Hình ảnh con đường đi qua những ô canh tác nông nghiệp đã gợi nên những suy nghĩ rất ý nghĩa về sự phát triển và cả cái cách thức chúng ta tư duy về sự phát triển.
Mong muốn về một nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa là một xu thế hợp lý trong bối cảnh của những thập kỷ tới. Khi mà môi trường mới định hình nên một trạng thái tồn tại mới về vật chất dựa trên vật thể, chuyển sang vật chất bao gồm cả vật thể và phi vật thể, do tác động của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số tạo ra, đã hình thành nên một môi trường số (digital), một trạng thái, mà ở đó đặt nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà chúng ta nói đến rất nhiều.
Đặc trưng quan trọng của cuộc cách mạng này là sự phân giải đi cùng tiến trình nguyên tử hóa các tồn tại. Nó đưa chúng ta đến những dạng thức mới của các mạng lưới, của sự gắn kết, hình thành nên cách thức phức hợp các nguồn tài nguyên mới và định hình nên giá trị mới. Ở trong đó, con người, các cộng đồng, các xã hội, các bên liên quan (stakeholders) trở thành những mối ràng buộc liên kết không thể tách rời với tự nhiên, xã hội và cả tâm thức.
Một xã hội định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển là một xã hội kết nối được tất cả các nguồn lực xã hội tạo thành các dòng chảy tuần hoàn của tài chính, cho phép kiến tạo các nguồn lực dựa trên phương thức chia sẻ, phức hợp và hội tụ, chuyển hóa nên một năng lực tài nguyên vô hạn, cho phép thẩm thấu và định hình nên sự dư thừa của tài nguyên (kinh tế chính trị siêu vĩ mô).
Dựa trên cái nền tảng ấy, sự kết hợp và toàn cầu hóa phải là một tiến trình đại đồng dựa trên các nền tảng (platform) hình thành trên các nền tảng trật tự đa cực (mỗi cực là một nút trục chính) của mạng lưới và những mạng lưới kinh tế-chính trị-xã hội. Đại đồng không phải là cào bằng sự bình đẳng theo cách quân bình chủ nghĩa mà là sự bình đẳng từ đồng đẳng và thuận thiên theo cách thức chúng ta nhận thức được rằng sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi tầng lớp đều chỉ có thể bền vững dựa trên sự duy trì một thang bậc trật tự xã hội có tính ổn định nhất định trong mỗi không-thời gian.
Trong cái xã hội ấy, không thể có sự sống còn của người này mà loại bỏ những người khác, mâu thuẫn-xung đột-chiến tranh tuy là một tồn tại tất yếu, nhưng vẫn phải luôn hóa giải để khép lại một vòng tròn tiến hóa (cycloid) theo hướng chung vận mệnh sau mỗi sắp xếp lại trật tự như một yếu tố sống còn cho sự tồn tại của mình như một cấu phần không thể tách rời của một hệ sinh thái-xã hội.
Chung vận mệnh trở thành một phương thức duy trì trật tự xã hội của xã hội mạng lưới dựa trên việc hình thành các hệ sinh thái kinh tế-xã hội-chính trị.
Chính bởi cái nền tảng của một hệ sinh thái đó, hài hòa trở thành phương cách cần thiết để giữa các tầng lớp, giữa các mạng lưới và ngay trong mỗi hệ sinh thái, đạt được sự cân bằng sinh thái vốn là tất yếu cho sự ổn định phát triển của tiến trình tiến hóa. Những đột phá mang tính bất ổn định mạng lưới sẽ là nguy cơ nếu chúng tạo nên sự xung đột, nhưng sẽ là cơ hội nếu nó thúc đẩy sự hài hòa của mạng lưới, giúp cho mạng lưới phát triển.
Mọi sự tồn tại đều có lý do và sự hợp lý của nó. Do vậy, trước khi bắt đầu một sự phủ định biện chứng, chúng ta phải nhìn vào lý và sự hợp lý đó, để phủ định không phải là phủ định, mà phủ định mang tính phát triển, chỉ có như vậy xã hội hài hòa mới hình thành và sự hài hòa mới đâm chồi nẩy lộc cho một sự phát triển bền vững.
Những tư duy về cách thức cân bằng lợi ích-chi phí đã là một cách thức không còn phù hợp trong kỷ nguyên mới. Chúng ta cần nhận thức về một tương lai mới, dựa trên tiến trình khoa học-kỹ thuật-công nghệ thông qua tiến trình chuyển đổi số, định hình nên những nền tảng của một công nghệ mới công nghệ nhân sinh (human-technology).
Không phải máy móc sẽ thay thế con người mà trong xã hội ấy, con người và máy móc không còn là những mặt đối lập tách rời, mà trở thành hai mặt của một chủ thể biện chứng. Khi con người nhìn thấy ở chính những phát minh của mình tính nhân văn, và đồng thời, đưa nhân vân vào chính những phát minh của mình như một yêu cầu tất yếu cho sự tồn tại mang tính tiến hóa của con người.
Con người phải là trung tâm của tiến trình tiến hóa-phát triển. Mọi ứng dụng công nghệ, mọi phát minh, mà ở đó sự loại trừ con người, vai trò của con người và không vì con người đều là một sự phản phát triển.
Việt Nam chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để hướng tới một tầm cao phát triển mới. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ có định hướng, mới chỉ có tiền đề, mà còn thiếu một phương thức mang tính phương tiện cho công cuộc này.