứu và sự hội nhập của họ trong một hiệp hội quốc gia. Tuy nhiên, có vẻ như việc sản xuất tri thức vẫn bị định hướng mạnh mẽ bởi ảnh hưởng của Bắc Mỹ và Châu Âu, và do đó vẫn phụ thuộc vào các khu vực này. Phần lớn các công trình xã hội học ở Nhật Bản thường được dành cho việc dịch các văn bản, điều này không thể hiện sự đóng góp độc lập hoặc đặc biệt độc đáo cho một ngành học như thế (Koyano, 1976; Lie, 1996). Tương tự như vậy, Úc là một trường hợp mà xã hội học phải chịu một sự phụ thuộc lịch sử về mặt trí tuệ, trong khi mức độ phát triển ngày nay là đáng kể và quốc gia này không còn có thể bị coi là nằm ở ngoài lề nữa. Nếu các tài liệu mà chúng tôi đã tham khảo bắt đầu từ giả định rằng các quốc gia Phương Nam nằm ở ngoại vi của các ngành khoa học xã hội toàn cầu, thì mô hình được đề xuất ở đây có thể giúp chi tiết hóa và phân biệt các khía cạnh rất đa dạng của các đặc điểm này của tính ngoại vi. Hơn nữa, chúng tôi hy vọng có thể đánh giá các vị trí này bằng một số chỉ số thực nghiệm liên quan đến sự thành hình quốc tế của các khoa học xã hội.
Trung tâm và ngoại vi: chiều kích phụ thuộc–tự chủ
Hàng loạt công trình tố cáo sự “phụ thuộc quá mức” của các nhà nghiên cứu Phương Nam đối với “các nước trung tâm” (Arunachalam, 1990; Hountondji, 1990; Gaillard, 1994, trang 225) và S.F. Alatas nhìn nhận đây là vấn đề chính của các xã hội học ở ngoại vi (Alatas, 2003, 2006).
Alatas liệt kê sáu lý do, theo ông, đã góp phần vào sự phụ thuộc về mặt khoa học: phụ thuộc của các ý tưởng; phụ thuộc của các phương tiện truyền thông; phụ thuộc của các tài liệu và công nghệ phục vụ nghiên cứu và giảng dạy; phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài cho nghiên cứu và giáo dục; cuối cùng là “sự phụ thuộc của các nhà khoa học xã hội thuộc Thế Giới Thứ Ba vào yêu cầu về năng lực và trình độ nghiệp vụ của họ ở Phương Tây” (Alatas, 2006), tức là (hiện tượng) “chảy máu chất xám”. Nhưng ta cũng có thể nghĩ rằng vấn đề cuối này thuộc vào cách đặt vấn đề về sự phát triển và phân rã của các hệ thống khoa học, đặc biệt là ở Châu Phi (Waast, 2003). Hiện tượng “hướng ngoại” này sẽ được phân tích sau đó. Hơn nữa, có vẻ phù hợp hơn nên phân tích trước hết các yếu tố thể chế và cấu trúc của sự phụ thuộc và sau đó mới phân tích chính sự phụ thuộc về mặt trí tuệ, điều sẽ cho thấy rằng sự phụ thuộc về mặt trí tuệ, phần nào, bị tác động bởi các cấu trúc và các thể chế.
Mặc dù, trong các cuộc tranh luận, vấn đề của sự phụ thuộc thường được nhấn mạnh[10], nhưng có rất ít công trình thực nghiệm cho phép minh họa sự phụ thuộc này, một chủ đề mang tính chính trị cao và thường được trình bày theo một cách rất luận chiến. Lý do có lẽ là giả thuyết về việc du nhập các lý thuyết và phương pháp cũng như khuynh hướng của “tâm trí bị giam cầm/captive mind”, được S.H. Alatas mô tả rất tốt (1974), tạo nên một thách thức về phương diện khoa học luận đối với xã hội học về các khoa học, một thách thức mà xã hội học về các khoa học đã không đáp ứng được cho đến nay. Chẳng hạn như quyền truy cập vào dữ liệu định lượng và định tính trên quy mô toàn cầu trên các sách giáo khoa được sử dụng trong giảng dạy xã hội học, trên các thư mục được phát cho sinh viên[11], trên các sách có trong các thư viện, hoặc thậm chí tại những nơi mà các giảng viên – nhà nghiên cứu nhận được bằng tốt nghiệp của họ.
Hơn nữa, vấn đề sự phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài phức tạp và mơ hồ. Tôi đã ngần ngại ghi nhận vấn đề này như một chỉ báo của sự kém phát triển (Keim, 2008). Ta có thể coi nó như là một chỉ báo về sự phụ thuộc, mặc dù biết rằng một số tác giả đưa ra những kết quả mơ hồ về sự tác động của sự phụ thuộc vật chất này đối với việc tạo ra tri thức[12]. Tuy nhiên, một số hệ quả bắt nguồn từ sự phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài, dường như góp phần củng cố sự phụ thuộc về các chiều kích khác. Đầu tiên, tài trợ nước ngoài tạo ra một ảnh hưởng ý thức hệ: ảnh hưởng này đã được ghi nhận, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (Singh, 1988; Chekki, [1987] 1990-91). Sau đó, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các tổ chức địa phương để có được sự tài trợ nước ngoài đóng một vai trò bất lợi trong việc hội nhập của cộng đồng khoa học địa phương[13]. Sự không an toàn của việc lập kế hoạch và việc không thể phát triển những quan điểm, những ưu tiên nghiên cứu, những chuyên đề hoặc thậm chí những sự nghiệp cá nhân lâu dài, cũng là những trở ngại cho sự phát triển. Các thủ tục để có được và quản lý các khoản tiền nhận được cũng tạo một công việc thêm. Cuối cùng, trong nhiều trường hợp, việc xác định các góc nhìn và các ưu tiên nghiên cứu từ bên ngoài có thể dẫn đến các hoạt động nghiên cứu không thích đáng đối với xã hội địa phương (Waast, 2001a, 2001b, 2003).
Vấn đề kiểm soát các ấn phẩm, sự xuất bản và truyền thông khoa học dễ giải quyết hơn. Altbach đã lưu ý vào năm 1991 rằng “Thế Giới Thứ Ba phụ thuộc rất nhiều vào sách nhập khẩu” (Altbach, 1991, trang 11), rằng “sự giao lưu quốc tế” giống như một dòng chảy một chiều “từ các chính quốc” đến các quốc gia thuộc “Thế Giới Thứ Ba”. Arvanitis và Chatelin (1990) thiết lập một “chỉ số phụ thuộc về mặt biên tập” (tỷ lệ phần trăm ấn phẩm xuất bản ở nước ngoài). Sử dụng chỉ số này, Chatelin và Waast (1996 tr. 82), trong một công trình về các khoa học ở Châu Phi, chứng minh sự phụ thuộc mạnh mẽ của lục địa này vào các nhà xuất bản nước ngoài. Ở Châu Mỹ Latinh, nơi các nhà xuất bản địa phương và khu vực lớn đã có thể được thiết lập và dành được một uy tín sâu rộng, việc tiếp nhận khá đáng kể các tác phẩm từ khu vực Bắc Đại Tây Dương có thể được giải thích bằng uy tín mà các tác phẩm này có được (Brachet Marquez, 1997, trang 8; Unesco, 1999c, trang 108).
Thực tế của sự tái sản xuất các cộng đồng khoa học là một tiêu chí quan trọng khác của sự phụ thuộc về mặt khoa học, tuy không được S.F. Alatas đề cập (2003). Thật vậy, một số cộng đồng khoa học ở các quốc gia Phương Nam có thể phụ thuộc vào các định chế nước ngoài để được cấp bằng cấp và do đó để chứng thực cho nhân sự của họ, bởi vì không có định chế nào tại chỗ (để làm việc này) hoặc vì những định chế ở nước ngoài có uy tín cao hơn so với các tổ chức đào tạo địa phương. Abreu (2003) đề cập đến một loạt các chương trình tiến sĩ ở Châu Mỹ Latinh, mới phát triển khá gần đây, ngày càng làm suy yếu dòng sinh viên tiến sĩ sang Châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, uy tín dành cho sự chứng thực được trao ở nơi khác vẫn tồn tại. Ngược lại, đối với phần lớn các quốc gia Châu Phi, sự phụ thuộc về phương diện chứng thực vẫn rất rõ do thiếu các khóa học tương đương tại chỗ. (Cruz e Silva & Sitas, 1996, trang 13; Unesco, 1999d, trang 125). Hầu hết các giáo sư đang làm việc trong các trường đại học Châu Phi đã lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài (Szanton & Manyika, 2002). Ping xác nhận rằng ở Trung Quốc, lấy bằng cấp nước ngoài, tốt nhất là từ một trường đại học “đẳng cấp thế giới” ở Hoa Kỳ, vẫn là một yêu cầu đối với sinh viên mong muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu (Ping, 2010).
Như vậy, đạt được bằng cấp cao ở nước ngoài được kết hợp với các vấn đề phát triển khoa học địa phương và củng cố sự phụ thuộc vào các khái niệm, lý thuyết, phương pháp và sách giáo khoa được soạn thảo ở nơi khác, điều này tác động lại trên sự khái niệm hóa các dự án nghiên cứu hoặc trên các thực tiễn trích dẫn có thể quan sát được trong các văn bản xã hội học.
Gingras và Mosbah-Natanson (2010) đã thực hiện một công trình rất hay là phân tích một cách có hệ thống sự phụ thuộc về các trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học xã hội trên bảy vùng địa lý chính. Số liệu của họ cho thấy rõ ràng rằng Bắc Mỹ và Châu Âu cho đến nay là những khu vực được trích dẫn nhiều nhất. Trong số các lục địa Phương Nam, chúng ta có thể phân biệt các khu vực phụ thuộc vào Châu Âu, chẳng hạn như Châu Phi, cũng như các khu vực phụ thuộc vào Bắc Mỹ, chẳng hạn như Châu Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Đại Dương. Để so sánh, Bắc Mỹ trích dẫn khoảng 80% tài liệu tham khảo từ cùng khu vực, trong khi ở Châu Âu, thực tiễn vẫn còn phân chia giữa các tài liệu tham khảo của khu vực và của Bắc Mỹ.
