Sáng 26/10/2024, Trung tâm Nghiên cứu Bồi dưỡng và Tư vấn Kinh tế đối ngoại (Feretco) phối hợp với Hội Hữu nghị Việt-Bỉ tổ chức Tọa đàm “Quản trị sự thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số”. Buổi tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Bồi dưỡng và Tư vấn Kinh tế đối ngoại (Feretco). Đây là cơ hội để cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Ngoại thương gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia đến từ doanh nghiệp, nhà trường về câu chuyện về chuyển đổi số và quản trị sự thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam trong bối cảnh mới.
Buổi tọa đàm diễn ra với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở cùng sự tham gia của TS. Nguyễn Hồng Quang – chuyên gia, giảng viên ngành khoa học máy tính, Viện quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Trương Anh Quân – Phó Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số DTSI; Ông Ngô Quý Nhâm – Tư vấn trưởng Công ty cổ phần Tư vấn Quản lý và Công nghệ Delta; TS. Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam. Về phía Ban Tổ chức Tọa đàm, Trường ĐH Ngoại thương có sự hiện diện của PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, Phó chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt – Bỉ; PGS, TS Vũ Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; TS. Nguyễn Quốc Định – Quyền Trưởng phòng Hợp tác Đối ngoại, Trường ĐH Phenikaa; Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Bỉ; TS. Nguyễn Trọng Hải – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bồi dưỡng và Tư vấn Kinh tế đối ngoại (Feretco); TS. Vũ Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Feretco, Ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt – Bỉ cùng các đại diện doanh nghiệp đối tác của Trung tâm Feretco.
Khai mạc tọa đàm, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương – ông Bùi Anh Tuấn phát biểu rằng tiến trình chuyển đổi số toàn xã hội nói chung và trong các trường đại học nói riêng là xu thế phát triển của hiện tại. Trường Đại học Ngoại thương đã và đang tham gia vào tiến trình đó. Buổi tọa đàm hôm nay là cơ hội để các diễn giả, các đại diện doanh nghiệp và các sinh viên chia sẻ và thảo luận nhằm thấu hiểu hơn về chuyển đổi số và các vấn đề liên quan đến nó.
Diễn giả khách mời, ông Nguyễn Hồng Quang – Nguyên Chủ tịch CLB Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) mở đầu tọa đàm với thuyết trình về “Sử dụng và phát triển tài nguyên Nguồn mở đúng để chuyển đổi số tự chủ và bền vững”. Theo ông Nguyễn Hồng Quang, nguồn mở và chuyển đổi số có mối liên hệ với nhau. Phần mềm nguồn mở cung cấp nền tảng cho sự đổi mới và hợp tác và chuyển đổi số cho phép các tổ chức khai thác sức mạnh của công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng và duy trì khả năng cạnh tranh.
Tiếp đó, diễn giả Trương Anh Quân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp dữ liệu và tích hợp hệ thống (DSSI), Ủy viên UBTW khóa VII – Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch CLB Công nghệ và Chuyển đổi số, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) đem đến buổi tọa đàm những chia sẻ đúc kết từ thực tiến về “Vai trò của kiến trúc dữ liệu nền tảng trong tiến trình chuyển đổi số”. Kinh nghiệm hơn 15 năm hoạt động với vai trò Chuyên gia tư vấn, thiết kế, triển khai các hệ thống giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp và Tập đoàn trong và ngoài nước, ông Trương Anh Quân nêu lên thực trạng các doanh nghiệp áp dụng phần mềm nhưng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. “Đa phần doanh nghiệp và cá nhân thường bắt đầu từ làm gì, làm thế nào mà chưa thực hự hiểu mục tiêu hay lý do tại sao phải làm việc đó” – ông Quân bày tỏ. Ông Quân cũng nhấn mạnh rằng: “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới. Tư duy số là chuyển mọi thứ thành cả hữu hình lẫn vô hình trở nên đo được, đếm được, tính toán được. Chúng ta cần phải tư duy theo cách mới, góc nhìn mới, phá bỏ giới hạn về mặt tư duy để thay đổi hiện trạng.”
Kiến trúc dữ liệu nền tảng giúp doanh nghiệp linh hoạt trong khuôn khổ, vận hành linh hoạt, kết nối được với nhau. Từ nền tảng đó doanh nghiệp có thể đồng bộ hóa, gắn kết các bộ phận thành một tổng thể chặt chẽ, chuyển đổi từng phần dựa trên tổng thể đó và thay đổi phù hợp theo mục tiêu của từng doanh nghiệp. Kiến trúc dữ liệu nền tảng cũng góp phần giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định kịp thời và đúng đắn.
Ông Ngô Quý Nhâm, phụ trách bộ môn Quản trị nhân lực tại Trường Đại học Ngoại thương, đồng tình với diễn giả Trương Anh Quân về các nguyên nhân thất bại của chuyển đổi số, bao gồm tầm nhìn không rõ ràng, lãnh đạo thiếu cam kết, đội ngũ thiếu lòng tin và kỹ năng quản lý thay đổi kém, vấn đề ngân sách, và sự tập trung quá mức vào công nghệ. Ông nhấn mạnh cần thay đổi trong công tác quản lý để đạt được mục tiêu chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cần thực hiện những biện pháp như đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, nâng cao nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, quy trình, và kỹ năng số. Đồng thời, họ cũng phải xây dựng tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược rõ ràng để đảm bảo quá trình chuyển đổi số thành công.
Buổi tọa đàm “Quản trị sự thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số” đã để lại nhiều bài học quý báu và những ý tưởng mới về quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam. Những chia sẻ sâu sắc từ các diễn giả và phần thảo luận cởi mở, các đại biểu và sinh viên tham dự đã có cái nhìn sâu hơn về những yếu tố cần thiết để chuyển đổi số thành công.