Sự gia tăng nhiệt độ và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là mưa bão, đòi hỏi các thị trấn và thành phố của Brazil phải lên kế hoạch dự phòng, bao gồm tăng cường giám sát, phản ứng nhanh và có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả.
Người dân phải ý thức được nguy cơ và những việc cần làm khi các cơ quan chức năng cảnh báo thảm họa sắp đến. Việc xây dựng quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng phù hợp cũng góp phần quan trọng để giảm thiểu thiệt hại.
Các khuyến nghị trên là kết quả của một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Natural Hazards. Nhóm tác giả đã phân tích chi tiết các vụ sạt lở đất xảy ra ở São Sebastião, một thị trấn ven biển phía Bắc bang São Paulo, Đông Nam Brazil, vào ngày 18-19/2/2023. Họ kết luận rằng không có kế hoạch dự phòng hiệu quả nào được thực thi ở nơi đây, bất chấp những cảnh báo do Trung tâm Cảnh báo sớm và Giám sát thảm họa quốc gia (CEMADEN) đưa ra trước đó vài ngày.
Các vụ sạt lở đất bắt nguồn từ lượng mưa lớn chưa từng có trong khu vực này – 683 mm trong vòng chưa đầy 15 giờ, so với mức trung bình hằng tháng là 300 mm. Ít nhất 65 người chết và hàng trăm người mất nhà cửa, tàn phá cơ sở hạ tầng cùng nhiều thiệt hại vật chất khác. Chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực này.
“Người ta không thực sự ý thức được rằng có cảnh báo về một thảm họa sắp diễn ra ở São Sebastião. Những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khi lượng mưa cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, chúng ta chỉ có thể giảm bớt thiệt hại bằng cách thực hiện các hoạt động phòng ngừa ở mọi giai đoạn”, nhà khí hậu học Jose Antonio Marengo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của CEMADEN, tác giả liên hệ của bài báo, cho biết.
Marengo cũng là đồng tác giả của hai bài báo xuất bản năm ngoái trên tạp chí Weather and Climate Extremes và Natural Hazards and Earth System Sciences về đợt lũ lụt và lở đất ở Petrópolis (15/2) và Recife (25-28/5) vào năm 2022. Hơn 230 người ở Petrópolis và hơn 130 người ở Recife đã thiệt mạng do lượng mưa lớn, lên tới 551 mm (nhiều hơn 140 mm so với mức trung bình trong tháng 5).
Các nhà nghiên cứu nhận định, ngoài lượng mưa lớn trong thời gian ngắn, nguyên nhân dẫn đến thảm họa trong cả hai trường hợp trên đều do mở rộng đô thị ngoài quy hoạch trên địa hình đồi núi, làm mất thảm thực vật. Ngoài ra còn những vấn đề liên quan đến hệ thống cảnh báo sớm, bất cập khi sơ tán người dân sống ở khu vực nguy cơ cao.
“Tượng tự các nghiên cứu về thảm họa ở Recife và Petrópolis, công bố mới của chúng tôi không chỉ nghiên cứu về mặt khí tượng mà còn đưa ra các khuyến nghị thực tế. Chúng ta cần nâng cao nhận thức rằng các nhà dự báo thời tiết có thể và đưa ra những cảnh báo sớm về thảm họa, và phản ứng phải mang tính đa ngành”, Marengo nói.
Cụ thể, “khi đối phó với những thảm họa môi trường, CEMADEN sẽ đưa ra cảnh báo cho các đơn vị phòng thủ dân sự của tiểu bang và thành phố, phối hợp với lực lượng cứu hỏa để cảnh báo người dân và sơ tán những khu vực có nguy cơ cao. Trong thảm họa ở São Sebastião, cơ quan phòng vệ dân sự đã nhận được cảnh báo và xây dựng các kịch bản trước đó vài ngày. Vấn đề là sự đứt gãy ở mắt xích yếu nhất: những người dễ bị tổn thương”.
“Mặc dù các cảnh báo đã được đưa ra từ trước nhưng có rất ít phản ứng từ cộng đồng. Điều này cho thấy hệ thống cảnh báo sớm chưa hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, cần cải thiện các chính sách công, hoạt động truyền thông, cũng như triển khai các hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ để giảm thiểu rủi ro ở những khu vực dễ bị tổn thương”, Marengo nói.
Nhóm nghiên cứu cho rằng một hệ thống cảnh báo sớm “thực sự hiệu quả” sẽ giúp xác định các mối đe dọa sắp xảy ra, đưa ra cảnh báo kịp thời, đảm bảo người dân và các khu vực có nguy cơ nắm bắt được thông tin và hành động dựa vào đó.
Thanh An lược dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2024-06-early-avert-disasters-due-extreme.html#google_vignette