Sự phụ thuộc trí tuệ này, một chiều kích trung tâm trong các cuộc tranh luận học thuật ở Phương Nam, là khó đánh giá trên toàn cầu, đòi hỏi sự “phi thực dân hóa” các ngành khoa học xã hội (Mkandawire, 1989; Gutiérrez Rodríguez, Boatcă & Costa, 2010). S.H. Alatas (1974) khái niệm hóa rất chi tiết các cơ chế và tác động của sự phụ thuộc trí tuệ với thuật ngữ “tâm trí bị giam cầm/captive mind”. Do sự phụ thuộc của họ và do sự thống trị của các phương pháp tiếp cận Bắc Đại Tây Dương, các nhà nghiên cứu Châu Á sẽ vẫn bị “giam cầm” trong cách suy nghĩ và phân tích thực tế xã hội của chính họ, điều này sẽ tạo ra một xã hội học “không thích đáng” (Alatas, 1974, tr. 691)[14]. Lập luận này đã được lặp lại hơn ba mươi năm sau bởi con trai của ông (Alatas, 2006). Điều quan trọng cần nhấn mạnh là “tâm trí bị giam cầm”, theo Alatas, là một vấn đề đặc thù đối với các lục địa Phương Nam. Nó không đơn giản chỉ việc áp dụng hoặc bắt chước một cách không phê phán các khái niệm được tiếp nhận từ nước ngoài. Nếu ông không từ chối tiếp nhận các phương pháp hiện có, ông vẫn kêu gọi sự tiếp thu chúng một cách có chọn lọc, mang tính xây dựng và sáng tạo.
Tóm lại, sự phân tích về sự phụ thuộc mà chúng tôi chỉ phác thảo ở đây, có vẻ đặc thù đối với việc phân tích quan hệ Nam-Bắc trong các khoa học xã hội và không liên quan đến quan hệ giữa các quốc gia Phương Nam với nhau và khác biệt với trường hợp quan hệ giữa các quốc gia của vùng Bắc Đại Tây Dương. Thật vậy, ngay cả khi có một số trung tâm địa phương hoặc khu vực quan trọng hơn ở một số quốc gia Phương Nam – Mexico, Nam Phi, Ấn Độ, một số trường đại học Úc – thì cũng khó có thể nói về sự phụ thuộc Nam-Nam bắt nguồn từ các trung tâm này. Tương tự như vậy, các mối quan hệ có thể có giữa các quốc gia ở khu vực Bắc Đại Tây Dương cũng có thể được gọi là sự phụ thuộc – của Châu Âu vào Hoa Kỳ, của các quốc gia Đông hoặc Nam Âu vào Vương quốc Anh, Pháp, Đức hoặc Thụy Sĩ không phải là chủ đề của bài này. Nhưng có vẻ như sự gần gũi tương đối về mặt lịch sử, cấu trúc kinh tế xã hội và văn hóa cũng như về mặt trí tuệ và truyền thống khoa học sẽ làm cho những sự phụ thuộc có thể có này khả dĩ ít bất lợi hơn cho việc thực hành các khoa học xã hội.
Trung tâm và ngoại vi: chiều kích ngoài lề–trung tâm
Các thuật ngữ tính ngoài lề và tính trung tâm mô tả mối quan hệ giữa các cộng đồng khoa học nhất định. Xã hội học “trung tâm” là xã hội học có thể thấy được và được công nhận ở cấp độ quốc tế và có khả năng áp đặt, thông qua uy tín của mình, các ưu tiên về chủ đề và lý thuyết. Xã hội học “trung tâm” thường được mô tả là “cốt lõi”, “thương điểm (emporium)”, là “quy phạm” hoặc “dòng chính (mainstream)” của ngành học (Jubber, 2005). Vì nó là một hiện tượng của sự công nhận lẫn nhau, cho nên các định nghĩa về một khoa học là “trung tâm” hay “ngoài lề” luôn phần nào mang tính chất lặp lại: định nghĩa “dòng chính” là tập hợp các ấn phẩm được đưa vào cơ sở dữ liệu ISI (Gaillard, 1987, p. 9; Arunachalam, 1990), trong khi các cơ sở dữ liệu này là “dòng chính” và cũng đồng thời xác định cái dòng chính, hoặc xác định “trung tâm” qua sự “lan tỏa ảnh hưởng” (Alatas, 2003, tr. 603), là những cách tiếp cận được đánh dấu bởi sự lặp lại này, tuy nhiên rất khó, thậm chí là không thể tránh khỏi sự lặp lại này. Cho đến nay, chúng tôi xuất phát từ giả thuyết rằng tính trung tâm là đặc trưng cho một phần lớn xã hội học Bắc Đại Tây Dương và rất ít hoặc không bao giờ, của các quốc gia Phương Nam[15].
Cơ sở dữ liệu thư mục: các chỉ báo và các công cụ của tiến trình đặt ra ngoài lề
Một công cụ thường dùng trong các nghiên cứu về khoa học để đo lường sự đóng góp của một nhà nghiên cứu hoặc một cộng đồng khoa học đối với sự tiến bộ của chuyên ngành của anh ta là trắc lượng thư mục (bibliométrie). Nhưng việc sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu trắc lượng thư mục đặt ra một vấn đề nghiêm trọng khi đề cập đến sự đo lường nền sản xuất khoa học của các quốc gia Phương Nam[16]. Thật vậy, những cơ sở dữ liệu này chỉ bao gồm các ấn phẩm đã có “tác động quốc tế” mạnh mẽ, tức là những ấn phẩm được trích dẫn thường xuyên, do đó tạo ra một vòng luẩn quẩn trong đó các ấn phẩm đã được công nhận lại càng được chú ý nhiều hơn (Barré & Papon, 1993: 328). Do đó, nền sản xuất của các quốc gia Phương Nam không được tính đến một cách đầy đủ, nguồn gốc của các ấn phẩm được ghi trong các cơ sở dữ liệu này được tập trung cao độ về mặt địa lý[17]. Ngược lại, nếu các chỉ báo thư mục dựa trên cơ sở dữ liệu phản ánh kém tầm rộng của nền sản xuất khoa học, đặc biệt là trong các ngành khoa học xã hội, thì chúng dường như là các chỉ báo thích đáng về tính trung tâm hoặc tính ngoài lề.
Một phân tích so sánh ba cơ sở dữ liệu quốc tế, cụ thể là Báo cáo trích dẫn tạp chí/Journal Citation Reports, Social Science Citation Index/Chỉ số trích dẫn khoa học xã hội), FRANCIS và Các tóm tắt xã hội học/FRANCIS et Sociological Abstracts, cho thấy cơ sở dữ liệu cuối có thể được coi là cơ sở dữ liệu cân bằng nhất về tính đại diện về mặt địa lý (Keim, 2008, 2009). Đó là cơ sở duy nhất trong ba cơ sở hoàn toàn dành riêng cho nghiên cứu xã hội học. Nó cho phép so sánh theo chiều dọc.
Chẳng hạn, trong giai đoạn 1995-98, việc tìm kiếm theo quốc gia trong mục “liên kết của tác giả” trong Tóm tắt xã hội học cho thấy sự bất bình đẳng mạnh mẽ giữa các quốc gia. Các ấn phẩm ở Bắc Mỹ[18] chiếm 46,5% sản lượng ấn phẩm (26.136 tài liệu tham khảo như là quốc gia liên kết của tác giả), Vương quốc Anh 13% (7.325 tài liệu tham khảo), tiếp theo là Đức (4,6%), Úc (3,9%), Pháp (3,6%) và Hà Lan (2,9%). Ý, Israel, Brazil, Mexico, Tây Ban Nha và Thụy Điển mỗi nước chỉ chiếm hơn 1%, Nhật Bản, Phần Lan và Ấn Độ chỉ chiếm gần 1%. Tất cả các quốc gia khác chiếm ít hơn một phần trăm của cơ sở và hai phần ba (95 trong tổng số 166 quốc gia) hoàn toàn không được tính đến (27 tài liệu tham khảo hoặc ít hơn). Lục địa Châu Phi chỉ chiếm 1,3% – ít hơn Tây Ban Nha – Châu Á 3% và Châu Mỹ Latinh 4,1%.
Mười năm sau (2005-08), Hoa Kỳ (43,5%, hay 23.475 tài liệu tham khảo) và Vương quốc Anh (14%, hay 7.573 tài liệu tham khảo) vẫn ở vị trí đầu trong khi thứ tự của các quốc gia sau hơi đảo ngược: Úc (4,2 %), Canada (3,8%), Hà Lan (2,6%) và Đức (2,4%). Pháp (1,9%), Trung Quốc (1,7%), Thụy Điển và Mexico (1,5%), Nam Phi và Israel (1,4%) Ý và Tây Ban Nha có hơn 1%, Na Uy, Nhật Bản và New Zealand chỉ 1%, trong khi tất cả các quốc gia khác có ít hơn một phần trăm và 100 quốc gia thậm chí không đến 0,1%. Như vậy, trong thập kỷ qua, những thay đổi lớn nhất giữa các quốc gia hàng đầu liên quan đến Canada (từ vị trí thứ 28 năm 1995-98 lên vị trí thứ 4 năm 2005-08), Trung Quốc (từ vị trí thứ 39 lên vị trí thứ 8) và Đài Loan (từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 20) cũng như Brazil (từ vị trí thứ 9 xuống vị trí thứ 27). Cũng như trong giai đoạn trước, một số quốc gia Phương Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia hàng đầu – trước hết là Australia, Trung Quốc, Mexico, Nam Phi, Nhật Bản, New Zealand và Ấn Độ. Tuy nhiên, ở cấp độ lục địa, Châu Phi chỉ chiếm 2,5%, Châu Á 5,5% và Châu Mỹ Latinh 3,6%. Như vậy, các mối quan hệ vẫn rất bất bình đẳng ngay cả khi các lục địa Phương Nam nói chung chiếm một vị trí quan trọng hơn một chút. Hơn nữa, có vẻ như Tóm tắt Xã hội học bị phân cực mạnh bởi ngôn ngữ. Trong một so sánh theo chiều dọc, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính kể từ năm 1965 (năm đầu tiên của cơ sở dữ liệu): từ 81,7% (1965-1970) đến 85,5% (1995-1998) các ấn phẩm có trong cơ sở dữ liệu được soạn thảo bằng tiếng Anh.
Thay vì giải thích những số liệu này như một hình ảnh trung thực của nền sản xuất khoa học, chúng nên được coi là những chỉ báo về mức độ trung tâm hoặc ngoài lề của các cộng đồng quốc gia. Điều này trở nên rất rõ ràng trong trường hợp của Trung Quốc. Theo dữ liệu của Unesco (1999a), năm 1998 (năm cuối cùng mà Unesco chia nhỏ những con số này theo ngành), Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong sản xuất các công trình của các ngành khoa học xã hội (55.380 đầu sách)[19]. Năng suất này không được phản ánh trong các số liệu của Tóm tắt Xã hội học trong cùng thời kỳ. Chính những người sản xuất các cơ sở dữ liệu này, thông qua các tiêu chí lựa chọn của họ, xác định ngành khoa học xã hội nào là trung tâm và cấu thành “dòng chính” thống trị và ngành nào không mang lại ích lợi nào cho cộng đồng quốc tế. Chính theo chiều hướng này, chúng phải được hiểu không chỉ như một chỉ báo về tính ngoài lề mà còn như một công cụ của quá trình xác định tính ngoài lề, từ đó củng cố sự thống trị của vùng Bắc Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, sự phân tích được phác họa cho đến nay không loại trừ khả năng rằng sự kém được nhận diện của các quốc gia Phương Nam (ở đây loại trừ Úc ra), tương ứng với một vấn đề thực sự về sự kém phát triển khoa học, đặc biệt là lĩnh vực xuất bản và ảnh hưởng đến số lượng ấn phẩm; trong trường hợp này, trên thực tế, các kết quả sẽ tương liên với nền sản xuất khoa học. Ta chỉ có thể đưa ra câu trả lời tương đối cho mệnh đề này, bởi vì không có nguồn dữ liệu thay thế nào trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, Unesco quản lý một cơ sở dữ liệu nhỏ, DARE[20], chứa đựng trong đó những thông tin về các tạp chí trong các khoa học xã hội trên khắp thế giới. Cơ sở dữ liệu DARE không hoàn chỉnh và cũng không mang tính đại diện. Vì người đứng đầu văn phòng Paris không thể giải thích các tiêu chí cho phép đưa các tạp chí vào cở sở dữ liệu[21] nên có thể coi đây là một mẫu ngẫu nhiên của các tạp chí uộc các ngành khoa học xã hội. Vì lý do thời gian và không gian, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào nền sản xuất của Châu Phi.
DARE chứa đựng 243 tạp chí Châu Phi, hầu hết đã tồn tại ít nhất từ những năm 1960 hoặc 1970, tuổi thọ này cho thấy sự ổn định và mức độ củng cố tốt của chúng[22]. Trong số 243 tạp chí này, Báo cáo Trích dẫn Tạp chí – Phiên bản Khoa học Xã hội/ Journal Citation Reports – Social Science Edition (1998) (JCR) chỉ có hai tạp chí: Tạp chí Kinh tế Nam Phi/ South African Journal of Economics và Tạp chí Tâm lý học Nam Phi/ South African Journal of Psychology. Năm 2008, cùng cơ sở dữ liệu này (2008) bao gồm hai quốc gia Châu Phi, Nam Phi với tám tạp chí và Nigeria với hai tạp chí. Tính ngoài lề của nền sản xuất ở Châu Phi là điều hiển nhiên. Cơ sở dữ liệu FRANCIS (1984 2005) mang tính đại diện hơn một chút: nó đề cập đến 32 trong số 280 tạp chí, từ mười quốc gia Châu Phi. Tuy nhiên, phần lớn các tạp chí vẫn không hiện diện trong cơ sở FRANCIS. Các tóm tắt Xã hội học, cho giai đoạn 1960-2005, bao gồm 23 tạp chí có trong DARE: một tạp chí của Bờ Biển Ngà, Ghana và Tunisia, hai tạp chí của Kenya, Nigeria, Senegal và Zimbabwe và mười hai tạp chí của Nam Phi. Mặc dù cơ sở này cân bằng hơn một chút so với JCR, Các tóm tắt xã hội học thậm chí chỉ bao gồm không quá 10% của mẫu của 243 tạp chí.
Phân tích ngắn gọn này cho thấy sự thiếu sự đồng thuận về việc lựa chọn các tạp chí Châu Phi có thể được xem là nằm trong số “quan trọng nhất trên thế giới”: không có tạp chí nào có mặt trong ba cơ sở dữ liệu. Thực tế là JCR, cũng như FRANCIS, bỏ qua hai trong số các tạp chí lâu đời nhất và được công nhận nhất ở cấp độ Châu lục, CODESRIA Africa Development Publications và South African Sociological Review trước đây – nay là African Sociological Review – sẽ làm mất uy tín của những cơ sở này trong mắt của cộng đồng khoa học Châu Phi. Mặt khác, một tạp chí phổ biến không có ban bình duyệt, Bản tin Lao động Nam Phi/South African Labour Bulletin, chỉ xuất hiện trong một trong các cơ sở dữ liệu, điều này nhấn mạnh sự thiếu hiểu biết chung về ngành xuất bản khoa học xã hội Châu Phi ở Philadelphia, Cambridge và Paris. Do đó, các cơ sở dữ liệu xác nhận giả thuyết rằng các ngành khoa học xã hội Châu Phi bị gạt ra ngoài lề rất nhiều so với “dòng chính” quốc tế.
LATINDEX (2008) là một sáng kiến của các cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhằm tạo cơ sở dữ liệu thay thế của riêng họ. LATINDEX chứa đựng 10.137 tạp chí Mỹ Latinh, trong đó có 505 tạp chí xã hội học. Để so sánh, JCR (2008) bao gồm sáu tạp chí từ Mexico, ba từ Brazil và Chile, hai từ Argentina và một từ Colombia. Công cụ tìm kiếm của Sociological Abstracts và của FRANCIS không cung cấp số lượng tạp chí theo quốc gia. Sociological Abstracts, theo yêu cầu[23], cung cấp các số liệu sau: cơ sở dữ liệu gồm 54 tạp chí ở Brazil, 30 tạp chí ở Mexico, 10 tạp chí ở Venezuela, 9 tạp chí ở Colombia, 6 tạp chí ở Argentina, 4 tạp chí ở Chile, sau đó là 2 tạp chí ở Costa Rica và Ecuador và một tạp chí từ ở El Salvador, Peru và Uruguay, tức là 120 cho toàn lục địa. Do đó, nó có vẻ cân bằng hơn JCR, nhưng chỉ bao gồm hơn một phần năm các ấn phẩm định kỳ được ghi nhận trong LATINDEX[24].
Những phân tích này có thể được bổ sung bằng cách xem xét nhân tố ngôn ngữ hoặc thành phần ban biên tập của các tạp chí quốc tế (Braun, 1996). Tuy nhiên, giờ đây có vẻ hay hơn khi xem xét các nhân tố khác, có lẽ ít rõ ràng hơn, của chiều kích tính ngoài lề – tính trung tâm.
Phân công lao động nhận thức không đồng đều trong các khoa học xã hội
Tính ngoài lề cũng liên quan đến chức năng mà một cộng đồng khoa học thực hiện trong quá trình sản xuất tổng quát các tri thức. Hountondji quan sát thấy sự phân công lao động khoa học không đồng đều ở cấp độ toàn cầu, mà ông thấy đang phát triển kể từ thời kỳ thuộc địa (Hountondji, 2001-02). S.F. Alatas phân biệt ba cấp độ:
1) Sự phân chia công việc trí óc giữa lý thuyết và thực nghiệm; 2) Sự phân chia giữa công việc được thực hiện ở nước khác và công việc được thực hiện ở nước mình; 3) Sự phân chia giữa nghiên cứu so sánh và nghiên cứu trường hợp cá biệt (Alatas, 2006, tr. 71).
Các khoa học xã hội ngoại vi, so với hệ thống phân cấp tri thức được chấp nhận toàn cầu (Gaillard & Schlemmer, 1996), tạo ra tri thức “cấp thấp”, nghĩa là có mức độ trừu tượng và khái quát hóa thấp, trong khi trung tâm duy trì độc quyền về nghiên cứu so sánh uy tín và về việc xây dựng các lý thuyết có thể được khái quát hóa, thậm chí là được phổ quát hóa.[25]
Sự phân công lao động bất bình đẳng này thể hiện ở cấp độ thể chế và cá nhân, ví dụ như trong các chương trình hợp tác khoa học. González Casanova (1968), trong chương trình của mình về chính sách cho Mexico trong các ngành khoa học xã hội, nhấn mạnh đến vấn đề quan trọng về hợp tác quốc tế và tóm tắt một số quy tắc cần được tôn trọng trong các hợp tác như vậy để đảm bảo sự phát triển của chúng. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu Mexico phải được liên kết vào tất cả các giai đoạn nghiên cứu, từ tiến trình khái niệm hóa đến việc công bố kết quả. Sự tham gia của họ không nên chỉ giới hạn trong việc thu thập dữ liệu. Sau đó, khung lý thuyết và các giả thuyết ban đầu phải được công bố và các kết quả nên được phân tích và công bố đầu tiên ở Mexico và chỉ sau đó mới là ở nước ngoài. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Mexico, với tư cách là đối tác trong các dự án so sánh, phải tham gia vào toàn bộ các phân tích và diễn giải. Điều này cũng có nghĩa là họ phải có quyền tiếp cận tất cả các tài liệu nằm trong tất cả các khu vực được đưa vào sự so sánh. González Casanova đặc biệt yêu cầu rằng không nên loại trừ bất kỳ khu vực nào trên thế giới như là đối tượng nghiên cứu. Cuối cùng, việc tổ chức và tiến hành nghiên cứu cũng như kinh nghiệm thực tiễn thu được trong quá trình nghiên cứu cần được vạch rõ và công bố cùng với kết quả (González Casanova, 1968, trang 26).
Trong phần giới thiệu tuyển tập các bài báo về hợp tác quốc tế, Gaillard chỉ ra rằng các vấn đề chính trong quan hệ Nam-Bắc “liên quan đến sự bất đối xứng trong hợp tác và sự thống trị mà các đối tác phương Bắc có thể áp đặt” (Gaillard, 1996, trang 12; xem thêm Gaillard, 1999). Thứ bậc liên quan đến thực tế là các đối tác ở Phương Bắc tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ trung tâm là khái niệm hóa, diễn giải, sản xuất lý thuyết và xuất bản, trong khi các đồng nghiệp của họ ở Phương Nam thường phải bằng lòng/tự thỏa mãn với việc thu thập và bước đầu xử lý dữ liệu. Các nghiên cứu thực nghiệm về sự bất bình đẳng Nam-Bắc trong hợp tác khoa học – không phân biệt chuyên ngành– cho thấy, trong 90% trường hợp, “tổng hành dinh” của các dự án được đặt tại một định chế của phương Bắc và, trong 65% trường hợp, sáng kiến nghiên cứu bắt nguồn từ Phương Bắc (Gaillard & Schlemmer, 1996, trang 124). Một phân tích về sự hợp tác liên vùng trong lĩnh vực đồng xuất bản, do Frenken, Hoekman và Hardeman (2010) trình bày, cho thấy một cấu trúc trung tâm-ngoại vi mạnh mẽ: Hoa Kỳ và Tây Âu chiếm ưu thế trong lĩnh vực đồng xuất bản, trong khi có rất ít sự hợp tác giữa các vùng Phương Nam. Trong bối cảnh này, và cụ thể hơn là đối với các khoa học xã hội, Mkandawire (1989) đề cập đến thực tế là những người quan tâm đến nghiên cứu ở Châu Phi chủ yếu là các chuyên gia khu vực, một vấn đề sẽ được phát triển sau trong tài liệu này[26].
Tính địa phương, tính hướng ngoại và tính ngoại lai kỳ lạ (exotisme), đặc điểm của các khoa học xã hội ngoài lề
Cách đặt vấn đề về tính ngoài lề và tính trung tâm không dừng lại ở đó. McDaniel (2003, trang 596) tuyên bố: “Việc định vị chỉ quan trọng đối với những người không có lựa chọn nào khác về những sự Thật Lớn”. Trích dẫn này tóm tắt một hiện tượng khác sẽ được xử lý ở đây, cụ thể là các xã hội học Bắc Đại Tây Dương, so với các xã hội học ở các lục địa phương Nam, cho rằng chúng dễ dàng đề xuất hơn nhiều các phát biểu có mức độ trừu tượng và khái quát hóa cao, thậm chí có tính phổ quát (“Những sự Thật Lớn” mà McDaniel nói đến). Ngược lại, các xã hội học Phương Nam, vì một số lý do, tạo ra các kết quả với một sự thích đáng hạn chế hơn, mang tính địa phương. Sự phân công lao động bất bình đẳng, thường kết hợp với các vấn đề phát triển khoa học (thiếu hội nhập của cộng đồng khoa học, sự cô lập và thiếu cơ sở hạ tầng truyền thông), cũng như uy tín của các định chế của trung tâm, tác động đến trình độ nhận thức của sự sản xuất các kiến thức xã hội học. Những nhân tố này dẫn đến cái mà Hountondji, trong tác phẩm của mình, gọi là “tính hướng ngoại”: tức hiện tượng nền sản xuất khoa học của Châu Phi không hướng tới các nhà nghiên cứu địa phương hay xã hội địa phương mà hướng tới công chúng nước ngoài, Bắc Đại Tây Dương. Sự hướng ngoại này thể hiện ở việc lựa chọn các chủ đề cục bộ cũng như ở mức độ khái quát hóa thấp (Hountondji, 1990, p. 11).
Điều này báo trước vấn đề về quan điểm địa phương và phạm vi hạn chế của nền sản xuất xã hội học ngoại vi. Dựa trên “những sự phân chia” được S.F. Alatas quan sát, các ngành khoa học xã hội ngoại vi “hướng ngoại” có những viễn cảnh mà phạm vi bị giới hạn. Công chúng Bắc Đại Tây Dương quan tâm nhiều hơn đến các nghiên cứu điển hình về các xã hội địa phương, vốn nuôi dữơng lao động lý thuyết hóa ở Phương Bắc (Hountondji, 2001/02, trang 5). Ngoài ra, các ngành khoa học xã hội của Phương Nam phải chịu áp lực của hình tượng “ngoại lai kỳ lạ” mà chúng cũng có thể nội tâm hóa hoặc sử dụng một cách chiến lược để đạt được một sự nhận diện/công nhận nhất định trong cộng đồng quốc tế. Sự đòi hỏi về tình kỳ lạ này được coi là một hình thức đặc thù của tính bản địa và đặc biệt rất hạn chế. Điều này chẳng hạn được Sitas thể hiện:
Có áp lực đáng kể để xác định bản thân là “khác biệt” trong bối cảnh toàn cầu của các ý tưởng. Khi cố gắng trở thành nhiều hơn là những thứ ngoại lai kỳ lạ của vùng ngoại vi trong “chợ trời văn hóa toàn cầu” của các ngành khoa học xã hội, chúng tôi va phải những bức tường của những ngách mà người ta đã cung cấp cho chúng tôi. (…). Tất nhiên, chúng tôi có thể có suy nghĩ một cách cay độc và nói rằng, ngay cả ở đây, một số người trong chúng tôi đủ giỏi để được công nhận, chẳng hạn như Ali Farka Touré hoặc Yousso N’Dour trong hạng mục “âm nhạc thế giới”, như những sự bổ sung chỉ mang tính trang trí (Sitas, 2004, tr.20)[27].
Sự khác biệt giữa chủ nghĩa địa phương và sự trừu tượng được phổ cập hóa có thể được đánh giá về mặt thực nghiệm, ít nhất là phỏng chừng, thông qua tiêu đề của các ấn phẩm. Tiêu đề của các ấn phẩm từ vùng ngoại vi thường nêu vị trí địa lý, do đó chỉ ra trạng thái “tỉnh lẻ” hoặc khu vực của kiến thức được trình bày, điều này không đúng với các ấn phẩm ở Bắc Đại Tây Dương. Theo Baber, điều này cho thấy rằng có một khía cạnh địa hình đối với việc sản xuất, tiếp nhận và xác nhận kiến thức khoa học xã hội (Baber, 2003, trang 618) và, như McDaniel lập luận trong đoạn trích dẫn ở trên, điều này cho thấy nhu cầu về tính địa phương để chính đáng hóa các công trình xuất phát từ các nước Phương Nam.
Giả thuyết về tính hướng ngoại và chủ nghĩa địa phương như những yếu tố của sự ngoại lề trong khoa học xã hội ở Phương Nam cũng có thể được kiểm tra thực nghiệm bằng cách xem xét các chuyên ngành địa lý của các định chế nghiên cứu. Cơ sở dữ liệu DARE (2004) chứa thông tin về sự lựa chọn gần như tùy tiện của khoảng 4.800 tổ chức khoa học xã hội trên toàn thế giới. Các mô tả về các trung tâm này chứa đựng, trong số những thứ khác, một chỉ dẫn về khu vực địa lý là chủ đề của nghiên cứu được triễn khai. Như chúng tôi đã giải thích ở trên đối với các tạp chí, cơ sở dữ liệu này có thể được sử dụng làm mẫu.
Vì lý do thời gian và không gian, một lần nữa chúng tôi sẽ giới hạn vào Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Trong số 89 tổ chức Châu Phi được đề cập trong DARE, tám (9%) không cho biết sự chuyên môn hóa khu vực, chỉ sáu (7%) vượt ra ngoài lục địa, trong khi 33 (37%) nêu tên quốc gia của chúng và 45 (50%) nêu tên lục địa hoặc một phần của Châu Phi là khu vực địa lý của nghiên cứu. Trong số 149 tổ chức ở Mỹ Latinh, hai phần ba (105) tập trung vào địa phương hoặc khu vực, 23 (15%) tiến hành nghiên cứu nhằm vào các châu lục khác và 21 (14%) không chỉ rõ sự chuyên môn địa lý của chúng. Để đơn giản hóa quy trình, Pháp và Đức có thể được dùng làm ví dụ cho các thể chế Châu Âu ở đây. 208 trung tâm (89 tiếng Đức và 119 tiếng Pháp) được chứa trong DARE. Trong số này, 56 (27%) không chỉ ra bất kỳ chuyên môn địa lý nào, 20 (10%) được giới hạn ở quốc gia của chúng và 41 (20%) ở Châu Âu; 50 (24%) có chủ đề là các lục địa khác và 38 (18%) cho thấy một viễn cảnh toàn cầu. Giả thuyết về tính trung tâm của Tây Âu, về mặt tri thức “thống trị phần còn lại của thế giới” – nhiều chuyên môn khu vực khác nhau ngoài Châu Âu và các quan điểm toàn cầu hoặc không có tham chiếu địa lý – và về sự ngoại lề của Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, chỉ giới hạn vào địa phương và khu vực, được xác nhận liên quan đến khía cạnh của sự phân công lao động nhận thức.
Nhưng những chỉ báo này không chỉ ra rõ ràng rằng sự hạn chế vào địa phương ở Phương Nam là tương ứng với lợi ích của công chúng Bắc Đại Tây Dương, một giả thuyết có trong khái niệm hướng ngoại theo Hountondji. Một phân tích về những hoạt động của các giáo sư được mời bởi một tổ chức của trung tâm, Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội/École des Hautes Etudes en Science Sociales EHESS, đã giúp đạt được tiến bộ trong vấn đề này (Keim, sắp xuất bản). Ở đây chúng tôi tóm tắt các kết quả chính. Phân phối thống kê cho thấy phần lớn khách đến từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh trình bày các chủ đề liên quan đến quốc gia hoặc khu vực xuất xứ của họ và do đó có thể được coi là “người cung cấp thông tin”, theo từ vựng của Hountondji, mang lại thông tin về những nơi xuất xứ của họ cho công chúng ở Paris. Ngược lại, phần lớn khách đến từ Tây Âu và Bắc Mỹ thuyết trình về các chủ đề chung, lý thuyết hoặc phương pháp luận, mà không nêu lên nơi xuất xứ của họ. Một xu hướng khác là nói về những thời đại khác và những lục địa khác, một xu hướng dễ thấy ở những vị khách đến từ Phương Bắc này và ít gặp hơn ở những đồng nghiệp đến từ Phương Nam.
Mặt khác, bằng cách xem xét các thực tiễn mời tham gia ở EHESS từ một góc độ khác, một nhân tố bổ sung cho tính ngoại lề có thể thấy rõ: cấu trúc ngành của các khoa học xã hội hướng dẫn các diễn ngôn, nhân sự và tài chính và ngăn cản tiếng nói của Phương Nam du nhập vào cái cốt lõi của các ngành có tham vọng xác định các quy luật trong các khoa học xã hội (kinh tế học, xã hội học, khoa học chính trị). Theo truyền thống, dân tộc học/nhân học và Đông phương học là những ngành xử lý các xã hội bên ngoài châu Âu; kể từ Chiến tranh Lạnh, “nghiên cứu khu vực/area studies” đã được thêm vào (Wallerstein et al., 1996)[28]. Thật vậy, một số lượng lớn lời mời các chuyên gia từ các lục địa Phương Nam đến EHESS được thực hiện bởi một trung tâm chuyên môn về khu vực của EHESS. Những trung tâm có tên chung hơn, chẳng hạn như Trung tâm Nghiên cứu Sử học, dễ được các nhà nghiên cứu ở Phương Bắc tiếp cận hơn.
Cuối cùng, sự phân công lao động tương tự được mô tả ở đây cho một định chế ở trung tâm có thể quan sát được ở Phương Nam. Andrade Carreño trình bày một phân tích cùng loại với phân tích mà chúng tôi vừa trình bày. Ông xem xét kỹ hơn khía cạnh địa hình của chủ đề và nguồn gốc của các bài báo trong bảy tạp chí xã hội học Mexico. Sự phân công lao động nhận thức không đồng đều cũng không kém rõ ràng trong dữ liệu mà ông trình bày. Phần lớn các bài viết từ Mexico và Mỹ Latinh[29] đề cập đến một chủ đề địa phương hoặc khu vực – lần lượt là 57% và 76% – trong khi hầu hết các đóng góp của Bắc Mỹ và Châu Âu không nêu lên giới hạn địa lý. Một cách chính đáng, tác giả coi đây là một chỉ báo về mức độ trừu tượng và khái quát hóa đối với vị trí địa lý của các dữ liệu và, do đó, như một chỉ báo về những đóng góp mang tính lý thuyết hơn (Andrade Carreño, 1998, trang 136). Ngoài ra, một phần quan trọng của các công trình đã xuất bản tập trung vào Mexico và Mỹ Latinh, một lần nữa nhấn mạnh sự liên lạc thường xuyên giữa các nhà khoa học xã hội ở Phương Nam và các chuyên gia khu vực ở Phương Bắc. Do đó, hiện tượng hướng ngoại và “tâm trí bị giam cầm” khá dễ phát hiện trong các cộng đồng khoa học địa phương, như ở Mexico.
Các giả định tiến hóa vốn có trong các khoa học xã hội
Cuối cùng, vấn đề về tính ngoài lề cũng liên quan đến các giả thuyết tiến hóa vốn có trong các ngành khoa học xã hội vốn, bất chấp sự vỡ mộng và thuyết giải cấu trúc hậu hiện đại của những năm gần đây, vẫn tồn tại và tạo ra các thứ bậc giữa các đối tượng nghiên cứu và giữa các địa điểm sản xuất xã hội học. Chẳng hạn giả thuyết cho rằng tất cả các xã hội đều trải qua các giai đoạn phát triển giống nhau, hoặc ý tưởng cho rằng các quốc gia giàu có ở phương Bắc hiện đang ở đỉnh cao của sự phát triển con người và phần còn lại của thế giới đang “đuổi kịp” họ, đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức về sản xuất trong khoa học xã hội. Hệ quả của những giả định tiến hóa này liên quan đến các ngành cốt lõi của các khoa học xã hội – xã hội học, khoa học chính trị, kinh tế học – vốn không coi Châu Phi hay Châu Mỹ Latinh là những nơi có thực tại xã hội riêng của chúng và có khả năng phát triển các lý thuyết một cách đầy đủ; các giả định này coi những lục địa này là “những trường” hoặc là “những phòng thí nghiệm” nơi “lý thuyết phổ quát”, được xây dựng ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, có thể được thử thách. Thái độ này nổi lên rất rõ ràng trong ấn phẩm Châu Phi và các ngành: những đóng góp của nghiên cứu ở Châu Phi cho các khoa học xã hội và nhân văn/Africa and the disciplines: the contributions of research in Africa to the social sciences and humanities (Bates, Mudimbe & O’Barr, 1993). Trái ngược với những gì tiêu đề gợi ý, vấn đề ở đây không phải là thúc đẩy nghiên cứu ở Châu Phi mà là nghiên cứu về Châu Phi, ví dụ như trong kinh tế học: “Châu Phi là một mỏ vàng cho các nhà kinh tế học, bởi vì lịch sử kinh tế của nó rất cực đoan. Bùng nổ, khủng hoảng, nạn đói, di cư. Bởi vì có rất nhiều quốc gia Châu Phi, thường theo đuổi các chính sách kinh tế hoàn toàn khác nhau, nên Châu Phi mang đến sự đa dạng lý tưởng cho các phương pháp so sánh vốn là phương pháp thay thế tốt nhất cho các thử nghiệm mà các nhà kinh tế học có được” (Collier, 1993, trang 58)[30]. Đoạn văn này cho thấy rõ mức độ mà lục địa này được các nhà nghiên cứu ở Phương Bắc coi là một lĩnh vực thử nghiệm, như một khu vực xuất khẩu nguyên liệu thô để bổ sung cho việc sản xuất các lý thuyết ở Phương Bắc – một thái độ cũng thường được các đồng nghiệp địa phương của họ nội tâm hóa/chấp nhận cho chính mình. Nhận thức này gắn liền với giả định tiến hóa rằng Châu Phi vẫn còn lạc hậu trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội và do đó không thể cung cấp thông tin cho nghiên cứu khoa học xã hội tiên tiến. Các nhà xã hội học từ Phương Nam thường có cảm giác không thể đóng góp một cách vững vàng cho các cuộc tranh luận quốc tế vì sự phát triển của các xã hội của họ vẫn còn kém xa so với những thành tựu của các chính quốc (xem phỏng vấn các nhà nghiên cứu Nam Phi ở Keim, 2008).
Các cuộc tấn công chống lại bá quyền Bắc Đại Tây Dương
Bài báo này đã đề xuất sự khái niệm hóa một mô hình trung tâm-ngoại vi và thử nghiệm nó bằng cách sử dụng một số chỉ báo thực nghiệm, đồng thời trình bày một số khía cạnh ít được biết đến hoặc gây tranh cãi. Mô hình này có vẻ thích đáng để nắm bắt xã hội học trong sự cấu tạo quốc tế của nó. Cấu trúc trung tâm-ngoại vi, đặc biệt là trong chiều kích đối lập tính ngoài lề với tính trung tâm, dẫn đến hệ thống phân cấp địa lý trong quá trình sản xuất kiến thức xã hội học. Mô hình được đề xuất ở đây cho phép hiểu được, theo một cách đa dạng, các tình huống địa phương, bằng cách phân biệt các cách đặt vấn đề khác nhau liên quan đến ba chiều kích, cụ thể là cơ sở hạ tầng và tổ chức nội bộ, điều kiện tồn tại và tái sản xuất, sự định vị và sự công nhận quốc tế. Đặc tính của tình hình của một cộng đồng khoa học nhất định cũng có thể được xác định, dựa trên các chỉ báo thực nghiệm, tùy vào vị trí của nó trên mỗi chiều kích trong ba chiều kích này, giữa hai cực lý tưởng điển hình của mỗi chiều kích. Các phân tích thực nghiệm cho thấy rằng các quốc gia Phương Nam quả thực thường bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của vị thế ngoại vi, nhưng ở những mức độ rất khác nhau và không nhất thiết phải trên ba trục cùng một lúc.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kết thúc bằng một giọng điệu lạc quan hơn, bằng cách chỉ ra nhiều bước phát triển khác nhau ngày nay đang thách thức quyền bá chủ lịch sử của các phương pháp tiếp cận Châu Âu và Bắc Mỹ, và phát triển một tiềm năng chống bá quyền ít nhiều rõ ràng, đặc biệt là trong các ngành khoa học xã hội: các phê bình thuyết lấy Châu Âu làm tâm điểm[31], sự giải cấu trúc của Đông Phương Luận (Said, [1978] 1994), các tấn công chống dân tộc học/nhân học và “những nghiên cứu khu vực/area studies” (Bouhdiba, 1970; Mamdani, 1997; Mafeje, n.d.). S.F. Alatas đề xuất một bộ tiêu chí cần thiết để làm cho các xã hội học Phương Nam thích đáng hơn với bối cảnh của chính chúng (Alatas, 2003, 2006). Đồng thời, cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn của dự án bản địa hóa cố gắng phát triển các khái niệm xã hội học từ kiến thức về xã hội có trong văn hóa truyền khẩu[32]. Cuối cùng, chúng ta hãy lưu ý các công trình được xuất bản gần đây dưới tiêu đề “tiến trình giải thực dân hóa xã hội học Châu Âu” làm cho cuộc tranh luận sâu sắc hơn (Gutiérrez Rodríguez, Boatcă & Costa, 2010).
Tuy nhiên, mô hình trung tâm-ngoại vi được phác thảo ở đây hàm ý một “lối thoát” khác thay thế. Khái niệm “trào lưu phản bá quyền” do Keim đề xuất (2008, 2010) gợi ý một sự thay đổi trong quan điểm để tập trung hơn vào những phát triển cụ thể trong các khoa học xã hội của Phương Nam, mà tầm quan trọng dường như vẫn chưa được công nhận đầy đủ cho đến nay. Khái niệm này dựa trên ý tưởng rằng sự thống trị của Bắc Đại Tây Dương trong các ngành khoa học xã hội dựa trên sự chấp nhận được chia sẻ về một đấu trường cạnh tranh chung[33]. Chỉ trong chừng mực mà các tổ chức và phương tiện truyền thông của “trào lưu chủ đạo/mainstream” được công nhận là đấu trường cạnh tranh trung tâm của ngành thì cuộc đấu tranh để được quốc tế công nhận mới có thể bắt đầu và việc gạt ra bên lề có thể vận hành. Do đó, cách duy nhất để phát triển một “tiềm năng phản bá quyền” thực sự và thiết thực – đối lập với những lời chỉ trích lý thuyết được trình bày ở trên – là sự từ chối tham gia vào đấu trường chung này và sự từ chối gọi đấu trường này là đấu trường trung tâm của một chuyên ngành. Điều này xảy ra, thường xuyên trong thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy hơn là trong thảo luận lý thuyết: khi một cộng đồng khoa học đủ lớn để quay lưng lại với cái gọi là “cộng đồng quốc tế” để hướng mình tới các đấu trường thay thế – địa phương hoặc khu vực, có thể là phi học thuật – thì xã hội học Bắc Đại Tây Dương mới mất đi tầm quan trọng và chính nền tảng của chiều kích trung tâm/ngoài lề mới bắt đầu tan biến[34].
———————————————-
THƯ MỤC
– FRANCIS – International humanities and social sciences. Ovid Technologies (database presentation).
– SCI (1998). Journal Citation Reports Social Science Edition 1998. ISI Web of Knowledge.
– Unesco (2004). DARE Database International Social Sciences Directory – Institutions, Specialists, Periodicals. Unesco Social and Human Sciences Documentation Centre.
– SCI (2008). Journal Citation Reports – Social Science Edition 2008. ISI Web of Knowledge.
– LATINDEX (2008). LATINDEX. Sistema Regional de Información en Línea para Revistas Científicas de América Latina, el Caribe, España y Portugal. LATINDEX México 1997-2009.
– Abreu A.R.d.P. (2003). A (strong?) voice from the South. Latin American sociology today. Current Sociology, 51(1), 51-72.
– Adebowale, S.A. (2001). The scholarly journal in the production and dissemination of knowledge on Africa: exploring some issues for the future. African Sociological Review, 5(1), 1-16.
– Adésínà, J. (2002). Sociology and Yoruba studies: epistemic intervention or doing sociology in the vernacular? African Sociological Review, 6(1), 91-114.
– Akiwowo, A. (1980). Trend report: Sociology in Africa today. Current Sociology, 28(2), 1-165.
DOI: 10.1177/001139218002800202
-Akiwowo, A. (1990). Contributions to the sociology of knowledge from an African oral poetry. In M. Albrow & E. King (eds) (1990). Globalization, knowledge and society: readings from International Sociology (pp. 103-117). London, Sage Publications.
DOI: 10.1177/026858098600100401
– Akiwowo, A. (1999). Indigenous sociologies – extending the scope of the argument. International Sociology, 14(2), 115-138.
– Alatas, S.F. (2003). Academic dependency and the global division of labour in the social sciences. Current Sociology, 51(6), 599-613.
DOI: 10.1177/00113921030516003
– Alatas, S.F. (2006). Alternative discourses in Asian social science. Responses to Eurocentrism. New Delhi: Sage Publications India.
– Alatas, S.F. (2010). Reconstructing sociology from the global periphery. ISA World Congress of Sociology. Gothenburg.
– Alatas, S.H. (1974). The captive mind and creative development. International Social Science Journal, XXVI(4), 691-700.
– Alatas, S.H. (2006). The autonomous, the universal and the future of sociology. Current Sociology, 54(1), 7-23.
– Altbach, P.G. (éd.) (1991) Publishing and development in the Third World. London: Hans Zell Publishers.
– Amin, S. (1988). L’eurocentrisme. Paris: Anthropos.
– Andrade Carreño, A. (1998). La sociología en México: temas, campos científicos y tradición disciplinaria. México: UNAM.
DOI: 10.22201/fcpys.9786070274794e.1999
– Arjomand, S.A. (2008). Southern theory: an illusion. European Journal of Sociology, 49(3), 546-549.
– Arunachalam, S. (1990). Peripherality in science: what should be done to help peripheral science get assimilated into mainstream science?. Les indicateurs de science pour les pays en développement. ORSTOM/CNRS, Unesco.
– Arvanitis, R. & Chatelin, Y. (1990) Between centers and pepriphery: the rise of a new scientific community. Scientometrics, 17(5-6), 437-452.
– Arvanitis, R. & Gaillard, J. (1990). Les indicateurs de science pour les pays en développement. Conférence internationale sur les indicateurs de science dans les pays en développement. ORSTOM/CNRS, Unesco.
– Baber, Z. (2003). Provincial universalism. The landscape of knowledge production in an era of globalization. Current Sociology, 51(6), 615-623.
DOI: 10.1177/00113921030516004
– Barré, R. & Papon, P. (1993). Économie et politique de la science et de la technologie. Paris: Hachette.
– Barreiro Díaz, A. (2000). A Construção social das ciências sociais na periferia: economia e sociologia no uruguai, 1970-1990. PhD, Instituto de Geociências, Universidade Estadual de Campinas (Campinas-São Paulo).
– Bates, R.H., Mudimbe, V.Y. & O’Barr, J. (eds.) (1993) Africa and the disciplines – the contributions of research in Africa to the social sciences and humanities. Chicago: London, Univ. of Chicago Press.
– Beaton, J. (2010). Social science research capacity in Asia. World Social Science Report 2010 (pp. 106-107). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– Boatcă, M., Costa, S. & Gutiérrez Rodríguez, E. (2010). Introduction: Decolonizing European sociology: different paths towards a pending project. In E. Gutiérrez Rodríguez, M. Boatcă & S. Costa (eds.). Decolonizing European sociology. Transdisciplinary perspectives (pp. 1-13). Farnham, Ashgate.
– Bouhdiba, A. (1970). La sociologie du développement africain – tendances actuelles de la recherche et bibliographie. Current Sociology, 18(2), 5-21.
– Brachet-Marquez, V. (1997). Introduction: analyzing change in Latin America – missed opportunities and false trails. Current Sociology, 45(1), 1-14.
DOI: 10.1177/001139297045001002
– Braun, T.A.S. (1996). Power positions in science journals – their gatekeeping, demography, ecology and accessibility. In R. Waast (éd.). Les sciences au sud – état des lieux (pp. 51-64), coll. Les sciences hors d’Occident au XXe siècle. Paris: Orstom.
– Burawoy, M. (2004). Presidential Address: For public sociology. American Sociological Association Annual Conference, San Francisco.
– Cardoso, F.H. & Faletto, E. ([1969] 1978). Dépendance et Développement en Amérique latine. Paris: PUF.
– Chatelin, Y. & Waast, R. (1996). L’Afrique scientifique de la fin des années 1980 – approche bibliométrique. Panorama général, stratégies nationales, champs thématiques. In R. Waast (éd.). Les sciences au sud – état des lieux (pp. 73-90). coll. Les sciences hors d’Occident au XXe siècle. Paris: Orstom.
– Chekki, D.A. ([1987] 1990-91). Synthesis and indigenization in Indian sociology beyond tradition. In G.C. Hallen (éd.). Sociology in India – perspectives and trends (pp. 1665-1698). Meerut: Rohini Publ.
– Cimadamore, A.D. (2010). Social science capacity-building in Latin America. World Social Science Report 2010 (pp. 108-109). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– Collier, P. (1993). Africa and the study of economics. In R.H. Bates, V.Y. Mudimbe & J. O’Barr (eds.). Africa and the disciplines – the contributions of research in Africa to the social sciences and humanities (pp. 58-82). Chicago, London: Univ. of Chicago Press.
– Connell, R. (2007). Southern theory. The global dynamics of knowledge in social science. Cambridge: Polity Press.
– Crawford, E., Shinn, T. & Sörlin, S. (1993). The nationalization and denationalization of the sciences: an introductory essay. In E. Crawford, T. Shinn & S. Sörlin (eds). Denationalizing science. The contexts of international scientific practice (pp. 1-42). Dordrecht: Kluwer.
– Cruz e Silva, T. & Sitas, A. (1996). Introduction – Southern African social science in the late 20th century. Gathering voices: perspectives on the social sciences in Southern Africa. ISA Regional Conference for Southern Africa. Durban: ISA.
– Fals Borda, O. ([1970] 1971). Ciencia propia y colonialismo intellectual. Bogotá: Editorial Oveja Negra.
– Frenken, K., Hoekman, J. & Hardeman, S. (2010). The globalization of research collaboration. World Social Science Report (pp. 144-148). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– Gaillard, J. (1987). Les chercheurs des pays en développement – origines, formations, et pratiques de la recherche. Mémoire de DEA, Conservatoire National des Arts et Métiers (Paris).
– Gaillard, J. (1994). La naissance difficile des communautés scientifiques. In J.-J. Salomon, F.S. Sagasti & C. Sachs-Jeantet (éds). La quête incertaine – science, technologie et développement (pp. 213-251). Tokyo, New York, Paris: Economica.
– Gaillard, J. (éd.) (1996) Coopérations scientifiques internationales. Paris: ORSTOM.
– Gaillard, J. (1999). La coopération scientifique et technique avec les pays du Sud – peut-on partager la science?. Paris: Karthala.
– Gaillard, J. & Schlemmer, B. (1996). Chercheurs du Nord, chercheurs du Sud: itinéraires, pratiques, modèles: un essai d’analyse comparative. In R. Waast (éd.). Les sciences au sud – état des lieux (pp. 113-137). coll. Les sciences hors d’Occident au XXe siècle, Paris: ORSTOM.
– Gareau, F.H. (1985). The multinational version of social science with emphasis upon the discipline of sociology. Current Sociology, 33(3), 1-165.
– Gingras, Y. (2002). Les formes spécifiques de l’internationalité du champ scientifique. Actes de la Recherche en Sciences Sociales, (141-142), 31-45.
– Gingras, Y. & Mosbah-Natanson, S. (2010). Where are social sciences produced? World Social Science Report 2010 (pp. 149-153). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– González Casanova, P. (1968). Las ciencias sociales. In P. González Casanova & G. Bonfil (eds). Las ciencias sociales y la antropología – dos ensayos (pp. 1-44). México, Productividad.
– González Casanova, P. (1970). La sociologie du développement latino-américaine – tendances actuelles de la recherche et bibliographie, Ière Partie: Études générales, les classiques latino-américains et la sociologie du développement. Current Sociology, 18(1), 5-29.
– Gutiérrez Rodríguez, E., Boatcă, M. & Costa, S. (eds.) (2010) Decolonizing European sociology. Transdisciplinary perspectives. Farnham, Ashgate.
-Heilbron, J. (2008). Qu’est-ce qu’une tradition nationale en sciences sociales? Revue d’Histoire des Sciences Humaines, 1(18), 3-16.
-Heilbron, J., Guilhot, N. & Jeanpierre, L. (2008). Toward a transnational history of the social sciences. Journal of the History of the Behavioral Sciences, 44(2), 146-160.
DOI: 10.1002/jhbs.20302
– Hountondji, P.J. (1990). Scientific dependence in Africa today. Research in African Literatures, 21(3), 5-15.
– Hountondji, P.J. (1994). Démarginaliser. In P.J. Hountondji (éd.) (1994). Les savoirs endogènes: pistes pour une recherche (pp. 1-37). Dakar: Codesria.
– Hountondji, P.J. (2001/02). Le savoir mondialisé: déséquilibres et enjeux actuels. La mondialisation vue d’Afrique. Université de Nantes/Maison des Sciences de l’Homme Guépin.
– Jubber, K. (2005). Canon and context: is sociology only about Marx, Weber and Durkheim? Annual Congress of the South African Sociological Association. University of Limpopo, Polokwane.
– Keim, W. (2007). Jenseits von Afrika – Auseinandersetzungen um den Hegemonialanspruch der “Internationalen Soziologie”. In S. Ammon et al. (eds). Wissen in Bewegung – Vielfalt und Hegemonie in der Wissensgesellschaft (pp. 121-139). Göttingen: Velbrück.
– Keim, W. (2008). Vermessene Disziplin. Zum konterhegemonialen Potential afrikanischer und lateinamerikanischer Soziologien. Bielefeld: transcript.
-Keim, W. (2009). Social sciences internationally – the problem of marginalisation and its consequences for the discipline of sociology. African Sociological Review, 12(2), 22-48.
– Keim, W. (2010). Counter hegemonic currents and internationalization of sociology. Theoretical reflections and one empirical example. International Sociology, 25(2), 1-23.
– Keim, W. (à paraître). Analyse des invitations de chercheurs étrangers par l’EHESS. Compétences reconnues et clivages Nord-Sud. Cahiers de la Recherche sur l’Éducation et les Savoirs, 9.
– Khaldun, I. (1967-68). Discours sur l’Histoire universelle Al-Muqaddima. Beyrouth: Sindbad.
– Koyano, S. (1976). Sociological studies in Japan – pre-war, post-war and contemporary stages. Current Sociology, 24(1), 2-196.
– Lander, E. (2004). Universidad y producción de conocimiento: reflexiones sobre la colonialidad del saber en América Latina. In I. Sánchez Ramos & R. Sosa Elízaga (eds). América Latina: los desafíos del pensamiento crítico (pp. 167-179). México: Siglo Veintiuno.
– Lawuyi, O.B. & Taiwo, O. (1990). Towards an African sociological tradition: a rejoinder to Akiwowo and Makinde. In M. Albrow & E. King (eds). Globalization, knowledge and society: readings from International Sociology (pp. 135-151). London: Sage Publications.
DOI: 10.1177/026858090005001005
– Lie, J. (1996). Sociology of contemporary Japan. Current Sociology, 44(1), 1-66.
– Losego, P. & Arvanitis, R. (2008). La science dans les pays non hégémoniques. Revue d’Anthropologie des Connaissances, 2(3), 334-342.
DOI: 10.3917/rac.005.0334
– Mac Leod, R. (1982). On visiting the moving metropolis: reflections on the architecture of imperial science. Historical Records of Australian Science, 5(3), 1-16.
– Mafeje, A. (s.d.) Anthropology in post-independence Africa: end of an era and the problem of self-definition. Multiversity of the MultiWorld Network, Malaysia. Consulté: nov. 2005.
– Makinde, A.A. (1990). Asuwada principle: an analysis of Akiwowo’s contributions to the sociology of knowledge from an African perspective. M. Albrow & E. King (eds). Globalization, knowledge and society: readings from International Sociology. London: Sage Publications.
DOI: 10.1177/026858088003001004
– Mamdani, M. (1997). Africa and ‘African Studies’. In N. Cloete, J. Muller, M.W. Makgoba & D. Ekong (eds). Knowledge, identity and curriculum transformation in Africa (pp. 149-154). Cape Town: Maskew Miller-Longman.
– Marini, R.M. (1994). Origen y trayectoria de la sociología latinoamericana. In J.F. Leal y Fernández et al. (eds.) (1994). La sociología contemporánea en México: perspectivas disciplinarias y nuevos desafíos (pp. 307-323). México: UNAM.
– McDaniel, S.A. (2003). Introduction: the currents of sociology internationally – preponderance, diversity and division of labour. Current Sociology, 51(6), 593-597.
DOI: 10.1177/00113921030516002
– Mignolo, W. (2004). Colonialidad global, capitalismo y hegemonía epistémica. In I. Sánchez Ramos & R. Sosa Elízaga (eds). América Latina: los desafíos del pensamiento crítico (pp. 113-137). México: Siglo Veintiuno.
– Mkandawire, T. (1989). Problems and prospects of the social sciences in Africa. Eastern Africa Social Science Research Review, V(1), 1-12.
– Mouton, J. (2010). The state of social science in sub-Saharan Africa. World Social Science Report 2010 (pp. 63-68). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– Olukoshi, A. (2010). The contribution of social science networks to capacity development in Africa. World Social Science Report 2010 (pp. 134-136). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– Petitjean, P., Jami, C.J. & Moulin, A.M. (1992). Science and empires – histoire comparative des échanges scientifiques – expansion européenne et développement scientifique des pays d’Asie, d’Afrique, d’Amérique et d’Océanie. Dordrecht: Kluwer.
– Ping, H. (2010). The status of the social sciences in China. World Social Science Report 2010 (pp. 73-76). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– Polanco, X. (1990). Une science-monde: la mondialisation de la science européenne et la création de traditions scientifiques locales. In X. Polanco (éd.). Naissance et développement de la science-monde – production et reproduction des communautés scientifiques en Europe et en Amérique latine (pp. 10-52). Paris: La Découverte.
– Romani, V. (2008a). Sciences sociales et coercition. Les social scientists des Territoires palestiniens entre lutte nationale et indépendance scientifique. PhD, Institut d’Études Politiques, Université Paul Cézanne – Aix-Marseille III (Aix-en-Provence).
– Romani, V. (2008b). Sciences sociales et lutte nationale dans les territoires occupés palestiniens. La coercition comme contrainte et comme ressource. Revue d’Anthropologie des Connaissances, 2(3), 487-504.
– Russell, J. M. & Ainsworth, S. (2010). Social science research in the Latin American and Caribbean regions in comparison with China and India. World Social Science Report 2010 (pp. 156-159). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– Rostow, W.W. (1960). The stages of economic growth: a non-communist manifesto. Cambridge: Cambridge Univ. Press.
DOI: 10.1111/j.1468-0289.1959.tb01829.x
– Said, E.W. ([1978] 1994). L’orientalisme – l’Orient créé par l’Occident. Paris: Le Seuil.
– Shami, S. & Elgeziri, M. (2010). Capacity development challenges in the Arab states. World Social Science Report 2010 (pp. 104-105). Paris: Unesco and International Social Science Council.
– Shinn, T. (1988). Hiérarchies des chercheurs et formes de recherches. Actes de la Recherche en Sciences Sociales, 74, 2-22.
-Shinn, T. (2000). Axes thématiques et marchés de diffusion. La science en France, 1975-1999. Sociologie et Société, XXXII(1), 43-69.
DOI: 10.7202/001703ar
– Shinn, T., Spaapen, J. & Venni Krishna, V. (1997). Science, technology and society studies and development perspectives in South-North transactions. In T. Shinn, J. Spaapen & V. Krishna (eds). Science and technology in a developing world (pp. 1-34). Dordrecht: Kluwer.
– Singh, Y. (1988). Les déterminations sociales de la sociologie indienne. In R. Lardinois (éd.). Miroir de l’Inde – études indiennes en sciences sociales. Paris; Maison des Sciences de l’Homme.
– Sitas, A. (2002). The African Renaissance Challenge and Sociological Reclamations in the South, Global Studies Program, Universität Freiburg. url: http://gsp.soziologie.uni-freiburg.de/gspdat/people/sitas/seminar-freiburg-2002/african-renaissance.pdf, Consulté: Oct. 2005.
– Sitas, A. (2004). Voices that reason – theoretical parables. Pretoria: University of South Africa Press.
– Solórzano Anguiano, J. & González Gómez, A. ([1979] 1994). Nueva sociología. Guadalajara: Editorial Univ. de Guadalajara.
– Szanton, D.L. & Manyika, S. (2002) PhD programs in African universities: current status and future prospects. University of California: Berkeley.
– Todd, J. (1993). Science in the periphery: an interpretation of Australian scientific and technological dependency and development prior to 1914. Annals of Science, 50, 33-36.
DOI: 10.1080/00033799300200111
– Unesco (1999a). Statistical yearbook. Paris: Unesco.
– Unesco (1999c). The social sciences in Latin America – overview. World social science report 1999, 104-109.
– Unesco (1999d). The social sciences in sub-Saharan Africa. World social science report 1999, 122-128.
– Unesco & ISSC (eds.) (2010a) World Social Science Report 2010. Paris, Unesco and International Social Science Council.
– Unesco & ISSC (2010b). Dimensions of capacities in social sciences. World Social Science Report 2010, Paris, Unesco and International Social Science Council, 101-104.
– Vessuri, H. (1999b). Investigación social y revistas de ciencias sociales en América Latina ¿Crisis y transformación? In A.M. Cetto & O. Alonso (eds). Revistas científicas en América latina (pp. 315-334). México: Fondo de Cultura Económica.
– Waast, R. (2001a). Afrique, vers un libre marché du travail scientifique?. Économies et Sociétés, 30(9-10), 1361-1413.
– Waast, R. (2001b). Science in Africa: an overview. Science in Africa. Somerset West, South Africa, University of Stellenbosch.
– Waast, R. (2003). Science in Africa: from institutionalization to scientific free markets. Science, Technology & Society, 8(2), 153-181.
– Wallerstein, I. et al. (éds) (1996) Ouvrir les Sciences Sociales – Rapport de la Commission Gulbenkian pour la Restructuration des Sciences sociales. Paris: Descartes et Cie.
– Weingart, P. (2006). Knowledge and inequality. In G. Therborn (ed.). Inequalities of the World. New theoretical frameworks, multiple empirical approaches (pp. 163-190). London, New York, Verso.
THAM CHIẾU ĐIỆN TỬ
Wiebke Keim, « Pour un modèle centre-périphérie dans les sciences sociales », Revue d’anthropologie des connaissances [En ligne], 4-3 | 2010, mis en ligne le 01 décembre 2010, consulté le 10 juillet 2023.
URL: http://journals.openedition.org/rac/16002;
DOI: https://doi.org/10.3917/rac.011.0570
BÀI VIẾT NÀY ĐƯỢC TRÍCH DẪN BỞI
Warczok, Tomasz. (2022) Polskie nauki społeczne w kontekście relacji władzy i zależności międzynarodowych. DOI: 10.31338/uw.9788323556695.pp.155-183
Brisson, Thomas. Jeanpierre, Laurent. Lee, Kil-Ho. (2018) The Social and Human Sciences in Global Power Relations. DOI: 10.1007/978-3-319-73299-2_12
Keim, Wiebke. (2022) The Palgrave Handbook of the History of Human Sciences. DOI: 10.1007/978-981-16-7255-2_66
Turc, Emil. Mattijs, Jan. (2019) Governance and Public Management Public Administration in Europe. DOI: 10.1007/978-3-319-92856-2_30
Heilbron, Johan. Boncourt, Thibaud. Sorá, Gustavo. (2018) The Social and Human Sciences in Global Power Relations. DOI: 10.1007/978-3-319-73299-2_1
Keim, Wiebke. (2022) The Palgrave Handbook of the History of Human Sciences. DOI: 10.1007/978-981-15-4106-3_66-1
Maisonobe, Marion. Grossetti, Michel. Milard, Béatrice. Eckert, Denis. Jégou, Laurent. (2016) L’évolution mondiale des réseaux de collaborations scientifiques entre villes: des échelles multiples. Revue française de sociologie, Vol. 57. DOI: 10.3917/rfs.573.0417
Warren, Jean-Philippe. (2014) The End of National Sociological Traditions? The Fates of Sociology in English Canada and French Quebec in a Globalized Field of Science. International Journal of Canadian Studies, 50. DOI: 10.3138/ijcs.2014.006
Maia, João Marcelo Ehlert. (2015) A sociologia periférica de Guerreiro Ramos. Caderno CRH, 28. DOI: 10.1590/S0103-49792015000100004
Boncourt, Thibaud. (2016) La science internationale comme ressource. Revue française de sociologie, Vol. 57. DOI: 10.3917/rfs.573.0529
Ferreira, Mariana Toledo. (2019) Periferia pensada em termos de falta: uma análise do campo da genética humana e médica. Sociologias, 21. DOI: 10.1590/15174522-02105003
Arellano Hernández, Antonio. Arvanitis, Rigas. Vinck, Dominique. (2012) Circulation et connexité mondiale des savoirs. Revue d’anthropologie des connaissances, 6. DOI: 10.3917/rac.016.0001
Maia, João Marcelo E.. (2015) História dos intelectuais no Terceiro Mundo: reflexões a partir do caso de Guerreiro Ramos. Cadernos EBAPE.BR, 13. DOI: 10.1590/1679-395149072
Cabane, Lydie. (2015) Dossier « Politiques du changement global. Expertises, enjeux d’échelles et frontières de l’action publique environnementale » – Les catastrophes: un horizon commun de la globalisation environnementale?. Natures Sciences Sociétés, 23. DOI: 10.1051/nss/2015050
Cordonnier, Sarah. Cordonnier, Sarah. Després-Lonnet, Marie. Després-Lonnet, Marie. Gadras, Simon. Gadras, Simon. Touboul, Annelise. Touboul, Annelise. (2020) Technologies globalisées, appropriations situées, théories créatives. Communication & langages, N° 205. DOI: 10.3917/comla1.205.0029
Turkowski, Andrzej. Tomasz Zarycki,. (2023) From Wallerstein to Rothschild. Journal of World-Systems Research, 29. DOI: 10.5195/jwsr.2023.1135
Maia, Joao Marcelo. (2014) History of sociology and the quest for intellectual autonomy in the Global South: The cases of Alberto Guerreiro Ramos and Syed Hussein Alatas. Current Sociology, 62. DOI: 10.1177/0011392114534422
Beigel, Fernanda. (2021) A multi-scale perspective for assessing publishing circuits in non-hegemonic countries. Tapuya: Latin American Science, Technology and Society, 4. DOI: 10.1080/25729861.2020.1845923
BONCOURT, THIBAUD. (2015) THE TRANSNATIONAL CIRCULATION OF SCIENTIFIC IDEAS: IMPORTING BEHAVIORALISM IN EUROPEAN POLITICAL SCIENCE (1950-1970). Journal of the History of the Behavioral Sciences, 51. DOI: 10.1002/jhbs.21713
Maia, João Marcelo Ehlert. (2017) História da sociologia como campo de pesquisa e algumas tendências recentes do pensamento social brasileiro. História, Ciências, Saúde-Manguinhos, 24. DOI: 10.1590/s0104-59702017000100003
Arellano Hernández, Antonio. Arvanitis, Rigas. Vinck, Dominique. (2012) Global connexity and circulation of knowledge. Revue d’anthropologie des connaissances, 6. DOI: 10.3917/rac.016.a
Klein, Stefan. (2022) Articulando o lugar da resistência na Dialética do esclarecimento e em Lélia Gonzalez. Civitas – Revista de Ciências Sociais, 22. DOI: 10.15448/1984-7289.2022.1.42421
Keim, Wiebke. (2017) Islamization of Knowledge – Symptom of the Failed Internationalization of the Social Sciences?. Méthod(e)s: African Review of Social Sciences Methodology, 2. DOI: 10.1080/23754745.2017.1354554
Grossetti, Michel. Maisonobe, Marion. Jégou, Laurent. Milard, Béatrice. Cabanac, Guillaume. (2020) Spatial organisation of French research from the scholarly publication standpoint (1999-2017): Long-standing dynamics and policy-induced disorder. EPJ Web of Conferences, 244. DOI: 10.1051/epjconf/202024401005
Heilbron, Johan. (2014) The social sciences as an emerging global field. Current Sociology, 62. DOI: 10.1177/0011392113499739
Hanafi, Sari. Arvanitis, Rigas. (2014) The marginalization of the Arab language in social science: Structural constraints and dependency by choice. Current Sociology, 62. DOI: 10.1177/0011392114531504
Arellano Hernández, Antonio. Arvanitis, Rigas. Vinck, Dominique. (2012) Circulación y conexión mundial de saberes. Revue d’anthropologie des connaissances, 6. DOI: 10.3917/rac.016.i
Mosbah-Natanson, Sébastien. Gingras, Yves. (2014) The globalization of social sciences? Evidence from a quantitative analysis of 30 years of production, collaboration and citations in the social sciences (1980–2009). Current Sociology, 62. DOI: 10.1177/0011392113498866
Agnandji, Selidji T. Tsassa, Valerie. Conzelmann, Cornelia. Köhler, Carsten. Ehni, Hans-Jörg. (2012) Patterns of biomedical science production in a sub-Saharan research center. BMC Medical Ethics, 13. DOI: 10.1186/1472-6939-13-3
Phạm Như Hồ dịch